“Tôi muốn thay đổi Việt Nam theo hướng làm sao để cho con người được tôn trọng hơn, con người đối xử với nhau với tình yêu, thương yêu nhau nhiều hơn, thương nhau hơn, yêu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Nhiều khi chỉ cần như thế thôi đã là dấu hiệu đầu tiên của phát triển rồi.”
–Phạm Đoan Trang
Tôi không quen biết cô. Chỉ đọc biết về cô qua các bài báo trên Mạng. Nhưng sáng sớm hôm nghe tin hai nhà báo, Maria Ressa của Phi Luật Tân và Dmitry Muratov của Nga, vừa được trao giải Nobel Hoà bình vì đã kiên trì xử dụng và do đấy đề cao quyền tự do ngôn luận ngay tại xứ sở bóp nghẹt quyền căn bản này của họ, tôi liên tưởng ngay tới cô.
“Nền báo chí tự do, độc lập và dựa vào dữ kiện nhằm phục vụ công cuộc chống lại sự nhũng lạm quyền lực, dối trá và tuyên truyền,” bà Berit Reiss-Endersen, chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Na Uy, giải thích lý do chọn hai nhà báo để trao giải Hoà bình. “Không có tự do ngôn luận và báo chí, ta sẽ bị khó khăn trong việc quảng bá tình hữu nghị giữa các quốc gia, cổ vũ việc giải giới và tạo dựng một trật tự thế giới tốt đẹp hơn trong thời đại này.”
Tôi không nhớ trong quá khứ có nhà báo nào đã được trao giải Nobel, trừ nữ ký giả Svetlana Alexievich, song giải thưởng bà được là về văn chương–cũng là lần đầu tiên một nhà báo được giải văn chương, cho thấy văn chương và báo chí không còn hố ngăn lớn như trong quá khứ khi nhà văn thường “nhìn xuống” nhà báo, cho họ chỉ là những kẻ đi thu lượm dữ kiện và thiếu óc sáng tạo.
Mới trưa hôm trước đọc bài của Quỳnh Vi về “tội” của Đoan Trang khiến cô bị chế độ Việt Cộng bắt bỏ tù với bản án 20 năm cách nay vừa đúng một năm. Đó là “tội” làm báo viết về chính trị và nhân quyền. Tôi quay quắt với ý nghĩ về Đoan Trang. Không ai có thể làm gì cho cá nhân của cô cả, dù có muốn. Vì chắc chắn cô sẽ trả lời là đừng làm gì cho cô, cũng đừng vận động xin trả tự do cho cô và can thiệp cho cô đi ra nước ngoài, vì đấy không phải là điều cô muốn—cô đã từng có cơ hội đi ra và ở lại nước ngoài, nếu muốn. Mà hãy làm cái gì cho Việt Nam, cô nói trong cuộc phỏng vấn ngắn song cô đọng trước ngày cô bị bắt.
Cũng đúng một ngày trước ngày tuyên dương giải Nobel Hòa bình về tay hai ký giả Ressa và Muratov, do một trùng hợp đầy ý nghĩa, ngày 7 tháng 10 cũng là ngày kỷ niệm một năm kể từ khi Đoan Trang bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam với bản án 20 năm tù, nặng hơn nhiều lần cả tội giết người ở Việt Nam, chỉ vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận, còn được gọi là Đệ tứ quyền, bên cạnh các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Đoan Trang sinh năm 1978 tại Hà Nội, con út trong một gia đình nhà giáo, lớn lên trong một khu xóm nghèo tại phía nam Hà Nội. Trong bối cảnh này, việc cô trở nên gần gũi với những người thấp cổ bé miệng cũng là lẽ tự nhiên.
“Khi tôi còn nhỏ và sống với cha mẹ trong một khu xóm nghèo ở phiá nam Hà Nội, tôi nhớ có nghe thấy những người đàn bà gào khóc, giọng khàn đặc vì sợ hãi và vô vọng, ‘Ối con ơi là con …’” cô viết trong blog cá nhân cô bắt đầu giữ từ 2006, bằng tiếng Anh để có dịp trau giồi Anh ngữ, tại phamdoantrang,com. Blog này ngưng sau tháng Bẩy 2018, có lẽ sau khi cô chuyển sang FaceBook để mau chóng và rộng rãi tiếp cận hơn với người đọc và bận rộn với những công trình viết lách khác.
