Tin thế giới sáng thứ Tư

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ đến Nga tìm cách duy trì đối thoại song phương

Minh Anh

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Victoria Nuland tới Moscow sau nhiều năm bị Nga cấm nhập cảnh. Ảnh tư liệu năm 2018. Getty Images via AFP – ALEX WONG

Bà Victoria Nuland, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, tuy nằm trong danh sách bị cấm nhập cảnh, đã tới Moscow ngày 11/10/2021, bắt đầu chuyến thăm Nga ba ngày. Theo giới quan sát, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy Nga, Mỹ cùng tỏ thiện chí và vẫn muốn duy trì đối thoại về các vấn đề ngoại giao.

Từ Moscow, thông tín viên đài Paul Gogo giải thích:

Chuyến đi của nhà nữ ngoại giao Mỹ đòi hỏi các cuộc đàm phán nhiều gấp hai lần so với một chuyến thăm bình thường. Bởi vì, ngoài những cuộc tranh luận có liên quan đến mối quan hệ Nga – Mỹ, người ta còn phải tìm kiếm một phương cách để bà thứ trưởng thoát khỏi lệnh trừng phạt của Nga. Bà Victoria Nuland đã bị cấm nhập cảnh Nga từ nhiều năm qua.  

Để có được chuyến công du này bắt đầu từ hôm qua, thứ Hai 11/10, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận rút lệnh trừng phạt nhắm vào một nhà ngoại giao Nga.  

Lịch trình làm việc của Victoria Nuland hiện chưa được công bố nhưng chắc chắn là bà sẽ không có vinh dự được Vladimir Putin tiếp đón. Theo truyền thông Nga, một cuộc gặp với trợ lý của tổng thống, Youri Ouchakov và phó chánh văn phòng phủ tổng thống, Dmitri Kozak sẽ được tổ chức. Ngoài ra còn có một cuộc gặp khác với thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Ryabkov.  

Danh sách các chủ đề sẽ được hai bên đề cập đến cũng không được tiết lộ nhưng hai bên không thiếu các vấn đề cần thảo luận. Quan hệ song phương hiện còn căng thẳng.

Cuộc gặp Biden – Putin hồi tháng Sáu năm nay chỉ cho phép đặt những nền tảng cho mối quan hệ phức tạp trong đó, các biện pháp trừng phạt và những cuộc trục xuất các nhà ngoại giao chỉ mỗi lúc một gia tăng.”

Đài Loan đề nghị Úc hậu thuẫn gia nhập CPTPP

Minh Anh

Hàng hóa thương mại tại cảng Cơ Long (Keelung), Đài Loan ngày 15/12/2008. Đài Bắc đang rất muốn ra nhập CPTTP. AP – Wally Santana

Đài Loan muốn tham gia hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương CPTPP và kêu gọi Úc ủng hộ nỗ lực này. Chính quyền Đài Bắc khẳng định có thể gia tăng dòng trao đổi thương mại công nghệ và đáp ứng các nhu cầu khoáng sản của Canberra. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối ý định của Đài Loan.

Phát biểu trước Nghị Viện Úc ngày hôm nay, 12/10/2021, ông Thường Dĩ Lập (Elliott Charng), lãnh đạo Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tuyên bố rằng việc hậu thuẫn Đài Loan sẽ gởi đi « một thông điệp mạnh mẽ » đến những doanh nghiệp Úc bị tác động bởi việc Trung Quốc tẩy chay hàng hóa của Úc. Theo quan chức này, « những biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc nhắm vào Úc chỉ làm củng cố hơn ý muốn siết chặt hợp tác sâu rộng với Đài Loan ».  

Ông Thường Lập Dĩ, trên thực tế là đại sứ của Đài Loan tại Canberra nhắc lại rằng Úc là nguồn cung hàng hóa nông nghiệp thứ ba cho hòn đảo tự trị, với tổng trị giá trong năm 2020 là 607 triệu đô la và CPTPP cung cấp một cơ cấu tạo thuận lợi cho việc kinh doanh cũng như cải thiện hợp tác an ninh mạng. Dù vậy, ông nhìn nhận có thể dự báo được phản đối của Trung Quốc: « Bắc Kinh sẽ sử dụng mọi phương tiện để tránh việc Đài Bắc tham gia vào bất kỳ tổ chức nào ».

Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Kim ngạch xuất khẩu của Úc trong tháng 7 đã đạt mức kỷ lục 19,4 tỷ đô la Úc, chủ yếu dựa vào nguồn xuất khẩu sắt. Nhưng trong những năm gần đây, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đề nghị xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan đưa ra trong tháng Chín rồi đã làm dấy lên những căng thẳng. Bắc Kinh phản đối đơn xin của Đài Bắc, ngay lập tức Đài Loan phản hồi cáo buộc Trung Quốc có hành vi bắt nạt.

Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un cáo buộc Mỹ là nguyên nhân gây căng thẳng

Thụy My

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (G) thăm triển lãm vũ khí tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 11/10/2021. AP

Hoa Kỳ chính là “nguyên nhân sâu xa” của tình trạng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã khẳng định như trên, theo báo chí chính thức của Bình Nhưỡng ngày 11/10/2021.

Mặc cho những lời kêu gọi đối thoại mới đây của Washington, Kim Jong Un vẫn cho rằng “không có lý do gì để tin rằng Mỹ không thù địch” với Bình Nhưỡng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bắc Triều Tiên những tuần trước đã cho bắn thử hỏa tiễn hành trình tầm xa, và một hỏa tiễn khác được cho là siêu thanh. Những hình ảnh do KCNA phổ biến cho thấy ông Kim đứng trước một hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) khổng lồ.

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết thêm chi tiết:

“Tại Bắc Triều Tiên, hình ảnh không nhất thiết phải đi kèm với lời nói. Chính ở trước các hỏa tiễn có thể mang đầu đạn nguyên tử mà Kim Jong Un khẳng định Hoa Kỳ là nguyên nhân gây căng thẳng trên bán đảo. Nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng không tin vào những tuyên bố của chính quyền Biden, vốn đã nhiều lần nói rằng không hề có ý định gây sự với Bắc Triều Tiên.

Vào dịp 76 năm thành lập đảng Lao Động (10/10), được kỷ niệm bằng một cuộc triển lãm giới thiệu những sáng kiến của quân đội Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un cũng bảo vệ quyền « tổ chức tự phòng vệ » của nước mình. Một chủ trương được lặp đi lặp lại trong những tuần vừa qua, tố cáo Seoul “đạo đức giả” và “nói một đằng làm một nẻo”. Bởi vì Hàn Quốc triển khai năng lực quân sự của mình đồng thời lên án những sáng tạo của Bắc Triều Tiên.

Kim Jong Un đe dọa sẽ có hành động mạnh mẽ đối với người láng giềng phương nam nếu cứ tiếp tục chính sách này, đồng thời khẳng định những tiến triển về quân sự của Bắc Triều Tiên không nhắm vào Hàn Quốc, vì không nên lặp lại lịch sử xung đột trên bán đảo. Một cách để gia tăng áp lực lên tổng thống Hàn Quốc, mà nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào tháng Năm.

Tổng thống Moon Jae In vốn mong muốn có được tuyên bố của miền Bắc chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên, về mặt chính thức vẫn tiếp diễn kể từ năm 1950 ».

Theo giáo sư Park Won Gon thuộc Ewha Womans University, Bắc Triều Tiên tổ chức cuộc triển lãm trên với mục đích chứng tỏ chương trình vũ khí của mình cũng như những nước khác. Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, hồi tháng Chín đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên được bắn đi từ tàu ngầm, và tiết lộ có hỏa tiễn hành trình siêu thanh.

Tuần trước Bình Nhưỡng và Seoul đã tái lập đường điện thoại liên lạc. Tuy nhiên Kim Jong Un vẫn tố cáo Hàn Quốc nuôi dưỡng « tham vọng thiếu suy nghĩ », có thái độ « phi logic và hai mặt”.

