Tuấn Thảo
Tượng vàng Bocuse d’Or là một trong những giải thi nấu ăn nổi tiếng nhất giữa các đầu bếp quốc tế. Năm nay, 21 quốc gia đã tham gia cuộc tranh tài trong hai ngày 26 và 27/09 tổ chức tại Lyon. Hôm qua, đầu bếp Davy Tissot đại diện cho nước Pháp đã giành lấy hạng nhất. Đan Mạch về nhì với tượng bạc (Bocuse d’argent). Na Uy đứng hạng ba với tượng đồng (Bocuse de bronze).
Sau hai ngày thi đấu trong một bầu không khí hào hứng sôi nổi, mỗi suất thi kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, rốt cuộc đầu bếp Pháp Davy Tissot là người cuối cùng đã được ban giám khảo xướng tên trên bảng vàng năm 2021. Lần trước nước Pháp đoạt giải là vào năm 2013, tức cách đây 8 năm. Thành tích của đầu bếp Davy Tissot cũng hết sức gây bất ngờ vì cách đây hơn một năm, nhân vòng thi bán kết giữa các đội tuyển châu Âu, ông chỉ đứng hạng 6, sau các đồng nghiệp Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan.
Pháp đoạt giải Bocuse d’Or sau 8 năm chờ đợi
Tại Cung triển lãm Eurexpo, nằm ở ngoại ô phía Đông Nam cách trung tâm thành phố Lyon khoảng 10 cây số, đa số khán giả Pháp đã cùng nhau hát bài quốc ca Marseillaise ngay sau khi ban giám khảo quốc tế công bố kết quả. Đầu bếp đoạt giải năm nay Davy Tissot chẳng những là thầy dạy nấu các món đặc sản của Pháp, ông còn xuất thân từ Lyon, thành phố có truyền thống ẩm thực lâu đời, một trong những bậc tiền bối chính là đầu bếp Paul Bocuse. Sau khi thành danh tại Lyon, ông Bocuse đã cùng với nhiều đồng nghiệp khác (Troisgros, Vergé, Lasserre, Outhier, Oliver, Lenôtre …..) khai sinh vào năm 1968 điều mà hai nhà phê bình Gault & Millau gọi là trường phái ”Nouvelle Cuisine” (Ẩm thực mới), thay đổi một cách sâu rộng cung cách nấu ăn của các đầu bếp Pháp từ đầu những năm 1970 trở đi.
Nổi tiếng trên khắp thế giới, Paul Bocuse sau đó còn được mọi người mệnh danh là ”Giáo hoàng Ẩm thực”. Ông thành lập giải thi nấu ăn có uy tín Bocuse d’Or vào năm 1987, tổ chức hai năm một lần tại Lyon trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế ngành nhà hàng khách sạn và thực phẩm gọi tắt là SIRHA. Sau các vòng tuyển sơ khởi diễn ra trên từng châu lục, 24 quốc gia lọt vào chung kết cùng đến Lyon tranh tài với nhau. Năm nay, 3 đội thi đã phải bỏ cuộc do thiếu điều kiện chuẩn bị vì dịch Covid-19. 21 đội còn lại đã dự thi, trỗ tài nấu ăn theo chuyên đề với sự hiện diện của ban giám khảo, cũng như các đoàn cổ động viên trong công chúng.
Được so sánh như một Cúp vô địch thế giới chuyên về ẩm thực, 21 đội năm nay phải thi đấu trong hai ngày : ngày đầu họ nấu một khay thức ăn với phần nạc vai cắt nguyên miếng từ thịt bò (paleron / chuck steak), còn trong ngày thứ nhì, các đầu bếp phải dùng thành phần chính là quả cà chua bi để nấu ba món (khai vị, món chính, tráng miệng), nhưng cả ba món phải được đặt trong một chiếc hộp như thể nấu món ăn để mang đi hay để giao tận nhà thực khách, một cách để đề cao nỗ lực của các đầu bếp đã thích nghi cung cách nấu ăn trong mùa đại dịch.
Trình độ cuộc thi quốc tế càng lúc càng cao
Theo ông Jérôme Bocuse, chủ tịch cuộc thi và cũng là con trai ruột của đầu bếp huyền thoại Paul Bocuse (ông qua đời vào năm 2018), trình độ cuộc thi Bocuse d’Or mỗi năm mỗi cao, xung quanh một thứ đơn giản như cà chua bi, các nhà đầu bếp lại biết trỗ tài nấu nướng, tạo ra được những món ăn đặc sắc phi thường về mặt khẩu vị, cũng như ngoạn mục hấp dẫn trong cách trình bày. Kết quả là trong cả hai bộ môn thịt nạc vai và cà chua bi ba món, Davy Tissot đã cùng với phụ bếp Arthur Debray giành lấy được số điểm cao nhất.
