Lãnh đạo các nước EU họp trù bị, tìm kiếm một vị thế trước Mỹ và Trung Quốc
Minh Anh
Thứ Ba, ngày 05/10/2021, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp làm việc-ăn tối không chính thức tại thủ đô Slovenia, nước chủ tịch luân phiên, nhằm chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh bàn về việc tiếp nhận thêm các nước vùng Balkan.
Theo AFP, thượng đỉnh lần này còn bị phủ bóng một câu hỏi khác : Đâu là vị trí của Liên Hiệp Châu Âu trước hai siêu cường đối thủ Mỹ và Trung Quốc ? Trong thư mời họp tại Slovenia, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel kêu gọi « một cuộc thảo luận chiến lược về vai trò của Liên Âu trên trường quốc tế ». Theo ông, « Liên Hiệp Châu Âu phải trở nên năng động hơn và hiệu quả hơn » khi nhắc lại những diễn biến tại Afghanistan, thông báo thành lập liên minh AUKUS giữa ba nước Anh – Mỹ – Úc gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao với Pháp, cũng như là « mối quan hệ với Trung Quốc ».
Về phần mình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc khủng hoảng tầu ngầm vừa qua còn là một « cơ hội » mà Liên Âu cần nắm bắt. Theo nguyên thủ Pháp, Liên Hiệp Châu Âu có thể giữ một vai trò chiến lược cùng với Mỹ tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực : Thương mại, An ninh, Quốc phòng và Bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.
Chủ nhân điện Elysée cam kết cung cấp thông tin với các nước thành viên về cuộc thảo luận giữa ông với tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/09/2021 vừa qua. Tuy nhiên, theo quan điểm của Reuters, chiến lược « tự chủ quốc phòng » mà Pháp đề xướng từ nhiều năm qua, vẫn khó thuyết phục nhiều nước Trung – Bắc Âu, vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác quốc phòng với Washington.
Ngoài vấn đề này, AFP cho biết thêm là một số chủ đề có thể sẽ được đưa ra tranh luận như việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh huy động khoảng 5.000 binh sĩ của Liên Hiệp Châu Âu ; hồ sơ di dân ; mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương một khi Angela Merkel rời khỏi chính trường và nhất là « tình trạng tăng giá nhiên liệu » đang gây quan ngại cho nhiều nước châu Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Ba Lan.
TT Thái Anh Văn cảnh báo: Để Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ là thảm họa cho châu Á
Thụy My
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay 05/10/2021 cảnh báo nếu hòn đảo rơi vào tay Bắc Kinh, điều đó sẽ mang lại hậu quả « thảm khốc » cho châu Á. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh liên tục trong bốn ngày qua đã có đến 148 chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Đài Bắc cũng chuẩn bị bổ sung ngân sách quốc phòng.
Trong bài viết trên tờ Foreign Affairs, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh, nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan, điều đó có nghĩa là trong cuộc đối đầu giữa các giá trị hiện nay trên thế giới, toàn trị đã thắng được dân chủ. Bà đồng thời khẳng định Đài Loan sẽ chống trả bằng mọi cách nếu Trung Quốc tấn công.
Cũng trong hôm nay, thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) tuyên bố: Đài Loan phải luôn trong tình trạng cảnh giác trước các hoạt động quân sự thái quá của Bắc Kinh, làm phương hại đến hòa bình khu vực.
Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :
« Các vụ xâm nhập ồ ạt vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, đúng vào ngày lễ quốc khánh Trung Quốc. Từ đó đến nay lại càng dồn dập thêm: Quân Đội Đài Loan ghi nhận có 39 chiếc phi cơ hôm thứ Bảy, 52 chiếc Chủ nhật và hôm qua 56 chiếc bay vào.
Hoàn Cầu Thời Báo đắc chí viết « Trung Quốc đã dời cuộc diễu hành sang eo biển Đài Loan ».
Đây là con số kỷ lục kể từ đợt xâm nhập năm ngoái, sau khi bà Thái Anh Văn – vốn kiên quyết chống lại việc sáp nhập vào Trung Quốc – tái đắc cử.
Hoa Kỳ, đối tác chính của Đài Loan, hôm Chủ nhật đã tỏ ra lo ngại trước hành động khiêu khích này, nhắc nhở rằng những cam kết với Đài Loan vẫn « vững chắc như bàn thạch ».
Tuy vậy việc chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập sẽ còn diễn ra trong những ngày tới, vào lúc Đài Loan chuẩn bị mừng lễ quốc khánh Chủ Nhật này. Tất nhiên là Bắc Kinh không ưa, và chừng như quyết tâm phá rối ngày lễ. »
Đài Loan gia tăng ngân sách quốc phòng
Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết chi tiêu quân sự sẽ được tăng thêm 240 tỉ đài tệ (8,6 tỉ đô la) trong 5 năm tới, trong đó 64% dành cho Hải Quân kể cả hỏa tiễn và chiến hạm. Bản dự chi mà hãng tin Reuters có tham khảo được trình lên Quốc Hội hôm nay, và nhiều khả năng sẽ được thông qua vì đảng của bà Thái Anh Văn chiếm đa số tuyệt đối.
