Lê Học Lãnh Vân
Khi nhìn dòng người ào ạt tuôn khỏi thành phố chạy về quê, người có chút quan tâm tới kinh tế tự nói thành phố đã mất đi vĩnh viễn một số lớn người lao động. Đa số họ chạy về quê trong tâm thế sẽ không trở lại nơi này. Họ chỉ là một phần nhỏ, còn rất nhiều người tạm cư khốn khó dù chưa tới đường cùng như họ, những người này đợi khi hoàn cảnh ra đi dễ dàng hơn, có thì giờ thu xếp hơn, họ sẽ đi cũng với tâm thế không trở lại!
Ba tháng trước, đã một đợt người tháo chạy khỏi Sài Gòn. Lần đó, dù rất buồn tiếc, vẫn còn hy vọng sự phục hồi khi dịch được kiểm soát. Lần này, tâm tư ngập tràn thất vọng!
Sự thất vọng tới ngay như một phản ứng nhiều cảm tính khi đọc tin và nhìn những tấm ảnh. Trước phong toả người ta đã tuôn chạy, sau phong toả, người ta vẫn tiếp tục tuôn chạy. Lần đầu có thể nói là do sợ dịch bệnh nên trong tâm lý bị khủng hoảng người ta chạy nhanh mong thoát vòng nguy hiểm. Lần này khác, người ta đã có ba tháng quan sát, cân nhắc, suy xét, sự việc hôm nay nhiều phần cho thấy một quyết định dứt khoát quay lưng với thành phố.
Những hiểu biết về thực tế càng khẳng định nhận xét cảm tính trên. Trước hết là không ít công ty, cơ sở sản xuất đã ngưng hoạt động. Kế đó là những công ty còn hoạt động nhưng đang thua lỗ. Rồi những công ty nước ngoài đã chuyển đi hay đang bàn tính chuyển đi nước khác. Rất rất nhiều “doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dệt may, điện tử, da giày – túi xách, gỗ mỹ nghệ tại phía Nam đã phải dừng hoạt động” (Tuổi Trẻ Online, 30/7/2021). Sau những lần cảnh báo, mới đây ông lớn Nike đã chính thức chuyển sản xuất của mình sang Trung Quốc và Indonesia. Nike có trên 50% giày thể thao và 30% quần áo thể thao được sản xuất tại Việt Nam. Với việc họ chuyển sản xuất sang Trung Quốc và Indonesia, nơi có nền sản xuất vững chắc về loại hàng hoá này, e rằng khó có ngày họ quay lại. Adidas, Puma đang sắp xếp để sẽ theo Nike. Đây là ngành công nghiệp dùng nhiều sức lao động. Tính luôn các ngành phụ trợ, cung ứng như da, nhựa, bao bì, hoá chất… tôi e trong số gần hai triệu lao động của mình, Sài Gòn đã mất đi trên nửa triệu việc làm…
Người lao động tạm cư có thể chưa đủ thông tin, số liệu và nếu có ít nhiều thì cũng không thể phân tích, nhưng họ có linh cảm của người trong cuộc. Linh cảm không chỉ cho họ thấy sau dịch họ khó kiếm lại việc làm, mà còn cho thấy họ bị bỏ rơi! Tình đồng bào Sài Gòn đùm bọc nhau cũng chỉ có tính giai đoạn vì ai cũng nghèo đi mau. Thôi, về với quê mình, với cha mẹ con cái anh em, rau cháo có nhau…
Bài viết này của một người thành phố gốc Lục Tỉnh xin cúi đầu, vẫy tay chào với mong muốn từ đáy lòng rằng đồng bào về quê yên ổn, tìm được trong đất, trong nước nguồn lợi mưu sinh. Mấy năm trên Sài Gòn, hy vọng nếp sống kỷ luật hơn, văn minh hơn, công nghiệp hơn ít nhiều thấm vào các anh chị. Bây giờ anh chị về trên ruộng vườn sông nước của đất mẹ cha, xin chúc anh chị, với tinh thần làm ăn sắc bén hơn và tầm nhìn đã khác xưa, tìm được hướng phát triển, cách khai thác nguồn lợi thiên nhiên hữu hiệu làm giàu có cho mình và cho quê hương xứ sở!
