Tin thế giới chiều thứ Sáu

Nhân viên kỹ thuật Trung Quốc tiết lộ giờ làm việc giữa sự chỉ trích văn hóa ‘996’

Cẩm An biên dịch

Cô Dương Quyên (Yang Juan), một nhân viên tại Tập đoàn Goopal, chợp mắt tại ghế sau bữa trưa, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 21/04/2016. (Ảnh: Jason Lee/Reuters) Trung Quốc

THƯỢNG HẢI – Một chiến dịch kêu gọi người lao động tại các công ty công nghệ Trung Quốc và các công ty nổi tiếng khác ghi lại giờ làm việc của họ trên một trang mạng công cộng đã lan truyền nhanh chóng, trong đợt phản ứng dữ dội mới nhất đối với văn hóa làm quá giờ.

Được tổ chức bởi bốn người tạo lập ẩn danh tự mô tả bản thân là sinh viên mới tốt nghiệp, chiến dịch “Mạng sống Người lao động Quan trọng” kêu gọi nhân viên tại các công ty công nghệ nhập tên công ty, chức vụ, và giờ làm việc của họ vào một bảng tính được đăng trên GitHub.

Tính đến sáng thứ Năm (14/10), hơn 4,000 người cho biết họ làm việc tại các đại công ty công nghệ như Alibaba Group Holding Ltd., Baidu Inc., Tencent Holdings Ltd., và ByteDance đã đăng ký dữ liệu của họ.

Từ đó, các nhân viên này cũng đã tạo ra các bảng tính riêng cho các lĩnh vực cụ thể như bất động sản, tài chính, và các công ty ngoại quốc.

Phần lớn các mục nhập trên bảng tính cho thấy mặc dù một tuần năm ngày làm việc là tiêu chuẩn, nhưng nhiều nhân viên làm việc từ 10 đến 12 giờ một ngày.

Một trong những người tạo lập cho biết trong một bài đăng rằng họ hy vọng danh sách này sẽ là một công cụ tham khảo hiệu quả cho người lao động khi lựa chọn công việc.

Trong một bài đăng khác, nhóm này lập luận rằng quy trình “966” tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối sáu ngày một tuần là phổ biến và giờ làm việc tại các công ty internet thường không rõ ràng.

“Chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp vào việc tẩy chay ‘996’ và phổ biến ‘955’, một trong những người tạo lập cho biết trong một bài đăng được xem 6 triệu lần trên trang web hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc. “955” có nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều năm ngày một tuần.

Alibaba, Tencent, Baidu, và ByteDance đã không phúc đáp ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Thời gian làm việc dài là một chủ đề nóng đối với những người lao động kỹ thuật của Trung Quốc và những người khác thuộc tầng lớp thanh niên, cổ cồn trắng.

Vấn đề này lần đầu tiên nhận được sự chú ý vào năm 2019, khi các nhân viên kỹ thuật ra mắt một chiến dịch trực tuyến tương tự phản đối “996.”

Trong những tháng gần đây, sự chỉ trích về giờ làm việc kéo dài đã trở nên mạnh mẽ do chính phủ đàn áp các công ty công nghệ từng gây chú ý về cách đối xử của họ với người lao động.

Năm nay, các công ty bao gồm chủ sở hữu ByteDance của TikTok, nền tảng video ngắn Kuaishou, và hãng giao đồ ăn lớn Meituan đã cắt giảm thời gian làm việc ngoài giờ bắt buộc vào cuối tuần. Hồi tháng Tám, tòa án cấp cao nhất của Trung Quốc đã mô tả “996” là bất hợp pháp.

Người mua bất động sản ở Trung Quốc biểu tình vì ngân hàng biển thủ tiền

Nhân viên an ninh đứng trước Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 06/08/2018, sau khi cảnh sát Trung Quốc mạnh mẽ dập tắt một cuộc biểu tình đã lên kế hoạch chống lại những tổn thất do các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) gây ra. (Ảnh: GREG BAKER/AFP)

Một ngân hàng Trung Quốc đã biển thủ các quỹ giám sát thuộc về những người mua một dự án bất động sản ở Trung Quốc. Hàng trăm người mua đã tổ chức một cuộc biểu tình hôm 07/10.