Cũng theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, Trung Quốc đã tăng mạnh chi tiêu quân sự, đặc biệt là chiến đấu cơ hiện đại, tàu đổ bộ, và các hoạt động không quân, hải quân gần Đài Loan. Do bị đe dọa chưa từng thấy, Đài Loan cần nhanh chóng củng cố khả năng răn đe để tránh xảy ra chiến tranh.
Gần 30 tỉ Đài tệ (1,5 tỉ đô la) được dành cho các loại hỏa tiễn Vạn Kiếm (Wan Chien), Hùng Phong (Hsiung Feng) IIE phiên bản nâng cấp, Hùng Thăng (Hsiung Sheng) ; một số hỏa tiễn được đặt trên xe quân sự để cơ động hơn, địch quân khó tìm thấy và phá hủy.
Nobel Vật Lý 2021: Hai chuyên gia Nhật, Đức về khí hậu và một lý thuyết gia Ý
Minh Anh
Giải Nobel Vật lý 2021 được dành cho hai nhà khoa học Mỹ, Đức cho những mô hình vật lý về biến đổi khí hậu và một người Ý – lý thuyết gia về những hệ thống vật lý phức hợp.
Hôm nay, 05/10/2021, Ủy Ban Nobel công bố giải thưởng Vật Lý năm nay, vinh danh ông Syukuro Manabe, 90 tuổi, người Mỹ gốc Nhật và Klaus Hasselmann, 89 tuổi, cả hai đều là những nhà nghiên cứu về khí tượng học. Theo AFP, Ủy Ban Nobel đánh giá, những công trình nghiên cứu « mô hình hóa vật lý về khí hậu Trái Đất, cho phép định lượng sự biến đổi và có những dự báo khả tín về hiện tượng khí hậu ấm dần ».
Giải thưởng này được công bố vào lúc cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Ủy Ban Nobel nhắc lại những công trình cơ bản của Manabe được thực hiện trong những năm 1960, cho thấy rõ nồng độ khí CO2 trong khí quyển tương ứng với mức tăng nhiệt độ của Trái Đất.
Nhà khoa học người Đức Hasselmann được đề cao vì đã lập ra được những mô hình khí hậu đáng tin cậy bất chấp những biến đổi lớn của thời tiết.
Nửa phần thưởng còn lại thuộc về ông Giorgio Parisi, 73 tuổi, vì đã «khám phá ra mối quan hệ tương hỗ giữa sự hỗn loạn và các biến động trong các hệ thống vật lý từ quy mô nguyên tử đến hành tinh.»
Nghiên cứu gian khổ của ông là những « đóng góp quan trọng nhất » cho lý thuyết của “những hệ thống phức hợp” (complexe).
Hãng tin Pháp nhắc lại, giải Nobel Vật Lý 2020 đã được trao cho Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) vì những khám phá về « hố đen », những vùng của vũ trụ mà không vật gì có thể thoát được.
Singapore : Quốc Hội thông qua luật chống “can thiệp nước ngoài”
Anh Vũ
Đêm ngày 04/10/2021, Nghị Viện Singapore đã bỏ phiếu thông qua bộ luật nhằm ngăn chặn các hành vi can thiệp của nước ngoài vào chính trị nội bộ của đảo quốc. Phe đối lập và giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích văn kiện này là công cụ trấn áp ở trong nước.
Theo AFP, phiên họp thông qua bộ luật mới tại Nghị Viện đã phải kéo dài đến tận sau 12 giờ đêm hôm qua giờ địa phương. Luật đã được thông qua với 75 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 2 nghị sĩ vắng mặt.
Luật mới cho phép chính quyền buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội phải cung cấp thông tin về người sử dụng, chặn một số nội dung hay rút các ứng dụng được sử dụng để phổ biến các nội dung bị đánh giá là thù địch.
Những tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến hoạt động chính trị của đảo quốc này được coi là « những nhân vật có tính chất chính trị quan trọng » buộc phải khai báo nguồn tài chính và tuân thủ những quy định khác nhằm giảm nguy cơ bị can thiệp từ nước thứ ba. Những ai vi phạm có thể bị phạt tù hoặc tiền rất nặng.
Trong bài phát biểu dài tại Nghị Viện trước khi bỏ phiếu thông qua luật, bộ trưởng Nội Vụ và Tư Pháp K.Shanmugam nhấn mạnh Singapore đã rất sơ hở « trước các chiến dịch thông tin thù địch » được tiến hành từ nước ngoài thông qua các tác nhân trong nước. Ông cảnh báo : « Internet đã tạo ra một phương tiện truyền thông quan trọng để lật đổ » chính quyền.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch khu vực châu Á tố cáo, với bộ luật mới này, chính quyền Singapore lấy cớ can thiệp nước ngoài để biện minh cho việc gia tăng trấn áp đối lập và các nhà hoạt động xã hội dân sự hay truyền thông độc lập.
