Mộc Trà
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull sóng đôi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi họ đi bộ dọc theo bờ biển Sydney Harbour ở Sydney vào ngày 25 tháng 3 năm 2017. (Ảnh: DAVID GRAY / AFP qua Getty Images)
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 16/9 thông báo nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới được ký kết năm 2018 tại Chile. Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối. Tuy nhiên, xem ra con đường gia nhập của Bắc Kinh vẫn trùng trùng khó khăn, mà “hòn đá tảng” lớn nhất ngăn cản chính là Úc – “oan gia” mà Trung Quốc hay “va mặt” ở các bước đường ngoại giao với các quốc gia dân chủ.
Australia tuyên bố phản đối Trung Quốc gia nhập CPTPP, trừ khi Bắc Kinh ngừng tấn công hàng xuất khẩu của họ và nối lại liên lạc cấp bộ trưởng: “Như chúng tôi đã truyền đạt tới Trung Quốc, đây là những vấn đề quan trọng đòi hỏi sự tham gia của các bộ trưởng”, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết hôm 17/9.
Theo ông Tehan, Bắc Kinh không thể gia nhập CPTPP cho đến khi thuyết phục được các thành viên về khả năng tuân thủ những hiệp định thương mại hiện nay, cũng như các điều kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). “Các thành viên CPTPP muốn tự tin rằng ứng viên gia nhập sẽ thực hiện đầy đủ những cam kết trong hiệp định một cách thiện chí”, Bộ trưởng Tehan nói.
Từ quan hệ cộng sinh biến thành quan hệ đối đầu trực diện
Trung Quốc đã chi tiền, và các chính trị gia Úc đã từng ‘xiêu lòng’
Trung Quốc chắc chắn đã chi tiền. Cuốn sách “Cuộc xâm lăng thầm lặng” Silent Invasion năm 2018 của giáo sư đạo đức người Úc Clive Hamilton, đã cho thấy tiền bạc đã chi phối mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc; từ các khoản quyên góp lớn cho các đảng phái chính trị; đến việc tiếp quản các phương tiện truyền thông địa phương bằng tiếng Trung; và những quà tặng xa xỉ cho các nhà báo và các chính trị gia đến thăm Trung Quốc…
Doanh nhân ”gây tranh cãi” sinh ra tại Trung Quốc (và là công dân Úc) Chau Chak Wing đã trao hàng chục triệu USD cho các trường đại học ở Úc, và quyên góp cho một loạt các hoạt động yêu nước của Úc như cho tổ chức từ thiện của các cựu chiến binh và Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc.
Ông Chau Chak Wing đã thắng nhiều lần trong các vụ kiện chống lại truyền thông Úc cáo buộc ông hối lộ và làm gián điệp cho Trung Quốc.
Trên quy mô lớn hơn nữa, từ năm 2016 đến 2018, ít nhất 8 công ty có liên kết với nhà nước Trung Quốc đã rót vốn đầu tư vào bang Victoria của Úc, sau đó chính quyền bang này đã chính thức ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), bất chấp cảnh báo của chính phủ quốc gia về điều này.
Năm 2018, nhiều chính trị gia trong giới tinh hoa của Úc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Trung Quốc, rằng Úc nên theo đuổi chính sách đối ngoại “độc lập”. Nghĩa là Úc nên cắt đứt quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ.
Các cựu Thủ tướng Paul Keating (đương nhiệm 1991-1996) và cố Thủ tướng Malcolm Fraser (1975-1983) đã khuyến nghị Úc rút khỏi liên minh Hoa Kỳ, trong khi cố thủ tướng Bob Hawke (1983-1991) đã có một sự nghiệp “sinh lợi” thứ hai nhờ vận động hành lang cho Bắc Kinh.
Và trở thành ‘oan gia’
Nhưng như Tổng thống Abraham Lincoln đã từng nói: “Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người một vài lần, hoặc đánh lừa một số người trong mọi lúc, nhưng bạn không thể đánh lừa tất cả mọi người vào mọi lúc được”.
Một bước ngoặt thực sự đã đến vào năm 2019 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo người Úc: “Bạn có thể bán linh hồn của mình để lấy một đống đậu nành, hoặc bạn có thể bảo vệ người dân của mình”.