Ngân hàng bị cáo buộc biển thủ tiền là chi nhánh Ninh Ba của Ngân hàng Bình An có trụ sở tại Trung Quốc.

Chính phủ địa phương đã được yêu cầu giải quyết vấn đề của dự án bất động sản chưa hoàn thành này, có tên là Lam Quang Ung Cảnh Loan (Languang Yongjingwan), nằm ở Tân Khu Vịnh Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc.

Tiền đã mất

Theo “Các biện pháp Quản lý Tiền thu từ Bán trước Hàng hoá là Nhà cửa Mới xây” của Trung Cộng, việc thành lập quỹ giám sát là để ngăn chặn các nhà phát triển bất động sản bỏ trốn với số tiền của người mua bất động sản.

Sau khi người mua bất động sản ký hợp đồng mua bán với các công ty bất động sản, khoản thanh toán cho việc mua bất động sản sẽ được ghi có vào tài khoản giám sát của ngân hàng. Trong trường hợp đó, các công ty phát triển bất động sản không thể trực tiếp sử dụng số tiền đó .

Hôm 09/10, một người mua bất động sản, ông Lý nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng do dự án bất động sản bị đình chỉ, những ngôi nhà sẽ không được giao cho người mua như đã định vào hôm 30/9.

Do đó, những người mua những bất động sản này đã đến các cơ quan chính phủ ở các cấp khác nhau để đòi quyền lợi của mình, sau đó họ được biết từ các quan chức tại Cục Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn rằng khoảng 10.85 triệu USD trong quỹ giám sát của họ đã bị Ngân hàng Bình An biển thủ.

Các nhà chức trách cho biết ngân hàng đã bị tước quyền giám sát bất kỳ dự án bất động sản nào ở Tân Khu Vịnh Hàng Châu trong ba năm tới như một hình phạt, các nhà chức trách cho biết.

Ông Lý nói: “Chúng tôi chỉ biết rằng họ đã lấy tiền của chúng tôi. Về bước tiếp theo của họ, chúng tôi không biết,” và cho biết rằng, chỉ còn 4.65 triệu USD trong tài khoản cho các quỹ giám sát.

“Ngân hàng đã thực hiện theo quy định nào? Dù các quy định có thể là gì, thì ngân hàng không nên hy sinh sinh kế của những người mua bất động sản này.”

Cuộc biểu tình lớn

Cho rằng nhân viên phòng kinh doanh của dự án bất động sản này đã bỏ đi hết và chỉ còn một nhân viên bảo vệ ở đó, những người mua tài sản bất lực đã đến chi nhánh Ninh Ba của ngân hàng Bình An hôm 7/10, hô khẩu hiệu và cầm băng rôn bảo vệ quyền của họ.

Bà Lưu, một người mua bất động sản tham gia biểu tình cho biết, bắt đầu từ 1 giờ chiều đến 11 giờ đêm, có khoảng 400 đến 500 người mua bất động sản tại hiện trường.

Chính phủ địa phương đã điều một xe cảnh sát chuyên dụng và xe buýt đến hiện trường. Hàng chục cảnh sát chính quy và chuyên trách cũng được nhìn thấy đứng trước Ngân hàng Bình An để ngăn cản những người biểu tình vào tòa nhà.

Theo bà Lưu, hai xung đột đã nổ ra trong cuộc biểu tình kéo dài hàng giờ đồng hồ. Đầu tiên là khi Ngân hàng Bình An cử nhân viên đến giật biểu ngữ khỏi những người biểu tình; lần thứ hai khi hai người biểu tình bị cảnh sát nhắm mục tiêu vì được cho là đã quá lớn tiếng hô khẩu hiệu.

Bà Lưu nói, “Quả thực không dễ để những người bình thường như chúng tôi mua được nhà. Mặc dù đã tiêu tiền của chính mình, chúng tôi vẫn bị đối xử theo cách này. Tôi thực sự không thể nói gì khác.”

Phản ứng

Các cuộc đàm phán giữa Ngân hàng Bình An, chính quyền địa phương và người mua bất động sản đã được tổ chức tại trung tâm bán hàng của dự án bất động sản hôm 09/10.

Ông Lý nói, “Chúng tôi được thông báo rằng dự án sẽ tiếp tục hôm 30/10, mặc dù ngày cụ thể vẫn còn tùy thuộc vào địa điểm xây dựng.”

