Nguyễn Thơ Sinh
Hè đã cuốn gói dù vẫn còn nấn ná chùng chình. Covid 19 vẫn dửng dưng đủng đỉnh như ả đĩ chơi trăng. Nó chẳng việc gì phải vội vã. Và người ta lại có dịp tản mản về mùa lá rụng – một khoảnh khắc tuyệt vời trong năm. Nhà thơ sẽ nghĩ đến thu rơi, đến lá vàng, những con sóc nhỏ vội vã mùa hạt dẻ. Chẳng mấy mà đông về. Tiếc hùi hụi những ngày hanh vàng mát mẻ sẽ qua mau. Thế. Thời gian lẳng lặng trôi qua, từng tờ lịch một…
Tìm lại cho mình một thoáng hư không? Khó đấy…
Bữa ăn sau thánh lễ ngày Chủ nhật có khách xa ghé thăm, hơi trễ cho điểm tâm nhưng còn sớm cho bữa trưa. Chúng ta đến nhà hàng nhá. Tôi xin được phép đãi mọi người. Không, ai lại làm thế. Các vị là khách, nhiệm vụ của chúng tôi là được tiếp đãi tử tế. Không, bọn mình nói thật mà. Thì đây cũng nói thật. Thôi ta cứ đi cái đã. Ai trả tiền đến đó tính sau.
Rổ táo tàu (loại trái nhỏ, hao hao giống táo gai bên nhà ngày xưa) vàng thẫm được bưng ra. Mọi người vẫn đang nói dở câu chuyện nên chưa muốn đứng lên. Những quả táo da nâu trong rổ được chọn trước tiên. Đưa lên miệng cắn, vỡ òa tiếng kêu giòn xốp. Ngọt quá. Dạ mua của mấy người Lào họ mang vô hãng bán dạo. Ngon thiệt. Để lát em đùm cho hai chị một bọc mang về…
Đó là bức chân dung nho nhỏ của khoảng khắc thu. Đêm về tiết trời mềm dịu hẳn hại. Cái nắng khô khốc hỗn hào tầm đầu tháng sáu đổ đi đang cuốn gói. Nó thích phá phách. Song như bao thứ trên đời buộc phải tuân theo định luật tự nhiên, nó không thể tha hồ nấn ná mãi, muốn làm gì thì làm. Sáng ra. Không khí trong lành như khăn voan mỏng, gió không cỡn nhưng da thịt vẫn rười rượi cảm giác thanh bình. A. Thu đã về. 21 tháng 09. Dễ chịu quá các bạn ơi.
Những con số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn chóng mặt. Từ Florida đến Texas, California. Đâu đâu cũng thấy nghe nói đến các ca nhiễm. Tại sao số người chết cuối cùng lại không nhiều. Có lẽ (một phần) người cơ thể yếu, người mang bệnh nền (preexisting conditions), những cá nhân dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm Covid-19 đã lần lượt ra đi từ năm ngoái. Hoặc con số ca nhiễm không được báo cáo chuẩn xác (vì mọi thứ đã bị chính trị hóa, tin tức không kiểm chứng được nên người ta dễ hoài nghi vào những gì được nghe thấy).
Ông chú với hai cô con gái lái xe đến thăm mấy đứa cháu. Mới có hai năm không gặp trông đã khác hẳn. Một dạo nét tự tin bởi ông chú một đời chính trực thẳng ngay, một cơ thể vạm vỡ khỏe mạnh, thấy công việc là bắt tay không chút lưỡng lự (nay tuổi đã cao, ngoài thất tuần) đã xuống sắc. Dáng ông chú gầy hẳn, má sọp đi, tóc ngả màu bạch kim gần hết, đôi mắt chậm lại, tiếng nói bắt đầu có dấu hiệu rung rung…
Chuyện kể ra. Sụt cân không rõ lý do. Chắc do kiêng ăn. Tôi bị tiểu đường mà. Lại thêm cái tật bị hen suyễn nữa. Ủa, đâu thấy nói chú bị hen suyễn. Ờ thì cũng có, nhưng không nặng nên không nói ra. Vậy giờ hen suyễn nó làm khó chú hả. Ông chú gật đầu. Bị hen suyễn mà dính vô Covid-19 sẽ rất phiền toái.
