Vũ Hiến
Một điều mà nhiều người nhận thấy là kể từ mấy năm qua, mối quan hệ và hợp tác của nhóm Bộ Tứ (the Quad) – bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ – ngày càng thắt chặt và gần gũi hơn. Hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu 24/9 tại Toà Bạch Ốc là một bằng chứng cho thấy rõ hơn nữa về bước ngoặt trong quan hệ và hợp tác của Bộ Tứ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và thời kỳ mà sự cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng tăng cường độ.
Tên chính thức của nhóm 4 quốc gia trên là “Ðối thoại An ninh Tứ giác” (Quadrilateral Security Dialogue) – khởi đầu là một cơ chế hỗ trợ nhân đạo đặc biệt sau trận sóng thần chết người năm 2004 tại Nam Dương. Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc chuyển hướng chính sách và sự hợp tác an ninh chặt chẽ hơn của nhóm không phải là không có rủi ro. Ðiều mà một số người cho rằng quá trình quân sự hóa ngày càng gia tăng của nhóm Bộ Tứ có thể mở ra lộ trình đưa đến một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Hơn nữa, một số chuyên gia còn nhận thấy phản ứng của Trung Quốc đối với liên minh của 4 quốc gia trên bằng cách xây dựng quan hệ của họ với Nga, Pakistan và Iran để tạo thành một nhóm đối trọng tiềm năng khiến nhiều người không khỏi không liên tưởng đến một cuộc chiến tranh lạnh khác có thể đang dần hình thành.Xem thêm: Cuộc chiến thứ nhì Taliban & ISIS
Một số khác thì lo ngại rằng chính sách đối đầu với Trung Quốc nếu không kiểm soát có thể đi quá đà, làm phai nhoà đi bản sắc của Bộ Tứ với tư cách là một nhóm gồm 4 quốc gia dân chủ với mục tiêu là nhằm thúc đẩy các giá trị chung và các nguyên tắc quốc tế về tự do như tuân thủ các quy tắc về pháp luật, minh bạch trong việc hợp tác và tự do hàng hải. Và họ cũng cảnh báo rằng hình thức quân sự hóa đang diễn ra có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử trong một khu vực vốn đã sẵn có nhiều biến động.
Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế nói rằng nguyên nhân chính đưa đến sự hợp tác mang tính cách chiến lược của nhóm Bộ Tứ vẫn là do từ các hành vi của Trung Quốc trong suốt một thập niên qua: đụng độ biên giới với Ấn Ðộ, trừng phạt kinh tế đối với Úc do quốc gia này lên tiếng ủng hộ nhân quyền tại Trung Quốc, quân sự hoá trên vùng biển gần Nhật Bản, ngang nhiên xâm chiếm các bãi đá ngầm và xây dựng thành những hòn đảo nhân tạo trong khu vực Biển Ðông, đồng thời hăm doạ và gây khó khăn cho tàu bè qua lại trong khu vực. Ðặc biệt hơn nữa là vấn đề Ðài Loan đang ngày càng trở nên cấp bách hơn: Chỉ một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh, Trung Quốc đã điều hơn một chục chiến đấu cơ và hai máy bay ném bom vào vùng nhận dạng phòng không của Ðài Loan như một cách để nhằm khiêu khích và thách thức.
Nhưng mục đích chung của 4 cường quốc khu vực là cùng hợp tác với tư cách là các cường quốc về hàng hải để đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hung hăng là điều mà các nhà quan sát quốc tế nói đến khi bàn về cuộc họp thượng đỉnh nói trên.
Sự hợp tác nói trên lại đặc biệt rõ hơn nữa sau khi thỏa thuận được công bố một tuần trước đó giữa Hoa Kỳ, Úc và Vương quốc Anh về kế hoạch cung cấp cho nước Úc với 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Thoả thuận quốc phòng của Bộ Ba quốc gia trên không trực tiếp liên quan tới Bộ Tứ. Nhưng thời điểm của việc công bố chỉ một tuần trước cuộc họp thượng đỉnh, và với sự tham gia của Hoa Kỳ và Úc trong thoả thuận, lại càng mang tính cách thuyết phục mà một số chuyên gia về tình hình thế giới cho rằng các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu Ấn Ðộ-Thái Bình Dương đang từ từ gỡ bỏ chiếc găng tay bọc nhung của họ để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc chứ không còn nhượng bộ như trước đây nữa.
Theo nhận định của một cựu viên chức thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thỏa thuận tàu ngầm nguyên tử chỉ với một mục đích chính là giúp cho Úc có “khả năng đánh chìm hải quân Trung Quốc trong vòng 72 giờ” và do đó tạo thành “một chiến lược ngăn chặn ở cấp độ mới”.
Gần đây nhất là vào thời của chính quyền Barack Obama, Úc được coi là đã cố gắng hạn chế hợp tác quân sự với Hoa Kỳ để tránh gây báo động cho Trung Quốc. Năm 2011, Úc đã chọn chính sách hạn chế và luân phiên thay đổi binh lính của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thay thế cho chính sách trước đó là để quân đội Hoa Kỳ thường trực đóng quân trên đất của họ.
Nay nước Úc đã ký một thỏa thuận hứa hẹn một cuộc chuyển giao kỹ thuật nguyên tử của Hoa Kỳ ở mức độ chưa từng xảy ra và điều này xác nhận Hoa Kỳ sẽ là đối tác bảo đảm an ninh của nước Úc trong tương lai dài hạn. Sự tham gia của Vương quốc Anh trong thỏa thuận cũng là điều quan trọng đáng nói tới là vì Anh Quốc cũng rất muốn hợp tác với nhóm Bộ Tứ trong vùng biển châu Á.
Năm 2008, với sự can thiệp của cựu Thủ tướng Kevin Rudd đòi rút nước Úc ra khỏi nhóm Bộ Tứ vì cho rằng sự hợp tác và hoạt động của nhóm này có thể gây ra sự nhạy cảm đối với Trung Quốc và hy vọng nước Úc có thể phát triển quan hệ với Trung Quốc để đôi bên cùng có lợi. Nhưng cũng giống như bất cứ sự việc gì khác từng xảy ra khiến cho tình hình thế giới phải thay đổi, chính phủ Úc ngày càng cảm thấy khó chịu với sự khuếch trương quân sự quá mau lẹ của Trung Quốc và chính sách “ngoại giao chiến lang” của họ trong những năm gần đây đã dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của Bộ Tứ như chúng ta đang được chứng kiến.
Tất cả những sự việc trên có thể sẽ không xảy ra nếu như Bắc Kinh không có những hành vi bất chấp và coi thường các quy luật ứng xử quốc tế đã được đặt ra từ lâu nay. Có thể nói chính những hành vi này là thứ gậy ông đập lưng ông. Nhưng cũng có thể họ đã thấy trước điều đó nhưng vẫn bất chấp không nghe theo lời khuyên “thao quang dưỡng hối” của cố lãnh tụ Ðặng Tiểu Bình là hãy náu mình chờ thời. Sự hấp tấp này có thể là bước đi đầy sai lầm của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh hiện nay.