Lê Minh
Nhiều chính sách công bố của Bắc Kinh trong những ngày này dường như rất mâu thuẫn, đặc biệt là đối với các vấn đề tài chính. Tuy nhiên, mọi thứ dù hỗn loạn đến đâu đều có trật tự trong đó nếu chúng ta có thể thấu hiểu tham vọng của Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh liệu có thành công với chiến lược mâu thuẫn này hay không thì còn là một câu hỏi ngỏ bởi tham vọng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh, về cơ bản, xung đột lớn…
Một mặt, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chặn tất cả các con đường cho các doanh nghiệp nước này huy động vốn nước ngoài. Bắc Kinh đặc biệt chặn lại mọi con đường giúp các doanh nghiệp nội địa có thể huy động vốn từ Mỹ. Nhưng gây kinh ngạc là, các nhà chức trách của Bắc Kinh, sau nhiều năm ngăn cản các công ty tài chính nước ngoài muốn tiếp cận Trung Quốc, lại đã mời BlackRock của Mỹ xây dựng, bán và quản lý các quỹ tương hỗ ở Trung Quốc. Trước đó, JP Morgan, một siêu ngân hàng thương mại của Mỹ cũng hân hoan thông báo nhận được sự ‘chào đón’ của Bắc Kinh cho các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính của họ.
Không chỉ hai ông lớn tài phiệt này, các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang mời thêm một số công ty tài chính nước ngoài khác gia nhập thị trường tài chính của họ.
Tại sao lại mâu thuẫn như vậy? Chiến lược này của Bắc Kinh chỉ có thể giải thích rằng Bắc Kinh muốn đưa đồng nhân dân tệ (CNY) trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu và có lẽ một ngày nào đó sẽ thay thế đồng USD, trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu.
Bắc Kinh chưa bao giờ giấu giếm tham vọng của mình về ngôi bá chủ của đồng CNY. Họ đã cố gắng sử dụng ưu thế về thương mại của Trung Quốc cũng như lợi thế chính trị đạt được từ sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) để thúc đẩy mục tiêu này trong hơn một thập kỷ qua. Trong một số trường hợp, Bắc Kinh yêu cầu đối tác thương mại phải viết hợp đồng bằng CNY chứ không chấp nhận cách viết giá trị hợp đồng hay thanh toán bằng USD như thông thường.
Năm năm trước (2016), đồng CNY cũng có cơ hội vô cùng thuận lợi bước chân vào cuộc đua với đồng USD, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tạo ra quyền rút vốn đặc biệt (SDR), một loại tiền quốc tế trộn lẫn 6 ngoại tệ mạnh của IMF để ngân hàng trung ương các nước có thể làm tiền dự trữ và có quyền rút vốn đặc biệt từ IMF khi cần.
Dù rất nhiều điều kiện thương mại, chính trị và ưu ái quốc tế (từ IMF), nhưng khoảng cách của CNY và USD trên cuộc đua thống trị tiền tệ quốc tế lại không hề được cải thiện. Sự thật này khiến rất nhiều dự báo của các nhà kinh tế học không thấu hiểu bản chất đồng CNY của Trung Quốc trở nên vô nghĩa.
Theo thống kê gần đây của IMF, chỉ khoảng 2% dự trữ tiền tệ toàn cầu được nắm giữ bằng CNY so với hơn 60% bằng USD. Chắc chắn, một số công ty tài chính toàn cầu đã dự báo tăng thêm cho tỷ lệ dự trữ bằng đồng CNY. Morgan Stanley dự đoán tỷ trọng của đồng CNY trong dự trữ toàn cầu sẽ tăng lên 5% hoặc hơn vào năm 2030. Điều đó sẽ tạo thành một bước tiến đáng kể, nhưng dù đạt kết quả đó thì CNY ít quan trọng hơn so với EUR, thậm chí là đồng bảng Anh, và vẫn còn lâu mới thay thế được đồng USD. Các thước đo khác, chẳng hạn như tỷ lệ phần trăm của các hợp đồng thương mại được viết bằng các loại tiền tệ khác nhau, cũng kể câu chuyện tương tự.