Mấy đứa chích ngừa chưa? Dạ chích hết rồi. Tốt lắm. Thì cũng phải ráng thôi chú ơi. Chính phủ cung cấp thuốc chủng ngừa mình cũng nên nghe theo khuyến cáo của khoa học. Số ca nhiễm Covid-19 cao nhưng ít người chết là nhờ vào số người chích ngừa đông. Tụi cháu nghe nói người chích ngừa xong vẫn bị nhiễm nhưng triệu chứng không nặng, họ ít phải nhập viện, tỷ lệ tử vong vì thế rất thấp.
Bên nhà mấy đứa sao rồi? Dạ tình hình Covid-19 nói chung vẫn đang căng lắm. Thì nó là đại dịch toàn cầu, đâu đâu cũng căng chứ đâu riêng gì Việt Nam. Dạ nghe nói mấy tỉnh miền Tây hiện đang bị nặng. Sài Gòn thôi khỏi nói, tình hình thê thảm bi đát lắm. Bay có tin gì mới không? Dạ nghe nói bây giờ Việt Nam xe cứu thương chạy ngoài đường không hụ còi nữa. Sao vậy? Nghe nói để tránh những ảnh hưởng dao động tư tưởng trong dân chúng. Ờ, nghe cũng có lý. Có thể xe cứu thương không hụ còi vì đường sá bây giờ vắng hoe, không ai ra đường, hụ còi cũng như không. Còn giả sử người đông như lớp trước Covid-19 có nặng gấp mười lần xe cứu thương vẫn phải hụ còi (vì không hụ còi xe cứu thương không đâm người thì người cũng đâm vào xe cứu thương).
Mọi người cùng ồ lên cười.
Cuối cùng là sự đồng thuận: Nhằm tránh những dao động tư tưởng một cách không cần thiết trong dân chúng đang trong tâm bão đại dịch Covid-19 các xe cứu thương phải tắt còi hụ để dân bớt hoang mang.
Sài gòn bị nặng nhất. Đồng Nai và Bình Dương cũng bị nặng. Nay đến lượt Kiên Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Long An… Tình hình nói chung không thể ổn định nhanh chóng được. Xã hội sẽ mở cửa. Một số doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại. (Cái này nghe quen quen.) Nhà hàng có cho mở cửa không, hả mấy đứa. Dạ có. Nghe nói chỉ cho phép bán cho người mua mang đi (to go only). Ăn tại chỗ không cho phép quá mười người một lúc. Khổ. Chưa bao giờ tình hình lại xấu đến thế.
Chuyện kể ra… Quân đội được huy động giúp dân đi chợ. Rồi nhiều chợ trực tuyến online mọc lên như nấm dại. Từ rau, củ, quả cho đến bao mặt hàng thiết yếu khác, tất thảy đều được bán trên mạng. Từ order nhỏ như trái dưa leo, củ hành tây cho đến những order lớn hơn như thùng bia, quả sầu riêng bốn ký, thùng mì gói… Rất may đội ngũ giao hàng (shipper) hoạt động khá nhịp nhàng. Sài Gòn nhìn bề ngoài gần như tê liệt, nhưng bên trong và đằng sau những li bì mệt mỏi vẫn là những sinh hoạt ở mức độ cầm chừng. Thiên hạ an ủi nhau. Rồi đây mọi cái sẽ qua. Sài Gòn sẽ hồi phục từ từ. Thế là kiên nhẫn bỗng trở nên hết sức cần thiết và quan trọng!
