Tin thế giới sáng thứ Bảy

AUKUS : Đàm phán thương mại EU và Úc bị hoãn

Minh Anh

Cờ 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ. REUTERS/Francois Lenoir

Cuộc đàm phán tìm kiếm một thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Úc và Liên Hiệp Châu Âu (ALE), được dự trù từ lâu, đã bị tạm hoãn. Một quan chức Liên Hiệp Châu Âu hôm nay, 01/10/2021 cho biết như trên.

Đại diện Liên Hiệp Châu Âu tại Canberra cho biết rõ « vòng đàm phán thương mại ALE tạm dời đến tháng 11 » năm nay. Tuyên bố này làm dấy lên mối hoài nghi cho tương lai của một thỏa thuận có quy mô lớn. Theo AFP, quyết định này được đưa ra sau việc Pháp nổi giận khi Úc bất ngờ thông báo hủy hợp đồng mua tầu ngầm mà đôi bên ký kết hồi năm 2016.

Bộ trưởng Thương Mại Úc, Dan Tehan, lẽ ra phải đến châu Âu để đàm phán, đã giảm thiểu tầm mức vụ việc, cho rằng ông « thấu hiểu phản ứng của Pháp về quyết định của Úc liên quan đến thương vụ tầu ngầm », đồng thời bảo vệ lập trường của Úc khi khẳng định « bất cứ nước nào cũng phải hành động vì lợi ích quốc gia. Đó chính là những gì Úc đã làm ».

Lãnh đạo ngành thương mại Úc cho biết thêm là ông dự trù một cuộc gặp với ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Valdis Dombrovskis, trong tuần tới. Bộ trưởng Úc khẳng định « sẽ tiếp tục chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 12 và làm việc để đúc kết một thỏa thuận tự do mậu dịch vốn dĩ cũng nằm trong lợi ích của Úc và Liên Hiệp Châu Âu. »

Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ ba của Úc. Năm 2020, trao đổi hàng hóa giữa hai nền kinh tế đạt mức 36 tỷ euro và 26 tỷ euro trong lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, việc, Úc ngày 15/09/2021, bất ngờ hủy hợp đồng mua 12 tầu ngầm quy ước của Pháp với tổng trị giá 55 tỷ euro, để đổi qua mua tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, đã khiến Paris nổi giận, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Pháp với Mỹ và Úc. Phản ứng mạnh mẽ, Paris đã cho triệu hồi đại sứ tại hai nước về để tham vấn. Đây là một hành động hiếm có của Pháp nhằm phản đối cách hành xử của các đồng minh.

Covid-19 : Liên Hiệp Châu Âu triển hạn kiểm soát xuất khẩu vac-xin

Minh Anh

Ủy viên y tế của Liên Âu, Stella Kyriakides, tại cuộc họp báo về chiến lược điều trị Covid-19, Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 06/05/2021. © Kenzo Tribouillard, Reuters

Thứ Năm, ngày 30/09/2021, Ủy Ban Châu Âu thông báo triển hạn cơ chế kiểm soát xuất khẩu các loại vac-xin ngừa Covid-19 sản xuất trong khối Liên Hiệp Châu Âu đến cuối tháng 12/2021 nhằm bảo đảm nguồn dự trữ cho khối 27 nước thành viên.

Trong thông cáo, Ủy Ban Châu Âu giải thích tuy các chiến dịch tiêm ngừa đã được tăng tốc trong nhiều tháng qua, và vẫn đang tiếp diễn, nhưng « nhiều yếu tố bất định vẫn tồn tại, nhất là trước sự xuất hiện của nhiều chủng biến thể mới ». Do vậy, Ủy Ban Châu Âu cho rằng việc « duy trì sự minh bạch là cần thiết », và cơ chế kiểm soát, có hiệu lực đến cuối tháng Chín, sẽ được triển hạn đến hết ngày 31/12/2021.

Ủy Ban Châu Âu khẳng định chưa dự kiến triển hạn tiếp sau thời hạn trên.Tuy nhiên, định chế này cho biết sẽ nghiên cứu thành lập một cơ chế giám sát mới, cung cấp các thông tin cập nhật về các chương trình xuất khẩu một khi cơ chế kiểm soát này hết hiệu lực vào cuối năm 2021.

Trên nguyên tắc, cơ chế kiểm soát này, được thiết lập hồi cuối tháng Giêng năm nay, bắt buộc một hãng dược trước khi xuất khẩu các loại vac-xin đều phải có « đèn xanh » của nước thành viên sở tại, trước khi được sự đồng ý của Ủy Ban Châu Âu.

Dù vậy, cơ chế này cũng không hạn chế 27 nước thành viên thông qua hơn 2.600 đơn xin xuất khẩu trong khoảng thời gian cuối tháng Giêng đến ngày 28/09/2021. AFP cho biết, tổng cộng có hơn 738 triệu liều vac-xin đã được xuất khẩu đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn này, một yêu cầu duy nhất bị bác là từ AstraZeneca gởi sang Úc.

