Tin thế giới sáng thứ Năm

Vệ tinh Shiyan-10 của Trung Quốc bị hỏng trên quỹ đạo sau khi phóng thành công

Văn Thiện

Tên lửa Long March 3B/E mang theo vệ tinh Shiyan-10 cất cánh từ Tây Xương. (Ảnh: Nasaspaceflight)

Ngày 27/9, vào lúc 8:20 UTC (16:20 giờ địa phương), từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở phía tây nam đất nước, Trung Quốc đã phóng tên lửa Long March 3B/E mang theo vệ tinh Shiyan-10 vào quỹ đạo. Sau đó, vệ tinh này được tuyên bố là đã hỏng.

Theo NASA, trước khi phóng, tên và mục đích của trọng tải mà tên lửa mang theo không được xác nhận. Tuy nhiên, vài giờ sau khi phóng, một vật thể được cho là đã được triển khai vào quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh (GTO).

Sau đó, người ta xác nhận rằng trọng tải của vụ phóng này là vệ tinh Shiyan-10, nó gặp phải các điều kiện hoạt động bất thường trong quá trình phóng và được tuyên bố là hỏng. Tên lửa Long March 3B/E được xác nhận là hoạt động bình thường trong quá trình phóng.

Vụ phóng vệ tinh Shiyan-10 lên quỹ đạo chỉ là lần phóng thứ hai của Trung Quốc trong ngày hôm đó.

Theo Space.com, trước đó, vào lúc 6:19 UTC (14:19 giờ địa phương), từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc, tên lửa Kuaizhou-1A mang theo vệ tinh Jilin-1 Gaofen 02D đã được kích hoạt. Vệ tinh này sau đó đã đi vào quỹ đạo thành công.

Shiyan Weixing là vệ tinh thử nghiệm công nghệ được chế tạo bởi các nhà cung cấp khác nhau như một công cụ tìm đường cho các công nghệ vệ tinh mới. Vệ tinh Shiyan đầu tiên được phóng vào tháng 4/2004 trên một tên lửa Long March 2C. Sau đó, Trung Quốc đã thực hiện 8 nhiệm vụ khác tiếp theo để kiểm tra công nghệ thử nghiệm nhiều hơn.

Vào tháng 3/2021, tên lửa Long March 7A (còn được gọi là Chang Zheng 7A) đã đưa Shiyan-9, vệ tinh cuối cùng trong chuỗi thử nghiệm kể trên, lên quỹ đạo địa tĩnh (GEO). Mặc dù chức năng thực sự của vệ tinh này hiện vẫn được tiết lộ, nhưng người ta suy đoán rằng nó được sử dụng để thực hiện viễn thám quang học quỹ đạo cao và có độ phân giải cao.

Long March 3B/E là phiên bản nâng cấp của tên lửa Long March 3B nhỏ hơn. Các tính năng của 3B/E được nâng cấp ở giai đoạn đầu và tên lửa đẩy chất lỏng, giúp nó khả năng tải trọng lớn hơn. Nó có thể phóng tới 11.500 kg lên Quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO) và 5.500 kg lên GTO.

Phần lớn trong số 66 trọng tải mà tên lửa Long March 3B/E đã phóng cho đến nay đều có đích đến là GTO hoặc GEO, chỉ có một số trường hợp ngoại lệ là vào Quỹ đạo Trái đất Trung bình (MEO). Hầu hết trọng tải là vệ tinh thông tin liên lạc và viễn thông.

Âu – Mỹ : Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ

Trọng Thành

Cờ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tại Lisboa nhân Thượng Đỉnh NATO ngày 20/11/2010. ASSOCIATED PRESS – Virginia Mayo

Hôm 29/09/2021, Hội đồng Thương mại và Công nghệ Âu – Mỹ (EU-US Trade and Technology Council – CCT) họp lần đầu tiên tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Hội đồng được tổ chức nhằm nối lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương về mặt kinh tế và công nghệ, vốn bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời Donald Trump.

Cuộc họp hôm nay có sự tham gia của nhiều bộ trưởng Mỹ và lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu. Về phía nước chủ nhà, có ngoại trưởng Antony Blinken, đại diện Thương Mại Katherine Tai. Về phía châu Âu có hai phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Margrethe Vestager phụ trách công nghệ số và ông Valdis Dombrovskis phụ trách thương mại.