Bây giờ mấy đứa sinh hoạt ra sao? Dạ nhà cháu, bà xã với mấy đứa nhỏ đi làm nails hết chú ơi. Sống được không? Dạ tốt lắm. So với đi làm hãng khá hơn nhiều. Thời thế đổi thay. Hồi đó Mỹ cũng có tiệm nails nhưng người Việt không làm nails nhiều như bây giờ. Đa số họ làm hãng, vừa có bảo hiểm, có phúc lợi, vừa ổn định hơn. Rồi dần dần hãng xưởng dời sang Trung Quốc. Hãng nào còn trụ lại, thở phào vì lao động phổ thông Mỹ thừa hẳn ra. Dân đi làm hãng bây giờ công việc nặng hơn, lương thấp hơn, lựa chọn cũng ít hơn. Nay nghề nails bỗng giải quyết một phần lớn công ăn việc làm cho người Việt. Chỉ cần chịu khó một chút. Ráng học lấy cái bằng. Trẻ thì học đắp bột, học nhúng (dip) – vốn đang rất ăn khách, chỉ cần biết giũa sơ sơ. Còn lớn tuổi thì “chân tay nước”, cọt quẹt đắp đỗi, cộng với khoản tiền típ so ra vẫn khá hơn đi làm hãng, làm chợ, làm nhà hàng rất nhiều.
Ông chú hỏi han mấy người cháu họ xa bằng tình cảm chứa chan đôn hậu. Trà không hãm, chỉ mời nhau chai nước lọc. Ông chú nhìn đám cháu – Cảm ơn Ông Trời, mấy đứa qua Mỹ sau này mới có ít năm nhà cửa đã khang trang đề huề. Xe đẹp, xe mới. Thấy các cháu đời sống tự tin chú cũng vui lây. Hóa ra khi mấy đứa đến Mỹ có tiền dằn lưng, khác hẳn với thế hệ chú đến Mỹ những năm sau 1975 ra đi chỉ mang theo mấy thứ dính trên người!
Sắp tới giờ đi làm chưa? Ông chú nhìn một đứa cháu họ, giọng ân cần hỏi. Dạ cháu còn ngồi chơi với chú khoảng mười lăm phút nữa. Mình làm công việc gì vậy? Dạ cháu đi rửa chén nhà hàng. Cực lắm không? Dạ làm riết nên cũng thấy quen rồi. Thôi, bay ráng lên, còn trẻ mà. Vâng. Lao động là vinh quang mà chú. Mấy đứa có biết Lễ Lao Động bên Mỹ vừa mới cách đây mấy tuần? Dạ tụi cháu có nghe nói qua.
Tình hình Afghanistan mấy đứa có ý kiến gì không? Anh em bọn cháu chuyện chính trị, chính em dở lắm. Nghe vậy, biết vậy, không có ý kiến ý cò gì nhiều, chú ạ. Khổ cho dân xứ người ta. Nhiều gia đình bị xáo trộn. Xã hội gặp khó khăn. Bình thường đã chật vật, nay gặp phải biến cố khốc liệt này, họ cũng là con người bình thường, mọi thứ bị đảo lộn mất nhiều công sức mới có thể hòa nhập bình thường trở lại (nếu họ may mắn có được cơ hội đó…)
Gió vẫn thổi nhẹ. Thời tiết dự báo hôm nay 92 độ F. Còn nóng đấy nhưng so ra có phần dễ chịu hơn mấy tuần trước nhiều. Qua tuần chỉ còn hơn tám mươi độ F. Nhiều cây lá trên cành đã rục rịch ngả vàng. Những con ve cuối mùa đang thu vén nhặt nhạnh, cất lên bản tình ca mùa hè cuối cùng mà chúng muôn thuở coi đó là tuyên ngôn sinh học giống nòi truyền lại từ đời nọ qua đời kia.
Ông chú họ xa đôi mắt mơ màng như đang thả hồ vào một cõi u tịch xa xôi nào đó. Rồi ông như choàng tỉnh lại. Trước sân nhà đậu kín xe. Căn nhà duplex xây gạch đỏ (sửa lại thành nhà một căn, rồi cơi nới, sửa chữa, ngay đến garage cũng biến thành căn hộ nhỏ. Sau đó phía sau nới ra được hai units nữa). Cả thảy có đến bốn gia đình quay quần sống bên nhau. Tiết kiệm là tiêu chí. Khoảnh sân nhỏ trước mặt con mèo lông vàng nằm ườn phơi nắng, đài các và bình an vô sự đến không ngờ.
Về đêm chú ngủ tốt không? Vẫn ngủ được mỗi đêm chừng sáu giờ. Vậy là còn tốt đó ấy, chú ơi. Có điều ăn uống phải dè chừng, phải kiêng cữ lại. Dạ, tụi cháu mới ngoài năm mươi cũng đã thấy oải lắm rồi.
