Tin thế giới sáng thứ Tư

Thủ tướng Israel: Iran thúc đẩy Chương trình hạt nhân, tài trợ cho các nhóm khủng bố

Nguyên Hương

Thủ tướng Israel Naftali Bennett phát biểu tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, vào ngày 27/9/2021, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. (Ảnh của JOHN MINCHILLO / POOL / AFP qua Getty Images

Theo tin từ Liên Hợp Quốc, ngày 27/9, trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Hai rằng chương trình hạt nhân của Iran đang ở một “thời điểm bước ngoặt”, quốc gia này phải ngừng mua vũ khí hạt nhân.

Ông Bennett tuyên bố “mục tiêu lớn” của Iran là thống trị khu vực “dưới chiếc ô hạt nhân”.

‘Vượt tất cả các lằn ranh đỏ’

“Chương trình vũ khí hạt nhân của Iran đang ở một thời điểm quan trọng. Tất cả các lằn ranh giới đã bị vượt qua, các cuộc thanh tra bị bỏ qua, tất cả những suy nghĩ mơ tưởng đều được chứng minh là sai”. ông nói.

Ông Bennett nói thêm rằng Iran đang thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình. Ông kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu không khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.

“Iran hiện đang vi phạm các thỏa thuận tự vệ của IAEA và họ đang dần loại bỏ điều đó. Họ quấy rối các thanh tra và phá hoại các cuộc điều tra của họ và họ sẽ bỏ qua nó, “ông khẳng định. “Họ đang làm giàu uranium lên mức 60%, tức là chỉ thiếu một bước so với nguyên liệu cấp vũ khí, và họ đang dần bỏ đi.”

Ông Bennet nói rằng trong những năm gần đây, Iran đã “đạt được bước tiến lớn” trong nghiên cứu và phát triển hạt nhân, năng lực sản xuất và làm giàu uranium.

Nước này đang “vi phạm” các thỏa thuận tự vệ với cơ quan giám sát năng lượng nguyên tử của Liên hợp quốc, IAEA, “và họ đang phá bỏ nó”, ông nói.

“Chương trình hạt nhân của Iran đã vượt giới hạn và sự khoan dung của chúng ta cũng vậy. Ông Bennett nói với các nhà lãnh đạo khác.

“Có những nước trên thế giới dường như coi việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Iran là một thực tế không thể tránh khỏi, hoặc họ đã cảm thấy mệt mỏi khi nghe về nó. Israel không có đặc quyền đó. Chúng tôi sẽ không mệt mỏi. Israel sẽ không cho phép Iran tàng trữ vũ khí hạt nhân”.

Ông Bennett kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động. “Tôi nói với mọi người rằng: Nếu chúng ta quyết tâm hành động, nếu chúng ta nghiêm túc về việc ngăn chặn nó, nếu chúng ta có phản ứng nhanh nhạy, chúng ta có thể thắng. Và đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm ”.

Khủng bố trên bầu trời

Thủ tướng Israel đã vạch ra những mối đe dọa gia tăng đối với đất nước của ông và thế giới.

Ông nói, Israel “bị bao vây theo đúng nghĩa đen” bởi Hezbollah, dân quân Shia, Thánh chiến Hồi giáo và Hamas, những kẻ muốn thống trị Trung Đông và truyền bá Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới.

Ông nói: “Họ có điểm gì giống nhau? Tất cả họ đều muốn phá hủy đất nước Israel của tôi, và họ tất cả đều được Iran hậu thuẫn. Họ nhận được tài trợ từ Iran, họ được đào tạo từ Iran và họ nhận được vũ khí từ Iran”.

Ông Bennett nói thêm rằng Tehran cũng đã tạo ra “một đơn vị khủng bố chết người mới” bao gồm các máy bay không người lái (UAV) có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Ông nói, Iran có kế hoạch sử dụng lực lượng sát thương này để bao trùm bầu trời Trung Đông. Ông cũng báo cáo rằng vũ khí của Iran đã được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào Ả Rập Xê-út, các mục tiêu của Hoa Kỳ ở Iraq và các tàu dân sự trên biển.