Tuy nhiên, cuộc họp lần đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Âu – Mỹ gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh cuộc « khủng hoảng tàu ngầm », sau khi Úc bất ngờ hủy một hợp đồng đã ký từ nhiều năm với Pháp để chuyển sang mua tàu Mỹ, cùng lúc với việc liên minh Mỹ – Anh – Úc (AUKUS) ra đời. « Khủng hoảng tàu ngầm » hiện vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, cho dù Pháp – Mỹ quyết định sang trang khủng hoảng, sau cuộc điện đàm ngày 22/09 giữa tổng thống Hoa Kỳ và nguyên thủ Pháp.  

Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

« Việc tổ chức Hội đồng về Thương mại và Công nghệ này là nhằm triển khai các cam kết của tổng thống Mỹ Joe Biden trong thượng đỉnh Liên Âu – Hoa Kỳ ngày 15/06, hướng đến khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ông Joe Biden nói : ‘‘Châu Âu là đối tác tự nhiên của chúng ta. Lý do là vì chúng ta cùng tôn trọng các chuẩn mực và các định chế dân chủ, và những điều này ngày càng bị tấn công’’.

Quyết tâm của tổng thống Mỹ tăng cường quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương và hợp tác công nghệ vấp phải nhiều trở lực với cuộc ‘‘khủng hoảng tàu ngầm’’. Việc tổ chức cuộc họp Hội đồng này tại Pittsburgh rút cuộc chỉ được chính thức thông báo vào thứ Năm tuần trước. Paris cũng đã tìm cách thu hẹp một phần mục tiêu của các thảo luận.

Đối với các nước châu Âu, dù sao đối thoại giữa Hoa Kỳ và Liên Âu về chủ đề này vẫn là một sáng kiến tích cực, theo bà Léa Auffret, Văn phòng người Tiêu Thụ châu Âu, ít nhất nếu như Liên Hiệp thành công trong việc áp đặt được quan điểm của mình trong vấn đề các quy định điều chỉnh lĩnh vực kỹ thuật số. Bà Léa Auffret nói : ‘‘Chúng ta có một cuộc đối thoại giữa những người ban hành quy định điều chỉnh lĩnh vực kỹ thuật số, đây là điều rất tốt. Giờ đây, cần phải làm sao để điều này không được sử dụng với ý định xấu, có nghĩa là được sử dụng để kìm hãm thực sự các mục tiêu thay đổi luật của Liên Hiệp Châu Âu. Liên Âu đã thực sự mong muốn bảo vệ các công dân của mình trên thị trường kỹ thuật số hiện nay’’.

Bất chấp bối cảnh ngoại giao căng thẳng, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng này khiến nhiều người châu Âu hy vọng quan hệ thương mại mới xuyên Đại Tây Dương sẽ hòa dịu trở lại và mang lại kết quả ».

Theo trang mạng châu Âu Euronews, « bất chấp các bất đồng, khối 27 nước và Hoa Kỳ có chung mục tiêu là tìm kiếm các động lực mới để xác lập các quy tắc quốc tế của thế kỷ 21, nhằm thúc đẩy thương mại, mở rộng đầu tư, phát triển các chuẩn mực, quy tắc và tăng cường cách tân », và « không để cho Trung Quốc, với các giá trị và chuẩn mực riêng, ấn định luật chơi quốc tế về mặt công nghệ ».

Hội đồng Thương mại và Công nghệ Âu – Mỹ sẽ thảo luận về hàng loạt vấn đề cơ bản trong quan hệ song phương Âu – Mỹ, từ thương mại trên mạng, quản lý dữ liệu kỹ thuật số, vật liệu bán dẫn, đầu tư, khí hậu, « công nghệ xanh », y tế…

Quan hệ Âu – Mỹ cần được gây dựng lại dần dần
Riêng về phần nước Pháp, hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn tin từ một số nhà ngoại giao châu Âu xin ẩn danh cho hay, Paris không muốn đưa vào tuyên bố chung kế hoạch họp Hội đồng lần thứ hai vào đầu năm 2022, thời điểm Pháp chuẩn bị bầu cử tổng thống. Pháp cũng không muốn đưa vào tuyên bố chung quan hệ đối tác Âu – Mỹ, phối hợp mật thiết trong lĩnh vực chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn.