Afghanistan: Taliban gặp đại diện châu Âu và Hoa Kỳ tại Qatar

Thụy My

Các lãnh đạo Taliban tại Doha, Qatar, ngày 12/08/2021, tham gia một cuộc đàm phán trước khi giành chính quyền tại Afghnistan. AP – Hussein Sayed

Các nhà lãnh đạo Taliban hôm 12/10/2021 gặp gỡ các viên chức Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ tại Doha. Chế độ mới ở Afghanistan tìm cách ra khỏi thế cô lập hiện nay về ngoại giao.

Ngoại trưởng lâm thời của Taliban trong cuộc họp báo tại thủ đô Qatar bày tỏ hy vọng sẽ có quan hệ « tích cực » với các nước trên thế giới, và mối quan hệ « cân bằng » sẽ giúp Afghanistan ra khỏi tình trạng bất ổn.

Phát ngôn viên Nabila Massrali của EU cho biết cuộc gặp tại Doha sẽ có cả các đại diện của Hoa Kỳ, nhưng không nói rõ số người và chức vụ của các đại biểu của Mỹ lẫn châu Âu.

Bà cũng nói thêm, đây là một cuộc tiếp xúc không chính thức, không phải là việc nhìn nhận chính quyền lâm thời Afghanistan. Những trao đổi này sẽ giúp Hoa Kỳ và châu Âu đề cập đến các vấn đề như tự do di chuyển đối với những người muốn rời Afghanistan, viện trợ nhân đạo, quyền phụ nữ, ngăn trở Afghanistan trở thành căn cứ địa của các nhóm khủng bố.

Người đứng đầu ngành ngoại giao EU, ông Josep Borrell nói rằng châu Âu trước hết muốn tránh việc « sụp đổ » của Afghanistan. Chế độ Hồi giáo giành được quyền kiểm soát Afghanistan từ tháng Tám vẫn chưa được quốc gia nào công nhận, nhưng trước nguy cơ thảm họa nhân đạo, các nỗ lực ngoại giao đang liên tục diễn ra.

Hôm thứ Bảy 09/10 tại Doha, phe Taliban lần đầu tiên đã tiếp xúc trực tiếp được với các đại diện Mỹ. Ngoại trưởng lâm thời Muttaqi kêu gọi Washington không « làm yếu đi chính quyền hiện nay ở Afghanistan ». Tuần trước các lãnh đạo cao cấp Taliban đã tiếp đặc phái viên Anh Simon Gass tại Kabul. Và một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức nói với AFP, một phái đoàn Đức hôm qua đã gặp các “đại diện cao cấp của Taliban ở Doha », các vấn đề an ninh, mối đe dọa khủng bố, nhân quyền đã được đề cập đến « trong không khí chuyên nghiệp”.

Reuters cho biết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan cũng là trung tâm cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt G20 qua video hôm nay. Trước đó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới giúp đỡ Afghanistan, trong bối cảnh mùa đông sắp đến, tài sản chính quyền cũ Afghanistan bị phong tỏa và viện trợ quốc tế bị ngưng.

Được biết cuộc họp trực tuyến G20 do Ý chủ trì có sự tham dự của tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhưng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt, còn tổng thống Nga Vladimir Putin chưa rõ.

Liên Hiệp Châu Âu “sẽ bắt đầu sụp đổ” nếu không phản ứng trước quyết định của Ba Lan

Thụy My

Biểu tình khẳng định Ba Lan luôn là thành viên EU, Warsaw, ngày 10/10/2021. AP – Czarek Sokolowski

Bà Vera Jourova, phụ trách về các giá trị và tính minh bạch của EU tuyên bố, nếu không tôn trọng các nguyên tắc của Liên Hiệp, theo đó các quy định phải được tuân thủ như nhau trên toàn châu Âu, thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ bắt đầu sụp đổ. Do vậy, cần phản ứng trước một chương mới mà Tòa Bảo Hiến Ba Lan bắt đầu vạch ra.

Từ khi đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS) lên cầm quyền tại Ba Lan năm 2015, nhiều nước phương Tây cáo buộc chính quyền nước này hạn chế độc lập tư pháp và báo chí, vi phạm quyền của phụ nữ, di dân và người đồng tính. Thủ tướng Mateusz Morawiecki hôm qua bác bỏ khả năng Ba Lan ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Theo tổ chức thẩm định khả năng tài chính Moody’s, từ khi gia nhập EU năm 2004, Ba Lan hàng năm nhận được số tiền tài trợ tương đương 2% GDP quốc gia, và tỉ lệ này lên đến 3,2% trong tài khóa 2021-2027. Trong kế hoạch tái thúc đẩy EU, Ba Lan có thể được tài trợ 23 tỉ euro và được vay 34 tỉ euro với lãi suất thấp.