“Iran có kế hoạch trang bị cho các lực lượng ủy nhiệm của mình ở Yemen, Iraq, Syria và Lebanon với hàng trăm – và sau đó là hàng nghìn – UAV chết người này. Vì vậy, bạn có thể bỏ qua nó, nhưng kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng những gì bắt đầu ở Trung Đông, thì thường không dừng lại ở đó”.

Cắt điện đột ngột, 23 người Trung Quốc bị ngộ độc khí

Ngọc Mai

Công ty Đúc Liêu Ninh Bành Huy đã đóng cửa hệ thống thoát khí do bị cắt điện đột ngột, gây ra một vụ tai nạn ngộ độc khí đốt (ảnh chụp màn hình video của CCTV).

Gần đây, một công ty ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã xảy ra sự cố “rò rỉ khí lò cao” do chính sách cắt điện luân phiên của chính quyền. Vụ việc khiến tổng cộng 23 người phải nhập viện do ngộ độc khí.

Vision Times dẫn tin từ trang web chính thức của Mạng Toàn Cầu (Global Network) cho biết, theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Liêu Dương, ngày 24/9/2021, Công ty Đúc Liêu Ninh Bành Huy đã đóng cửa hệ thống thoát khí do bị cắt điện đột ngột, gây ra một vụ tai nạn ngộ độc khí đốt. Trong vụ tai nạn, có tổng cộng 23 người đã được đưa đến Bệnh viện Trung ương Liêu Dương để điều trị. Tính đến ngày 27/9, 23 người này vẫn đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện, tính mạng của họ tạm thời không bị nguy hiểm.

Phạm vi kinh doanh của Công ty Đúc Liêu Ninh Bành Huy chủ yếu bao gồm đúc kim loại, luyện thép, luyện sắt… Doanh nghiệp này nằm ở làng Hà Nam, huyện Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh.

BBC đưa tin ngày 27/9, người dân sống tại tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đã lên mạng xã hội than phiền về việc thiếu điện chạy máy sưởi ấm, trong khi đèn giao thông và thang máy cũng không hoạt động.

Theo BBC, nguyên nhân thiếu điện là do giá than tăng, dẫn tới thiếu nguồn cung, vì Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào điện than.

Việc Trung Quốc cắt điện trên diện rộng ở vùng Đông Bắc đang khiến các nhà máy, bệnh viện, doanh nghiệp và cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương bị đảo lộn nghiêm trọng.

Người dân sống tại các tòa nhà cao tầng phải leo hàng chục tầng cầu thang vì thang máy không hoạt động.

Ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, xe cộ di chuyển trong bóng tối trên một cao tốc đông đúc, do đèn đường và đèn giao thông đều bị tắt.

Trả lời Thời báo Bắc Kinh, nhà chức trách thành phố cho biết họ đang gặp phải tình trạng mất điện diện rộng.

Afghanistan và Miến Điện không được phát biểu ở Đại Hội Đồng LHQ

Thùy Dương

Đại sứ Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc Ghulam Isaczai phát biểu trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, New York, Mỹ, ngày 16/08/2021. REUTERS – ANDREW KELLY

Hôm thứ Hai 27/09/2021, ngày cuối cùng của khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, cả Afghanistan và Miến Điện cuối cùng đều bị tước quyền phát biểu.

Theo chương trình dự kiến ban đầu, Miến Điện, Guinée và Afghanistan lần lượt là 3 nước phát biểu sau cùng tại Đại Hội Đồng. Riêng đối với Afghanistan, bất chấp sự phản đối của phe Taliban, cho đến đêm Chủ Nhật 26, rạng sáng thứ Hai 27/09, đại diện cho Afghanistan tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vẫn là đại sứ Ghulam Isaczai, thành viên nội các cũ thời tổng thống Asraf Ghani đã bị Taliban lật đổ hồi tháng 08.

Nhưng đến phút chót, Afghanistan không có tên trong danh sách được Liên Hiệp Quốc công bố. Bà Monica Grayley, phát ngôn viên của chủ tịch Đại Hội Đồng, nói với AFP là Afghanistan « đã rút ra khỏi danh sách các nước tham gia phiên thảo luận chung »« không đưa ra lý do nào » để giải thích cho quyết định này.

