Jennifer Bateman
Hôm 07/10, một bài báo của tờ Nhân dân Nhật báo thuộc sở hữu nhà nước đã định nghĩa các loại hạt giống cây trồng mới, được cấp quyền sở hữu, dựa trên các nguồn tài nguyên mầm, như một “quân cờ” trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên đó.
Tác giả bài báo, ông Lưu Húc (Liu Xu), một thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là cựu phó hiệu trưởng Học viện Khoa học Nông nghiệp, đã định nghĩa “tài nguyên mầm” là vật mang thông tin sinh học có giá trị có thể khai thác, liên quan đến các cá thể và quần thể sống, và thậm chí là DNA và gene.
Bài báo trích dẫn một tài liệu hồi tháng Hai của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết, “hạt giống là nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp” và “đấu tranh để chuyển đổi ngành công nghiệp hạt giống,” cho thấy dấu hiệu chấm dứt hạn chế lâu dài về quyền sở hữu trí tuệ trong ngành hạt giống cây trồng.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhân viên truyền thông cao cấp chuyên tập trung vào các vấn đề kinh tế và chính trị của Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, cho biết đây là lần đầu tiên chính quyền ĐCSTQ chọn riêng ra vấn đề ngành công nghiệp hạt giống trong một “văn kiện cốt lõi của Đảng.”
Nhân giống sinh học của Trung Quốc tụt hậu so với phương Tây
Ông Lưu Húc cũng thừa nhận rằng quá trình tạo ra mầm mới thông qua cải tiến độc lập và sau đó để có được quyền sở hữu trí tuệ phải mất từ 15 đến 30 năm và đòi hỏi nhiều nguồn lực tài chính, năng lượng và thời gian.
Theo các hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, cuộc điều tra lớn nhất và quy mô nhất của Trung Quốc về tài nguyên mầm nông nghiệp bắt đầu vào năm 2021 và sẽ tiếp tục đến năm 2023. Sau khi ĐCSTQ hoàn thành cơ sở dữ liệu cấp nhà nước, khả năng dự trữ tài nguyên giống của họ sẽ tăng từ 400,000 lên 1.5 triệu bản sao.
Tuy nhiên, 10 đơn xin cấp bằng sáng chế hàng đầu ở Trung Quốc về nhân giống sinh học là từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu, không giống như các gã khổng lồ về hạt giống quốc tế DuPont và Monsanto – có thể hiện thực hóa các bằng sáng chế của họ thành các công nghệ thực tế và ứng dụng thương mại.
Ông Thạch Sơn cho biết các cơ quan nghiên cứu hạt giống và công ty hạt giống của Trung Quốc là những doanh nghiệp nhà nước vốn tạo ra ít lợi nhuận, thực ra “ĐCSTQ đã đầu tư rất ít vào nghiên cứu và phát triển hạt giống.”
Ông Tĩnh Phi (Jing Fei), một giáo sư tại Học viện Quản lý của Đại học Bột Hải, nói với hãng thông tấn Trung Quốc First Financial rằng liên minh giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp ở Trung Quốc là tương đối lỏng lẻo và kém chất lượng.
Ông Tĩnh nói khoảng cách của ngành công nghiệp hạt giống giữa các quốc gia phụ thuộc vào việc liệu quốc gia đó có thể có được bằng sáng chế gene với quyền sở hữu trí tuệ độc lập hay không, “nhưng hiện tại, Trung Quốc vẫn đang sử dụng bằng sáng chế nước ngoài hoặc chờ thế hệ bằng sáng chế đầu tiên hết hạn; trong khi đó, các doanh nghiệp đa quốc gia phương Tây đã phát triển nhiều gene có lợi nhuận thương mại hơn.”
Ông Vạn Kiến Dân (Wan Jianmin), phó hiệu trưởng Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cũng thừa nhận rằng ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Âu Châu, ngành công nghiệp hạt giống đã bước vào kỷ nguyên chăn nuôi “công nghệ sinh học + trí tuệ nhân tạo + công nghệ thông tin dữ liệu lớn,” trong khi Trung Quốc vẫn đang trong thời đại của lai giống và nhân giống hỗ trợ bằng công nghệ phân tử.
Các đại công ty công nghệ nông nghiệp do Trung Quốc tài trợ
Để ngăn chặn việc các công ty hạt giống của Trung Quốc bị tác động bởi các công ty đa quốc gia đặt chân tại Trung Quốc và do đó chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, ĐCSTQ đã đưa ra một loạt các biện pháp hạn chế. Hơn nữa, như ông Tĩnh đã nói, cách hiệu quả nhất để ĐCSTQ ngăn chặn ảnh hưởng của các công ty ngoại quốc là tăng tốc độ hội nhập của các công ty hạt giống có vốn Trung Quốc.
Ông Tĩnh đề nghị ĐCSTQ tích hợp ngành công nghiệp hạt giống theo định hướng thị trường với cốt lõi là Tập đoàn Syngenta, và cuối cùng khai triển một “hàng không mẫu hạm mầm” và nắm chặt an ninh hạt giống trong tay các doanh nghiệp hạt giống có vốn Trung Quốc.
Nikkei Asia đưa tin rằng Syngenta, một đại tập đoàn công nghệ nông nghiệp của Thụy Sĩ đã được công ty quốc doanh ChemChina mua lại hồi tháng 06/2017 với giá 43 tỷ USD “trong vụ tiếp quản công ty ở hải ngoại lớn nhất của Trung Quốc.”