Tài trợ của EU : Ba Lan, Hungary kiện lên Tòa Công lý châu Âu
Do trùng hợp tình cờ, sau cuộc biểu tình trên 100.000 người ở Ba Lan ủng hộ việc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, Tòa án Công lý châu Âu tại Luxembourg từ hôm qua 11/10/2021 bắt đầu xem xét vấn đề gắn kết tài trợ với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet giải thích:

Kể từ năm nay, các quỹ của châu Âu trên lý thuyết sẽ ngưng tài trợ nếu quốc gia thụ hưởng không tôn trọng Nhà nước pháp quyền, ngôn ngữ chuyên môn gọi là « có điều kiện ». Tuy nhiên điều kiện này vẫn chưa được áp dụng.

Cơ chế trên đây được lập ra vào tháng 7/2020, nhân thỏa thuận giữa 27 nước thành viên về ngân sách Liên Hiệp Châu Âu và kế hoạch tái thúc đẩy. Ba Lan và Hungary phản đối cơ chế, nhưng rốt cuộc đã chấp nhận ngân sách cũng như kế hoạch tái thúc đẩy, sau bốn ngày họp thượng đỉnh kéo dài. Đổi lại, hai nước được thỏa mãn đòi hỏi, là cơ chế chỉ có thể áp dụng nếu Tòa án Công lý châu Âu bật đèn xanh.

Đây chính là lý lẽ mà Ba Lan và Hungary đưa ra trước các thẩm phán châu Âu. Theo hai nước này, không có gì bảo đảm rằng điều kiện đặt ra là khách quan và công bằng, và yêu cầu Tòa án xem xét có phù hợp với hiệp ước châu Âu hay không.

Trong khi chờ đợi, từ ngày đầu tháng Giêng, Ủy Ban Châu Âu ghi nhận tất cả những vi phạm có thể xảy ra, chẳng hạn về tính độc lập của tư pháp hoặc truyền thông. Bởi vì nếu các thẩm phán châu Âu chấp thuận, cơ chế sẽ được áp dụng đối với tất cả số tiền đã được chuyển vào ngân sách”.

Đại học công lập ở Hồng Kông ra lệnh dỡ bỏ đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ

Alex Wu

Một sinh viên Đại học Hồng Kông lau chùi một bia đá vào ngày 04/05/2005, bên dưới “Đài tưởng niệm Người tử vì đạo của Đất nước,” một tượng đài được xây dựng để tôn vinh những người đã hy sinh và để khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy hổ thẹn vì đã từ chối nhận lỗi về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn — vụ thảm sát sinh viên vào ngày 04/06/1989, tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. (Ảnh: MIKE CLARKE/AFP/Getty Images)

Trường đại học công lập lâu đời nhất ở Hồng Kông, Đại học Hồng Kông (HKU), đã ra lệnh dỡ bỏ một tượng đài đã tồn tại trong nhiều năm qua khỏi khuôn viên trường [để] tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 1989.

Tượng đài này được mệnh danh là “Đài tưởng niệm Người tử vì đạo của Đất nước” (Pillar of Shame) được tạo ra bởi nhà điêu khắc người Đan Mạch Jens Galschiøt, sừng sững hiên ngang trong khuôn viên của trường đại học này suốt hơn 20 năm.

Bức tượng đồng cao 26 feet (8 mét) khắc họa 50 gương mặt hứng chịu nỗi đau giằng xé và các cơ thể bị tra tấn xếp chồng lên như núi. Tượng đài này là tâm điểm của buổi tưởng niệm dưới ánh nến của Hồng Kông vào ngày 04/06 để tưởng nhớ những người bị sát hại khi quân đội của nhà cầm quyền Trung Quốc khai hỏa vào các sinh viên đại học và các công dân ủng hộ dân chủ, không có vũ khí ở Bắc Kinh.