Cách nay 1 tuần, Taliban đã đề nghị Liên Hiệp Quốc để tân ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqui mà phe Hồi giáo cực đoan cầm quyền ở Kabul đã bổ nhiệm, phát biểu trước Đại Hội Đồng, nhưng một đại diện của Liên Hiệp Quốc xin ẩn danh cho AFP biết là đề xuất của Taliban được đưa ra « quá muộn » nên không thể xem xét.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu quyết định của Liên Hiệp Quốc dựa trên thỏa thuận giữa Washington, Bắc Kinh và Matxcơva – 3 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An tương tự như điều đã xảy ra đối với Miến Điện. Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của 1 trong ba nước Mỹ, Nga và Trung Quốc, xin ẩn danh nói là 3 nước này đã thỏa thuận để Kyaw Moe Tun không được phát biểu. Kyaw Moe Tun được chỉ định từ thời nhà lãnh đạo Aung San Suu Kye làm đại diện của Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc. Sau khi phe quân sự đảo chính, ông Kyaw Moe Tun vẫn giữ được ghế tại Liên Hiệp Quốc và được quốc tế ủng hộ.

Hồi tháng 05, tập đoàn quân sự Miến Điện đã đề xuất một cựu quan chức quân đội thay Kyaw Moe Tun nhưng cho đến nay Liên Hiệp Quốc vẫn không chấp thuận. Theo dự kiến, trong những tháng tới đây, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, sẽ nhóm họp để bỏ phiếu thông qua đại diện chính thức của Miến Điện và Afghanistan tại định chế quốc tế này.

Chiến hạm Anh đi qua eo biển Đài Loan thăm Việt Nam, Trung Quốc phản đối

Thụy My

Chiến hạm Anh HMS Richmond. GLYN KIRK AFP

Chiến hạm HMS Richmond của Anh quốc hôm 27/09/2021 thông báo đã băng qua eo biển Đài Loan để đến thăm Việt Nam. Trong cùng ngày, Trung Quốc lên án hoạt động này, cho rằng có « ý đồ xấu ».

Đây là lần đầu tiên Hải quân Anh cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan kể từ năm 2008 đến nay. Trên tài khoản Twitter, thủy thủ đoàn HMS Richmond loan báo : « Sau giai đoạn hoạt động bận rộn với các đối tác và đồng minh ở biển Hoa Đông, nay chúng tôi đang đi qua eo biển Đài Loan để tới thăm Việt Nam và Hải quân Nhân dân Việt Nam ».

Reuters cho biết thêm, chiến hạm Anh được triển khai tại biển Hoa Đông trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm việc cấm vận Bắc Triều Tiên. AFP trích dẫn thông cáo của bộ Quốc Phòng Anh khẳng định « Hải quân Hoàng gia hoạt động hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế », Anh Quốc « có nhiều lợi ích an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương », và việc triển khai này « là dấu hiệu cho sự cam kết an ninh trong khu vực ».

Bộ chỉ huy Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc nói đã cho máy bay, tàu chiến theo dõi và cảnh báo chiếc HMS Richmond. Cũng theo quân đội Trung Quốc, « thái độ này nuôi dưỡng những ý đồ xấu, làm phương hại cho hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan », đồng thời khẳng định « luôn duy trì mức cảnh báo cao » để chống lại « mọi khiêu khích ».

Được biết chiến hạm Anh đã công khai bật tín hiệu nhận diện AIS khi đi qua eo biển Đài Loan. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo Cheng) xác nhận sự kiện, nhưng không đưa ra lời bình luận với các nhà báo.

Nếu lâu nay chỉ có các chiến hạm Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, thì gần đây các tàu chiến Pháp, Canada, Úc bắt đầu du hành qua tuyến đường này, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép lên Đài Bắc. Năm ngoái, các phi cơ tiêm kích Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan đến 380 lần, và trong 8 tháng đầu năm nay đã tự vượt kỷ lục này với trên 400 lần xâm nhập.