“Tôi nhớ những gương mặt mệt mỏi của những người phải phấn đấu để sống còn, làm vô số nghề không tên gọi: đạp xe xích lô, sửa giầy, trạm chổ đũa, vv. Tôi nhớ có tự hỏi tại sao quanh tôi nhiều người chết khi còn trẻ; một bữa tôi hỏi người bạn, tại sao đời người ở đây rẻ rúng làm vậy, thì anh ta trả lời: ‘Đời của ai? Bạn nghĩ là đời bạn đáng giá gì ấy hả?’”
Năm cô 12 tuổi, cô kể trên trang blog cá nhân, cô nghe và “phải lòng” các bài hát của nhóm The Beattle từ cái máy cassette của nhà hàng xóm và cố ghi lại lời. Từ đó nảy sinh lòng yêu thích học tiếng Anh.
Năm 2001, cô tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chuyên về kinh tế thế giới. Chính trong thời gian tại đại học này, cô và các bạn làm quen với Internet. Cô kể trong blog về giai đoạn này: “Hồi ấy Internet còn rất phôi thai ở Việt Nam, và bọn sinh viên tụi tôi còn rụt rè và thận trọng khi lướt mạng… Chúng tôi không có sách vở, song đã bắt đầu nhận ra rằng thực tế đã không thực sự được mô tả trung thực trong sách vở mình đọc. […] Vì lẽ đó, sinh viên tụi tôi học bằng những bài kinh tế lấy trên Mạng, hoặc viết hay dịch bởi các nhà báo.”
Với trình độ học vấn và khả năng ngoại ngữ Anh và Tây Ban Nha của cô, Đoan Trang dư sức để xây dựng cho mình một đời sống hơn cả sung túc. Nhưng cô chọn đi về ngành báo chí. Trong chục năm đầu, cô cộng tác với các báo của chế độ, tường thuật về đủ mọi đề tài, kể cả những đề tài không thích hợp để đăng tải, cho các báo điện tử, đài truyền hình.
Cũng trong thời gian đầu thế kỷ, với ảnh hưởng của Internet, giới trẻ ở Việt Nam bắt đầu tìm thấy tiếng nói của mình. Họ đã cất lên phản đối việc Trung Cộng xâm chiếm biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam; phản đối việc nhà cầm quyền cho thuê đất, thuê rừng dài hạn, gây thiệt hại tới môi trường; phản đối việc Hà Nội chặt cây xanh. Cung cấp cho họ các tài liệu liên hệ là Phạm Đoan Trang và các thân hữu của cô. Họ là tác giả của những bài phân tích về liên hệ Trung-Việt, và nhiều tài liệu khác làm nền tảng cho các cuộc tranh đấu. Đoan Trang như tìm thấy sức mạnh nơi kiến thức và ngòi bút.
Vào năm 2009, một biến cố đã đưa cô tới một ngã rẽ sang hẳn một hướng khác của cuộc đời. Vào ngày 27 tháng Tám, 2009, cô và hai blogger khác, Người Buôn Gió (tên thật là Bùi Thanh Hiếu) và Mẹ Nấm (tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), bị công an bắt về tội xâm phạm an ninh quốc gia khi in áo t-shirts chống lại các mỏ khai thác bô-xít ở Cao nguyên. Họ được tha sau chín ngày bị giam. Trong thời gian này, Đoan Trang đang làm cho báo điện tử VietnamNet. Cô viết trên trang blog cá nhân là cô không dính dáng gì tới việc in t-shirt, không cả mặc cái áo đó một lúc nào, và cũng chẳng đuợc ai bàn thảo về việc đó. Dù vậy, VietnamNet vẫn cho cô nghỉ việc không một lời giải thích. Từ đó, cô cũng dần dời xa khỏi giới truyền thông lề phải.