Những nhành hoa được đặt trước Đài tưởng niệm Người tử vì đạo của Đất nước ở Hồng Kông hôm 04/06/2021. (Ảnh: Sung Pi-lung/The Epoch Times)

Người tổ chức lễ canh thức sự kiện Thiên An Môn quy mô lớn hàng năm của thành phố đã từng làm việc với ông Galschiøt, Liên minh Hỗ trợ các Phong trào Dân chủ Ái quốc của Trung Quốc, gần đây đã tan rã do ĐCSTQ gia tăng áp lực nhằm bịt miệng sự phản đối chính trị đối với sự cai trị của nhà cầm quyền này ở Hồng Kông và Trung Quốc.

Liên minh này là một tổ chức ủng hộ dân chủ từng được thành lập trong các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn. Một số thành viên của tổ chức này đã bị bắt theo cái gọi là luật an ninh quốc gia Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt. Vào thời điểm này, họ đang trải qua một quá trình giải thể.

Những người sắp rời khỏi liên minh đó đều nhận được một lá thư đề ngày 07/10 từ công ty luật Mayer Brown đại diện cho trường đại học này, yêu cầu liên minh này phải dỡ bỏ bức tượng trên khỏi khuôn viên trường đại học “không được muộn hơn 5 giờ chiều ngày 13/10/2021.”

Trường đại học này trích dẫn rằng quyết định của họ được đưa ra dựa trên lời khuyên pháp lý và đánh giá rủi ro từ chính công ty luật của họ, nhưng không đưa ra giải thích gì thêm, theo báo cáo của các hãng thông tấn.

Nếu liên minh đó không dỡ bỏ bức tượng trước thời hạn trên, thì bức tượng sẽ bị coi là vật phế liệu và “trường đại học sẽ giải quyết tác phẩm điêu khắc này vào đúng thời điểm đó và theo cách mà họ cho là phù hợp mà không cần thông báo gì thêm,” theo bức thư được đưa ra bởi Artnet News.

Ông Galschiøt coi hành động này là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận thông qua tác phẩm nghệ thuật của ông và đó chính là một nỗ lực nhằm xóa bỏ lịch sử.

Ông Galschiøt nói với Artnet News: “Họ thực sự muốn phá hủy mọi thứ về một câu chuyện mà Trung Quốc không muốn mọi người biết.”

Ngân hàng Thế giới: Nợ của các nước nghèo năm 2020 tăng 12% lên mức kỷ lục 860 tỷ đô la

Gia Huy

Trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai (11/10), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, năm 2020 gánh nặng nợ của các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới đã tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ đô la trong bối cảnh các quốc gia đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng các gói kích thích tài chính và tiền tệ quy mô lớn.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhận định, báo cáo cho thấy tình trạng tổn thương do nợ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang gia tăng một cách đáng kể. Ông kêu gọi thực hiện các bước khẩn cấp để giúp các quốc gia này đạt được mức nợ bền vững hơn.

Trong một thông báo đi kèm với báo cáo Thống kê Nợ Quốc tế mới năm 2022, ông Malpass nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề nợ, bao gồm giảm nợ, tái cơ cấu nợ nhanh hơn, và cải thiện tính minh bạc.”

Ông nói: “Mức nợ bền vững là rất quan trọng để phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo.”

Báo cáo của WB tiết lộ, năm 2020 các khoản nợ nước ngoài của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cộng lại đã tăng 5,3% lên mức 8,7 nghìn tỷ đô la, ảnh hưởng đến các quốc gia trong tất cả các khu vực.