Khan hiếm xăng, chính phủ Anh kêu gọi quân đội sẵn sàng tham gia cung ứng

Thùy Dương

Thông báo định mức mua dầu diesel (T) và hết xăng tại một trạm xăng ở Texaco, Manchester, Anh Quốc, ngày 28/09/2021. REUTERS – PHIL NOBLE

Chính phủ Luân Đôn 27/09/2021 đề nghị quân đội sẵn sàng hợp sức cho chiến dịch cung ứng xăng và dầu diesel trong bối cảnh Anh Quốc đang lâm khủng hoảng thiếu hụt nhiên liệu, chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19 và Brexit.

Chính phủ Anh đã thông báo cấp khoảng 10.500 visa lao động 3 tháng cho người nước ngoài để tạm thời khắc phục sự thiếu hụt nhân công, nhất là trong ngành lái xe vận chuyển hàng, xe bồn chở nhiên liệu, nhưng biện pháp này dường như chưa đủ khắc phục tình hình. Tối hôm qua bộ Năng Lượng Anh nhấn mạnh là « một số lượng nhất định lái xe bồn chở xăng của quân đội phải sẵn sàng để can thiệp và được triển khai nếu cần để bình ổn việc cung ứng nhiên liệu ».

AFP cho biết việc khan hiếm xăng ở Anh ngày càng thêm nghiêm trọng do nhiều người quá lo lắng, mua tích trữ xăng. Có những người đến trạm xăng xếp hàng từ nửa đêm với hy vọng mua được xăng. Nhiều trạm xăng gắn biển thông báo « Hết xăng », « ngừng hoạt động ». 30% trạm xăng của hãng BP bị ảnh hưởng. Các phương tiện truyền thông Anh chiếu những hình ảnh người dân cầm can đi bộ đến trạm mua xăng vì sợ đang đi xe thì hết nhiên liệu hoặc sợ không còn đủ xăng để đi làm.

Nhiều tổ chức y tế báo động về những khó khăn mà nhân viên y tế gặp phải vì họ thường phải đi làm bằng xe hơi. Một số trường học dự tính chuyển sang phương thức dạy từ xa nếu tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tiếp diễn. Khan hiếm nhiên liệu khiến việc vận chuyển, giao hàng bị chậm, dẫn đến cảnh thiếu hụt nhiều mặt hàng ở siêu thị, các tiệm ăn nhanh, quán rượu, cửa hàng bán xe đạp.

Pháp muốn làm trung gian giữa liên minh AUKUS và Trung Quốc

Thụy My

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong một cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Mỹ, ngày 23/09/2021. AFP – JOHN MINCHILLO

Rốt cuộc hôm 27/09/2021 Pháp đã lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc, trong ngày cuối của tuần lễ khai mạc cuộc họp thường niên Đại hội đồng, nơi các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ tại New York. Khác với thông lệ, không phải tổng thống Pháp mà là ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian phát biểu qua video, vì ông đã trở về Paris từ hai ngày trước.

Trong diễn văn này ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh đến nhiệm vụ căn bản của Liên Hiệp Quốc là duy trì hòa bình thế giới, đồng thời kêu gọi 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An họp thượng đỉnh để thúc đẩy các đối thoại về kiểm soát vũ khí, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten gởi về bài tường trình :

« Jean-Yves Le Drian đã quay lại với những nguyên tắc căn bản tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Nhiệm vụ của tổ chức này là duy trì hòa bình và an ninh thế giới, và ngoại trưởng Pháp hàm ý một sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể gây nguy hiểm cho thế cân bằng này. Ông kêu gọi mở cuộc họp giữa năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An trong đó có Pháp, và đề nghị một giải pháp thứ ba thay cho chiến lược của Mỹ hay của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Le Drian tuyên bố : « Pháp mong muốn tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh năm thành viên thường trực để vạch ra một chương trình hành động chung, nhằm giúp Hội Đồng Bảo An có khả năng hoạt động trong suốt nhiệm kỳ, và tiến hành đối thoại về các chủ đề chính như kiểm soát vũ khí và an ninh tập thể. Đó là lý do khiến chúng tôi hành động và tiếp tục hành động vì hòa bình và ổn định tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, với các đối tác thiện chí trong khu vực này và những nước khác, châu Âu đứng bên cạnh chúng tôi ».