Trước những đàn áp, bắt bớ, đánh đập và giam cầm người biểu tình chỉ để hành xử quyền tự do ngôn luận và hội họp nhằm bảo vệ đất đai của tiền nhân, Phạm Đoan Trang dần trở thành một nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền. Vào năm 2012, cô trở thành một trong những nhà báo đầu tiên tường trình về việc nhân quyền ở Việt Nam bị xâm phạm với thế giới bên ngoài. Năm sau, theo lời mời của cơ sở Villa Aurora, nơi dành cho giới nghệ sĩ cư trú và sáng tác, phối hợp cùng Đại học Nam California, Đoan Trang tới Hoa Kỳ. Cô theo học khoá 10 tháng về chính trị học trong thời gian này. Cùng với các thân hữu, cô bắt đầu công cuộc vận động cho nhân quyền cho Việt Nam với các tổ chức quốc tế, như Liên Hiệp Quốc, và đã đi vận động tại nhiều nơi tại Bắc Mỹ và Âu châu.
Cũng vào thời kỳ này, vào cuối năm 2014, cùng với hai luật sư trẻ, Trịnh Hữu Long và Trần Quỳnh Vi, Đoan Trang thành lập Tạp chí Luật Khoa, một dự án của tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (Legal Initiatives for Vietnam), để phổ biến những bài vở nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết về các vấn đề chính trị, pháp luật và xã hội dân sự.
Giới thiệu tạp chí điện tử này, Đoan trang viết trong blog cá nhân: “Tôi hiểu sự sợ hãi do chỗ không biết tí gì về luật pháp, không cả biết làm thế nào để bắt đầu thoát ra khỏi khu rừng vĩ đại um tùm đó. Tôi hiểu mọi sự có thể choáng ngợp như thế nào, và tôi biết (phần nào) việc dính dấp tới các sự việc liên hệ tới ‘các toà án’ với một tiếng nói quá yếu ớt, không biết phải làm gì và nên tin ai, khoan nói tới việc dùng luật pháp để bảo vệ chính mình…. Nói một cách tổng quát thì việc khám phá và nghiên cứu luật khoa là những bước khởi đầu trên đường xây dựng một thể chế pháp trị vậy.”
Vào ngày 26 tháng Giêng, 2015, mặc dù có vài tổ chức đề nghị để thu xếp cho cô ở lại Mỹ, nhưng Đoan Trang quyết định trở về Việt Nam. Từ đấy, cô vừa viết báo, in sách và tham gia các hoạt động cho nhân quyền, dân chủ và môi trường tại quê nhà. Tất nhiên cô, như nhiều nhà hoạt động cho nhân quyền tại Việt Nam, trở thành cái gai của chế độ và mục tiêu của những trò bẩn thỉu của công an, như bắt bớ, đánh đập, kể cả đổ keo vào khoá nhà cô để ngăn không cho cô đi tham dự vào các cuộc gặp gỡ với các phái đoàn ngoại quốc. Vào giữa năm 2016, khi vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Miền Trung do hãng chế tạo thép Formosa sả chất thải ra biển, trùng lúc Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam. Đoan Trang bị công an chặn giữ xe chở cô ở Ninh Bình suốt 26 tiếng đồng hồ không cho cô tới Hà Nội gặp TT Obama khi ông có buổi tiếp kiến với các nhà tranh đấu cho dân chủ.
Về biến cố cá chết hàng loạt vì chất thải Formosa, Đoan Trang phối hợp với các thân hữu sưu tập và xuất bản cuốn “Toàn cảnh Thảm hoạ Môi trường Biển” vào cuối năm 2016, hiện có bán trên Amazon.
Bị công an theo giõi, khống chế, xách nhiễu kiểu côn đồ, Đoan Trang hầu như không đi được tới đâu mà không bị công an giả côn đồ cản trở, gây rối, có khi hành hung vô cớ. Song ngồi ở nhà không có nghĩa là cô bó tay không làm gì cả. Cô viết sách. Những đầu sách của cô, hoặc viết riêng hoặc viết chung với nhiều tác giả, hiện bầy bán trên Amazon và các trang mạng khác.
