Eva Fu
Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra an ninh mạng đối với hãng gọi xe khổng lồ Trung Quốc Didi Chuxing để giải quyết những rủi ro an ninh quốc gia phát sinh từ việc niêm yết công khai của công ty này tại Hoa Kỳ, theo các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Việc Trung Quốc điều tra Didi bắt đầu chỉ hai ngày sau khi cổ phiếu của công ty bắt đầu giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York hồi tháng Bảy, huy động được 4.4 tỷ USD trong một trong những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất tại Hoa Kỳ trong thập kỷ qua.
Nhà chức trách internet đứng đầu của nước này, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, vào thời điểm đó đã viện dẫn việc “ngăn ngừa rủi ro an ninh dữ liệu quốc gia, bảo vệ an toàn quốc gia và bảo đảm lợi ích công” làm lý do cho việc rà soát này.
Báo cáo ngày 10/10 từ hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã là tuyên bố chính thức đầu tiên kể từ tháng Bảy bộc lộ manh mối về suy nghĩ của Bắc Kinh đằng sau cuộc đàn áp này.
Ngay sau khi rà soát công ty Didi hồi tháng Bảy, các nhà chức trách cũng đã mở các cuộc điều tra tương tự đối với ba công ty Trung Quốc khác được niêm yết tại Hoa Kỳ, bao gồm ứng dụng tuyển dụng nhân sự Boss Zhipin và hai nền tảng dịch vụ xe tải là Yunmanman và Huochebang.
Báo cáo này của Tân Hoa Xã nêu rõ: Cuộc rà soát an ninh mạng nhắm vào bốn công ty này đã “có hiệu quả trong việc ngăn chặn các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến hoạt động mua sắm, giao dịch dữ liệu, và niêm yết tại hải ngoại.”
Vào tháng Bảy, các nhà chức trách đã ra lệnh cho Didi ngừng việc đăng ký người dùng mới trong khi chờ điều tra, và yêu cầu các cửa hàng ứng dụng rút ứng dụng của Didi. Bảy nhà chức trách, trong đó gồm cả các cơ quan giám sát an ninh nhà nước, cảnh sát, thuế và vận tải, đã đến văn phòng của Didi vào giữa tháng Bảy để tiến hành điều tra tại chỗ.
Cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc đã yêu cầu Didi trì hoãn hoạt động IPO và thực hiện quá trình tự kiểm tra kỹ lưỡng hàng tuần trước khi công ty bước ra với công chúng, nhưng Didi vẫn thúc đẩy bất chấp [những điều này], tờ Wall Street Journal đưa tin hồi tháng Bảy.
Vào tháng Tám, Trung Quốc đã thông qua luật bảo vệ dữ liệu, đưa ra một số biện pháp nghiêm ngặt nhất trên thế giới về việc các khu vực tư nhân giải quyết dữ liệu cá nhân như thế nào.
Luật này hạn chế xuất cảng dữ liệu người dùng Trung Quốc ra bên ngoài biên giới đất nước và cấm chuyển giao dữ liệu cá nhân cho các cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật ngoại quốc.
Bài báo của Tân Hoa Xã ca ngợi sự tiến bộ của Bắc Kinh trong việc thắt chặt kiểm soát internet, lưu ý rằng các nhà chức trách đã bắt giữ hơn 16,000 người vì các tội liên quan đến mạng máy tính trong cái mà nhà cầm quyền này gọi là chiến dịch “dọn dẹp internet”. Trong số đó, có 6,700 người đang chịu “các biện pháp bắt buộc hình sự,” thường liên quan đến việc bị giam giữ hoặc chịu sự giám sát tại khu dân cư.
Cũng theo báo cáo trên, kể từ năm 2019, Bắc Kinh đã công khai khiển trách khoảng 1,000 ứng dụng vì thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Thiện Lan biên dịch