Theo báo cáo, sự gia tăng nợ nước ngoài của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã cao hơn tổng thu nhập quốc gia (GNI) và tăng trưởng xuất khẩu. Không tính Trung Quốc, tỷ lệ nợ nước ngoài/GNI tăng 5% lên mức 42% vào năm 2020, trong khi đó tỷ lệ nợ nước ngoài/xuất khẩu đã tăng lên mức 154% vào năm 2020, từ mức 126% của năm 2019.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho hay, các nỗ lực tái cơ cấu nợ là cần thiết khẩn cấp do Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), vốn cho phép các nước có thu nhập thấp và trung bình hoãn thanh toán nợ, sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Năm ngoái, nhóm G20 và Câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ chính thức đã đưa ra một Khuôn khổ Chung để Xử lý Nợ nhằm tái cơ cấu tình trạng nợ không bền vững và các khoảng trống tài chính kéo dài ở những quốc gia đủ điều kiện hưởng DSSI, nhưng cho đến nay, mới chỉ có ba quốc gia, Ethiopia, Chad, và Zambia, áp dụng quy chế này.

Báo cáo của WB chỉ ra, dòng vốn ròng từ các chủ nợ đa phương dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã tăng lên 117 tỷ đô la vào năm 2020, mức cao nhất trong một thập kỷ.

Cũng theo báo cáo, khoản cho vay ròng đối với các quốc gia có thu nhập thấp đã tăng 25% lên 71 tỷ đô la, cũng là mức cao nhất trong một thập kỷ. Trong số đó, IMF và các chủ nợ đa phương khác cung cấp 42 tỷ đô la, còn các chủ nợ song phương cung cấp 10 tỷ đô la.

Bà Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cảnh báo, những thách thức mà các quốc gia đang mắc nợ nhiều phải đối mặt có thể trở nên tồi tệ hơn khi lãi suất tăng lên.

Bà lưu ý: “Các nhà hoạch định chính sách cần phải chuẩn bị cho khả năng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất khi tình trạng thị trường tài chính trở nên kém lành mạnh hơn, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.”

Ngân hàng Thế giới còn nhấn mạnh, tổ chức này đã mở rộng báo cáo năm 2022 để tăng cường tính minh bạch về các mức nợ toàn cầu bằng cách cung cấp dữ liệu chi tiết hơn và tách biệt hơn về nợ nước ngoài.

Dữ liệu của WB hiện bao gồm bảng phân tích khoản nợ nước ngoài của quốc gia đi vay bằng cách hiển thị số tiền nợ đối với từng chủ nợ chính thức và tư nhân, thành phần tiền tệ của khoản nợ này, và các điều khoản về khoản vay đã được gia hạn.

Đối với các quốc gia đủ điều kiện hưởng DSSI, dữ liệu cũng hiển thị khoản dịch vụ nợ được từng chủ nợ song phương cho phép tạm hoãn thanh toán và các khoản thanh toán nợ theo tháng dự kiến cho các chủ nợ này trong suốt năm 2021.

Doanh nghiệp năng lượng Mỹ-Canada cáo buộc Trung Quốc chiếm đoạt dự án lớn ở Sri Lanka

Tiến Minh

Nhà máy nhiệt điện Kerewalapitiya Yugadhanavi (Reuteurs)

Một doanh nghiệp Mỹ – Canada tuyên bố rằng những kẻ tham nhũng trong chính phủ Sri Lanka đã gian lận để giúp các bên liên kết với nhà nước Trung Quốc chiếm đoạt các sản phẩm và quyền phát triển hợp pháp của công ty cho một dự án năng lượng sạch tại cảng Hambantota.

Năm 2009, Sri Lanka đã mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài và mời các nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh tại cảng Hambantota. Sau đó, họ bắt đầu xây dựng nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên trong khuôn khổ dự án Lanka Aloka gần nhà máy nhiệt điện Kerewalapitiya Yugadhanavi, cách thủ đô Colombo khoảng 6 km.

Nhà phát triển Greenlink Global Consulting Inc. có trụ sở tại Canada đã tham gia cùng với các bên liên kết của mình trong các dự án chuyển hóa chất thải thành năng lượng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng, cũng như trong lĩnh vực du lịch cao cấp ở Sri Lanka và Maldives.

Công ty đã giới thiệu Sithe Global Power Inc, một công ty con thuộc sở hữu của Blackstone Group, để đáp ứng với dự án Lanka Aloka. Blackstone là một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất và là công ty cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới. Công ty đã cáo buộc dự án của Greenlink bị chiếm đoạt có chủ đích.