Quan điểm của Paris là Liên Âu cần thận trọng, quan hệ xuyên Đại Tây Dương phải được gây dựng trở lại từng bước một. Trả lời Reuters, các nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh sự thận trọng của Pháp ít liên hệ đến bất đồng về « khủng hoảng tàu ngầm » hơn là quyết tâm xây dựng một châu Âu độc lập hơn.

Quan hệ Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc: Nhân quyền là “yếu tố chủ đạo”

Trong thông cáo, được AFP trích dẫn, phát ngôn viên của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu cho biết, ông Josep Borrell đã nhấn mạnh rằng cam kết nhân quyền từ phía Trung Quốc là « một yếu tố chủ đạo cho mối quan hệ chín muồi », cũng như cần nối lại đối thoại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc về vấn đề này. Ông « hy vọng cuộc họp tới có thể diễn ra trước cuối năm 2021 ».

Vào tháng 03/2021, lần đầu tiên, Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Trung Quốc vì trấn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tình hình Tân Cương, cùng với Hồng Kông và Đài Loan cũng được phía châu Âu đề cập đến.

Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu khẳng định khối 27 nước « quan tâm đến phát triển hợp tác với Đài Loan » được Bruxelles đánh giá là « một đối tác quan trọng trong vùng và có chung nhiều tư tưởng ». Tuy nhiên, ông trấn an Bắc Kinh là Liên Hiệp Châu Âu « đã và sẽ luôn áp dụng rạch ròi chính sách một nước Trung Hoa duy nhất ».

NATO chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch quân sự
Một ngày trước « đối thoại chiến lược » với Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên ngoại trưởng Trung Quốc đã họp với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg qua cầu truyền hình. Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc « không phải và sẽ không bao giờ là một đối thủ của NATO », nên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « đừng để bị những lời dối trá hay tin đồn lừa phỉnh ».

Ngược lại, tổng thư ký NATO bày tỏ lo ngại về « sự phát triển kho vũ khí hạt nhân » cũng như sự thiếu minh bạch về quân sự của Trung Quốc. Theo ông Jens Stoltenberg, « dù NATO không coi Trung Quốc là một đối thủ », nhưng Bắc Kinh phải « tôn trọng những cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm theo hệ thống quốc tế ».

Nhật Bản: Đảng cầm quyền bầu cựu ngoại trưởng thời Abe làm chủ tịch

Trọng Thành

Cựu ngoại trưởng Fumio Kishida vừa được bầu vào chức vụ chủ tịch đảng PLD. Ảnh ngày 29/09/2021. REUTERS – POOL

Đảng Dân chủ – Tự do cầm quyền (PLD) ở Nhật Bản hôm 29/09/2021, đã bầu ông Fumio Kishida làm chủ tịch đảng. Cựu ngoại trưởng dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, ông Fumio sẽ được chỉ định làm thủ tướng thay ông Yoshihide Suga.

Về nguyên tắc, nền kinh tế thứ ba thế giới sẽ có tân thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu ngày 04/10 tại Quốc Hội Nhật. Cựu ngoại trưởng Fumio Kishida, 64 tuổi, đắc cử vòng hai cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng với 257 phiếu, vượt xa 170 phiếu của đối thủ, chính trị gia Taro Kono, 58 tuổi, vốn là một trong các chính trị gia rất được lòng dân tại Nhật. Tân chủ tịch đảng Dân chủ – Tự do Nhật Bản nổi tiếng là người tranh đấu cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông đã đóng góp nhiều cho việc Barack Obama, tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ viếng thăm thành phố bị bom nguyên tử Mỹ hủy diệt năm 1945.

Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo :

« Đảng Dân chủ – Tự do cầm quyền liên tục tại Nhật Bản hoặc gần như vậy, từ khi Thế chiến Hai kết thúc đến nay, đã chọn làm chủ tịch một cựu chuyên gia ngân hàng ở Hiroshima, thành phố là nạn nhân của vụ tấn công bằng bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Fumio Kishida tranh đấu cho giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng điều nghịch lý là chính trị gia này cũng là người phản đối Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, mà nước Nhật – đồng minh của Hoa Kỳ – chưa bao giờ phê chuẩn.