Trong số những người tháo chạy khỏi Sài Gòn, có người làm việc tại đây một vài năm, có người hai ba năm, bốn năm năm hay lâu hơn nữa… Họ đã làm việc đóng góp cho vùng đất mấy năm mà vùng đất đó không thể cưu mang được họ vài tháng trong cơn khó khăn này! Sài Gòn có nghèo tới mức không đủ sức cưu mang họ không? Tôi không tin vậy khi nhìn con số nộp ngân sách hàng ngày của thành phố là khoảng một ngàn ba trăm tỉ VNĐ (1300 tỉ).
Tại sao một thành phố với tổng GDP một ngày khoảng trên một ngàn năm trăm tỉ, nộp ngân sách một ngàn ba trăm tỉ lại không thể cưu mang những người đã đóng góp cho thành phố? Nếu không vì tình cũng nên vì lợi ích lâu dài, giúp đỡ những người đó thì qua cơn dịch họ sẽ giúp thành phố. Tôi tin rằng Sài Gòn và Việt Nam đủ sức làm như các nước làm: cùng lúc trợ giúp cho công ty và trợ giúp cho người lao động để bảo tồn sức mạnh công nghiệp cho thành phố trong cơn nguy dịch! Câu trả lời cho hai chữ tại sao kia e rằng đơn giản mà vô cùng nhức nhối!
Đây là bài học rất lớn và đau xót! Phải chăng Việt nam có thể không phải trả giá quá đắt cho bài học này nếu đất nước được điều hành bởi những nhà kỹ trị với tinh thần trách nhiệm? Nhiều người trong dân chúng đã thấy trước nguy cơ lớn đó sẽ xảy ra cho nền kinh tế và những tiếng kêu thống thiết đầy trách nhiệm không có tác dụng. Làm sao để cái túi khôn mênh mông của dân chúng được dùng để phụng sự dân chúng?
Bao đời nay, người miền quê khi lên thành phố đều muốn ở lại đây xây dựng cuộc sống lâu dài cho con cháu. Các tấm hình về dân chúng tháo chạy minh hoạ nỗi thất vọng sâu sắc với thành phố, với công cuộc đô thị hoá, hiện đại hoá quốc gia. Ở tầm mức kinh tế Việt Nam, sự phát triển quốc gia song hành với sự tập trung trung dân về thành phố và phát triển đô thị. Cùng lúc, nông thôn và kinh tế nông nghiệp cũng phải phát triển để giữ chân những người có lợi thế sản xuất nông nghiệp trong khi thành phố thu hút những người có năng lực công nghệ tiến bộ phù hợp với đời sống kinh tế của thành phố. Như vậy sự phát triển mới bền vững, tăng trưởng mới song hành với tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn, với công bằng xã hội được chấp nhận, với đạo đức được củng cố, với xã hội công bằng trong đó mọi người có tiếng nói và cơ hội ngang nhau…
Các tấm hình này góp phần tuyên truyền chống luồng dịch chuyển lành mạnh người dân từ làng quê lên đô thị phục vụ mục tiêu phát triển quốc gia. Chúng cảnh báo rằng Việt Nam đang đi ngược chiều phát triển. Sự thực này lâu nay bị che lấp bởi vẻ hào nhoáng của những công trình cao tầng hay biệt phủ hoành tráng! Sẽ có sự tăng trưởng bền vững không nếu nhiều công trình như kia mọc lên bởi sự rút ruột từ hệ thống sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp bằng nhiều phương cách khác nhau?
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” nghĩa là một viên tướng thành công đổi bằng vạn nắm xương khô. Câu thơ xưa buốt lạnh đêm tháo chạy, đời nay có ai xây tài sản khổng lồ bằng cách đẩy vạn gia đình vào cảnh bần cùng không?
Ngày 03 tháng 10 năm 2021