Trung Quốc: Tiến tới siêu cường hay thụt lùi lịch sử?

Thuỳ Linh

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với tham vọng vượt Mỹ, trở thành siêu cường số 1 thế giới. Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, Tổng bí thư (TBT) Tập Cận Bình tuyên bố rằng: “Trong hơn một trăm năm qua, [ĐCSTQ] đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc viết nên chương hào hùng nhất trong lịch sử hàng thiên niên kỷ của dân tộc Trung Quốc”. Phát biểu này khiến người nghe có cảm giác rằng chỉ dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, đất nước Trung Hoa mới có được bước tiến vĩ đại như ngày nay; rằng nếu không có Đảng thì người Trung Quốc sẽ chìm trong đêm trường tăm tối của chế độ phong kiến. Sự thật có phải vậy hay không?

Trong chương trình hôm nay, chúng ta sẽ cùng phân tích hiện trạng của đất nước Trung Quốc, xem xem họ đang “tiến tới siêu cường” hay chỉ là một bước “thụt lùi lịch sử”, trên 3 phương diện là: kinh tế, chính trị – xã hội và ngoại giao.

1. Kinh tế: Tụt hạng so với thời Càn Long

Về kinh tế, nếu như nhìn vào biểu đồ tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TQ so với toàn thế giới từ năm 1980 cho đến nay, thì ấn tượng đầu tiên là dường như TQ đang cất cánh mạnh mẽ. Theo số liệu của Trading Economics, vào năm 2020, GDP TQ chiếm 13.04% toàn thế giới, và là nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Mỹ. 

ĐCSTQ thường lấy thành tích kinh tế để hợp pháp hoá sự thống trị của mình; tuy nhiên, trên thực tế nhân dân Trung Quốc đã dần dần đạt được sự phát triển đó sau khi ĐCSTQ nới lỏng những gông cùm của nó một chút, thông qua cái gọi là “cải cách mở cửa”. 

Đáng nói là, dưới nhãn quan lịch sử, nền kinh tế Trung Quốc ngày nay xếp hạng trên thế giới còn thấp hơn thời trị vì của vua Càn Long (1711-1799) trong triều đại nhà Thanh. Trong cuốn sách “9 bài bình luận về ĐCSTQ” (Cửu Bình) có nêu rằng:Trong thời vua Càn Long, GDP của Trung Quốc chiếm 51% tổng số GDP của toàn thế giới. Khi Tôn Trung Sơn thành lập nước Cộng hòa Trung Quốc (thời Quốc Dân Đảng) vào năm 1911, GDP của Trung Quốc chiếm 27% tổng số GDP của toàn thế giới.Vào khoảng năm 1923, tỷ lệ phần trăm đã bị rớt xuống, nhưng vẫn còn được 12%. Đến năm 1949, khi ĐCSTQ lên nắm quyền, tỷ lệ đó chỉ còn 5.7%, và đến năm 2003, GDP của Trung Quốc chỉ còn dưới 4% tổng số GDP của toàn thế giới. Tương phản với sự suy giảm kinh tế trong thời Quốc Dân Đảng do nhiều thập kỷ chiến tranh gây nên, thì sự suy giảm kinh tế liên tục trong thời kỳ ĐCSTQ cầm quyền lại diễn ra trong thời bình”.

Giáo sư Nancy Qian tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern bình luận trên trang Project Syndicate rằng: “Ông Tập đã đúng khi nói rằng, dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, Trung Quốc đã đạt được “bước nhảy vọt lịch sử” từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với “lực lượng sản xuất tương đối lạc hậu”, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những gì ông không đề cập tới là việc thành tích đó cũng bị làm hoen ố bởi những thất bại lớn, chẳng hạn như chính sách Đại nhảy vọt (1958-1962), dẫn đến nạn đói lớn nhất trong lịch sử nhân loại, và nhiều thập niên thi hành luật kế hoạch hóa gia đình khắt khe dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng gia tăng”. Giáo sư Nancy Qian kết luận rằng hồ sơ kinh tế của ĐCSTQ thực sự lẫn lộn”.

Nhiều triệu người Trung Quốc chết đói bởi chính sách “Đại Nhảy Vọt” của ĐCSTQ.

Một điều đáng nói nữa là, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong mấy thập niên qua của TQ phần lớn là dựa trên việc lạm dụng quá mức hoặc thậm chí lãng phí các nguồn lực, và đã đạt được với cái giá phải trả là sự phá hủy môi trường. Một phần đáng kể của GDP của Trung Quốc là đạt được bằng cách hy sinh cơ hội của các thế hệ tương lai. 

