Thảm họa COVID 19 và tương lai nào cho Việt Nam

Đỗ Kim Thêm

10-10-2021

Cảnh quan chính trị Việt Nam không còn toả sáng như giới lãnh đạo của đảng CSVN hằng tự hào tuyên bố. Lý do cho tình trạng u tối này thật là hiển nhiên. Từ đợt bùng phát dịch thứ tư bắt đầu ngày 27/4/2021 cho đến nay, cả nước đã có hơn 800.000 ca nhiễm và hơn 20.000 người tử vong.

Sau vụ Đồng Tâm, lại một lần nữa, những con người còn có tai nghe và mắt thấy trước các cảnh bất công xã hội chứng kiến một vết nhơ khác. Không quốc gia nào trên thế giới có hiện tượng công nhân ồ ạt về quê như Việt Nam; không còn một hình ảnh nào bi thương hơn cho kiếp người vô tội khi phải qùy lạy cảnh sát giao thông để xin về quê tránh dịch bệnh.

Hậu quả trước mắt là dân chúng không còn sức khoẻ, mất việc, kinh tế không còn sản xuất, doanh nghiệp ngoại quốc lo tháo chạy và nền kinh tế không còn triển vọng đầu tư mới. Đó là đặc thù mà chính quyền không thể hãnh diện.

Nhưng giờ đây nhìn chung, an nguy cho sinh mệnh của người dân là một thực tế bất ngờ và bất hạnh. Vấn đề trầm trọng hơn là nội loạn khắp nơi vì dịch bệnh hoành hành, cơ chế vận hành cho nền y tế công cộng đang lâm nguy hơn bao giờ hết.

Khi xét đến thành quả chính trị của đảng CSVN trong việc phòng chống đại dịch, các khía cạnh chính cần quan tâm thảo luận là năng lực của nhà nước trong việc bảo vệ sức khoẻ cho dân chúng và duy trì trật tự công cộng, niềm tin nơi xã hội và giới lãnh đạo.

Trong hoàn cảnh hiện nay, dân chúng và chính quyền hầu như làm không được gì hữu hiệu để phòng chống đại dịch.

Dân chúng đổ lỗi cho chính quyền là không làm như các quốc gia khác, như lo hỗ trợ tài chính cho người dân. Khi chưa có Quốc Hội cho phép, chính quyền lại ngang nhiên vi phạm quyền tự do hiến định khi dùng hàng rào kẽm gai ngăn chặn đi lại và lực lượng vũ trang lại ra chốt chặn, giằng co thoá mạ dân chúng.

Ngược lại, chính quyền đổ cho dân chúng là không thi hành các chính sách “chống dịch như chống giặc“. Nhưng một sai lầm sơ đẳng và nghiêm trọng mà chính quyền không công khai thú nhận, đó là nội dung bản chất dịch và giặc không đồng nghĩa.

Dân chúng chỉ còn cách duy nhất là tháo chạy về quê tránh dịch và sau cùng là quỳ lạy cảnh sát ở các trạm kiểm soát giao thông xin cho qua, đó không phải là sử dụng quyền tự do hiến định mà nguyện cầu ân huệ trong nghi thức sơ khai theo tôn giáo; nhân viên y tế thoá mạ các gia đình nạn nhân trên đường phố không phải là đối thoại bình đẳng trong tinh thần dân chủ; công an phá nhà, đập cửa bịnh nhân để cưỡng chế cách ly và thử nghiệm không phải là một biện pháp hợp hiến và hữu hiệu để trị được dịch bệnh.

Trong ngày 7/10, khi tổng kết thành tích, lãnh đạo đảng không thẹn thùng khi nhận định về các biện pháp phòng chống dịch bệnh:

… tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân, chăm lo việc học hành của học sinh, sinh viên…”

“…Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, ‘thương người như thể thương thân’, ‘lá lành đùm lá rách’, ‘lá rách ít đùm lá rách nhiều’ của dân tộc ta lại tiếp tục được phát huy cao độ, nhờ đó đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ ba”

Chính quyền không quên tiếc lời cảnh báo:

“Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước điên cuồng chống phá, xuyên tạc sự thật nhằm làm mất uy tín cán bộ và gây phân hóa, chia rẽ nội bộ hòng suy yếu các thành trì phòng chống dịch.”

Qua các lời tuyên bố này, chính quyền không nhận ra một thực tế trái ngược là chính sự hoảng loạn, chính giới bất tài, gian tham, bạo ngược và dân chúng hoang mang và suy nhược.

Trong khi cá nhân và gia đình không có sức khoẻ, các kỳ vọng chính của tất cả là cơn đại dịch sẽ chóng qua, sức khoẻ cho con người và nền kinh tế sẽ phục hồi.

Nhưng chừng nào? Ngay cả các nước dân chủ phương Tây, tiên đoán tốc độ và sức mạnh của sự phục hồi kinh tế rất khó. Khi dịch bệnh chưa đuợc kiểm soát, thì vấn đề phục hồi không thể tăng nhanh.

Sự phục hồi này còn phụ thuộc vào biện pháp hỗ trợ của chính phủ cho nền kinh tế và tốc độ phục hồi chung của các nước khác.