Cứ thế câu chuyện trôi đi. Thảng hoặc ông chú vẫn nhắc đến mấy điểm nóng thời sự. Chắp vá từ những thông tin rời rạc đó đây, trong giọng nói hiền hòa mộc mạc của ông là nỗi băn khoăn về các chính sách do Tổng thống Joe Biden đưa ra. Chuyện rút quân ra khỏi Afghanistan. Những hứa hẹn về một hồ sơ Biển đông và những chính sách đối đầu với Trung Quốc. Rồi chuyện Covid-19 hoành hành khắp nơi. Tình hình kinh tế Việt Nam lâm cảnh điêu đứng kiệt quệ. Hàng núi những hợp đồng gia công bị trả ngược về Trung Quốc. Những quan ngại về kinh tế Mỹ sắp tới, những đổi thay ngoài tưởng tượng, đi đâu cũng thấy bảng thuê người nhưng bức tranh thực tế hoàn toàn trái ngược. Vâng. Cứ thế, bao nỗi ưu tư mơ hồ lo lắng xa xôi, Covid-19 và hệ lụy của nó, khí hậu toàn cầu thay đổi, động đất tại Mexico, cháy rừng xảy ra liên miên khắp nơi, trái đất đang nóng lên, khủng hoảng nhân sinh tại Afghanistan và Châu Phi…
Giữa lúc đó đời người vẫn mong manh như chiếc lá…
Xoay giữa hư không bao thân phận mong manh kiếp người. Một đời với bao lần được mất. Bể dâu và toan tính. Những va quật kiếp nhân sinh cuối cùng vẫn là những sờn gợn lấn cấn khoản nợ đồng lần vay vay, trả trả. Ta mắc nợ nhiều người, rồi đến lượt họ chịu ơn kẻ khác, những giao thoa đắp đỗi, những giẫm đạp chồng tréo, xã hội như tấm thảm dệt nên từ những sợi chỉ với bao gam màu đậm nhạt (trong đó sự hiện diện thân phận đời người càng khắc họa rõ hơn định luật “một cõi đi về” với bao điêu linh thấm thía).
Tháng chín trời thu. Khát khao một bình yên đơn giản (không dám nghĩ đến những mơ tưởng ngọt ngào trọn vẹn), song giá như một sáng thức dậy mọi cái bỗng khác hẳn. Covid-19 biến mất. Các loa truyền thông không bôi nhọ và thóa mạ lẫn nhau nữa. Thiên hạ không phải ầm ỹ chuyện đeo khấu trang hay không đeo (vì hiệu quả mục đích của nó đã quá rõ). Các chính khách được dân tín nhiệm bầu cử sẽ bận rộn nhiều hơn nữa trong việc tìm ra những sách lược đem lại lợi ích cho dân chúng thay vì tập trung vào những mưu chước, quỷ kế, những đấu khẩu, những đâm thọc ngáng chân, tổn hao một nguồn năng lượng lớn lẽ ra không nên lãng phí.
Vâng. Tháng chín trời thu…
Với cộng đồng Việt, mơ ước một ngày họ sẽ bắt tay nhau. Con cháu Âu Lạc sẽ thôi không cãi vã căng thẳng bởi các hồ sơ tư tưởng đảng phái “con voi, con lừa” nữa. Sẽ dừng lại chuyện “Trump tốt hay Biden xấu”. Tiết trời đã mát dịu nhiều trở lại, biu điện sẽ rẻ hơn vì máy lạnh bớt hoạt động. Mùa dưa hấu cuối cùng đã hạ màn. Lấp ló nay mai là Halloween, rồi Lễ Tạ Ơn… Liệu có đã đến lúc bạn bè thôi không bực nhau nữa, làm lành trở lại, I’m sorry. Đời người mà, ngắn lắm quý vị ơi.
Vâng. Mong thay tháng chín mùa thu năm nay sẽ là khởi điểm chân thành nhất của những tiến trình chữa lành thực sự, trong tâm tưởng cũng như trong hành động.
Nguyễn Thơ Sinh