Tuy nhiên, ông Fumio Kishida cũng cho biết cụ thể là ông sẽ chấp nhận ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc chừng nào Hiệp ước này được các cường quốc nguyên tử công nhận.

Fumio Kishida cũng là người ủng hộ điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng của Nhật Bản, bất chấp tai nạn hạt nhân Fukushima. Là người chủ trương tìm đồng thuận, ít có sức thu hút, cựu ngoại trưởng Nhật Bản muốn đấu tranh chống lại các bất bình đẳng xã hội, nạn nghèo đói, tình trạng bấp bênh gia tăng trong đại dịch Covid-19. Fumio Kishida nhấn mạnh đến đòi hỏi tái cấu trúc nền kinh tế thứ ba thế giới để mang lại các phương tiện giúp nước Nhật tiếp tục duy trì được khả năng cạnh tranh, cho dù dân Nhật đang già đi nhanh chóng.

Ông Fumio Kishida kế nhiệm thủ tướng Yoshihide Suga, vào lúc uy tín của ông Suga rớt xuống mức thấp nhất trong các thăm dò dư luận, vì cách xử lý đại dịch bị đánh giá là ít gây được niềm tin trong công luận, cũng như quyết tâm duy trì bằng được kỳ Thế Vận Hội Tokyo, bất chấp sự phản đối của đa số dân Nhật ».

Ông Fumio Kishida – xuất thân trong một gia đình nhiều thế hệ tham gia chính trường – lần đầu tiên đắc cử dân biểu năm 1993. Fumio Kishida đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng trong chính phủ Shinzo Abe từ năm 2012 đến 2017. Năm 2020, ông cũng đã từng ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Dân chủ – Tự do, nhưng bị thua trước đối thủ Yoshihide Suga.

Thủ tướng tương lai của nước Nhật phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ dẫn dắt nền kinh tế Nhật phục hồi sau đại dịch đến các đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Về mặt kinh tế, ông Kishida hứa hẹn một kế hoạch đầu tư lớn để thúc đẩy kinh tế Nhật phục hồi sau cú sốc đại dịch, nhưng cũng cam kết sẽ siết chặt chi tiêu công trong bối cảnh nợ công của Nhật đã lên đến 256% GDP năm 2020, theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).

Sau khi được Quốc Hội mãn nhiệm bầu làm thủ tướng, đảng Dân chủ – Tự do với sự lãnh đạo của Fumio Kishida sẽ bước vào cuộc tranh cử Quốc Hội mới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11.

Pháp – Hy Lạp ký thỏa thuận đối tác chiến lược

Thu Hằng

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (T), và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée trong buổi lễ ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược. Ảnh ngày 28/09/2021. AFP – LUDOVIC MARIN

Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Kyriakos Mitsotakis tham dự lễ ký kết ngày 28/09/2021 tại điện Elysée. Cùng ngày, Pháp và Hy Lạp cũng thiết lập « đối tác chiến lược » ở Địa Trung Hải nhằm tăng cường chiến lược phòng thủ chung châu Âu.

Ba tầu chiến (tên xuất khẩu là Belharra) đều do tập đoàn Naval Group chế tạo tại Pháp và dự kiến giao cho Athens vào khoảng năm 2025-2026. Trị giá của dự án, được thẩm định khoảng « 3 tỉ euro », sẽ được ký « từ giờ đến cuối năm 2021 » và có khả năng sẽ có dự án tầu thứ tư. Đi kèm với ba tầu chiến Belharra, nhà sản xuất sẽ cung cấp thêm tổ hợp tên lửa MBDA (tên lửa phòng không Aster, chống hạm Exocet và thủy lôi) cũng như dịch vụ hỗ trợ trong vòng 3 năm.

Trước đó, ngày 11/09, Hy Lạp thông báo mua thêm 6 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, bổ sung cho hợp đồng 12 chiếc Rafale cũ và 9 chiến đấu cơ mới có trị giá 2,5 tỉ euro được ký hồi tháng 01/2021.

Về thỏa thuận đối tác chiến lược với Hy Lạp, người phát ngôn của bộ Quân Lực Pháp Hervé Grandjean cho biết có một điều khoản về hỗ tương « bằng mọi phương tiện thích hợp » nếu hai nước « cùng thấy có một sự xâm lược vũ trang nhắm vào lãnh thổ » một trong hai nước. Tuy nhiên, cả Paris và Athens đều không nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara điều nhiều tầu chiến xâm phạm chủ quyền của Hy Lạp vào mùa hè 2020.

