Du Miên
Lượng đơn hàng ĐCSTQ đặt mua bộ xét nghiệm PCR (thường dùng để xét nghiệm COVID-19) gia tăng đột biến từ hồi tháng Năm cho đến cuối năm 2019, trước khi nước này thông báo cho thế giới biết về nguy cơ của trận đại dịch, theo báo cáo từ một công ty an ninh mạng của Úc.
Theo báo Breitbart, hôm 4/10, công ty an ninh mạng của Úc là Internet 2.0 đã công bố một bản báo cáo mới có tên là “Procuring for a Pandemic” (tạm dịch: Thu mua cho Đại dịch). Kết quả từ báo cáo cho thấy, đơn đặt mua bộ xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (polymerase chain reaction – PCR) tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đột ngột gia tăng kể từ tháng 5/2019. Sau đó, số lượng bộ xét nghiệm PCR mà tỉnh Hồ Bắc đặt mua đã tăng gần đến mức gấp đôi so với số lượng tỉnh này mua trong năm 2018.
Điều đáng lưu ý là, thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc chính là tâm chấn đầu tiên gây bùng phát đại dịch COVID-19, mà mãi đến tháng 1/2020 chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đưa ra thông báo chính thức cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cảnh báo các quốc gia khác. Thành phố Vũ Hán cũng là nơi đặt trụ sở của Viện Virus học Vũ Hán – phòng thí nghiệm gây tranh cãi vì là tâm điểm của giả thuyết virus Corona Vũ Hán rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Theo kết quả từ bản báo cáo của Internet 2.0, từ tháng 7/2019, trường Đại học Khoa học và Cộng nghệ Vũ Hán cũng đột ngột gia tăng nhu cầu đối với bộ xét nghiệm PCR và liên tục đặt hàng. Cho đến cuối năm 2019, tổng chi phí trường đại học này dùng để mua bộ xét nghiệm đã tăng đến mức 800%.
Cũng trong khoảng thời gian từ tháng Năm cho đến cuối năm 2019, có 2 cơ quan chính phủ của ĐCSTQ gia tăng lượng đặt hàng đối với bộ xét nghiệm PCR. Đó là Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trực thuộc ĐCSTQ.
Phía công ty Internet 2.0 cho biết, họ đã thu thập dữ liệu từ các trang web mua hàng công khai của Trung Quốc, và thành lập một đội ngũ phân tích gồm các cực quan chức tình báo quốc tế để nghiên cứu kết quả thu được. Hai giám đốc điều hành (CEO) của Internet 2.0 là ông David Robinson và ông Robert Potter cho biết: “Dữ liệu này không ủng hộ cho bất kỳ kết luận nào về nguồn gốc của COVID-19, nhưng trong tương lai, một phần của nó có thể hỗ trợ cho một phát hiện nào đó về nguồn gốc” của đại dịch này.
Trên thực tế, bộ xét nghiệm PCR không chỉ có công dụng để xác định ca dương tính với virus Corona Vũ Hán. Song với lượng đặt hàng gia tăng khác thường ở Hồ Bắc và Vũ Hán, cùng những nghi ngờ xoay quanh nguồn gốc và thời điểm xuất hiện thật sự của chủng virus này, phía Internet 2.0 nêu cao sự cần thiết của các cuộc điều tra sâu rộng để làm rõ vấn đề. Bởi theo họ nhận định, từ số liệu đặt hàng này, rất có thể đại dịch COVID-19 đã xuất hiện tại Trung Quốc sớm hơn rất nhiều so với thời điểm chính quyền Bắc Kinh đưa ra thông báo chính thức.
Trao đổi với The Australia hôm 5/10, CEO Potter nêu rõ: “Bạn có thể thấy xu hướng, bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 12, bạn sẽ thấy sự gia tăng lớn về dữ liệu mua sắm PCR. Một số đơn hàng này có thể là bình thường, nhưng kết hợp lại với nhau, nó mang lại cho chúng ta một xu hướng thách thức toàn diện thông tin chính thức rằng, đại dịch bắt đầu vào tháng 12” cùng năm.
Ông cũng bày tỏ sự lo ngại và mối nghi ngờ đối với việc một cơ quan tại thành phố Vũ Hán lại đặt mua bộ xét nghiệm PCR với số lượng khổng lồ khi chỉ còn một tháng nữa là tới kỳ đại hội Thể thao Quân sự Quốc tế (World Military Games) – được tổ chức vào tháng 10/2019 ở chính Vũ Hán. Hãng tin Breitbart cho biết, các nhà phê bình Tây phương đặt ra nghi vấn rằng, kỳ đại hội này chính là một “sự kiện siêu lây nhiễm”, tạo cơ hội cho virus Corona Vũ Hán phát tán khắp nơi trên toàn cầu.
Du Miên