Về phần mình, Liên Âu từng cho biết cũng đã hoạch định chiến lược cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng không được chú ý do chiến lược này được công bố đúng vào lúc ông Joe Biden đã loan báo về liên minh AUKUS, gây chấn động lớn. »

Đức : Lần đầu tiên từ những năm 1950 các đảng phải liên minh 3 bên để lập chính phủ

Thùy Dương

Lãnh đạo đảng SPD Olaf Scholz tới dự một cuộc họp của nhóm nghị sĩ Đức, Berlin, Đức, ngày 28/09/2021. REUTERS – POOL

Với kết quả bầu Hạ Viện hôm Chủ Nhật 26/09/2021, nước Đức bước vào giai đoạn « bất định » hậu bầu cử lập pháp. Lần đầu tiên kể từ những năm 1950, các đảng phái ở Đức phải lập liên minh 3 bên mới có hy vọng thành lập được chính phủ.

Thắng lợi vẫn chưa ngã ngũ. Hai đảng về đầu là SPD và CDU đều vẫn có cơ hội thương lượng với các đảng khác để lập liên minh giành quyền lãnh đạo đất nước. Với 24,1%, lần đầu tiên đảng CDU thủ tướng Angela Merkel chỉ được dưới 30% số phiếu bầu của cử tri. Tuy nhiên, ông Armin Laschet, vẫn tự tin khẳng định được cử tri ủng hộ và tìm cách liên minh với các đảng khác để lập chính phủ.

Đối thủ của ông Laschet là Olaf Scholz – thuộc đảng SPD về đầu với 25,7% số phiếu – nhận định các công dân Đức đã gửi thông điệp cho phe cánh hữu là phe này sẽ không thể có chỗ trong nội các mà chỉ có thể đóng vai phe đối lập.

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut cho biết chi tiết :

« Olaf Scholz muốn thành lập chính phủ với hai đảng đã thắng trong cuộc bầu cử, cũng như SPD, và phó thủ tướng Đức đương nhiệm coi là « lực lượng thay đổi ». Đảng Dân chủ Xã hội về đầu, đảng Xanh và cánh tự do nếu tính gộp số phiếu thì đã ghi nhận mức tăng 12% so với kỳ bầu cử hồi năm 2017. Cứ 10 người Đức thì có 6 người muốn Olaf Scholz trở thành thủ tướng.

Ông Scholz phát biểu : « Việc ba đảng biểu tượng cho sự tiến bộ vào đầu thập kỷ này hợp lực để điều hành đất nước là điều tích cực, ngay cả khi giữa các đảng có sự khác biệt ».

Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, Armin Laschet cũng muốn tìm cách thành lập một liên minh với đảng Xanh và cánh tự do. Ông nói : « Những cử tri đã ủng hộ chúng tôi cũng muốn chúng tôi lãnh trách nhiệm lãnh đạo đất nước ».

Thế nhưng, 2/3 số người Đức muốn ông Armin Laschet từ chức. Áp lực trong đảng của ông có thể tăng do đây là một thất bại lịch sử : số phiếu đảng này giành được đã giảm 9 điểm so với kỳ bầu cử hồi năm 2017. Nhiều cây bút xã luận ngạc nhiên về sự tự tin của lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, thậm chí còn tự hỏi liệu Armin Laschet có nhận ra điều đã xảy ra với đảng của ông vào hôm Chủ Nhật hay không ».

Phản ứng của Nga – Mỹ

Kỳ bầu cử lập pháp ở Đức đặc biệt được báo chí Nga lưu ý. Điện Kremlin hôm qua cho biết vẫn chú ý theo dõi tiến trình bầu cử Đức. Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga khẳng định quan tâm đến việc quan hệ Matxcơva – Berlin tiếp tục và « phát triển thêm ». Đức vẫn được chính quyền Nga coi là một « lãnh đạo không chính thức của Liên Hiệp Châu Âu ».

Nhìn sang Washington, hôm qua, bà Jalina Porter, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, khẳng định Hoa Kỳ muốn duy trì « quan hệ đối tác vững mạnh » với chính phủ Đức tương lai về nhiều « hồ sơ then chốt » mà đôi bên cùng quan tâm. 

