Nguyễn thị Cỏ May
Dư luận phần lớn đều phê phán ông Tổng thống Biden thất bại sau 8 tháng cầm quyền: nội tình xã hội Mỹ bất an, di dân ồ ạt thiếu kiểm soát, vật giá tăng vọt chống mặt do chánh phủ xài tiền mạnh tay,… Dư luận đánh giá ông Tổng thống thứ 46 là bết nhứt trong lịch sử Huê Kỳ.
Về vụ rút quân khỏi Afghanistan, dư luận Mỹ, cả một bộ phận không nhỏ của cánh Dân chủ, đều lên án là một thất bại nhục nhã của Mỹ. Một thứ “Đồng minh tháo chạy”! Cả Ngũ Giác đài cũng nhìn nhận đó là một “thất bại chiến lược”. Vị Tham muu trưởng Quân đội dự báo trước Quốc hội việc rút quân hôm 15/08/21 chắc chắn không tránh khỏi giúp “Al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo tổ chức lại lực lượng và hoạt động trở lại trong nay mai. Đó vẫn là những tổ chức khủng bố”.
Hôm 28/09/21, ông chủ Ngũ Giác đài thừa nhận những đánh giá sai lầm đã dẫn đến “thất bại chiến lược” của Mỹở Afghanistan nhưng là chiến thắng của Taliban sau 20 năm chiến tranh mà không tốn một viên đạn.
Tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng, nhận xét trước Thượng viện về vụ rút quân khỏi Afghanistan hôm rồi “Kẻ thù nắm chánh quyền ở Kaboul. Không có cách gì khác hơn để có thể mô tả sự việc đó”.
Nhiều tướng lãnh trong quân đội Mỹ lần đầu tiên công khai thừa nhận đã khuyên ông TT Biden hãy giữ lại 2,500 quân ở Afghanistan để tránh cho chế độ Kabul sụp đổ sớm. Cả Tướng Kenneth Mc Kenzie, Chỉ huy trưởng Centcom, cũng nhắc lại “Tôi đã yêu cầu một lần nữa chúng ta hảy để lại 2,500 quân ở Afghanistan”.
Tướng Mark Milley nói thêm ông cũng “đồng ý như vậy”. Nhưng ông TT. Biden đã chọn không nghe theo lời cố vấn của các thẩm quyền cao cấp của quân đội Huê Kỳ. Trái lại, hồi tháng 8, ông quả quyết chưa bao giờ ông nhận được lời khuyên đó. Ông Biden còn xác nhận với đài ABC “Theo tôi biết, không có ai nói với tôi điều đó cả”!
Sau cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Lioyd Austin, thừa nhận rút quân hồi tháng 8 là sai lầm “Việc quân đội Afghanistan mà chúng ta đã đào tạo, trang bị, chiến đấu với chúng ta, đã sụp đổ mà không cần bắn một phát súng, đã không khỏi làm cho chúng ta kinh ngạc”. Và ông tự hỏi “Phải chăng ở Afghanistan chúng ta xây dựng một chánh quyền mà chúng ta không xây dựng được một Quốc gia?” (Theo AFP, 28/09/21; Paris).
Qua những phê phán trên đây, từ dư luận dân chúng đến giới quân sự cấp lãnh đạo, ông TT. Biden thật sự phải đúng là ông Tổng thống Huê Kỳ tồi tệ nhứt từ trước tới giờ hay không?
Trong các bài viết trước đây, Cỏ May tôi có đề cặp tới ông TT. Biden, thường với ý tiêu cực và hoàn toàn không phải nhận xét cá nhơn của Cỏ May, mà trích dẩn từ những tờ báo đứng đắn xuất bản suốt nhiều năm ở Paris, nhứt là không phải thuộc phe cực hữu, nhưng đều bị một vài bạn đọc phản ứng khá mạnh, cho rằng Cỏ May tôi ở Paris, có biết gì chuyện ở Huê kỳ mà “xỏ mồm qua”. “Cỏ May hay Cỏ khô, Cỏ dại,…”.
Vậy nay, để tạ lỗi với quí bạn đó, và nhìn nhận quí bạn đó rất có lý và sáng suốt ủng hộ ông TT. Biden, Cỏ May tôi xin làm Luật sư (Avocat du diable) bày bác các lập luận tiêu cực về ông trên đây, mà nói rõ “Quyết định rút quân đội Huê Kỳ ra khỏi Afghanistan của ông TT. Biden hồi tháng 8 vừa rồi là một quyết định vô cùng thông minh”!
Rút quân khỏi Afghanistan là một quyết địng cực kỳ thông minh!