Sau khi xuất bản cuốn “Chính Trị Bình Dân,” một tổng quan về các thể chế chính trị trên thế giới nhằm lấp đi phần nào khoảng trống kiến thức về khoa chính trị học vốn bị coi là nhậy cảm trong nước, vào cuối năm 2017, bị công an xách nhiễu, Đoan Trang phải vào Sài Gòn trốn tránh. Có dạo cô ẩn náu trong khu Vườn Lộc Hưng tới khi nơi này bị nhà cầm quyền chiếm đất phá bỏ. Trong ba năm, theo lời các thân hữu của cô, từ giữa năm 2017 tới khi bị bắt vào cuối tháng 10, 2020, cô đổi chỗ ở tới 60 lần.
Dù vậy, Đoan Trang vẫn tiếp tục hợp tác với các thân hữu trong và ngoài nước thực hiện những bản báo cáo nhằm hướng dẫn dư luận vốn bị bưng bít, như về các đặc khu kinh tế tại Việt Nam và hậu quả; về vụ chiếm đoạt đất đai Đồng Tâm. Đặc biệt là vào tháng Hai, 2019, các bạn và cô thiết lập Nhà Xuất bản Tự Do, một cơ sở xuất bản sách “độc lập, với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam,” theo lời giới thiệu trên trang mạng của nhà xuất bản. Có lẽ nhờ tài trợ của một số nhà hảo tâm và quan tâm nước ngoài, những ấn phẩm này được phát hành thông qua hình thức bán và kể cả cho tặng (ebook) miễn phí.
Người phụ nữ nhỏ bé và can trường (có một thời gian phải chống nạng vì bị công an côn đồ xách nhiễu đánh què chân) này, dù vậy, không khỏi có những lúc nghe lòng trùng xuống. “Một nhà báo và tác giả độc lập dưới chế độ độc tài toàn trị có nghĩa là bạn có thể bị bắt và thẩm vấn, thậm chí bị hành hung bất cứ lúc nào mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ, không thể đi lại trong nước,” Đoan Trang tâm sự.
“Bạn cũng có thể bị quản thúc tại gia hoặc gần như trở thành người vô gia cư. Bạn có thể không thể đi chơi, đi lại bình thường trên phố vì có thể ai đó đang theo dõi bạn hoặc tệ hơn là ai đó bạn không quen biết có thể bất ngờ tấn công bạn từ phía sau,” cô Đoan Trang tiếp. “Gia đình bạn bị theo dõi chặt chẽ, bạn bè và những người ủng hộ bạn cũng có thể bị cảnh sát quấy rối… Bạn phải sống trong nỗi ám ảnh thường trực rằng bạn là kẻ thù đáng bị trừng phạt của nhà nước… Chắc chắn bạn khó có thể chết, vì họ không có chủ ý giết bạn. Nhưng bạn không thể sống bình thường như những người khác hoặc như trước kia. Nỗi đau khổ, trầm cảm và suy sụp tinh thần chồng chất sẽ tàn phá và giết chết bạn dần dần.”
Dù vậy, Đoan Trang thường tìm an ủi nơi âm nhạc. Hình ảnh cô với cây đàn guitar nổi bật trong kho hình trên trang FaceBook của cô (vẫn được nuôi dưỡng bởi người thân mặc dù cô đang ở tù và bị cấm tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả thân nhân).
“Nếu tôi không có cây đàn guitar bên cạnh, có lẽ tôi đã phát khùng,” Đoan Trang nói.
Hình bên trên, từ trái qua Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long. Vào tháng 6/2018, trong lúc những cuộc biểu tình chống hai dự thảo của Luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh mạng nổ ra, Đoan Trang cùng luật gia Trịnh Hữu Long và nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã bắt tay vào viết cuốn sách “Học chính sách công qua chuyện đặc khu.” Giữa tháng 12/2018, cuốn sách này được Luật Khoa Tạp chí xuất bản. (Ảnh: Luật Khoa Tạp chí). Hình bên phải, Đoan Trang và nghệ sĩ Saxophone Đặng Vũ Lượng tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3/2017. Âm nhạc đã giúp nâng đỡ tinh thần cho Đoan Trang trong những ngày trốn tránh đàn áp xách nhiễu của công an. (Ảnh Pham Doan Trang/FB).