Tại Singapore, Đảng Hành Động Nhân Dân (PAP) cầm quyền liên tục 6 thập kỷ qua. Đảng Người Lao động được coi là lực lượng đối lập chính nhưng hầu như không có được đối trọng quyền lực. Thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông độc lập và các tổ chức xã hội có xu hướng phát triển mạnh ở Singapore.
Covid-19: Châu Âu cho phép tiêm liều Pfizer thứ ba cho người trên 18 tuổi
Thụy My
Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu (EMA) có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan, hôm 04/10/2021 đã chấp nhận việc tiêm chủng liều thứ ba vac-xin Pfizer/BioNTech cho người trên 18 tuổi, vì lo khả năng đề kháng Covid-19 bị giảm sút sau những liều đầu tiên.
Theo thông cáo của Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu, có thể tiêm chủng liều Pfizer thứ ba ít nhất sáu tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Quyết định về việc chích ngừa liều vac-xin thứ ba thuộc thẩm quyền của cơ quan y tế quốc gia.
AFP cho biết Ủy ban dược phẩm dành cho người (CHMP) của EMA « đánh giá các dữ liệu của Comirnaty (tên thương mại của Pfizer) cho thấy kháng thể tăng lên sau khi chích thêm liều thứ ba ». Cũng theo EMA, nguy cơ viêm cơ tim hoặc các tác dụng phụ hiếm hoi khác không thấy xảy ra và vẫn đang được giám sát.
Được biết một số ca hiếm thấy về viêm cơ tiêm thỉnh thoảng diễn ra với người được tiêm vac-xin Pfizer, chủ yếu là nam thanh niên.
Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu cũng bật đèn xanh cho những người có « hệ thống miễn dịch bị suy giảm trầm trọng » được chích thêm một liều Moderna hoặc Pfizer, ít nhất 28 ngày sau liều thứ ba.
Đôi khi hai liều cũng đủ sản sinh kháng thể ở những người bị suy giảm miễn dịch như người được ghép tạng. Tuy nhiên theo EMA, dù không có bằng chứng trực tiếp về khả năng sinh kháng thể chống Covid ở các bệnh nhân này, nhưng hy vọng liều thứ ba sẽ giúp bảo vệ họ nhiều hơn.
Châu Âu tìm kiếm chiến lược đương đầu với Trung Quốc
Vẫn về châu Âu, một ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Balkan diễn ra ở Slovenia, báo Le Figaro hôm nay dành hồ sơ chính cho đề tài « Châu Âu tìm kiếm chiến lược chống lại Trung Quốc ».
Đây là lần đầu tiên các nguyên thủ châu Âu họp kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và từ khi có thông báo bất ngờ về việc Mỹ – Anh – Úc thành lập liên minh AUKUS. Trong lá thư gửi tới 27 nước thành viên, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, kêu gọi các nhà lãnh đạo tham gia vào « một cuộc thảo luận chiến lược về vai trò của Liên Âu trên trường quốc tế », đồng thời bày tỏ nguyện vọng châu Âu « tự khẳng định mình nhiều hơn và có hiệu quả hơn ».
Hôm thứ Bảy, trong bài phát biểu nhân dịp trao giải thưởng Charlemagne cho tổng thống Rumani Klaus Iohannis, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã tiến xa hơn, bày tỏ mong muốn biến năm 2022 thành « năm quốc phòng châu Âu ». Đến tháng 03/2022, khi Pháp làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp, nhóm 27 nước sẽ phải thông qua « La bàn chiến lược của Liên Âu », được xem như « sách trắng về quốc phòng » của châu Âu.
27 thành viên Liên Âu sẽ phải đạt được đồng thuận để tiến bước sau bài học rút ra từ các sự kiện đã xảy ra gần đây. Thế nhưng, Le Figaro nhận định điều này diễn ra chậm chạp. Đường lối với Bắc Kinh là rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Trong khi Litva đã bước vào thế đối đầu với Trung Quốc, thì Hungary vẫn tiếp tục « chơi trò quyến rũ » Bắc Kinh. Thủ tướng Orban Victor bị xem là lãnh đạo chính trị thân Trung Quốc nhất ở Liên Âu.
Vì thế, châu Âu sẽ không thể có sự đồng thuận để cùng Mỹ chống Trung Quốc. Trong khi thỏa thuận đầu tư Liên Âu và Trung Quốc ký kết hồi tháng 12/2020 vẫn đang bị đình hoãn, một số nước cho rằng có thể đã đến lúc phải tìm cách tái kích hoạt thỏa thuận này. Một cuộc trao đổi giữa chủ tịch Tập Cận Bình và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10.