Vào cuối tháng Tư năm 1975, Khi đó, tôi đang dự hội nghị quốc gia ở Schonell Special Education Research Centre của đại học Queensland. Một tuần được rời xa Tasmania để khi trở về thì tình yêu Tasmania sẽ dâng trào hơn nữa. Nhưng trong tâm hồn tôi hình như có gì bất ổn.
Khi tôi trình bày xong bài research của mình thì một đồng nghiệp kêu tôi ra uống café trên campus và chia sẻ: “I am sorry to let you know that Saigon is in pain at the moment, many people want to get out.” Tôi chạy về phòng xem tin tức trên TV và thấy Saigon đang ở trong một sự xáo trộn lớn. Tôi vội gặp Professor Betty Watt, conference convenor, xin phép về Tas sớm hơn để theo dõi tình hình ở quê nhà vì lòng tôi rất bất ổn.
Thật vậy, lúc đó Mr. Gough Whitlam là Thủ Tướng thứ 21 của Úc. Buồn thay, vì lý do nào đó, ông ‘e ngại’ trong việc giúp người tỵ nạn Việt Nam qua Úc. Tôi cũng có liên lạc với vài người trong quốc hội Úc để nhờ họ ‘năn nỉ’, nhưng không đưa đến đâu. May quá, được biết Thủ Tướng Whitlam sẽ xuống thăm Tasmania vào June 1975, nên tôi cố gắng xem sao. Báo chí ở Tasmania rất ủng hộ tôi trong việc này. Nhiều sinh viên của tôi, nhất là anh Garry Bense, chủ tịch sinh viên ở Launceston campus dàn xếp cho tôi gặp Thủ Tướng. Tôi cố hết mình thuyết phục ông, nhưng buồn ơi chào mi.
Khi Thủ Tướng Whitlam thất cử và ông Fraser lên thay thế, cánh cửa cho Vietnamese refugees được mở rộng. May thay, Ông Ian Macphee là Immigration Minister với lòng đầy thiện cảm, đã giúp đỡ mở rộng vòng tay cho người Việt tỵ nạn vào Úc. Từ đó, người Việt mình tay bắt mặt mừng hớn hở đến Úc và bắt đầu đóng góp cho nước đang cưu mang mình trên nhiều lãnh vực.
Hồi còn học ở Đại Học Monash, vào weekend tôi hay đi Point Cook thăm một gia đình Việt Nam, và khi xe chạy qua Footscray tôi cố lái mau hơn vì ‘sợ ma’, cảnh vật rất đìu hiu… Nay trở lại Footscray, đi đâu cũng gặp người Việt mình, nói cười thân thiện, làm tôi cứ ngỡ mình đang đi trên một con phố nào đó của Saigon năm xưa.
Thành phố xưa một lần gặp lại
Vui rộn ràng lẫn buồn chứa chan
Ngày tháng cũ ân tình chất ngất
Chào Sàigòn nỗi buồn riêng mang. (VD)