Sau gần một năm, cuộc ám sát khoa học gia đứng đầu về chương trình vũ khí nguyên tử của Iran là Mohsen Fakhrizadeh vẫn được nhắc đến nhiều. Cơ quan tình báo Mossad của Do Thái bị cáo buộc và thừa nhận đã ra tay ám sát Mohsen cùng một số khoa học gia khác của Iran. Sau các cuộc điều tra, Iran đã công bố đây là một cuộc ám sát được thực hiện từ xa với sự trợ giúp của vệ tinh và kỹ thuật trí tuệ nhân tạo AI. Mossad đã ra tay thế nào?
Theo các dữ liệu từ Iran và các cơ quan truyền thông quốc tế, từ năm 2007 cho đến nay, các sát thủ của tổ chức tình báo Mossad của Do Thái đã ám sát 5 khoa học gia về vũ khí nguyên tử của Iran. Chỉ nhân vật đứng đầu danh sách cần bị tiêu diệt trong hàng chục năm qua là khoa học gia Mohsen Fakhrizadeh, người đứng đầu và dẫn dắt chương trình chế tạo bom nguyên tử của Iran vẫn chưa thành công. Cho đến năm qua, một kế hoạch tinh vi với tân tiến đã giúp cho Mossad thực hiện được điều này. Các công bố từ Iran và các cuộc điều tra khác nhau đã cho thấy kế hoạch này như một điều khó lòng tin được.
Trước khi kể về kế hoạch này đã được chuẩn bị và ra tay thế nào, có lẽ cũng cần nhắc qua mục tiêu quan trọng của Mossad trong cuộc ám sát này là ai?
Sinh năm 1958, khoa học gia Mohsen Fakhrizadeh là người đứng đầu chương trình vũ khí nguyên tử kiêm Phó Bộ Trưởng Quốc Phòng của Iran khi bị ám sát. Dù đóng một vai trò quan trọng như vậy tại Iran nhưng bên ngoài thì người dân chỉ biết đến Mohsen như một trí thức bình dị, lặng lẽ và bí mật, là một giáo sư tiến sĩ đại học thích nghiên cứu triết học Hồi Giáo, đọc thi ca và yêu thiên nhiên, hiếm khi xuất hiện trên truyền hình hay công chúng trong vai trò một nhân vật quyền lực của chính phủ.
Dù sống tại một tòa gia cư kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt khi ra ngoài, Mohsen vẫn thường thích tự tay lái xe chở vợ ra những vùng ngoại ô hay về căn nhà vùng quê của mình cuối tuần, không để các cận vệ chở trong các xe chống đạn. Ðó là điều gây khó khăn rất nhiều cho các cận vệ của ông, những người buộc lòng phải lái theo trong những chuyến đi như vậy.
Dù vậy, là một mục tiêu hàng đầu của Do Thái, Mossad cũng không thể ra tay với những cuộc ám sát truyền thống như thuốc độc, đặt bom hay cho cho điệp viên lái mô-tô gắn bom trên đường phố mà họ đã ra tay thành công trong một số cuộc ám sát các khoa học gia dưới quyền Mohsen trước kia và hầu hết các sát thủ đều bị bắt hay bị bắn trong điệp vụ. Ðiều mà tổ chức Mossad từng tuyên bố sẽ không ra tay nếu các điệp viên của họ không có đường thoát thân. Sử dụng các thiết bị bay điều khiển từ xa drone cũng không thành công vì chúng đầy khả nghi và sẽ bị bắn hạ ngay khi xuất hiện. Họ phải tìm một cách khác, tinh vi và tân tiến hơn với sự trợ giúp của kỹ thuật trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence).
Một ngày tháng 11 năm 2020, các điệp viên người Iran của Do Thái đặt một chiếc xe truck tại một địa điểm tính toán rất thận trọng và chính xác trên lộ trình vùng quê mà Mohsen sẽ lái chiếc Nissan chở vợ mình theo. Ðể ngụy trang, các điệp viên Mossad đã tháo một bánh xe và kê lên con đội, xem như một chiếc xe bể bánh thông thường bên đường. Xe của Mohsen được đoàn convoy 5 chiếc xe chống đạn chở theo vài chục cận vệ thiện nghệ và trang bị vũ lực mạnh nhất theo bảo vệ lộ trình và bọc hậu, trong đó có một cận vệ thân cận luôn túc trực bên mình Mohsen là một nhà vô địch nhu đạo. Các cuộc ám sát theo cách nổ bom tự sát hay tấn công thông thường khó thể xảy ra. Nhưng cuộc ám sát Mohsen đã thành công.
Các nguồn tin từ giới truyền thông thoạt đầu công bố nhiều bản tin tường trình cuộc ám sát đầy khác biệt. Có tờ báo viết rằng chiếc xe tải bên đường có gắn bom và cho nổ bom từ xa. Nguồn tin khác thì tường trình rằng đã có cuộc chạm súng dữ dội giữa các sát thủ cùng các cận vệ của Mohsen, kết quả là cả nhóm sát thủ bị tiêu diệt và vài cận vệ của Mohsen bị thiệt mạng.
Nhưng các cuộc điều tra và báo cáo cuối cùng từ cơ quan tình báo của Iran đã đưa ra một kết luận cuối cùng hoàn toàn khác biệt. Các điều tra cho thấy không hề có cuộc chạm trán hay nổ bom từ xa, điều khó lòng thực hiện được trong kế hoạch bảo vệ Mohsen. Mà nhóm điệp viên khoảng 20 người của Mossad, cả Iran và Do Thái, đã tham gia vào vụ ám sát này. Họ bí mật vận chuyển từng cơ phận của khẩu súng máy bắn tẻ 7.62 mm vào Iran và theo dõi lộ trình của Mohsen trong suốt 8 tháng trời.
Khẩu súng này gắn phía sau chiếc xe truck và nhắm về hướng đoạn đường mà Mohsen sẽ thực hiện một cú U-turn quay xe và phải dừng lại trong vài chục giây. Khẩu súng này sử dụng kỹ thuật AI và nhận dạng khuôn mặt để tự động nổ súng mà sát thủ là các chuyên viên điện toán ở đâu đó hàng ngàn cây số. Ðó cũng được cho là kỹ thuật đã được Mỹ sử dụng trong cuộc hạ sát tướng Qasem Soleimani của Iran hồi đầu năm 2020. Việc ám sát Mohsen đã cho thấy sự yếu kém và thất bại của các cơ quan tình báo và an ninh của Iran dù họ hiểu và luôn cảnh báo ông về nguy cơ bị ám sát.
Sử dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo AI trong các mối quan hệ thù địch hay chiến tranh là điều các nhà khoa học đã cảnh báo và lo ngại vì cho rằng nó vi phạm các chuẩn mực đạo đức và vi phạm các công ước quốc tế trong các xung đột quy ước. Bởi nó cũng có thể bị các tổ chức tội phạm hay các cơ quan tình báo, quân đội của các quốc gia thù địch sử dụng nhằm ám sát yếu nhân hay thực hiện các cuộc tấn công từ xa. Nhưng điều này không tránh được vì các chính phủ chỉ cần đạt được mục đích của mình khi tận dụng nó.
Với sự phát triển tột bực của kỹ thuật cao, những rủi ro không chỉ dành cho phía nào. Cuộc chạy đua về AI vẫn đang tiếp tục và phe nào hay ai sẽ là mục tiêu sắp đến?