Na Uy: Gỡ bỏ mọi hạn chế COVID-19, người dân đổ xô ra đường gây nhiều vụ hỗn loạn

Sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch COVID-19 và mở cửa trở lại sau hơn 18 tháng, nhiều người dân Na Uy đã đổ xô ra đường tổ chức ăn mừng khiến nhiều thành phố rơi vào tình cảnh hỗn loạn.

Hôm 24/9 vừa qua, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg bất ngờ tuyên bố gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19 bắt đầu kể từ 25/9. Dẫu vậy, việc mở cửa đột ngột này đã khiến người dân đổ xô ra đường, gây ra hàng loạt các vụ ẩu đả, gây rối trật tự công cộng.

Bộ trưởng Văn hóa Abid Raja cho biết người dân đã mong ngóng được mở cửa trở lại sau 18 tháng, đồng thời khuyến khích mọi người “khôi phục lại văn hóa và cuộc sống thường ngày” và bắt đầu bằng việc đi dự một bữa tiệc khiêu vũ. Dẫu vậy, nhiều vụ hỗn loạn đã được ghi nhận trên khắp cả nước.

Từ 25-26/9, hàng trăm người đã đổ xuống đường ăn mừng. Cảnh sát Na Uy cho biết tình trạng bất ổn diễn ra ở nhiều nơi, từ thành phố Bergen đến Trondheim. Giữa những đám đông xếp hàng dài tại các hộp đêm và quán rượu ở Oslo, cảnh sát đã ghi nhận ít nhất 50 vụ ẩu đả và gây rối chỉ trong vài giờ đồng hồ. Theo đó, một người đàn ông đã phải nhập viện với vết thương nghiêm trọng ở đầu sau một vụ đánh nhau. Ngoài ra, cảnh sát đã phải xử lý một vụ đâm dao và cảnh báo một người đàn ông cầm mã tấu trên xe buýt.

Ông Johan Hoeeg Haanes, một quản lý nhà hàng tại Oslo, cho hay: “Đúng như những gì tôi dự đoán trước đó. Thành phố sẽ rơi vào tình cảnh nguy hiểm bởi chính phủ không thông báo trước việc gỡ phong tỏa một vài ngày”.

Ông Rune Hekkelstrand, phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Oslo nói với đài truyền hình quốc gia NRK cho biết rằng các đơn vị kinh doanh đã phải hoạt động với công suất tăng đáng kể vào ngày 25/9 (thậm chí đông hơn so với cả mùa hè). Nhiều người đã tràn ra đường từ buổi chiều đến tối.

Cảnh tượng hỗn loạn không chỉ xảy ra ở Oslo. Tại Tonsberg, Skien và Bergen, cảnh sát đã phải can thiệp để giải tán một số vụ ẩu đả nghiêm trọng. Kết quả là 12 người đã bị bắt tại thành phố Agder.

Thành phố Trondheim cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị ngất xỉu khi xếp hàng chờ vào quán rượu. Phát ngôn viên của sở cảnh sát cho biết do hộp đêm quá đông, mọi người chen chúc nhau đến mức một số người không thở nổi.

Việc mở cửa trở lại diễn ra rất đột ngột, chỉ trước thời điểm thông báo 1 ngày. Nhiều ý kiến cho rằng sự vội vàng và không chuẩn bị đúng cách đã góp phần gây ra những vụ hỗn loạn đó. Tuy nhiên, Thủ tướng Na Uy Solberg vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định của mình khi nói rằng các chuyên gia y tế cũng ủng hộ động thái trên. Theo bà, nước này sẽ không quy định các biện pháp phòng chống COVID-19 nếu không cần thiết và người dân phải được sống theo ý của họ.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Na Uy, quốc gia 5,3 triệu dân, đã ghi nhận khoảng 187.000 trường hợp mắc bệnh với 850 người tử vong. Na Uy là quốc gia thứ hai tại châu Âu gỡ bỏ các hạn chế phòng chống COVID-19, sau Đan Mạch. Tính đến nay, trên 76% dân số Na Uy đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và khoảng 67% đã tiêm đầy đủ 2 liều.

Related posts