Bên cạnh đó, theo ông Michael Beckley, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Tufts – Mỹ, thì các tài liệu nghiên cứu liên quan cho đến nay đã đo lường không chính xác sức mạnh tổng hợp quốc gia. “Hầu hết các nghiên cứu sử dụng một số chỉ số kinh tế rộng và nguồn lực quân sự để đánh giá sức mạnh quốc gia của các nước. Ví dụ như sử dụng tổng sản phẩm quốc nội và chi tiêu quân sự để đánh giá. Các chỉ số này đem các nguồn lực có liên quan của các quốc gia cộng lại với nhau, nhưng không trừ đi chi phí mà các quốc gia đó phải trả để kiểm soát, bảo vệ và cung cấp dịch vụ cho người dân của họ. Do đó, các chỉ số đo lường thông thường này sẽ phóng đại sức mạnh quốc gia của các nước nghèo và đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước này có năng lực sản xuất lớn và lực lượng quân đội đông đảo, nhưng họ cũng phải chịu gánh nặng an ninh và phúc lợi khổng lồ mà sẽ làm tiêu tốn nhân lực và vật lực của họ.”

Giáo sư Beckley cũng cho biết:

“Kể từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa và năng suất lao động giảm 10%. Đồng thời, nợ công đã tăng gấp 8 lần, đạt mức 335% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2020. Trung Quốc không có nhiều hy vọng sẽ đảo ngược được những xu hướng này, vì trong 30 năm tới, nước này sẽ mất đi 200 triệu người trong độ tuổi lao động và có thêm 300 triệu người già. Khi tăng trưởng kinh tế giảm, nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị sẽ gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ vấn đề này, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng sự tan rã theo kiểu Liên Xô có thể xảy ra, trong khi giới thượng lưu Trung Quốc đang chuyển tiền và gia đình của họ ra nước ngoài.”

2. Chính trị, xã hội: Bạo lực và dối trá làm mất lòng dân

Nếu như kinh tế, lĩnh vực mà ĐCSTQ thường lấy làm tự hào, đã không phải là thành tựu rực rỡ như Bắc Kinh tuyên truyền, thì góc nhìn chính trị lại càng không lấy gì khả quan hơn. Hồ sơ chính trị của nhà cầm quyền Trung Nam Hải đầy rẫy góc khuất và bê bối, trái ngược với các giá trị đạo đức của văn hoá truyền thống Trung Hoa.

Nền văn minh Trung Hoa 5000 năm là cái nôi của Đạo giáo và Nho giáo, nơi các tinh thần “vô vi nhi trị” của Đạo gia, và “lấy Đức trị quốc” của Nho gia được nhiều đời hoàng đế tôn sùng và áp dụng. 

Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là, “Trinh Quán chi trị” – thời kỳ chính trị sáng suốt trong 23 năm tại vị của Đường Thái Tông, vị vua thứ hai của nhà Đường. Đường Thái Tông luôn ghi nhớ câu nói “nước có thể đẩy thuyền cũng có thể lật thuyền”, ông lấy nông nghiệp làm gốc, thương yêu người dân, phục hưng văn hóa tôn giáo, hoàn thiện chế độ khoa cử, khiến cho quốc thái dân an.

Đường Thái Tông quý trọng sinh mạng, thương yêu người dân, mở ra thời kỳ hoàng kim Trinh Quán chi trị.

Đường Thái Tông quý trọng sinh mạng, cực kỳ cẩn trọng trong phương diện hình phạt. Trong “Tân Đường Thư” có ghi chép chuyện Đường Thái Tông miễn chết cho tử tù: “Năm Trinh Quán thứ tư, cả nước xử trảm 29 người có tội. Năm Trinh Quán thứ sáu, vua đích thân thẩm vấn tội phạm, thương xót 390 tử tù, thả họ về nhà, đến mùa thu năm sau quay lại chịu hình phạt, đến kỳ hạn, toàn bộ tử tù đều đến triều đình, không thiếu một ai, Thái Tông biểu dương thành tín của họ, lấy đó làm lý do để miễn án cho tử tù”.

