Hiệu Minh
2-10-2021
Theo TTO, chiều 29-9, đoàn công tác của Thành ủy Thuận An, tỉnh Bình Dương và phường Vĩnh Phú đã có buổi làm việc với bà Hoàng Thị Phương Lan, ngụ chung cư Ehome 4, người bị phá khóa cửa và bị cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Tại buổi làm việc, ông Võ Thanh Quan – bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 – đã gửi lời xin lỗi công khai bà Lan đối với việc cưỡng chế bà chưa phù hợp quy định.
Xin lỗi là tốt rồi nhưng với quan phường thì chưa đủ vì quan không phải dân, không phải trẻ con.
Nhớ lần đến Indonesia (5-2012), mình đến thăm khu Zoo của Jakarta rất thú vị. Có chú vẹt biết nói. Tay chủ nói gì, vẹt nói theo như cái máy. Cho vài rupiah, vẹt “thank you, thank you”.
Mình bảo, thứ nói xin lỗi xem nào. Lão chủ nháy mắt, xem đây. Vẹt tuôn một tràng lơ lớ. Hỏi tay chủ thì hắn dịch đại, đó là “sorry, sorry” trong tiếng Indo. Mình tủm tỉm, cứ coi như tay chủ kia nói thật.
Mắc lỗi là chuyện hết sức con người, nhưng che giấu lỗi không thể tha thứ, nhất là lỗi đó ảnh hưởng đến sinh mạng con người hay cuộc sống mưu sinh của nhiều người.
Một lúc nào đó phải nói lời xin lỗi, rất xấu hổ khi phải dùng hai từ bắt đầu bằng chữ X này. Nhưng xin lỗi và làm như thế nào để tránh lỗi lại là câu chuyện khác.
Trẻ con xin tha cho qua chuyện
Lúc bé, ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi… thường dạy chúng ta, hãy nói lời xin lỗi khi mắc tội gì đó.
Cánh trẻ con trốn học, trèo cây, lội sông, nghịch dại, kể cả trêu chửi, bị cha mẹ phát hiện, không muốn bị đòn, bị phạt tường, hay điểm kém, đã vội vàng “con xin lỗi, cháu xin lỗi, em biết lỗi rồi, xin đừng đánh”.
Bài học nhún nhường ấy đơn giản, không tốn sức mà lại hiệu quả.
Nhưng bao nhiêu phần trăm số lần xin lỗi ấy thực sự là biết lỗi, biết ăn năn, biết làm gì đó để thay đổi, để không mắc lần sau. Hay chỉ là xin cho qua chuyện vì nghĩ, lão khốt hay mụ khọm cũng quên nhanh thôi. Xin lỗi vài câu, hôm sau cứ đi chơi, trèo cây, lội sông, “làm gì bố nào”.
Bọn trẻ có lỗi không? Không hoàn toàn. Chúng có lỗi vì người lớn chúng ta không bỏ thời gian nghiên cứu xem lỗi bọn trẻ ở đâu, không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, phải khuyên bảo, đôi khi bằng hình phạt và tìm ra đường đi nước bước để tránh khuyết điểm trong tương lai.
Rằng con nghịch dại leo trèo, ngã vỡ đầu, lội sông chết đuối, bỏ học thành người vô dụng. Lần này phạt không được đi chơi công viên, có khi là một roi. Lần sau phạm sẽ tăng gấp đôi, không có chuyện tha thứ, đứa trẻ sẽ bớt hư.
Nhưng người lớn lười, ít khi tiếp tục theo dõi hành vi của đứa con để giáo dục chúng. Dọa mấy câu, thấy nó khóc lóc, xin xỏ, tưởng uy của mình thế là to, thế là tha bổng.
Lãnh đạo xin lỗi có thật chân thành?
Với kiểu giáo dục ấy, đứa trẻ lớn lên hay hư hỏng. Nếu y làm lãnh đạo thì dễ dùng bài xin lỗi qua loa cho có chuyện như đã từng làm hồi bé. Đôi lúc do lạm quyền, dối trá và tham lam đã quen, cứ nghĩ cả quốc gia phải sợ, ông có lỗi đó, đố ai dám mở mồm.
Nhưng thời thế cũng thay đổi. Nhiều thứ rõ như ban ngày, muốn tránh nói lời xin lỗi cũng không được. Cực bất chẳng đã, phải lên tivi xin lỗi.
Thế giới đã đúc kết như sau. Ở tầm lãnh đạo cấp cao, rất nhiều người chỉ:
(1) Xin lỗi khi bị bắt tận tay, day tận tóc;
(2) Xin lỗi nhưng trong bụng thì nghĩ, sao mình không choảng cho hắn chết luôn;
(3) Xin lỗi vì “trót” để ảnh hưởng tới hàng triệu người, đôi khi cả một quốc gia rơi vào thảm họa;
(4) Xin lỗi bởi vì đã bị phát hiện nói dối trắng trợn;
(5) Xin lỗi vì không biết che giấu việc anh ta ngồi trên pháp luật, tìm cách điểu khiển cả quốc gia theo ý mình và;
(6) Đôi khi xin lỗi vì kẻ ấy mắc bệnh tâm thần – không hiểu lời nói kia có nghĩa là gì.
Những lời xin lỗi ấy liệu có giá trị gì không? Chắc là không, hoàn toàn vô giá trị.
Nhớ có lần dự hội thảo về lời hứa và hành động, ai đó đã nói “You can say sorry a million times, say I love you as much as you want, say whatever you want, whenever you want. But if you’re not going to prove that the things you say are true, then don’t say anything at all. Because if you can’t show it, your words don’t mean a thing.”
Ai cũng có thể xin lỗi cả triệu lần, nói những lời yêu đương vô hồi kỳ trận, nói bất cứ cái gì, vào bất cứ lúc nào. Nhưng nếu không chứng tỏ được những gì mình nói là thực lòng thì thà đừng nói gì còn hơn. Nếu lời nói không đi đôi với hành động thì những lời nói ấy chẳng đáng một xu.
Xin lỗi cũng vậy, chỉ nói cho xong chuyện thì đừng bao giờ dùng hai từ đáng xấu hổ đó, giống chú vẹt Indo sorry mà mình chả hiểu nó hót cái gì.