Năm nay 44 tuổi, Davy Tissot sinh trưởng tại thành phố Lyon và ông đã muốn theo học nghề nấu ăn từ khi ông còn nhỏ. Kể từ khi mới vào nghề, ông đã chịu khó tầm sư học đạo, được đào tạo bởi các tên tuổi bậc thầy của làng ẩm thực như Régis Marcon, Jacques Maximin và nhất là Paul Bocuse. Năm chưa đầy 30 tuổi, ông tham dự cuộc thi để giành lấy giải ”Meilleur Ouvrier de France” danh hiệu này chỉ được trao cho các thợ có tay nghề thật cao trong lãnh vực chuyên môn của họ. Davy Tissot trở thành một trong những đầu bếp trẻ tuổi nhất đoạt giải này, cùng với các tên tuổi khác như đầu bếp ba sao Michelin ông Emmanuel Renaut, đầu bếp nổi tiếng tại Lyon Mathieu Vannay hoặc Guillaume Gomez, bếp trưởng trong vòng nhiều năm tại Điện tổng thống Élysée.
Một khi tốt nghiệp vào năm 2004 với những danh hiệu cao quý nhất, Davy Tissot về làm bếp chính tại Villa Florentine, nhà hàng một sao Michelin. Nhưng ông vẫn không quên công lao dạy dỗ của thầy cũ, cho nên vào năm 2016 theo lời mời của gia đình Bocuse, ông về điều hành Viện ẩm thực Paul Bocuse, vốn là một trường dạy nấu ăn, chuyên đào tạo giới nhân viên cho hai ngành nhà hàng và khách sạn cao cấp. Ngoài việc truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, ông Davy Tissot còn thực hiện được một giấc mơ đã có từ lâu : ông là đầu bếp Pháp đầu tiên biến một cơ sở giảng dạy (tiệm ăn Saisons) thành một nhà hàng có gắn sao Michelin.
Giấc mơ đoạt thêm giải Bocuse d’Or cho nước Pháp
Ở lứa tuổi của ông, một số nhà đầu bếp có tiếng sẽ đào tạo một êkíp lành nghề, giao phó cho đàn em công việc đứng bếp, còn họ sẽ chạy vòng ngoài để kinh doanh thương hiệu. Nhưng Davy Tissot thì không, ông nuôi tham vọng đem lại một lần nữa chiếc Cúp Vô địch Bocuse d’Or. Lần trước, nước Pháp đoạt giải này là vào năm 2013 nhờ vào tài nghệ của đầu bếp Pháp Thibaut Ruggeri. Lần này, để tham gia cuộc thi, ông Davy Tissot phải qua nhiều vòng thi tuyển : sau khi vượt qua vòng đầu tại Pháp, ông đến Tallin, thủ đô Estonia vào mùa thu năm ngoái để dự thi vòng bán kết bên cạnh 15 đội châu Âu. Sau vòng thi này, ông chỉ đứng hạng thứ 6 sau khi nấu hai món chim cúc và cá chép. Tuy không có mặt trên bảng vàng và thua Na Uy (1993 điểm), nhưng ông vẫn hội đủ số điểm (1851 điểm) để lọt vào vòng chung kết.
Trong cái rủi lại có cái may, ông Davy Tissot với phụ bếp là Arthur Debray đã tận dụng thời gian phong tỏa ở Pháp để tập luyện cách nấu món ăn theo chuyên đề, hầu chuẩn bị cuộc thi quốc tế vào đầu mùa thu năm nay tại thành phố Lyon. Trong suốt thời kỳ buộc phải ngồi yên trong nhà, ông đã tập nấu ăn mỗi ngày 5 tiếng y như các điều kiện cuộc thi quốc tế, rèn luyện từng động tác sao cho thuần thục nhuần nhuyễn, giữ bình tĩnh cho dù khán giả trong hội trường có cổ vũ gào thét, khiến không khí cuộc thi thêm ồn ào huyên náo. Chính cũng nhờ vào các nỗ lực ấy mà Davy Tissot đã đem về cho nước Pháp tượng vàng Bocuse d’Or năm nay ngay trên sân nhà.
Trả lời giới truyền thông báo chí, ông Davy Tissot cho biết cuộc thi Bocuse d’Or là một kinh nghiệm quý báu ngay cả đối với một thầy dạy nấu ăn như ông. Những người đã từng gặp thành công, thường ít còn phấn đấu mà chỉ thích hưởng phú quý vinh quang. Trong trường hợp của ông, tượng vàng Bocuse d’Or là cách để nhắc nhở ông đừng ”ngủ quên trên vòng nguyệt quế” và bất cứ ai đều có thể trao dồi học hỏi dù đang ở lứa tuổi nào.