Thủ tướng Hy Lạp khẳng định thỏa thuận đối tác chiến lược song phương không nhằm chống Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO. Còn đối với tổng thống Emmanuel Macron, thỏa thuận này « hoàn toàn liên kết và tôn trọng đầy đủ những cam kết của Pháp và Hy Lạp trong Liên Hiệp Châu Âu và NATO ». Phía Ankara chưa có phản ứng và chỉ thông báo « ghi nhận » thông tin.

Vẫn theo ông Macron, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước thành viên trong khối còn giúp châu Âu « chứng tỏ »« một cường quốc và có khả năng phòng thủ ». Tổng thống Pháp nhắc lại « châu Âu phải chấm dứt ngây thơ »« rút ra những hệ quả » từ việc Hoa Kỳ hiện « chỉ tập trung vào họ và chuyển hướng chiến lược đến Trung Quốc và Thái Bình Dương ».

Nga – Thổ Nhĩ Kỳ họp thượng đỉnh về Syria

Thu Hằng

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan trong cuộc họp tại Moscow, Nga, hồi tháng 3/2021. via REUTERS – SPUTNIK

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến thành phố Sotchi gặp tổng thống Nga ngày 29/09/2021. Ngoài các hồ sơ song phương, như năng lượng, hai nguyên thủ còn thảo luận về tình hình tại Idlib – tây bắc Syria, nơi không quân Nga đã liên tục oanh kích lực lượng Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua, bất chấp thỏa thuận giữa Moscow và Ankara ký tháng 03/2020. Tình hình vẫn căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm lực lượng và khí tài trong khu vực.

Thông tín viên RFI Anne Andlauer tại Istanbul tường trình :

« Dấu hiệu về tầm quan trọng được ông Recep Tayyip Erdogan dành cho chuyến công du này là các cơ quan truyền thông thân chính quyền nói về cuộc họp thượng đỉnh từ nhiều ngày nay. Tổng thống Erdogan đã đề nghị đồng nhiệm Putin cuộc họp này để đi đến « một quyết định quan trọng trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ».

Ưu tiên của ông Erdogan là ngăn leo thang căng thẳng ở Idlib, tỉnh cuối cùng ở Syria còn chống lại chế độ Damas, vì một cuộc tấn công có thể sẽ khiến hàng trăm nghìn người nhập cư tràn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những tuần qua, Ankara đã tăng viện cho những căn cứ quân sự ở vùng Idlib và triển khai vài nghìn quân. Phía Nga thì vẫn trách Thổ Nhĩ Kỳ không bảo đảm để các nhóm đối lập ở Idlib rút lui, trong đó có nhóm Hồi Giáo cực đoan Hayat Tahrir Al Cham.

Là người vẫn có thói quen giữ cân bằng giữa Nga và Mỹ, lần này ông Erdogan không đến Sotchi trên thế mạnh. Tuần trước, ông thừa nhận mối quan hệ với tổng thống Mỹ Joe Biden đã « bắt đầu không được suôn sẻ ». Thậm chí, ông Erdogan còn nói muốn mua thêm tên lửa S-400 của Nga, dù biết rằng một quyết định như vậy sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ chịu thêm những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ ».

Bắc Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa siêu thanh

Anh Vũ

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa. Ảnh ngày 28/09/2021. Jung Yeon-je AFP

AFP dẫn nguồn hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA hôm 29/09/2021, thông báo Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ lớn về công nghệ trong vụ bắn thử thành công tên lửa siêu thanh.

Hãng tin KCNA khẳng định thành công của vụ thử tên lửa hôm 28/09/2021 có « tầm quan trọng lớn về chiến lược » vào lúc Bình Nhưỡng đang tìm cách tăng gấp bội khả năng quốc phòng của mình.

Tên lửa siêu thanh bay nhanh hơn rất nhiều lần so với các loại tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình thông thường mà Bắc Triều Tiên đã có. Hơn nữa theo các chuyên gia về vũ khí, tên lửa siêu thanh rất khó bị phát hiện và đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có của Mỹ.