Quan điểm của ông Pompeo đã gây được tiếng vang lớn đối với công chúng Úc, vốn luôn lo lắng rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đang làm suy yếu thể chế của nước họ.
Ông Malcolm Turnbull – thủ tướng Úc lúc bấy giờ đã điều chỉnh lại luật pháp để hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài. Sau đó, vào năm 2018, chính phủ Turnbull đã cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G của Úc vì lo ngại về bảo mật đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Mối quan hệ thực sự rơi xuống vực vào tháng 4/2020, khi chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc sự bùng phát coronavirus.
Bắc Kinh đã vô cùng giận dữ, họ đã sử dụng thứ vũ khí mà họ hay dùng để trừng phạt các quốc gia ngoan cố: cưỡng bức kinh tế.
Tuy nhiên, Canberra không hề nao núng. “Chúng ta chỉ cần giữ vững lập trường của mình. Nếu bạn nhượng bộ những kẻ bắt nạt, bạn sẽ được mời nhượng bộ nhiều hơn”, ông Turnbull nói.
2 năm gây gổ, Trung Quốc nhận toàn quả đắng
Than là mục tiêu mà Trung Quốc nhắm đến đầu tiên trong thương chiến. Lượng than nhập khẩu từ Úc của Trung Quốc đã sụt giảm ngay sau khi thương chiến bắt đầu: Tập đoàn dữ liệu kinh tế Refinitiv cho biết chỉ có 687.000 tấn than được xuất kho trong tháng 12 năm 2020, giảm 9,46 triệu tấn so với mức đỉnh vào tháng 6/2019.
Trung Quốc đã tự cắt nguồn cung rất lớn của mình vào đúng thời điểm toàn cầu thiếu hụt than đá. Trong khi đó, ngay lập tức có đối tác khác nhảy vào thế chân Trung Quốc ký hợp đồng mua than của Úc với trị giá 33,82 triệu tấn vào tháng 12/2020.
Kết quả là, giá than nhiệt điện tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Kể từ ngày 20/8, giá than trong nước đã thiết lập kỷ lục mới. Giá than nhập từ Úc tăng cao cộng với các biện pháp giảm phát thải khí gần đây của Bắc Kinh đã khiến cho Trung Quốc lâm vào cảnh thiếu điện trầm trọng, nền kinh tế công nghiệp của nước này có thể đang trên đà tê liệt!
Ngay từ cuối tháng 5/2021, tỉnh Quảng Đông đã bắt đầu mô hình “tiêu thụ điện theo ca”, thực hiện luân phiên vào thứ 3 hàng tuần. Trong thời kỳ cao điểm tiêu thụ điện, việc sản xuất và tiêu thụ điện sẽ buộc phải ngừng lại, chỉ giữ lại phụ tải bảo quản và giữ nhiệt.
Tại nhiều tỉnh và thành phố ở miền Trung Trung Quốc, việc sử dụng thang máy trong cộng đồng bị hạn chế, thời gian bật đèn đường trong thành phố và mở điều hòa nhiệt độ trong nhà bị cắt giảm.
Ông Zhong Dajun, Giám đốc Công ty Tư vấn Kinh tế Bắc Kinh Dajun Think Tank, cho biết: Thiếu điện sẽ dẫn đến hàng loạt nguy cơ, bởi vì một số công ty nếu không có điện thì không thể sản xuất, sản lượng sẽ giảm. Điện thực sự là dòng máu của ngành công nghiệp. Nếu nguồn điện bị cắt, toàn bộ nền kinh tế công nghiệp có thể đứng trên bờ vực tê liệt.
Các nhà phân tích cho biết, nếu Trung Quốc cắt nguồn cung cấp than của Australia thì dù có tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế từ Ấn Độ, Brazil, v.v. thì vẫn phải tiến hành đàm phán hợp đồng. Trong quá trình chuyển đổi năng lượng này, nền kinh tế và người dân Trung Quốc sẽ gánh hậu quả. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay hoặc nửa đầu năm trong năm tới, có thể bị ảnh hưởng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với quặng và tinh quặng đồng. Úc từng là nhà cung cấp lớn thứ năm của đại lục cho các sản phẩm này. Nhưng giờ đây, sự thiếu hụt toàn cầu đang khiến giá nhập khẩu quặng đồng của Trung Quốc tăng vọt, đẩy các nhà máy luyện kim của nước này đến bờ vực phá sản.