Xin nhắc lại qua hôm sau vụ khủng bố ở New York hôm 11/09/2001, Pháp chủ tọa phiên hợp Hội đồng LHQ, Nghị quyết 1368 được toàn thể Hội viên thông qua cho phép Huê Kỳ tiêu diệt các tổ chức khủng bố bất kỳ ở nơi nào mà Huê Kỳ là nạn nhơn. Về mặt luật pháp quốc tế, đây là một bước quan trọng về mặt tự vệ cấp quốc gia. Nhờ đó, tháng 10/2001, Huê kỳ đổ quân vào Afghanistan để truy lùng Osama ben Laden và tổ chức của hắn đang ẩn núp ở đây dưới sự bảo vệ của nhà cầm quyền Taliban. Nhưng cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo lan rộng ra khắp thế giới. Đó là thứ chiến tranh của mật vụ, tình báo, lực lượng đặc biệt, đã làm thiệt hại hết 400,000 nhơn mạng và tốn cho Huê kỳ 8,000 tỷ Mỹ kim. Kết quả cụ thể là giết được Osama ben Laden. Nhưng khủng bố vẫn còn và chính nước Pháp đã nhiều lần là nạn nhơn. Hiện nay, Tòa án Paris đang xử 13 tội phạm vụ khủng bố ở Paris năm 2015.
Về quan niệm tiêu diệt khủng bố, ở Irak, ở Afghanistan hay ở Mali, người ta thường, một cách đơn giản lý luận chúng làm khủng bố vì nơi đó thiếu dân chủ. Vậy chúng ta tới đó lập chánh phủ dân chủ, tức chánh phủ có bầu cử. Là vấn đề khủng bố được giải quyết. Không ai nghĩ tới điều kiện thực địa, với tập quán, nhơn văn địa phương. Cái thực tế này nhắc mọi người nhớ ở đây không có chiến tranh ý thức hệ, chỉ có thứ chiến tranh bám rễ vào điều kiện và hoàn cảnh tại chỗ mà thôi. Không nhìn nhận điều này, cứ “đánh khủng bố” thì chỉ có sa lầy vào cuộc chiến mà không có chiến thắng, chỉ có thât bại, nếu không chịu đánh hoài.
Rút quân, tháo chạy, thua mà thượng sách!
Kabul là trường hợp điển hình của cái “thông minh của ông TT. Biden”!
Ông TT. Biden còn thông minh nữa! Nhà báo lớn Guy Sorman, ông làm việc ở Paris và ở New York, nhưng ông ở và làm việc ở NY nhiều hơn, quả quyết ông TT. Biden rút quân là một quyết định thông minh. Trong bài báo của ông viết về ông Biden, ông có nhận định về Osama Bin Laden khác hơn tất cả mọi người khác từ trước giờ. Vì theo ông không ai hiểu vụ 11/09/2001 cho đúng ý nghĩa của nó mà chỉ hiểu đó là Bin Laden làm chiến tranh Hồi giáo – thánh chiến – chống lại Tây phương.
Muốn thấy cái sai tập thể trước giờ, chúng ta hãy tự hỏi Bin Laden thật sự muốn gì? Hắn chỉ muốn trở thành lãnh tụ tinh thần và chánh trị, theo tư tưởng của Mohamet và nhũng người kế nghiệp Mohamet. Muốn đạt được giấc mơ đó, giai đoạn đầu, hắn phải chiếm được những vùng thánh địa Hồi giáo, như Mecca và Médine, đang nằm trong tay của triều đại Saudia, theo Bin Laden, chỉ nhờ Huê Kỳ mà có được. Nên kẻ thù thật sự của Bin Lden không phải là nước Huê Kỳ, các nước Tây phương, mà chánh phủ ở nơi đó chủ trương ủng hộ Saudiae, tức ủng hộ những tên “vô đạo, bạo chúa tham ô của thế giới Hồi Giáo”.
Nên ông Guy Sorman cho rằng rời khỏi Afghanistan, sau 20 năm dài chiến tranh hoàn toàn vô ích, phải là môt quyết định vô cùng thông minh của một chánh phủ từ sau vụ 11/09/2001.
Mà Hồi giáo là gì? Theo nhà Hồi giáo học, ông Mohammed Arkoun, thì Hồi giáo không gì khác hơn là điều mà người Hồi giáo làm. Người Hồi giáo rất khác nhau, họ bám chặc theo tập quán bộ lạc lâu đời của họ, có trước khi họ trở thành Hồi giáo. Chính những người Hồi giáo này cũng là nạn nhơn của Hồi giáo quá khích. Nên nếu tách được Hồi giáo quá khích ra khỏi cộng đồng này là điều ơn ích lớn. Họ sẽ được sống an lành từ nay.
Ông TT. Biden còn đúng nữa.
