Graffiti trên ghế nhà trường – Tamar Lê

Khi đạp xe quanh những đường phố Úc, thật khó mà tránh nhìn những hình ảnh hay câu viết trên tường nhà, cầu bắc qua đường, hay trên tầng cao của những tòa cao ốc cũ. Người Úc xem graffiti như là hình thức phá phách, chống xã hội (anti-social), nhưng có người xem đó như là một diễn tả nghệ thuật (artistic expression). Melbourne có một con phố nhỏ Hosier Lane, đây là Graffiti lane nổi tiếng của Melbourne mà nhiều du khách ‘love to be there’.

Với tôi, khi thấy một bức tường của một ngôi nhà mới xây, nét sơn rất đẹp và công phu, thế mà có ‘ai đó’ đã lấy sơn ‘quét’ vài chữ ‘vô nghĩa’, thì ruột gan tui như sóng gào, vừa bực, vừa tức, và tiếc… tại sao và tại sao?

Khi bình tĩnh trở lại, tôi mới hoảng hồn vì hồi đi học, nhất là trên bàn học trong giảng đường, một số học sinh vô danh cũng ‘phá phách’ như vậy… thi nhau viết graffiti trên bàn học của mình, và để cho ‘ai đó’ tình cờ ngồi bàn này vào giờ học khác sẽ lưu ý. Phần đông là hình trái tim, hoa phượng, hoặc mấy câu thơ tình.

Nếu tình mình nguyên vẹn như queblos

Anh sẽ chọn một chu kỳ trọn vẹn.

Chắc anh sinh viên này viết trong giờ học nhân chủng học (anthropology) vì từ ‘queblo’ xuất từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là một làng mạc khép kín của một bộ lạc hay sắc tộc. Có người cứ chê mấy chàng học toán hay khoa học khô khan trong tình cảm, nhưng thật ra họ cũng dồi dào với tình thơ lai láng:

Anh đau đớn nhìn em qua quỹ tích

Tình em nào cố định ở nơi đâu

Anh tìm em khắp diện tích địa cầu

Nhưng căn số đời anh đành cô độc.

Ngoài văn chương lãng mạn ướt át ra, mấy anh chị học khoa học cũng thuộc nhiều thơ tình của Nguyên Sa và mê nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thanh An… Điều dễ thương là sự quan tâm về triết học như định mệnh (determinism) trong cuộc tình và cuộc đời:

Ôi anh chết cũng vì hệ số

Định đời anh trong biểu thức khổ đau

Ngay cả trong tình yêu, con số không là bắt đầu của vô vi nhưng khổ quá “Không EM một phút lên cơn thất tình!”

Nếu tình yêu là những con số

Thì tôi chọn làm con số không

Không buồn, không giận, không cô đơn

Không EM một phút lên cơn thất tình! (Viễn Trình)

Thật vậy, giải đạo hàm thì không đến nỗi khó, nhưng dù có đến tuổi nào, người tình vẫn còn là bài toán phức tạp và vô cùng kỳ diệu.

Em giống như một đao hàm chưa giải

Để cho anh phải mò mẫm tích phân

Thân hình em một hàm số bình phương

Những uốn cong vô cùng kỳ diệu

Tôi nhớ mãi khi đọc một bài thơ trên bàn mà ‘tác giả’ đang cặm cụi viết, rồi tiếng chuông điện vang lên thì vội vàng viết chấm dứt câu: “Giờ học hết nên thơ đành nghẹn tiếng.”

Related posts