Ngược lại, ĐCSTQ dấy nghiệp từ bạo lực và coi thường sinh mạng. Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, nhiều chục triệu người Trung Quốc đã chết bởi những nguyên nhân bất thường như: bị bức hại, bị đói, bị tấn công vũ khí, bị đàn áp tôn giáo tín ngưỡng, v.v… Theo lời ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh Canada – ứng viên giải Nobel Hòa bình, cứ khoảng 10 năm, ĐCSTQ lại đàn áp một nhóm người. Phát biểu tại diễn đàn TEDxMünchen 2015, ông Kilgour cho hay hành vi này “chủ yếu là để gieo rắc nỗi sợ hãi cho phần đông dân chúng”. Ông cho biết, trong giai đoạn từ năm 1950-1989, ĐCSTQ đã tiến hành tới 3 chiến dịch đàn áp: Chiến dịch Đại Nhảy Vọt đã làm khoảng 40 triệu người chết đói; cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra từ năm 1966 đến 1976 giết thêm 2 triệu người nữa; và thảm sát Thiên An Môn 1989 đã khiến hơn 10.000 người dân vô tội chết oan.

Hàng vạn người vô tội bị giết hại trong thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989.

Và đúng 10 năm sau sự kiện Thiên An Môn, một cuộc thảm sát mới đã bắt đầu và tiếp diễn đến ngày nay. Nạn nhân có thể bị tra tấn đến chết hoặc bị giết để lấy nội tạng, chỉ vì họ tập luyện môn khí công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn được ưa chuộng tại nhiều quốc gia: Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công do Giang Trach Dân, (nguyên) Tổng bí thư ĐCSTQ phát động từ năm 1999 vẫn tiếp diễn tới tận ngày nay.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/08/2021 tố cáo Trung Quốc « che giấu các thông tin quan trọng sống còn về nguồn gốc đại dịch » Covid-19, ngăn cản các nhà điều tra và các cơ quan của thế giới tiếp cận với những thông tin nói trên. Tính đến cuối tháng 9/2021, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 4.8 triệu người, liệu ĐCSTQ có thoát khỏi trách nhiệm?

Câu hỏi là: Vì sao ĐCSTQ lại có thể che giấu tội ác hết lần này đến lần khác?

Theo nhà sử học Jonathan Mirsky, cũng là một nhân chứng trong sự kiện Lục Tứ (4/6/1989), những gì ĐCSTQ đã làm trong các vụ thảm sát là che giấu và dối trá về những gì đã xảy ra. Ví dụ: sau vụ thảm sát Lục Tứ, ĐCSTQ tuyên truyền rằng những người biểu tình ở Thiên An Môn là những tên tội phạm, những kẻ phản cách mạng tấn công và giết hại nhiều cảnh sát và binh sỹ.

“Vì vậy, nếu có phát súng nào thì đó hoàn toàn là để bảo vệ người dân bị tấn công bởi các phần tử phản cách mạng. Đó là lời nói dối trắng trợn!”, ông Mirsky cho biết.

Theo ông David Matas, luật sư nhân quyền – ứng viên giải Nobel Hòa bình, ĐCSTQ áp dụng chính thủ đoạn này để biện minh cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông phát biểu tại Hội nghị Bàn tròn 2017: “Họ bôi nhọ, chà đạp nhân phẩm, và cô lập những người này, khiến ít người thực sự nhận biết được điều gì đang diễn ra. Họ sẽ nói: ‘Pháp Luân Công là kẻ thù. Học viên Pháp Luân Công không phải là người, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì đối với họ’”.

Tuy thủ đoạn dối trá, tẩy não và bưng bít thông tin của ĐCSTQ có thể lừa được một số người, nhưng theo thời gian, số người minh bạch về tội ác của chính quyền TQ ngày càng nhiều. Theo thống kê của website Thoái Đảng (Tuidang), tính đến cuối tháng 9 năm 2021, đã có gần 350 triệu người TQ tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

3. Ngoại giao: Từ “lễ nghi chi bang” trở thành “sói chiến”

Ngày 31/5/2021, trong Hội nghị học tập Bộ chính trị ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã đưa ra chỉ thị yêu cầu: các lãnh đạo các cấp của ĐCSTQ phải nỗ lực ‘tô đắp’ hình ảnh Trung Quốc đáng tin, đáng yêu và đáng kính, kể chuyện tốt về Trung Quốc.

Bất chấp nỗ lực này của nhà cầm quyền Bắc Kinh, về phương diện ngoại giao, hiện nay ĐCSTQ dường như đã thất bại hoàn toàn.

Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc hội thảo tại Hiệp hội Nghiên cứu châu Á vào ngày 6 tháng 7 vừa qua, Kurt Campbell, điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã tuyên bố, “Bắc Kinh gần đây ngày càng trở nên hung hăng và gây thù chuốc oán với nhiều nước. Chiến lược này rất khác so với chiến lược của Bắc Kinh trong những năm 1990.”

Ông Kurt Campbell (ảnh: Wikipedia)

Theo Epoch Times đưa tin, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự Pháp thuộc Bộ Quốc phòng Pháp mới đây đã công bố một báo cáo phân tích đặc biệt có tựa đề: “Hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc”, đã tiết lộ đầy đủ những nỗ lực của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng, xâm nhập và kiểm soát toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh ĐCSTQ ép buộc, kiểm soát, lừa dối, và đàn áp tất cả những ai có nguy cơ đe dọa tồn vong và vị thế bá quyền của họ; ĐCSTQ thể hiện cái gọi là hình ảnh tích cực trên thế giới bằng cách dần thâm nhập vào các nước phương Tây thông qua các phương diện như ngoại giao, truyền thông, trường đại học, cộng đồng người Hoa và văn hóa.

Khi trả lời phỏng vấn của một phóng viên về báo cáo, Đại sứ quán ĐCSTQ tại Pháp đã áp dụng cách thường thấy là cố ý đánh đồng ĐCSTQ và nước Trung Quốc. Họ nói: “Đây là hành động công khai bôi nhọ Trung Quốc”, nhưng lại tránh trả lời những vấn đề thực tế trong báo cáo. Khi công bố báo cáo, nhóm thực hiện của Bộ Quốc phòng Pháp đã nhấn mạnh: Báo cáo này vạch trần ĐCSTQ chứ không phải Trung Quốc.

Báo cáo cho rằng gần đây hình ảnh quốc tế của ĐCSTQ đã trở nên xấu hơn nhiều. Điều này rõ ràng là một bước tụt lùi lịch sử, nếu như so sánh với hình ảnh chính đại quang minh của một “lễ nghi chi bang” được vạn bang triều phục và tôn kính trong những thời kỳ thịnh trị. Khổng Tử từng nói: “Dùng đức để làm chính trị, giống như sao Bắc Đẩu ở vị trí của nó mà muôn vì sao khác đều hướng đến nó”. ĐCSTQ ngày nay dùng lợi ích để dụ dỗ, dùng vũ lực để hăm hoạ khắp nơi, mà lòng dân thế giới đều không hướng về. Nguyên nhân tại sao hẳn không cần bàn thêm nữa.

***

Nhìn lại 3 khía cạnh kinh tế, chính trị – xã hội và ngoại giao nói trên, rõ ràng mảnh đất Thần Châu dưới thời kỳ cai trị của ĐCSTQ không hề “viết nên chương hào hùng nhất trong lịch sử hàng thiên niên kỷ” như TBT Tập Cận Bình đã hùng hồn.

Ông Michael Beckley, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Tufts – Mỹ, sau nhiều năm nghiên cứu về sức mạnh quốc gia và quân sự của TQ đã đưa ra kết luận rằng, sự kiểm soát, đàn áp bên trong và các hành động khiêu khích bên ngoài của ĐCSTQ đều là sự phản ánh một cảm giác bất an về một tương lai không còn dài của chính họ.

ĐCSTQ liệu sẽ có kết cục giống Trụ Vương??

Kết luận này khiến chúng ta liên tưởng tới cảnh tượng 800 chư hầu bao vây Trụ Vương ở Triều Ca. Trụ Vương si mê Đát Kỷ, làm bao điều thương thiên hại lý: trong thì đắm chìm trong tửu sắc, lập Sái Bồn hại cung nga, làm Bào Lạc đốt trung thần; ngoài thì chặt chân kẻ bộ hành xem tuỷ, mổ bụng đàn bà chửa xem thai, coi mạng dân như cỏ rác. Vì thế, 800 chư hầu dưới sự lãnh đạo của Chu Võ Vương đã xuất quân bao vây kinh thành Triều Ca. Thừa tướng Khương Tử Nha chỉ cần viết tờ hịch lên giấy, bắn vào thành Triều Ca là quân dân đã tự nguyện dâng thành, 800 chư hầu tiến thẳng vào Ngọ môn vấn tội Trụ Vương. Vị vua cuối cùng của triều đại nhà Thương đã tận số, thực ra không phải vì sự tấn công bên ngoài, mà là bởi sự hoang dâm tàn bạo của chính mình.

Theo Thuỳ Linh, FVN News

Related posts