Ông làm hụt cẳng các đồng minh Âu châu khi quyết định dứt khoát rút khỏi Afghanistan bị dư luận trong ngoài Huê Kỳ lên án. Tuy nhiên ông vẫn có lý, vẫn đúng theo ông (De Barochez, Le Point, 14/09/21? Paris).
Từ 8 tháng nay, người ta vẫn ngộ nhận ông TT. Biden ở trong Bạch ốc. Nhiều người cho ông là một ông già lẩm cẩm, nói trước quên sau, đi muốn quẹo trái lại rẻ phải. Làm ông Tổng thống Huê Kỳ, ông chỉ biết cóp lại nguyên vẹn đường lối của ông TT.Obama để lại. Trái lại, ông là ông Tổng thống can đảm, táo bạo. Nhiều người khác lại cho ông chống ông TT. Trump. Không đúng, ông đi theo lối đi của vị tiền nhiệm. Đóng cửa hạn chế di dân, không theo thuyết tự do-mậu dịch thả giàn và ông chống Tàu.
Hồi đầu hè, ông đưa ra kế hoạch “xài lớn” của Nhà nước làm cho các nước cánh tả Âu châu hoan nghênh kịch liệt. Báo chí Âu châu ca ngợi ông Biden đúng là Tổng thống Franklin Roosavelt, người giải quyết kinh tế Mỹ sau vụ khủng hoảng năm 1929. Thật ra, sau đó, người ta nói lại, vì nhớ vụ Kabul có 13 người Mỹ chết, ông Biden giống ông TT. Carter hơn vì ông này bị mất 66 người Mỹ do Hồi giáo Iran bắt giữ làm con tin hồi năm 1979 ở Téhéran.
Ông Biden đang tập trung thực hiện chương trình tranh cử của ông. Ông nghĩ làm dân chủ không phải ở Trung Đông mà chính ở Huê kỳ. Ông biết rõ hơn ai hết xứ Huê Kỳ của ông đang phân hóa trầm trọng. Đang phân cực chưa bao giờ có. Sự hăm dọa về an ninh trước giờ cứ nghĩ là từ bên ngoài. Không đúng, nó ở ngay trong xứ.
Mơ về tái cử năm 2024, ông Biden nổ lực tập trung người Mỹ về một mối để làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, đưa nước Mỹ ra khỏi xung đột chủng tộc. Sau cùng, về đối ngoại, ông xóa ấn tượng nước Mỹ đang trên đà xuống cấp, mà ông dựng nó đứng lên cho hùng dũng để có thể đối đầu với Tàu. Vì vậy mà cuộc chiến thật sự của ông diễn ra ở mặt trận khác. Trước khi rút quân khỏi Kabul, ông được Quốc hội chấp thuận ngân khoản 1200 tỷ Mỹ kim xây dựng hạ từng cơ sở, rồi 3500 tỷ. Chưa hết, ông còn thêm một ngân khoản nữa tuy nhỏ hơn. Chương trình đồ sộ này chắc chắn sẽ làm cho người Mỹ cử tri trán đầy tin tưởng ở ông là ông Tổng thống tài ba. Với khối tiền kếch xù đó, ông sẽ biến Huê Kỳ trở thành “Nhà nước-chị vú” (État-nounou hay Etat de Providence) kiểu nước Pháp thời Mitterrand và trước kia làm cho các đảng phái thiên tả Âu châu đều phấn khởi. Mục tiêu của ông không xa chủ thuyết “tư bản tân tự do” mà cũng không theo hẳn “xã hội chủ nghĩa”!
Theo ông, mục tiêu vẫn là quyền lợi sanh tử của nước Mỹ. “Mỹ trước hết”!
Ông Biden tin tưởng trăm phần trăm ở sự hữu hiệu của việc tiêu xài công cộng, Nhà nước xài cho dân. Và hơn hết ông tin tưởng ở khả năng của “Nhà nước-chị vú” của ông.
Theo cái nhìn của hai nhà báo lớn của Pháp, ông De Barochez và Guy Sorman, ông TT. Joe Biden là người cực kỳ thông minh, biết xài tiền, biến nước Mỹ trở thành Nhà nước-chị vú thì chắc chắn dân Mỹ sẽ khá lên, nước Mỹ sẽ trở lại đại cường kinh tế, giữ lại ngôi vị cũ.
Ông TT. Mitterrand vì lớn tuổi (đắc cử năm 65 tuổi, hết 2 nhiệm kỳ TT năm 79 tuổi), không thông minh như ông Biden, theo khuynh hướng xã hội, xây dựng “Nhà nước-chị vú” ở Pháp suốt 14 năm mà ngày nay dân Pháp hãy còn tiếp tục thanh toán những hóa đơn của ông chỉ vì chị vú hết sữa!
Nguyễn thị Cỏ May