Australia dường như đã nắm thế thượng phong trong cuộc tranh chấp thương mại này: Ngay sau khi Trung Quốc áp thuế 80,5% đối với lúa mạch Úc ( tháng 5/2020), xuất khẩu ngũ cốc đã tăng lên 1,19 tỷ đô la Úc vào tháng 12/2020, mức cao nhất từng được ghi nhận.
Càng dấn sâu vào thương chiến với Úc, Trung Quốc càng lộ rõ ‘tử huyệt’
Theo ông Michael Schuman, là tác giả của Superpower Interrupt: The Chinese History of the World và The Miracle, điều bất ngờ đã xảy ra: Trung Quốc, một cường quốc đang lên với 1,4 tỷ dân và nền kinh tế trị giá 14,7 nghìn tỷ USD, đang dẫm đạp lên một quốc gia 26 triệu dân với quy mô nền kinh tế chưa bằng 1/10. Nhưng trong chuỗi cung ứng phức tạp ngày nay, các quốc gia nhỏ cũng có thể sở hữu những vũ khí khó lường. Và cục diện dường như đã thay đổi: Một Trung Quốc muốn thay đổi cả thế giới nhưng thậm chí không thể lay chuyển nổi một nước láng giềng nhỏ bé đang “vỗ mặt” mình.
Tranh chấp đang diễn ra giữa Úc và Trung Quốc có vẻ như chỉ là một vấn đề song phương của 2 quốc gia. Nhưng nó lại quan trọng đối với toàn thế giới: Thứ nhất, Úc là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, vì vậy các hành động của Trung Quốc đối với nước này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả chính sách và vị thế của Washington trong khu vực. Thứ hai, Australia là hình ảnh tiêu biểu của nhiều quốc gia có mối nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nhưng lại muốn thoát khỏi sự kìm kẹp về chính trị của quốc gia này.
Do đó, mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước tiết lộ nhiều điều về cách mà Bắc Kinh có thể và không thể sử dụng sức mạnh ngoại giao và kinh tế ngày càng tăng của họ để đối phó với các quốc gia đang tìm các đứng lên chống lại Trung Quốc – như Úc.
“Úc thực sự là một con chim hoàng yến trong mỏ than”, ông Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth US Asia, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại, nói. “Bạn nên quan tâm đến những gì đang xảy ra ở đây, vì nó là bài học cho tất cả mọi người”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc “đang cố gắng đe dọa chúng tôi”, cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói. “Nhưng điều đó hoàn toàn phản tác dụng … Nó không tạo ra sự tuân thủ hoặc tình cảm nhiều hơn”, hoàn toàn ngược lại, “Nó đang xác nhận tất cả những lời chỉ trích mà mọi người đã nói về Trung Quốc”, ông tuyên bố.
Cho đến giờ, Bắc Kinh đã không thể gây ra đòn đau đủ để buộc Canberra phải nhượng bộ. Ông Wilson lưu ý rằng lượng xuất khẩu mà họ đã mất chỉ chiếm 0,5% tổng sản lượng quốc gia của Úc – hầu như không đủ tạo ra cơn địa trấn nào.
Tuy nhiên, theo ông ông Michael Schuman, chiến dịch gây áp lực của Bắc Kinh đã “thành công” rực rỡ ở một khía cạnh quan trọng: Khiến người Úc chán ghét Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Viện Lowy, 63% số người được hỏi nói rằng họ coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hơn là một đối tác kinh tế của Australia. Được sự ủng hộ của công chúng như vậy, các chính trị gia càng tận dụng sự căng thẳng với Trung Quốc để lấy lòng dân chúng, thậm chí các chiến thuật đe dọa và ép buộc của Bắc Kinh càng khiến sự đoàn kết của người Úc được củng cố.
Những bế tắc trong mối quan hệ này đã cho chúng ta biết về vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Cuối cùng, nỗ lực của Bắc Kinh sử dụng Úc để cảnh báo các quốc gia khác về cái giá phải trả khi từ chối quyền lực của Trung Quốc, thay vào đó lại làm nổi bật sự yếu kém của Bắc Kinh.