Ngay cả khi giới lãnh đạo của Bắc Kinh hân hoan với dự báo của Morgan Stanley, họ chắc chắn là người rõ hơn ai hết rằng sức mạnh của CNY thực sự không có gì thay đổi. Bởi vì CNY không thể tự do chuyển đổi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và bởi vì CNY còn là công cụ tấn công thương mại của Bắc Kinh. Điều đó không thể thay đổi dù hàng thập kỷ sau này, CNY không thể tự do để đảm bảo các công dân Trung Quốc cầm ngoại tệ và tiêu dùng ở nước ngoài hay tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Đó là mối quan hệ biện chứng, ràng buộc chặt chẽ. Bắc Kinh có thể thay đổi chính sách kiểm soát công dân của họ sao? Không thể! Bắc Kinh dám để đồng CNY tự do sao? Không thể! Trước đã không thể, hiện nay càng không thể. Vì sao?
Hiện nay, Trung Quốc đang bắt đầu tái cấu trúc mạnh mẽ nền tài chính nói riêng và cấu trúc kinh tế nói chung. Nhưng chiến lược tái cấu trúc lần này lại xoay chiều nền kinh tế vào trong, chứ không phải tăng cường quốc tế hoá. Điều này không có chút ích lợi nào cho chiến lược quốc tế hoá đồng CNY. Phải chăng đó là lý do Bắc Kinh vừa cấm cản doanh nghiệp của họ niêm yết tại Mỹ vừa sử dụng củ cà rốt mời gọi các nhà tài phiệt tài chính nước ngoài vào Bắc Kinh để giúp chính quyền này quốc tế hoá đồng CNY?
Một đồng tiền dự trữ đòi hỏi có một thị trường tiền tệ thanh khoản. Trước khi các nhà giao dịch, nhà đầu tư, chủ ngân hàng và chủ ngân hàng trung ương sẽ dựa vào một loại tiền tệ để giao dịch quốc tế, họ phải chắc chắn rằng họ có thể dễ dàng chuyển đổi tiền dự trữ sang các loại tiền khác một cách nhanh chóng, dễ dàng, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và ở hầu hết mọi thời điểm. Đồng CNY của Trung Quốc, như đề cập ở trên, không hề được tự do chuyển đổi do sự kiểm soát gắt gao của Bắc Kinh vì các mục tiêu kinh tế và chính trị khác. Đồng CNY thậm chí không dễ dàng mang vào và mang ra khỏi Trung Quốc, chứ chưa nói đến tự do chuyển đổi bất kỳ nơi nào, thời điểm nào với bất kỳ ngoại tệ nào trên thế giới.
Tương tự, Trung Quốc cũng thiếu các công cụ đầu tư dựa trên đủ để hỗ trợ đồng nội tệ của họ quốc tế hoá và có vai trò toàn cầu. Những quốc gia có tiền tệ dự trữ được, họ phải cung cấp một loạt các phương tiện đầu tư – các loại tài khoản chắc chắn nhưng cũng là cách để kiếm tiền trên số dư nắm giữ cả trong ngắn và dài hạn. Trung Quốc cung cấp rất ít lựa chọn đầu tư cho người nắm giữ đồng CNY dự trữ, ngoại trừ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu kém phát triển và tài khoản lãi suất thấp tại các ngân hàng quốc doanh. Vì không có nhiều lựa chọn đầu tư bằng CNY, rất ít nhà đầu tư, quốc gia muốn giữ số dư trong tài khoản của họ bằng CNY.