Nhưng cái quan trọng hơn cả đối với Đoan Trang là có người đọc những gì cô viết, với mục đích là chuyển tải kiến thức và hy vọng trong công cuộc xây dựng một tương lại tốt đẹp hơn cho Việt Nam.
Ngày 12 tháng Chín, 2019, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã quyết định trao giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 cho Đoan Trang.
Trả lời BBC Tiếng Việt, Đoan Trang đã nói về mong muốn của mình sau khi nhận giải thưởng này: “Tôi mong là trong tương lai gần, ở Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều người mạnh dạn lên tiếng, nói lên quan điểm, chính kiến của mình trong các vấn đề chính trị xã hội.”
“Đặc biệt,” cô tiếp, “tôi rất mong đợi sẽ có sự xuất hiện của thêm nhiều cây viết, nhiều nhà báo tự do, nhà báo độc lập, các blogger có nghề viết chuyên nghiệp, kể cả các nhà báo ‘lề phải’, tham gia vào công cuộc vận động dân chủ hóa xã hội thông qua con đường truyền thông.”
Đầu tháng Sáu, 2020, liên minh lớn nhất thế giới của các nhà xuất bản (International Publishers Association) đã trao giải thưởng Prix Voltaire 2020 cho NXB Tự Do. Đây là giải thưởng vinh danh tinh thần tự do xuất bản của IPA dành cho các tổ chức xuất bản trên thế giới. Trong quá khứ, vào năm 2011, nhà thơ Bùi Chát và nhà xuất bản Giấy Vụn do anh và một nhóm trẻ chủ trương tại Việt Nam cũng đã được IPA trao giải này, nhằm vinh danh lòng can đảm và kiên trì đã liên tục, trong gần một thập niên trước đó, xuất bản các sách bị cấm mặc dù điều kiện sinh hoạt khó khăn và môi trường kiểm duyệt khắt khe của chính phủ Việt Nam Cộng sản.
Theo tạp chí Luật Khoa, mà Đoan Trang là một thành viên trong ban biên tập, thì nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt giữ vào ngày 6 rạng sáng ngày 7 tháng 10, 2020.
“Tin tức nhanh chóng được truyền đi. Tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những người trong giới hoạt động trong lẫn ngoài nước đều đau buồn, nhưng không ai ngạc nhiên,” Luật Khoa viết.
Biết trước sẽ có ngày này, nên Đoan Trang cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.
“Tài khoản Facebook cá nhân của cô gần như ngay lập tức được chuyển giao cho người thân quản lý,” Luật Khoa tường thuật. “Thông điệp của Đoan Trang chuẩn bị từ hơn một năm trước trong các lá thư, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, được truyền đi rộng rãi. Nó xuất hiện trên những tờ báo lớn của nước ngoài. Video phỏng vấn cô cũng được công bố ngay sau đó.”
Trong video phỏng vấn cô thực hiện bởi Project 88, một tổ chức gồm nhiều thành viên nước ngoài thành lập với mục đích vận động cho tù nhân lương tâm tại Việt Nam, Đoan Trang tâm sự, người viết xin mạn phép ghi lại toàn bộ bản chép lại bên dưới.
“Điều mong muốn lớn nhất của tôi là nâng con người lên.
“Tôi hay nói đùa với chính mình, tôi là người dành cả tuổi thanh xuân để nâng người khác lên.
“Nâng người khác lên được hiểu là gì? Trang bị kiến thức cho họ, trang bị kỹ năng cho họ, trao đổi thông tin với họ, tôn trọng họ, nâng họ lên để họ cảm thấy họ được tôn trọng, cảm thấy họ là con người, họ quý giá, họ xứng đáng sống một cuộc sống tốt đẹp.
