Minh Nguyệt
Trong ngày 3/10, hàng chục nghìn người dân tiếp tục qua các chốt kiểm soát tại cửa ngõ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai để về các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên….
Từ trưa đến đêm 3/10, dòng người chạy xe máy từ Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương… tiếp tục đổ về miền Tây khiến cửa ngõ của nhiều địa phương bị ùn tắc cục bộ.
Tối 3/10, tại chốt đầu và cuối cửa ngõ TP. HCM, hàng nghìn người dân tiếp tục chạy xe máy chở con nhỏ, đồ đạc về quê ở các tỉnh miền Tây sau khi thành phố nới lỏng giãn cách.
Tại chốt cuối trên quốc lộ 1 (khu vực huyện Bình Chánh, Sài Gòn giáp ranh Long An) có nhiều xe máy của người dân lưu thông, chở theo gia đình cũng nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh.
Ghi nhận tại đây, chốt kiểm soát giao thông giữa hai tỉnh đã “thả cửa”, tất cả xe cộ đều được qua chốt mà không cần kiểm tra. Riêng các xe có biển số thuộc tỉnh Long An thì được yêu cầu dừng lại để khai báo y tế. Việc này nhằm đảm bảo công tác quản lý người dân khi về địa phương. Còn các xe của tỉnh khác thì được phép cho qua để các chốt kế tiếp (tùy theo tỉnh) kiểm soát trước khi vào địa phương.
Càng về khuya dòng xe càng trở nên đông hơn.
Thượng tá Đoàn Văn Quới – Phó trưởng Phòng PC08 – cho biết, trong ngày 3/10, lượng người về các tỉnh miền Tây qua chốt dự báo sẽ đông vào buổi tối.
Ông Quới cho hay, lực lượng chức năng tại các chốt giáp ranh các tỉnh, thành sẽ kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển qua chốt của người dân.
Theo yêu cầu của nhà chức trách, người dân phải đủ các điều kiện có chứng nhận chích ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày, có giấy test COVID-19 âm tính (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) mới cho qua chốt.
Trong khi đó, tại đầu cửa ngõ, chốt cầu Vĩnh Bình trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, giáp Bình Dương), có hàng nghìn người dân đổ về quê, trong đó, đa phần là những người dân từ quê lên tỉnh Bình Dương làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… Do ảnh hưởng khó khăn của đại dịch COVID-19, người dân đã kiệt quệ tài chính và lựa chọn trở về.
Ngoài dòng người đổ về các tỉnh miền Tây, từ sáng sớm đến chiều tối ngày 3/10, hơn 500 người đã đi bộ trên tuyến đường ĐT741 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) hướng từ Bình Dương qua Bình Phước để về các tỉnh Tây Nguyên. Cơ quan chức năng huyện Đồng Phú đã sắp xếp 13 lượt xe khách 45 chỗ chở hơn 500 người từ chốt kiểm soát ĐT741 đến chốt kiểm soát tỉnh Đắk Nông để người dân tiếp tục hành trình về quê.
Được biết, ngoài điểm đến là các tỉnh Tây Nguyên như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, người dân còn tìm đường về các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Lai Châu. Phần lớn trong số đó là công nhân, lao động tự do đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Suốt những tháng qua, do không có việc làm, thu nhập nên người dân đã quyết định về quê bằng cách đi bộ vì không có phương tiện di chuyển.
Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong 3 ngày qua, đã có hơn 25.000 công dân từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam về quê. Sau khi test nhanh được 50%, ngành y tế phát hiện 50 F0.
Tối ngày 3/10, chính quyền tỉnh An Giang đã họp khẩn để bàn giải pháp đón người dân tự phát trở về địa phương. Ông Lê Văn Phước – Phó chủ tịch tỉnh – cho hay, từ ngày 1 – 3/10, có hơn 15.000 người dân An Giang từ các tỉnh, thành khác về quê. Hiện, tỉnh đã đón hơn 5.000 người và thống nhất sẽ đón thêm hơn 10.000 người còn lại. Ông Phước cho hay, hiện số khu cách ly tập trung quá tải, nếu lượng người dân về thêm nữa, tỉnh sẽ không có đủ chỗ cách ly.
Tỉnh Sóc Trăng cũng ghi nhận gần 30.000 người dân tự về quê trong những ngày qua. Trong đó, riêng đêm 2/10 có khoảng 20.000 người. Sau khi xét nghiệm, người ở địa phương nào sẽ được lực lượng chức năng dẫn đường đưa về địa phương đó, cách ly tập trung tại các trường học được sử dụng làm khu cách ly.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, các điểm cách ly của tỉnh đã bố trí hơn 30.000 người. Sau khi test nhanh phát hiện vài trường hợp nghi dương tính nCoV, cán bộ y tế đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Tại Kiên Giang, ngày 3/10 có thêm hơn 4.000 người chạy xe máy từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam để về quê. Số lượng này trong 3 ngày qua là 8.500 người. Qua xét nghiệm, tỉnh đã phát hiện 15 trường hợp F0.
Tỉnh Đồng Tháp đã đón khoảng 11.000 người dân từ TP. HCM, Bình Dương, Long An… về tỉnh bằng xe máy, trong đó ghi nhận gần 50 F0. Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho hay, ông đã kiến nghị với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cần hỗ trợ ngay cho các tỉnh ĐBSCL sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm vì số lượng người dân về quá nhiều nên các tỉnh không thể đảm đương nổi.
Minh Nguyệt