Úc : Công nhận vac-xin Sinovac để mở cửa cho du khách

Tại Úc, thủ tướng Scott Morrison hôm nay, 01/10/2021, thông báo sẽ mở cửa biên giới trở lại sau 18 tháng nghiêm cấm công dân Úc đi nước ngoài mà không có giấy phép.

Thủ tướng Úc khẳng định những công dân nào đã tiêm đủ 2 liều có thể trở về nhà hay đi du lịch nước ngoài ngay khi tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đạt ngưỡng 80%. Trong điều kiện này, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc, Cục Quản lý Dược phẩm trị liệu, thông báo công nhận các loại vac-xin do hãng dược Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca bào chế tại Ấn Độ. Úc đang bắt đầu nới lỏng một số hạn chế về biên giới đại dịch khốc liệt nhất trên thế giới khi tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đạt đến ngưỡng chính là 80%.

Nhật Bản : Vac-xin bị hỏng do sai sót của con người

Còn tại Nhật Bản, hãng dược Takeda Pharmaceutical hôm nay, 01/10/2021 thừa nhận « sai sót con người » trong khâu đóng bao bì là nguyên nhân chính làm hỏng hàng triệu liều vac-xin Moderna. Trong tháng 8 và 9/2021, chính quyền Nhật Bản phải cho ngưng sử dụng hơn 2 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 Moderna sau khi phát hiện có những phần tử lạ trong một số lô thuốc.

Mỹ và Nga xác nhận tiến triển trong đàm phán về kiểm soát vũ khí

Trọng Nghĩa

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman (P) và đồng nhiệm Nga Sergueï Riabkov tại trụ sở phái đoàn Ngoại Giao Mỹ tại Genève, Thụy Sỹ, ngày 28/07/2021. REUTERS – HANDOUT

Trong thông cáo chung công bố hôm qua, 30/09/2021, Hoa Kỳ và Nga cùng cho biết là hai bên vừa kết thúc tại Geneve (Thụy Sĩ) vòng đàm phán thứ hai “chuyên sâu và có thực chất” về kiểm soát vũ khí, trong khuôn khổ cuộc đối thoại chiến lược nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Sau cuộc họp đầu tiên vào tháng 7/2021, vào hôm qua (30/09), phái đoàn Mỹ do thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman dẫn đầu đã tiếp xúc với phái đoàn Nga mà trưởng đoàn là thứ trưởng Ngoại Giao Sergei Riabkov. Hai bên đã quyết định thành lập hai nhóm làm việc sẽ họp lại với nhau trước khi mở ra vòng đàm phán thứ ba mà thời gian và địa điểm chưa được tiết lộ. Công việc của hai nhóm làm việc sẽ tập trung vào việc xác định các nguyên tắc và mục tiêu của việc kiểm soát vũ khí trong tương lai.

Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2021 ở Genève, tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, đã nhất trí về việc thiết lập một cơ chế song phương mang tên “Đối Thoại Ổn Định Chiến Lược” nhằm tạo cơ sở cho một thỏa thuận kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Mỹ và Nga là hai quốc gia sở hữu 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết là theo Washington, cuộc họp Mỹ-Nga vào hôm qua ở Genève “rất hiệu quả”, vì hai bên có rất nhiều tương tác trong nhiều hồ sơ.

Mỹ và Philippines thảo luận tương lai Hiệp ước Phòng thủ chung, Trung Quốc lo lắng

Minh Anh

(Ảnh minh họa) – Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (T) và đồng nhiệm Philippines Delfin Lorenzana bắt tay sau cuộc gặp song phương tại căn cứ quân sự Aguinaldo, thành phố Quezon, Manila, Philippines, ngày 30/07/2021. REUTERS – POOL

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ngày 30/09/2021 cho biết các giới chức quân sự Mỹ và Philippines bắt đầu các cuộc đàm phán về tương lai Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) giữa hai nước, nhân dịp 70 năm ký kết văn bản này. Sự việc có thể sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng.

Trong một đoạn vidéo đăng trên diễn đàn thảo luận những vấn đề có liên quan đến hiệp ước này, lãnh đạo quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana cho biết mục tiêu của cuộc đàm phán lần này là nhằm tìm kiếm một số đồng thuận về tương lai hiệp ước. Văn bản có thể sẽ bị bãi bỏ, thay thế hay sửa đổi sau nhiều thập niên. Đây là hiệp ước liên minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á.

AP nhắc lại hiệp ước Phòng thủ chung được ký kết năm 1951. Hoa Kỳ và Philippines cùng cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Giới chức Mỹ nhiều lần bảo đảm với người đồng nhiệm Philippines rằng sẽ tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước nếu các lực lượng, tầu chiến và máy bay Philippines bị tấn công tại Biển Đông, kể cả bởi Trung Quốc.