“Tôi muốn thay đổi Việt Nam theo hướng làm sao để cho con người được tôn trọng hơn, con người đối xử với nhau với tình yêu, thương yêu nhau nhiều hơn, thương nhau hơn, yêu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Nhiều khi chỉ cần như thế thôi đã là dấu hiệu đầu tiên của phát triển rồi.
“Muốn phát triển đất nước nói chung, chúng ta phải phát triển nhiều thứ chứ không chỉ riêng kinh tế. Mà ngay cả muốn phát triển kinh tế, chúng ta cũng đừng quên là phải phát triển một thứ quan trọng, đó là niềm tin của nhau. Đúng không ạ? Khi không có niềm tin thì người ta khó làm việc với nhau lắm. Khi không có niềm tin thì người ta khó làm ăn, khó hợp tác.
“Dân không tin nhà nước, nhà nước không tin dân, dân không tin nhau. Chúng ta khó làm ăn lớn với nhau, không làm được gì.
“Và như vậy chúng ta buộc lòng phải làm truyền thông; phát triển truyền thông, giáo dục, xuất bản.
“Cho nên những điều tôi làm thì có rất nhiều những điều tỉ mỉ, tỉ mỉ, những điều không thể nói ra được, vì nó rất là nhỏ. Nhưng mà tựu chung lại tất cả nó chỉ có một sợi chỉ xuyên suốt là: Tôi luôn luôn mong muốn nâng người ta lên, nâng người đọc lên, mang lại kiến thức cho người ta, cho người đọc, mang lại cho họ hiểu biết, cho họ hiểu được rằng: tinh thần như thế này mới là sống dân chủ, thế này là văn hóa dân chủ, thế này là tinh thần cao thượng, đàng hoàng, trách nhiệm.
“Tất cả những điều này tôi nghĩ tôi có thể truyền tải, truyền đạt được cho người đọc thông qua sách, báo, nhất là sách. Sách dưới mọi hình thức, sách nói, sách truyền hình, sách tiếng, sách in.
“Từ lâu tôi đã để ý một đặc điểm của phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam: Đó là các nhà hoạt động cứ tham gia hoạt động một thời gian rồi bị bắt đi tù. Sau đó cộng đồng dư luận trong nước cũng như dư luận hải ngoại lên tiếng kêu gọi trả tự do cho người đó, Free X, Free Y, Free X, v.v. Một thời gian thì họ được trả tự do, họ đi nước ngoài, thế là hết. Khép lại vòng đời của một nhà hoạt động.
“Tôi thấy cái việc đi hoạt động, hoạt động mạnh mẽ, dấn thân, sau đấy khi đi tù, ngồi tù một thời gian rồi đi nước ngoài, rồi chấm dứt, tôi thấy nó, nó có gì đó phí phạm, cảm thấy vòng đời hoạt động của một nhà hoạt động ngắn quá, không đủ để, mặc dù nó có ý nghĩa nhưng không đủ để tạo ra một sự thay đổi nào cả.
“Và càng ngày tôi càng nhận ra một điều, thực tế khá là cay đắng trong cái việc đó. Tôi nhận ra một điều là chính quyền cộng sản Việt Nam lợi dụng chuyện đó. Thay vì tiến hành những cải cách lớn, cải cách pháp lý, cải cách mang tính toàn diện và cách mạng như là cải cách thể chế, sửa đổi pháp lý, thay đổi luật này, sửa đổi luật kia, tăng cường quyền tự do của người dân, v.v. Thay vì làm những điều đó thì họ chỉ đơn giản là bắt rồi thả mọi người, bắt một cá nhân nào đấy rồi thả. Thế là được tiếng tôn trọng nhân quyền, tôn trọng các cam kết quốc tế.
“Nghĩa là bằng cái việc bắt rồi thả người một cách có tính toán như vậy, họ nghiễm nhiên lờ tịt đi những cải cách lớn, những vấn đề thật sự là sinh tử và mấu chốt cho sự sống còn và phát triển của đất nước. Chính quyền đang lợi dụng điều đó, bắt thì không bị làm sao cả, thả thì được tiếng là tôn trọng nhân quyền và tôn trọng các cam kết quốc tế. Và lại cũng lờ được những đòi hỏi cải cách kia.