Trong thông báo, KCNA cho biết vụ thử được tiến hành tại tỉnh Jagang, ở miền bắc Bắc Triều Tiên và « kết quả của các thử nghiệm đã cho thấy mọi tính năng kỹ thuật của tên lửa đều đáp ứng yêu cầu như thiết kế ».
Vụ thử tên lửa siêu thanh có tên gọi Hwasong-8 lần này được một quan chức cấp cao của chế độ giám sát thực hiện, theo thông báo của Bình Nhưỡng. Nhật báo Rodong Sinmun của đảng Lao Động Triều Tiên còn đăng ảnh tên lửa đang được bắn lên lúc buổi sáng.

Theo AFP, quân đội Hàn Quốc đã thông báo có vụ bắn thử của miền Bắc ngay sau khi phát hiện. Nhưng có điều, không như thường lệ, Seoul không cho biết chi tiết độ cao và quãng đường bay của tên lửa.

Hôm nay (29/09), các chỉ huy liên quân tại Seoul khẳng định quân đội Mỹ và Hàn Quốc có đủ khả năng phát hiện và đánh chặn loại tên lửa siêu thanh.

Trong một thông cáo chung liên quân Mỹ-Hàn nhận định, « trên cơ sở đánh giá những tính năng như tốc độ bay thì đây là tên lửa vẫn trong giai đoạn sơ khởi, còn phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể triển khai ».

Trong tháng này, Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ bắn thử, từ tên lửa hành trình tầm xa đến loại đạn đạo tầm ngắn, bất chấp lệnh cấm của quốc tế.

Theo ông Lim Eul Chul, giáo sư Viện nghiên cứu Viễn Đông, được AFP trích dẫn, Bình Nhưỡng dùng việc phát triển vũ khí như là « cách để tạo cho mình một không gian hành động trong ngoại giao đồng thời cũng để tăng cương vị thế quân sự của mình ».

Trong khi đó Hàn Quốc cũng không ngừng tăng cường khả năng quốc phòng. Viễn cảnh giải trừ quân bị trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời.


Covid-19: Thành phố New York buộc tất cả nhân viên y tế tiêm chủng

Trọng Thành

Thống đốc New York Kathy Hochul yêu cầu tất cả nhân viên y tế của bang phải chích ngừa chống Covid. Ảnh ngày 27/09/2021. REUTERS – DAVID DEE DELGADO

Kể từ ngày thứ Hai, 27/09/2022, các bệnh viện ở thành phố New York buộc phải đình chỉ công việc hay sa thải các nhân viên y tế nào không tiêm chủng ít nhất một liều vac-xin ngừa Covid-19.

Đây là một thách thức rất lớn đối với tân thống đốc bang, bà Kathy Hochul. Quyết định đình chỉ hay sa thải nhân viên y tế và nhân viên các ngành “cận y tế”, nếu không tiêm chủng, được đưa ra trong lúc các ngành này đang thiếu nhân lực nghiêm trọng, sau 18 tháng đại dịch. Bên cạnh việc nhân viên kiệt sức vì công việc, nhiều người cũng đã chuyển sang các công việc được trả lương tốt hơn.

Để bù lấp tình trạng thiếu hụt nhân viên, tối ngày 27/09, thống đốc bang đã ban hành “tình trạng khẩn cấp”, cho phép huy động các nhân viên y tế về hưu, những người được đào tạo về y tế trong lực lượng Vệ binh Quốc gia, những người có bằng nhưng bằng hết hạn, cũng như đưa các ê-kíp y tế từ nơi khác đến.

Trước áp lực của chính quyền bang, những người cứng đầu nhất với đòi hỏi tiêm chủng trong đội ngũ y tế rút cục đã chấp nhận chích ngừa. Cho đến tối hôm qua, 28/09, đã có 92% nhân viên trong các ngành nghề liên quan đến quyết định này đã được chích ngừa ít nhất một liều, so với 82% trước đó một tuần. Có 8 y tá đệ đơn khiếu nại quyết định của bang New York.

Theo New York Times, từ một tuần nay, bang New York phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh không suy giảm, với trung bình mỗi ngày có thêm 15 người chết vì Covid-19, và khoảng hơn 16.000 người nhiễm mới. Khoảng 70% trong số 20 triệu dân cư của bang đã tiêm chủng ít nhất một liều, hơn 60% tiêm chủng đủ hai liều.

Related posts