Trung Quốc vẫn quá phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, họ vẫn thiếu các công cụ để thể hiện sức mạnh của mình ra ngoài biên giới (nếu là Mỹ, họ sẽ tận dụng ưu thế của đồng USD để mở rộng phạm vi tiếp cận của mình). Thay vì khiến các chính phủ khác phải im lặng buông xuôi, chiến dịch không thành công chống lại Australia có thể khuyến khích họ đứng lên chống lại Trung Quốc – về những giá trị mà họ coi là quan trọng cốt lõi.
Tất nhiên, Australia có thể đối đầu với Bắc Kinh chính là vì họ có sự thống nhất về chính trị – đây là điểm mấu chốt rút ra từ câu chuyện của Úc.
Đồng thời, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Úc có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho các mối quan hệ kinh tế của Bắc Kinh với các quốc gia khác. Nhiều nhà lãnh đạo sẽ nhận ra rằng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của họ, và như ông Wilson suy đoán, dẫn đến “định giá lại rủi ro chính trị về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc”.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục: Các ‘oan gia’ vẫn tiếp tục gặp nhau ở ‘ngõ hẻm’
Cuộc chiến vẫn diễn vô cùng gay gắt. Vào tháng 4/2021, ngoại trưởng Australia đã hủy bỏ 2 thỏa thuận của chính quyền bang Victoria trong khuôn khổ dự án Vành đai và Con đường. Vào tháng 5, các quan chức Trung Quốc đã đình chỉ một cuộc đối thoại kinh tế song phương.
Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh tung các đòn trả đũa toàn diện nhắm vào Úc, họ cũng cắt đứt luôn kênh liên lạc cấp cao giữa hai nước và phớt lờ các cuộc điện đàm trước kia của nhà lãnh đạo Úc. Liên lạc song phương rơi vào trạng thái tê liệt.
Úc mới đây cũng từ chối thẳng thừng khi Bắc Kinh đặt điều kiện nối lại đối thoại cấp cao. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết: “Bắc Kinh đề nghị chúng tôi rằng nếu chúng tôi đáp ứng các điều kiện nhất định, họ sẽ đồng ý nối lại đối thoại”, nhưng “Úc không thiết lập điều kiện trong vấn đề đối thoại. Hiện giờ chúng tôi sẽ không đồng ý với các điều kiện của họ”.
Và thế là, tại cuộc họp của Hội đồng Thương mại Úc – Trung (Australia China Business Council) vào tối ngày 5/8 vừa qua, ông Thành Kính Nghiệp (Cheng Jingye), Đại sứ Trung Quốc tại Úc, đã vắng mặt.
Mỗi quan hệ còn trở thành đối đầu trực diện khi Bộ tứ Quad (liên kết quốc phòng không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) – đã trở lại chính trường để cân bằng cán cân trước sự bành trướng và đe dọa từ phía Trung Quốc. Và ngày 15/9 vừa qua, Australia đã đơn phương tuyên bố hủy “hợp đồng thế kỷ” trị giá 56 tỷ USD mua 12 tàu ngầm của Pháp để đón nhận tàu ngầm công nghệ hạt nhân được Mỹ hứa hẹn, đồng thời tham gia vào việc thành lập liên minh quan hệ AUKUS giữa Mỹ-Australia và Anh – một liên minh giúp ngăn chặn các hành động cưỡng ép quân sự của Trung Quốc.
Gần đây nhất, Úc lại trở thành hòn đá tảng rất lớn cho việc Bắc Kinh xin gia nhập CPTPP, trong khi Trung Quốc cần sự ủng hộ của tất cả thành viên CPTPP thì mới được kết nạp.
Tuy nhiên, một thông điệp thậm chí còn đen tối hơn xuất hiện từ ví dụ của Australia: Trung Quốc có thể đã không thay đổi được Australia, nhưng Australia cũng không thay đổi được Trung Quốc. Điều này đặt ra viễn cảnh đáng sợ về một trật tự thế giới mới được đánh dấu bằng xung đột gần như liên tục – nếu không phải là quân sự, thì ít nhất là kinh tế, ngoại giao và ý thức hệ, trừ khi cả hai bên có thể tìm ra cách khác.
“Có rất nhiều điều để nói về nghệ thuật ngoại giao, nhưng bạn không thể thỏa hiệp các giá trị cốt lõi và lợi ích cốt lõi của mình”, ông Turnbull kết luận.
Mộc Trà