“Vậy có lợi như vậy thì tại sao không bắt? Tại sao không tiếp tục cái việc là cứ bắt rồi người ta kêu gọi thả thì lại thả, đổi lấy một số cái điều ước quốc tế, một số hiệp định thương mại, một số thỏa thuận, một số hợp đồng bán vũ khí nào đấy với nước ngoài, tất cả những cái đó.
“Còn với bản thân nhà hoạt động thì đương nhiên sau một thời gian hoạt động dấn thân, rồi đi tù, trả giá bằng những bản án tù nhiều năm, chịu những khổ đau trong tù thì họ xứng đáng được nghỉ ngơi, họ cũng xứng đáng được ra nước ngoài. Mặc dù điều đó theo tôi nghĩ là chấm dứt cuộc đời hoạt động của họ. Tôi nghĩ rằng về phía những nhà hoạt động không có gì đáng trách, họ xứng đáng những điều đó.
“Rồi cuối cùng chỉ còn lại mỗi người dân Việt Nam là thiệt, đất nước Việt Nam là thiệt, bởi vì là bao nhiêu năm qua cuộc đấu tranh vẫn vậy, tình hình vẫn vậy. Không thay đổi gì hết.
“Vậy cho nên tôi rất rất mong việc đi tù của mình hay bất kỳ nhà hoạt động nào khác phải mang lại ý nghĩa nào đó. Nó phải có tác dụng thật sự là một sức ép ngược lại đối với chính quyền, để buộc chính quyền thay đổi, để buộc nhà nước cộng sản này phải thay đổi. Chứ nó không thể là cái để nhà nước cộng sản này lợi dụng.
“Chúng tôi không phải là hàng hóa để nhà nước cộng sản đem mặc cả với nước ngoài để đổi lấy các hiệp định thương mại hay là các thỏa thuận này nọ, đổi lấy những lợi ích cho tập đoàn cầm quyền chứ không phải của người dân. Chúng tôi không chấp nhận cái địa vị hàng hóa đó.
“Tôi muốn nếu mình đi tù thì cái sự đi tù của mình phải là sự hy sinh có ý nghĩa. Nó phải nhằm mục đích nào đấy và nó phải đạt được mục đích đấy. Mục đích đó có thể là gây sức ép để buộc nhà nước, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi.
“Tôi mong muốn là nếu tôi có đi tù, tất cả những hoạt động bên ngoài, những hoạt động từ trước giờ tôi vẫn làm phải tiếp tục bình thường, thậm chí mạnh hơn.
“Tôi rất không tán thành việc trong một một nhóm, một tổ chức có cá nhân đi tù, lập tức cả tổ chức kêu gọi nhau: ‘nằm yên! nằm yên! nằm yên để lắng xuống.’ Trong khi đó lẽ ra việc cần làm là làm mạnh hơn.
“Không có điều gì dở hơn bằng một tổ chức mà người lãnh đạo bị bắt mà tổ chức tan nát như ong vỡ tổ. Bởi vì khi điều đó diễn ra thì công an cộng sản thấy rằng họ làm đúng, họ làm việc quá hiệu quả, bắt một người mà trị được muôn người thì tại sao không bắt? Bắt được một người mà rắn dập cả đầu, tiêu diệt cả ổ thì tại sao không bắt? Nói chung là bắt nữa chứ không có chuyện nó dừng lại.
“Cho nên tôi nghĩ rằng là phải cố gắng hết sức để mình tổ chức, chuẩn bị các công việc, chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị kỹ năng cho anh chị em mình. Để đến khi mình có bị bắt thì các anh chị em tiếp tục hoạt động thay mình.
“Nếu anh chị em không tiếp tục được thì đó là lỗi của mình. Lỗi của mình là không chuẩn bị được, đã không giúp cho anh em mạnh lên, đủ mạnh để tự đứng được sau khi mình bị bắt.
“Không thể nói là do bị đàn áp quá. Bao giờ mà chả bị đàn áp? Còn chính quyền cộng sản là còn đàn áp người đối lập, không bao giờ hết.”
[TD2021-10]