Trong khoảng thời gian hai năm bắt đầu từ tháng 11/2017, Syngenta – trực thuộc ChemChina – đã mua lại công ty Nidera của COFCO, công ty công nghệ nông nghiệp Strider của Brazil, nhà tạo giống hoa và rau có trụ sở tại Anh Quốc Floranova, và công ty công nghệ nông nghiệp The Cropio Group.
Theo NS Agriculture, hồi tháng 01/2020, ChemChina đã tái tổ chức cùng với một công ty quốc doanh khác là Tập đoàn Sinochem. Năm tháng sau (là vào tháng Sáu) công ty này tiếp tục mở rộng Tập đoàn Syngenta bằng cách kết hợp Syngenta với công ty có trụ sở tại Israel Adama.
Sau quá trình tái cơ cấu và hội nhập này, Tập đoàn Syngenta đã tiếp quản hoàn toàn Syngenta – nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật số 1 và nhà cung cấp hạt giống số 3 của thế giới – và các hoạt động kinh doanh của công ty sáp nhập này trải dài hơn 100 quốc gia và các khu vực trên toàn thế giới.
Hôm 22/09, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Tập đoàn Syngenta tái cơ cấu sẽ sớm được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, với mức kêu gọi vốn được đề nghị là 10.1 tỷ USD, một kỷ lục mới cho ngành khoa học công nghệ và là đợt Phát hành Lần đầu tiên ra Công chúng (IPO) lớn nhất dành cho cổ phiếu loại A ở Trung Quốc trong vòng 10 năm qua.
Trung Quốc vẫn là một quốc gia nhập cảng hạt giống lớn
Một báo cáo hôm 14/09 của hãng thông tấn ủng hộ ĐCSTQ có trụ sở tại Bắc Kinh Tin tức Đa Chiều (Dwnews) cho biết, Trung Quốc đang nhập cảng hầu hết tất cả các loại hạt giống cây trồng ở các mức độ khác nhau, ngoại trừ gạo và lúa mì.
Các loại hạt giống nhập cảng mà Trung Quốc nhập nhiều nhất là cỏ cho gia súc (Ryegrass) và rau. 95% cỏ Ryegrass, một loại thức ăn ưa thích cho các vật nuôi như gia súc và cừu, phụ thuộc vào nhập cảng. Tổng cộng 13% hạt giống rau được nhập cảng, bao gồm một số loại rau phổ biến như tỏi tây, bắp cải, dưa chuột, ớt, củ cải, v.v.
Đối với một số loại rau, hầu hết các loại hạt đều được nhập cảng: 95% hạt giống bông cải xanh được nhập cảng; 80% với súp lơ; và 90% hạt giống cà rốt, cải bó xôi, và hành tây được nhập cảng.
Theo báo cáo này, hạt giống của khoai tây, ngô, táo, cam quýt, nho và các loại cây ăn quả khác cũng phụ thuộc vào nhập cảng.
Hồi đầu năm 2021, cơ quan thuế của Trung Quốc đã bỏ đánh thuế nhập cảng hạt giống nằm trong kế hoạch 5 năm cuối cùng (2016-2020), cho biết việc điều chỉnh thuế quan là để phục vụ ngành nông lâm nghiệp.
An ninh hạt giống được nâng tầm thành an ninh quốc gia
Hồi tháng 05/2021, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nói trong chuyến thăm tỉnh Hà Nam của mình rằng để bảo đảm an ninh lương thực, điều cần thiết là phải nắm chắc hạt giống trong tay.
Hôm 09/07, ông Tập đã nhấn mạnh một lần nữa tại một cuộc họp các cán bộ cộng sản rằng an ninh lương thực của Trung Quốc phải được bảo đảm bằng hạt giống do nhà nước sản xuất, và việc này do đó đòi hỏi nâng cao an ninh hạt giống lên ngang tầm an ninh quốc gia.
Một hãng thông tấn tài chính chính thức cho biết, cuộc họp này đã thông qua một kế hoạch hành động về việc xây dựng một cơ sở tài nguyên mầm nhằm kiểm soát hạt giống.
Tại cuộc họp ngày 29/09 của ủy ban chính trị ĐCSTQ, ông Tập một lần nữa nhấn mạnh việc thúc đẩy ứng dụng công nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi sinh học.
Các hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ đưa tin rằng bộ tài chính trung ương của Trung Quốc sẽ phân bổ khoảng 310 triệu USD cho các cơ sở sản xuất hạt giống.
Ông Thạch Sơn cho biết các nhà chức trách của ĐCSTQ quan tâm đến vấn đề hạt giống kể từ mùa gieo hạt cho đến nay, khi vụ thu hoạch ngũ cốc chính gần như hoàn tất, “điều này có thể tiết lộ rằng các thành quả [về an ninh hạt giống] không đạt được kỳ vọng của [ĐCSTQ].”
Rõ ràng, “ngành chăn nuôi sinh học của Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến của ĐCSTQ để vượt qua các quốc gia phương Tây, vì công nghệ của các quốc gia này đã được tích lũy và phát triển trong nhiều thập kỷ,” ông Thạch nói.
Bà Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về tin tức tại Trung Quốc.
Tịnh Nhi biên dịch