Trước khi diễn ra các cuộc thảo luận này, phía Trung Quốc dường như đã tìm cách gây áp lực với Philippines. Cựu đại sứ Trung Quốc đã đến gặp ông Lorenzana nói rằng : « Vui lòng đừng chạm đến MDT, hãy để nó yên như thế ».

Theo lời một nhà ngoại giao Philippines ẩn danh với hãng tin Mỹ AP, Trung Quốc tỏ ra lo lắng về việc Washington và Manila có thể có những sửa đổi hiệp định đe dọa đến an ninh của Bắc Kinh. Chẳng hạn như đôi bên có thể công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra hồi năm 2016, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông trên cơ sở lịch sử.

Sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa có phản ứng gì về những phát biểu của bộ trưởng Lorenzana. Trung Quốc trước đó cảnh báo Hoa Kỳ không nên can dự vào điều mà Bắc Kinh cho là một cuộc tranh chấp thuần túy châu Á mà các chính phủ trong khu vực đang tìm cách giải quyết thông qua các cuộc đàm phán.

Tầu chiến Anh đến cảng Cam Ranh, thăm Việt Nam bốn ngày

Minh Anh

Khinh hạm HMS Richmond của Anh tại Căn cứ Hải quân Changi, Singapore, ngày 19/0/2011, trong khuôn khổ Triển lãm Phòng thủ Hàng hải Quốc tế. AP – Joseph Nair

Khinh hạm lớp 23 HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh hôm nay, 01/10/2021, đã cập cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Anh – Việt Nam.

« Good morning Vietnam ! Xin chào Việt Nam! Thật tự hào khi Richmond có cơ hội ghé thăm đất nước xinh đẹp của các bạn. » Đây là những dòng tin nhắn được chiến hạm gởi đi trên mạng xã hội Twitter.

Theo trang mạng Forces, khinh hạm HMS Richmond, thuộc tổ tác chiến hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Vương Quốc Anh đã được đại diện sở Ngoại Vụ tỉnh Khánh Hòa, Quân khu 4, bộ đội biên phòng, cảng quốc tế Cam Ranh và đại sứ Anh tại Hà Nội đón tiếp trọng thể.

Hôm thứ Tư, 29/09/2021, chiếc tầu chiến này đã băng qua eo biển Đài Loan để đến Việt Nam. Chính quyền Bắc Kinh cáo buộc Luân Đôn có hành động « ẩn chứa ý đồ xấu xa ».

Đầu tuần này, HMS Richmond cùng với tầu sân bay HMS Queen Elizabeth đã tiến hành một cuộc tập trận với Hải quân Hoàng gia New Zealand.

Bình Nhưỡng lại thử tên lửa ngay trước cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An

Trọng Nghĩa

Bức ảnh được báo Nhà nước Bắc Triều Tiên Rodong Sinmun đăng, cho thấy một tên lửa được phóng lên bầu trời, ngày 30/09/2021. STR KCNA VIA KNS/AFP

Sau khi bị dời lại một hôm theo yêu cầu của Nga và Trung Quốc, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp vào hôm nay, 01/10/2021 để thảo luận về vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa siêu thanh. Trong một động thái bị cho là khiêu khích, vài giờ trước cuộc họp, Bình Nhưỡng lại tiến hành một vụ thử tên lửa khác.

Trong một bản tin công bố hôm nay 01/10, hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên, KCNA, cho biết : “Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên ngày 30/09 đã tiến hành bắn thử một tên lửa phòng không mới vừa được phát triển gần đây”. KCNA đã hoan nghênh rằng “hiệu suất chiến đấu đáng chú ý của tên lửa đã được kiểm chứng, với việc sử dụng các công nghệ quan trọng mới”. Một bức ảnh chụp tên lửa bay lên bầu trời sau khi vụ phóng đã được tờ báo chính thức Rodong Sinmun công bố.

Theo hãng tin Pháp AFP, vụ bắn thử mới này có vẻ khiêu khích, vì diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An do Washington, Paris và Luân Đôn yêu cầu, để bàn về vụ bắn tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng, được Bình Nhưỡng giới thiệu là “siêu thanh”. Cuộc họp khẩn dự kiến được tổ chức vào hôm qua, nhưng đã bị hoãn qua ngày hôm nay theo yêu cầu của Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng và Nga.

Bắc Triều Tiên từ lâu nay đã nổi tiếng với chiến thuật được cân nhắc kỹ lưỡng là sử dụng thử nghiệm vũ khí để làm gia tăng căng thẳng. Theo chuyên gia Soo Kim thuộc trung tâm tham vấn RAND Corporation của Mỹ, với những vụ thử gần đây, Kim Jong Un đang tìm cách trắc nghiệm phản ứng của Washington để xem Bình Nhưỡng có thể khiêu khích tới mức nào.

Phản ứng trước hành động của Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm qua đã tố cáo Bình Nhưỡng tạo thuận lợi cho “sự bất ổn định và tình trạng mất an ninh” khi liên tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Related posts