Đông Phương
Bloomberg đưa tin hôm thứ Hai (ngày 4/10) rằng, chính trị gia Trung Quốc duy nhất bị tiết lộ trong “Hồ sơ Pandora” là bà Phùng Kỳ Nhã, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Kỳ Sâm Thượng Hải (Shanghai Qisen Investment Holdings), Đại biểu nhân dân tỉnh Hà Nam.
“Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers), do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, là vụ điều tra lớn nhất thế giới từ trước tới nay với sự tham gia của hơn 600 nhà báo tại hơn 140 tổ chức truyền thông thuộc 117 quốc gia. Trong đó tiết lộ gần 12 triệu hồ sơ về các tài sản bí mật, hành vi trốn thuế và rửa tiền của giới giàu có và quyền lực trên toàn cầu.
Theo thông tin công khai, bà Phùng Kỳ Nhã (Feng Qiya), sinh năm 1974, là đại biểu tỉnh Hà Nam tham dự Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc lần thứ 13 vào năm 2018.
“Hồ sơ Pandora” cho thấy, bà Phùng đã thành lập một công ty ở nước ngoài (offshore) có tên là Linkhigh Trading Ltd ở Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2016 với mục đích đầu tư vào chứng khoán Mỹ.
Tài sản của Linkhigh Trading trị giá khoảng 2 triệu USD và đã được đăng ký với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), nhưng hồ sơ của SEC cho thấy các hoạt động giao dịch của công ty không hoạt động mạnh. ICIJ đã nhiều lần liên hệ nhưng không nhận được phản hồi từ bà Phùng Kỳ Nhã.
ICIJ cho biết, bà Phùng đã đề xuất “ban hành luật nghiêm khắc hơn để ngăn chặn tham nhũng và tội phạm cổ cồn trắng liên quan đến các công ty tư nhân” tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc năm 2019.
Thông tin thêm về ‘Hồ sơ Pandora’
“Hồ sơ Pandora” đã tiết lộ hoạt động tài sản ở nước ngoài của hơn 130 tỷ phú, chính trị gia và nhiều công ty đa quốc gia tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những tài liệu này bao gồm email riêng, các biểu mẫu điện tử bí mật, hợp đồng bí mật và các tiết lộ khác về kế hoạch tài chính cũng như hồ sơ của những người nắm giữ đằng sau hậu trường.
Hồ sơ này cũng tiết lộ tài sản ở nước ngoài của 35 lãnh đạo quốc gia đương nhiệm và tiền nhiệm, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Thủ tướng Séc Andrej Babiš và Quốc vương Abdullah của Jordan.
Số tài liệu này cho thấy các nhà lãnh đạo quốc gia trên khắp năm châu thường giấu tài sản ở các nước khác. Số lượng chủ tài khoản ở nước ngoài được tiết lộ trong cuộc điều tra lần này nhiều hơn gấp đôi con số trong “Hồ sơ Panama” được công bố vào năm 2016.
“Hồ sơ Panama” là một cuộc điều tra do các phóng viên điều tra thực hiện cách đây 5 năm. Nó tiết lộ cách mà một số người quyền lực nhất thế giới, bao gồm hơn 330 chính khách đến từ 90 quốc gia, đã sử dụng các công ty offshore để che giấu tài sản của họ.
“Hồ sơ Panama” năm đó đã tiết lộ ít nhất 8 công ty offshore do gia đình các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đương nhiệm hoặc tiền nhiệm nắm giữ.
Đông Phương