Greenlink đã cung cấp một khoản đầu tư do Hoa Kỳ hậu thuẫn trị giá 1,4 tỷ đô la được gọi là Dự án Năng lượng Hambantota (HEP). Nó đã đệ trình lên Cơ quan Cảng vụ Sri Lanka vào tháng 5 năm 2011 một đề xuất cho HEP về một hợp đồng thuê 25 năm trên 70 ha đất giáp với cảng.

HEP liên quan đến một thiết bị đầu cuối nhập khẩu và điều hòa lại khí tự nhiên hóa lỏng và một nhà máy điện chu trình để phân phối cho các hộ sử dụng cá nhân và công nghiệp dọc theo bờ biển. Nó có mục tiêu cung cấp 1.200 megawatt điện cho lưới điện quốc gia và đặc biệt phục vụ ngành du lịch dọc theo bờ biển Sri Lanka, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước.

“Sithe Global đã ký một biên bản ghi nhớ độc quyền với hội đồng đầu tư tại Sri Lanka cho dự án này. Đây là tổ chức Sri Lanka khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và điều này đã được khuyến nghị bởi các quan chức cấp cao hiện đang trong chính quyền hiện tại, những người nhận thức đầy đủ về dự án này”, Chủ tịch Greenlink là ông G. Michael Fernando nói và cho biết thêm rằng vào thời điểm đó, Thủ tướng đương nhiệm của Sri Lanka cũng là Tổng thống của đất nước kiêm Bộ trưởng Tài chính là người đứng đầu hội đồng đầu tư.

Fernando nói rằng chính phủ Sri Lanka trước đây cuối cùng họ đã đưa dự án cùng với các nghiên cứu mật về “tính khả thi” của Greenlink vào tháng 5 năm 2016 cho người Trung Quốc.

Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê 85% cổ phần của cảng vào tháng 7 năm 2017 trong 99 năm.

Greenlink đã đăng ký khiếu nại chính thức về việc trao dự án của họ cho các đơn vị Trung Quốc vào tháng 12 năm 2017 thông qua các luật sư của mình với Tổng thống Sri Lanka lúc bấy giờ là Maithripala Sirisena và với Bộ Năng lượng và Năng lượng tái tạo, nhưng không có hành động nào được thực hiện.

Trung Quốc và Đài Loan chưa bao giờ xa nhau đến vậy

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân hôm thứ Bảy, nhân kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi, nhắc lại rằng việc “thống nhất” Trung Quốc và Đài Loan « phải đạt được và sẽ đạt được ». Theo ông, những người ly khai là trở ngại chính cho việc đưa Đài Loan thống nhất với mẫu quốc và là một mối nguy nghiêm trọng cho “công cuộc đổi mới đất nước”.

Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Đài Loan, với tư cách là một thực thể chính trị, là “kết quả của sự yếu kém và hỗn loạn của đất nước Trung Quốc và chắc chắn sẽ được giải quyết khi công cuộc đổi mới đất nước trở thành hiện thực (…) Những ai quên tổ tiên, phản bội Tổ quốc, chia rẽ đất nước đều bị lên án. Họ sẽ vĩnh viễn bị nhân dân gạt bỏ và bị lịch sử phán xét”.

Thông tín viên Le Monde của Pháp tại Bắc Kinh cho biết phần này trong bài phát biểu đã được giới truyền thông Trung Quốc săn đón. Tuy nhiên, trước đó, nhân vật số 1 Trung Quốc đã cẩn thận nói rằng việc thống nhất « bằng các biện pháp hòa bình » sẽ có lợi cho toàn thể đất nước, kể cả cho “các đồng bào ở Đài Loan”. Từ “hòa bình” được ông Tập nhắc lại tới 3 lần như để thể hiện chủ ý muốn làm giảm căng thẳng sau khi quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan tới hơn 150 lần từ hôm Quốc Khánh Trung Quốc 01/10.

Ngày 10/10, Quốc Khánh Đài Loan, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đáp lại rõ ràng: “Đài Loan phải chống lại sự sáp nhập hoặc xâm phạm chủ quyền của mình (…) Tương lai Đài Loan phải được quyết định theo ý nguyện của người dân Đài Loan”.