Làm sao để cho dân chúng tin rằng chính phủ có kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, y tế, năng lực và công bằng để đưa ra những giải pháp tốt nhất khả thi trong khi uy tín tiêu tan do các giải pháp kiểm dịch và cứu trợ đang thất bại.

Nhưng một tin vui cho giới lãnh đạo Đảng là không có dấu hiệu nào chứng tỏ chế độ sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy là trận đại dịch sẽ còn kéo dài. Đó là một tin buồn khi thời kỳ vô cùng bất trắc cho đất nước đang khởi đầu và những vấn đề trong dài hạn cần được đặt ra.

Do đó, khi ban hành các biện pháp khẩn cấp chống dịch, chính quyền cần phải đánh giá cẩn trọng và quan tâm nó trong trường kỳ.

Dân chúng không biết phải làm gì để tự cứu mình, vì về quê tránh dịch cũng không phải là giải pháp trong lâu dài.

Giải quyết vấn đề trong tình hình bình thường mới này đòi hỏi phải kết hợp mở rộng hai chính sách vừa giải cứu doanh nghiệp vừa hỗ trợ cho công nhân.

Ở một số quốc gia, việc kết hợp này có nghĩa là hỗ trợ cho các doanh nghiệp với điều kiện họ giữ lại công nhân, hỗ trợ trả tiền lương và các chi phí khác tương xứng với việc giảm doanh thu.

Dù giải pháp cho vấn đề chống dịch là trong ngắn hạn, nhưng lại tùy thuộc vào phương cách vận hành của các định chế chính trị, một vấn đề cơ bản có đặc tính trường kỳ.

Khi chính quyền ưu tiên sử dụng quân đội để ngăn chận bạo loạn trong tinh thần giải phóng miền Nam, một đi không trở lại, do đó, không thoả mãn nhu cầu của dân chúng trong việc về quê hay hỗ trợ.

Ngưởi dân miền Nam càng chua chát khi nhận ra rằng, từ bao lâu nay, đóng 80% tiền thuế để nuôi giới lãnh đạo miền Bắc có lý luận không đem lại tình đoàn kết chân thành hay một kết quả thiết thực nào trước cảnh lâm nguy.

Đối với dân chúng, chính quyền vừa đạo đức giả, vừa vô trách nhiệm và vừa không khả năng. Từ đó, họ bắt đầu có ý tưởng chống đối, không phải chỉ trong dân chúng mà ngay cả trong công an địa phương, và phản ứng công an An Giang là một thí dụ khởi đầu.

Cho đến nay, ai cũng biết là chính quyền không có thiện chí trong việc cải cách chính trị, trong khi đa số dân chúng vô cảm trước các biến chuyển của chính sự.

Ngược lại, những biến cố dồn dập đủ loại trong COVID-19 mở ra cuộc đấu tranh chính trị mới: đòi quyền được sống còn, có thuốc trị cho tất cả, đi lại an toàn, đó là một cái gì thiết thực trong đời sống hằng ngày và không còn chờ đợi được chính quyền ban phát ân huệ; nó khiến cho người dân có ý thức là trong các vấn đề nội chính, cải tổ chế độ là cần ưu tiên giải quyết.

Người dân không còn muốn thấy vết nhơ của Đồng Tâm hay tiếp tục qùy lạy van xin, thì không còn cách nào khác hơn là phải có ý thức phản tỉnh để so sánh về các giá trị tự do cơ bản này và hành động trong gạn lọc.

Tình hình chung trong việc chống dịch là bi quan và triển vọng phục hồi còn đấy bất trắc. Nhưng đó là một khởi đầu cho các nỗ lực kế tiếp.

Trong lâu dài, dân chủ hoá là xu thế mà Việt Nam không thể tránh khỏi. Cải cách định chế chính trị và đào tạo cho con người để thích nghi không là một ý thức riêng cho những người quan tâm chính sự mà là của toàn dân muốn bảo vệ sức khoẻ, công ăn việc làm và tự do đi lại.

Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, câu châm ngôn của học trò vỡ lòng bất ngờ lại trở thành một điều kiện khởi đầu trong mọi cải cách cho Việt Nam.

Nối tiếp sau đó là du nhập hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, nâng cao đạo đức và giáo dục, tăng trưởng kinh tế, tôn trọng trí thức và pháp luật, thực thi nhân quyền và dân quyền, bảo vệ đất nước và con người.

Dĩ nhiên, đó là lý tưởng cao đẹp cho mỗi người đóng góp trong phạm vi khiêm tốn của mình.

Bất hạnh trước mắt là ngu dốt, dối trá, bạo lực và kiêu ngạo làm cho Đảng CSVN phải chịu thua khi chống dịch bệnh, nhưng toàn dân là đại bại. Đấu tranh cho quyền lợi đất đai ở Đồng Tâm cũng chết, đấu tranh cho quyền lợi sức khoẻ, lo tháo chạy về quê cũng bị thương.

Cuối cùng, khi từ chết cho tới bị thương là hậu qủa, thì nguy cơ diệt vong của dân tộc càng là hiện thực.

Ngoại xâm và nội loạn làm cho đất nước mờ mịt. Con đường xây dựng cho tương lai đầy chông gai và thêm xa.

Cầu xin anh linh các bậc tiền nhân và hồn thiêng sông núi giúp cho chúng ta có thêm nghị lực để vượt qua thảm hoạ COVID-19.

Related posts