Ký ức Hội An – Trâm Anh

Cứ mỗi lần được nhận những món ăn từ các bàn tay nội trợ đảm đang, ký ức ngọt ngào của cô lại có dịp trỗi dậy như những thước phim quay chậm , trình chiếu lại những tháng ngày hoa mộng xa xưa mà lâu nay nằm im lìm đâu đó trong tâm khảm. Lần này không phải là bánh pate’ Chaud hay món gì khác mà là chè bắp thơm ngon của chị Nhung Trường Kim, một món chè được nối liền với một địa danh không chỉ thân quen với những người Việt, mà cả các khách du lịch quốc tế, đó là Hội An- thành phố nhỏ nên thơ có con sông Hoài êm ả chảy trong lòng thành phố.

Như tên gọi Hội An, mà người Anh và Châu Âu gọi là Faifo, nơi hội tụ của an lành. Khác với các thành phố khác của Việt Nam, Hội An có bề dày lịch sử thật đặc biệt, bởi trước thế kỷ 13, Hội An chưa thuộc Việt Nam, mà thuộc về vương quốc Champa hay gọi là Chàm. Cùng với Mỹ Sơn và Trà Kiệu là hai thủ phủ về tinh thần và chính trị, Hội An là thủ phủ về buôn bán của Vương quốc Champa giàu mạnh bởi việc buôn bán hương liệu.

Năm 1306, vua Chàm là Jaya Simhavarman III- Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt để cưới con gái của vua Trần Nhân Tông là Công chúa Huyền Trân. Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông lấn chiếm Champa, Hội An thuộc về Việt Nam và trở thành thủ phủ của Quảng Nam. Vào năm 1535 , những người khai phá Thổ Nhĩ Kỳ và thuyền trưởng Antonio De Faria đã thành lập trung tâm thương mại chính ở một cảng của Faifo Hội An.

Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn ở đàng trong tập trung vào các hoạt động buôn bán hơn là chúa Trịnh ở đàng Ngoài, kết quả là Hội An trở thành cảng thương mại quan trong nhất của vùng biển Nam Trung Hoa.

Những người thương lái Nhật, Hoa đã đến định cư ở Hội An vào khoảng thế kỷ 16- 17, mà Chùa Cầu là cấu trúc độc đáo do người Nhật dựng nên. Tuy nhiên chiếc cầu này sau khi được trùng tu xây dựng lại đã mất đi đặc thù cấu trúc Nhật bản mà thay vào dó là sự pha trộn giữa Viêt Nam và Trung hoa. Ngay cả vị thần được thờ nơi giữa cầu cũng là thần Bắc Đế.

Năm 1775, Hội An trở thành trận địa giữa quân chúa Trịnh và Tây Sơn, cả thành phố bị phá hủy. Sau đó, với chiến thắng của vua Gia Long, ngài đã tưởng thưởng cho Pháp vì sự giúp đỡ của họ bằng cách cho họ độc quyền buôn bán ở cảng Đà Nẵng gần đó. Đà nẵng trở thành cảng buôn bán chính trong khi Hội An bị đi vào quên lãng. Những cố gắng làm sống lại thành phố Hội An được thực hiện vào những năm 1990s bởi kiến trúc sư người Balan Kazimierz Kwiatkowski, người đã mang Hội An quay về với thế giới.

Ngày nay, Hội An là điểm thu hút nhiều dân du lịch trên thế giới bởi bề dày lịch sử, cấu trúc độc đáo và ngành thủ công mỹ nghệ về dệt cũng như đồ gốm sứ.

Trong chương trình du lịch, ngoài phố cổ, có những điểm đến khá thú vị như biển cửa Đại, vườn dừa bảy mẫu chèo thuyền lênh đênh trên sông nước , hay các chương trình ẩm thực. Có nhiều người khách du lịch Úc khi về lại đã kể cho cô nghe Chương trình du lịch trọn gói của họ có cả nấu ăn. Cô thật ngạc nhiên khi họ học được cách nấu phở, làm chả giò, thịt kho tàu…mà họ nói là rất thích vì đã để lại nhiều ấn tượng.

Năm 1999 phố Cổ trở thành Di sản thế giới của UNESCO như là một địa điểm cần bảo tồn của cảng thương mại Đông Nam Á trong thế kỷ 15-19 với những ngôi nhà đặc trưng cho sự hòa quyện của địa phương và ảnh hưởng của nước ngoài.

Nói đến Hội An, phải nhắc đến khu Phố Cổ với cấu trúc những ngôi nhà san sát kề nhau. Mái ngói âm dương rêu phong, lợp trên những vách tường quét vôi màu vàng đất cổ xưa. Mỗi lần đến, tôi cứ liên tưởng như mình đang đi trong những khu phố trong phim kiếm hiệp, để có thể phi thân từ nóc nhà này qua nhà khác một cách dễ dàng mà không cần phải có “nội công thâm hậu”.

Được biết, thành phố Hội An đã vượt Tokyo để trở thành Thành phố tuyệt vời nhất thế giới (do Travel and Leisure bình chọn 2019). Đây là tin vui cho người dân Hội An nói riêng , và của Việt nam nói chung.

Bây giờ chúng ta hãy quay về với những cánh đồng bắp mênh mông, đã cung cấp nguồn nguyên liệu cho ra những sản phẩm đặc trưng về bắp, mà chè bắp là một trong những món nổi tiếng của Hội An. Bắp được trồng ở nhiểu nơi, nhưng Cẩm Kim và Cẩm Nam là hai vùng có nhiều cánh đồng bắp trãi dài xanh mướt trồng loại bắp nếp thơm ngon, trái hạt đầy, mềm dẽo.