Tái khẳng định mong muốn duy trì nguyên trạng – tổng thống Thái Ăn Văn cũng như các người tiền nhiệm đều không chính thức tuyên bố độc lập cho hòn đảo. Bà khẳng định Đài Loan đang ở trên “tuyến đầu”, “bảo vệ nền dân chủ”, “đối phó với sự bành trướng của chủ nghĩa độc tài”. Tổng thống Thái Anh Văn cũng vui mừng vì Đài Loan đã đạt được tầm quan trọng trên trường quốc tế và không còn là chủ đề bị gạt ra bên lề, cho dù là ở Washington, Tokyo, Canberra hay Liên Âu và bà nhận định Đài Bắc càng gặt hái được nhiều thành tựu thì sức ép từ Trung Quốc lại càng lớn.

Trên thực tế, Le Monde nhắc lại cho đến năm 2020, giữ nguyên trạng Đài Loan là có lợi cho Bắc Kinh. Nhờ trọng lượng kinh tế và ngoại giao, Bắc Kinh dần dần tiến tới gạt Đài Loan ra khỏi sân khấu quốc tế. Nhưng chính sách của chính quyền Mỹ thời Donald Trump và cách Đài Loan xử ký khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi “cuộc chơi”.

Hoa Kỳ chỉ công nhận một nước Trung Hoa, không cam kết bảo vệ Đài Loan mà chỉ cung cấp cho Đài Bắc phương tiện phòng vệ, nhưng Bắc Kinh coi là Washington không « giữ lời », « thay đổi chính sách », chẳng hạn về việc Mỹ có thể cho Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington đổi tên thành Văn phòng Đại diện Đài Loan.

Bà Shelley Rigger, giáo sư tại Davidson College, Đại học Bắc Carolina, không tin vào khả năng Trung Quốc can thiệp vào Đài Loan, vì Bắc Kinh sẽ có nhiều rủi ro về quân sự và phải trả giá đắt về ngoại giao.

Dân Đài không lo lắng, nhưng chính quyền Đài Bắc lo ngại

Điều đáng ngạc nhiên đối với thông tín viên Le Monde là công luận Đài Loan cũng ngả theo hướng này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân không mấy lo ngại về khả năng bị Trung Quốc tấn công. Bà Rigger phân tích là người dân Đài Loan không tự coi họ là ly khai, không có cảm giác là họ đe dọa công cuộc đổi mới của Trung Quốc và đối với họ Trung Quốc « sẽ mất nhiều hơn được » nếu xảy ra xung đột với Đài Loan.

Trái lại, giới lãnh đạo Đài Loan lại lo ngại hơn. Cả nội dung phát biểu cũng như giọng điệu của tổng thống Thái Anh Văn đều cho thấy điều đó. Quả thực, theo Le Monde, « đường lối cứng rắn » dường như đang dần chiếm thế thượng phong tại Bắc Kinh. Cách nay 2 năm, Victor Gao, từng là thông dịch viên tiếng Anh của cựu chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và hiện là phó chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, giải thích là Trung Quốc khó có khả năng tấn công Đài Loan, bởi vì « người Trung Quốc ở cả hai phía ».

Nhưng nay, phát biểu của ông Victor Gao đã thay đổi hoàn toàn. Đối với nhân vật này, « 10% trong tổng số 23 triệu dân Đài Loan là hậu duệ của người Nhật » (từng xâm chiếm hòn đảo đến năm 1945) và chính nhóm người này là « những kẻ ly khai » và khi Bắc Kinh « lấy lại hòn đảo », họ sẽ hỏi nguồn gốc người dân và « những ai là hậu duệ của người Nhật phải cam kết bằng văn bản là ủng hộ việc thống nhất », nếu không họ sẽ phải rời Đài Loan.

Phó chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cũng không tin là Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan, bởi « Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai cường quốc hạt nhân. Giữa hai quốc gia này, hòa bình là điều không thể tránh được ». Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu công bố hồi tháng 08/2021, kể năm 1982, khi khảo sát bắt đầu được thực hiện, lần đầu tiên đa số người Mỹ (52%) ủng hộ việc Washington điều quân đến bảo vệ Đài Loan khỏi Trung Quốc.

Related posts