Trong một thời gian, Bắc Kinh đã sửa chữa khiếm khuyết này bằng cách dựa vào thị trường tài chính có trình độ phát triển cao của Hồng Kông, dựa vào thị trường này để CNY vươn ra toàn cầu. Nhưng có vẻ như, nhu cầu chính trị nội địa đã lấn át tham vọng đó. Cuộc đàn áp ở Hồng Kông đã bắt đầu thúc đẩy các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế dần từ bỏ Hông Kông để vươn tới những nơi xa hơn như Singapore. Nhiều kỹ năng chuyên môn, chảy máu chất xám cũng rời khỏi Hồng Kông trong cuộc đàn áp chính trị này. Thế mạnh vay mượn từ Hồng Kông đang suy yếu, Bắc Kinh phải tìm kiếm một giải pháp thay thế khác. Và chính sách tài chính có vẻ mâu thuẫn này chắc chắn phục vụ mục đích đó.
Hãy xem xét quyết định cắt đứt hoạt động kinh doanh của Trung Quốc khỏi các nguồn vốn nước ngoài. Hiện tại, sự thiếu hụt dòng tiền có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng, nhưng theo thời gian, điều này sẽ tạo ra áp lực lên các thỏa thuận tài chính hiện có để phát triển các phương tiện có thể huy động vốn cho các doanh nghiệp bị cắt khỏi nguồn vốn nước ngoài. Đáp ứng các nhu cầu như vậy cũng sẽ phát triển các phương tiện đầu tư có thể đáp ứng nhu cầu của những người sẽ phải giữ số dư đồng và giúp nó trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Các cơ sở đó càng phát triển tốt thì đồng CNY càng có cơ hội vươn lên tầm cỡ toàn cầu.
Quyết định mời BlackRock và các định chế tài chính nước ngoài lớn vào Trung Quốc sẽ bổ sung cho nỗ lực đó. BlackRock và các định chế khác sẽ không chỉ phát triển các phương tiện đầu tư cần thiết, ví dụ như quỹ trái phiếu, quỹ đầu tư ngắn hạn, quỹ đầu tư cổ phiếu, mà còn mang lại cho Trung Quốc chuyên môn và hệ thống giao dịch mà đồng CNY có vai trò cao hơn trên thị trường quốc tế. Hiển nhiên, Trung Quốc cũng hy vọng các định chế tài chính trong nước, đối tác của các định chế tài chính lớn toàn cầu này, nhanh chóng học hỏi, sao chép tri thức, công nghệ quản trị tài chính như họ đã làm rất thành công với công nghệ, quản trị trong ngành sản xuất suốt 4 thập kỷ qua.
Tuy nhiên, liệu những nỗ lực này có mang lại cho đồng nhân dân tệ vị thế mà Bắc Kinh mong muốn hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ ở nhiều cấp độ. Chẳng hạn, không rõ ràng rằng những động thái này và những động thái khác tương tự có đủ để nâng cấp nền tài chính Trung Quốc đến mức có thể cạnh tranh với những gì mà Singapore, Tokyo, London và New York đã cung cấp dồi dào, cho tiền tệ của họ và cho đồng USD. Cũng không có gì rõ ràng rằng chính phủ ở Bắc Kinh, với sự yêu thích kiểm soát tập trung, có thể chấp nhận cho sự thử nghiệm chuyển đổi tự do CNY với bất kỳ ngoại tệ nào khác, điều tối quan trọng để đồng CNY có thể trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Và ngay cả khi các bước đi của Bắc Kinh hoàn toàn thành công thì sự trỗi dậy của CNY vẫn chưa được đảm bảo. Bởi vì ngoài quy mô giao dịch và độ sâu của thị trường tài chính, một đồng tiền có trở nên phổ biến hay không còn phụ thuộc vào thói quen và tập quán. Đã giữ vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu hàng đầu trong hơn 70 năm, đồng USD có nhiều lợi thế. Dĩ nhiên, điều này không đảm bảo rằng USD giữ vững ngôi vị của nó vô thời hạn, nhưng quá trình chuyển đổi từ USD sang bất kỳ một loại ngoại tệ nào khác cũng cần một thời gian dài, đủ lâu để thử thách cả sự kiện nhẫn của người Trung Quốc.
Tác giả ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu nguồn nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi ngày saus: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Lê Minh
(Theo The Epoch Times)