“Chèo ghe bẻ bắp bên sông

Bắp chưa có trái, bẻ bông chèo về

Chèo về đến ngõ Bồ Đề

Xin ba trái bắp đem về cho con”.

(st)

Bắp nếp Hội An được chế biến thành nhiều món dân dã nhưng được nhiều người ưa thích như bắp luộc, bắp nướng, bắp xào, chè bắp, ram bắp.

Cô nhớ ngày còn ở quê nhà, cứ thấy ai quẩy quang gánh trĩu nặng ngang nhà với mùi bắp thơm lừng là mẹ cô gọi vào để mua, vì đó là bắp luộc đang mùa, được gánh từ Hội An. Mẹ bảo bắp Hội An ngon, ngọt, thơm, dẽo một cách đặc biệt!

Bên cạnh bắp luộc là món bắp nướng. Những ngày đông, bắp nướng là món khoái khẩu của bao người. Bắp nướng không cần lớn, chỉ cần những trái căng đều, hạt mẩy. Bắp nướng có thể nướng trên bếp điện, bếp ga, nhưng chắc chắc nướng bắp bếp than là cách nướng bắp thơm ngon nhất. Rưới mỡ hành lên trái bắp khi chín làm tăng phần đậm đà thơm ngon của món bắp nướng, một món ăn dân dã.

Nhung Rang

Nói vậy, nhưng khi ra nước ngoài, bắp nướng có mặt trong các nhà hàng lớn và dĩ nhiên là không rẻ. Tôi nhớ hai lần tiệc Giáng sinh cuối năm nơi làm việc, một ở nhà hàng người Mexico, một của Heston Blumenthal- một tên tuổi nổi tiếng của nhà hàng 5 sao , muốn book phải mấy tháng mới có chỗ, trên menu có bắp nướng, chỉ khác 1 điều , thay vì rưới mỡ hành, người ta cho lên một lớp sauce chipotles mayonnaise và rãi lên trên lớp vụn bắp rang giòn tan, làm trái bắp nướng có đủ vị thơm ngọt béo bùi và giòn giòn nữa.

Chè bắp cũng là món phổ biến của Hội An. Với hương vị ngọt thanh của đường , beo béo của bắp hòa quyện cùng nước cốt dừa, chè bắp đã đi vào ký ức của biết bao người dân xa xứ.

Nhắc đến Cẩm Nam, không thể nào quên món bánh tráng đập dập. Quán mà chúng tôi đến thuộc loại nổi tiếng là ngon. Những chiếc bánh tráng mỏng dính, kẹp với những lá bánh ướt cũng mỏng không kém. Khi ăn, phải lấy tay đập ép cho 2 lớp bánh dính vào nhau, vì thế mới có tên là bánh tráng đập dập. Nước chấm là nước mắm nêm được pha ngon tuyệt hảo, đến nỗi cả lớp tôi thời ấy 20 đứa ăn hết 100 cặp. Nói cho ngay, không phải vì bọn cô tham ăn, mà vì là lớp chuyên toán nên con trai đông, nữ chỉ có 9 cô gái mà thầy giáo chủ nhiệm hay gọi là “9 niềm hy vọng của lớp.” Chỉ một lớp tôi kéo vào thôi, mà “ba nàng tiên”- tên quán mà chúng tôi đặt vì những chiếc bánh được làm ra không ngớt là do 3 người phụ nữ khá lớn tuổi tóc đã bạc trắng, với cục tóc bối như các phụ nữ VN ngày trước, đảm nhận. Cách đây hai năm, khi đi Hội An, cô có hỏi thăm thì “ba nàng tiên” đã qua đời, quán ngày xưa ấy vẫn còn đông khách và được quản lý bởi những người cháu.

Thời ấy, các chàng, các nàng lớp cô chỉ biết cắm cúi vào học, và cũng rất vô tư chứ không như học trò các lớp khác. Cuối năm, cả lớp tổ chức đi Hội An , cách Đà Nẵng 30 kms bằng xe đạp. Mỗi chiếc 2 người thay nhau “đổi tài”. Cô và cô bạn cùng bàn một cặp cùng thẳng tiến. Khổ một nỗi bạn cô không biết đi xe đạp nên tới lúc cả nhóm dừng lại để đổi tua, cô vẫn tiếp tục đôi bàn chân điều khiển đôi bánh xe quay đều, quay đều, quay đều, để đến khi cả lớp đến đích Hội An, chân cô hoàn toàn mất cảm giác và đổ khụy xuống trong chốc lát. Chính nhờ cuộc đi chơi này mà sau đó cô bạn đã kiên quyết tập và biết đi xe đạp.

Chuyện về Hội An, những chuyện cỏn con, nhưng nối lại sẽ nhiều vô kể, vẫn lung linh như những ánh đèn lồng trong hội hoa đăng đêm trăng treo trên đẩu ngọn cây, dịu dàng tỏa sáng cùng sông nước, để mai về, cảm giác ấy cứ mênh mang, bềnh bồng trong tâm trí.

Trâm Anh

7/10/2021

Source :

1.https://en.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_Atml

2. https://hoianheritage.net/…/huong-vi-bap-nep-pho-hoi…

Related posts