Ông Lý cho biết thêm, “Vì chủ đề tiền bạc không được đề cập, chính phủ chắc chắn đã thông đồng với ngân hàng, trong đó các nhân viên chỉ đơn giản nói rằng họ sẽ hoàn toàn hợp tác với việc tiếp tục dự án và đưa ra sáu bảo đảm,” tin rằng chính phủ và ngân hàng đã có một cuộc trao đổi riêng từ trước.

Ông Lý nói, “Chính phủ cũng nói rằng không thể tạo ra thứ gì đó từ con số không. Chúng ta nên làm gì?” bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào việc hoàn thành dự án.

Theo những người biểu tình, Lam Quang Ung Cảnh Loan có tổng cộng hơn 70 tòa nhà, bao gồm 18 tòa nhà căn hộ cao tầng nhỏ và các tòa nhà kiểu biệt thự khác.

Ông Lý nói rằng những người mua các căn hộ cao tầng đều là công nhân ở thành phố Ninh Ba, bao gồm cả ông, công việc của họ là khuân vác đồ đạc. Hầu hết những người mua đều vay tiền tiết kiệm của cha mẹ hoặc tiền từ người thân và bạn bè để mua bất động sản.

Ông Lý nói, “Thật sự khó khăn. Trong thời gian chờ mua nhà, tôi cũng đang thuê nhà bên ngoài. Vì tôi không có giấy tờ sở hữu bất động sản, nên tôi không thể đăng ký cho con tôi học ở trường.”

Sau khi yêu cầu các phương tiện truyền thông lên tiếng theo đề nghị của họ, những người mua bất động sản này hiện hy vọng rằng chính phủ có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả cho họ.

Các bí danh đã được đưa ra vì lý do bảo mật.

Lưu Đức biên dịch

Hoa Kỳ chính thức tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 3 năm sau khi ông Trump rút khỏi

Eva Fu

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Nhân quyền trong bài diễn văn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/02/2020. (Ảnh: Denis Balibouse/File Photo/Reuters) Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đang quay trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau hơn ba năm kể từ khi chính phủ cựu Tổng thống Trump rút khỏi cơ quan gồm 47 thành viên này mà họ gọi là “cơ quan bảo vệ những kẻ vi phạm nhân quyền.”

Hôm 14/10, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu Hoa Kỳ là một trong 18 thành viên mới của hội đồng có trụ sở tại Geneva này trong một cuộc bỏ phiếu đồng thuận. Hoa Kỳ nhận được 168 phiếu cho nhiệm kỳ ba năm bắt đầu từ ngày 01/01 năm sau, đứng thứ hai là Eritrea, nhận được 144 phiếu.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc tại New York Linda Thomas-Greenfield cho biết Hoa Thịnh Đốn ban đầu sẽ tập trung vào “những gì chúng tôi có thể đạt được trong những tình huống cần thiết, chẳng hạn như ở Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Ethiopia, Syria và Yemen.”

“Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: sát cánh với những người bảo vệ nhân quyền và lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền,” bà nói trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Hoa Kỳ cũng sẽ “phản đối sự chú ý thiếu cân xứng của hội đồng này đối với Israel.”

Tổng thống Donald Trump đương thời đã rút khỏi cơ quan bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm 2018, nói rằng tổ chức này đã thất bại trong việc thực hiện sứ mệnh vốn được đặt ra, và viện dẫn các nước như Trung Quốc, Cuba và Venezuela là một số trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất đang giữ vị trí trong hội đồng này.

Các nhà quan sát và các nhà nghiên cứu cho hay Trung Quốc, vốn đã giành được nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp vào tháng 10/2020 với chênh lệch [phiếu bầu] nhỏ, đã và đang tận dụng nền tảng này để mở rộng tầm ảnh hưởng.

Ông Giang Đoan (Jiang Duan), Bộ trưởng của phái đoàn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã được bổ nhiệm hồi tháng 04/2020 vào một hội đồng gồm năm thành viên trong hội đồng nhân quyền này giúp lựa chọn ra các nhà điều tra độc lập của cơ quan này, bất chấp lý lịch về đàn áp của nhà cầm quyền này.

Ca sĩ Hồng Kông ủng hộ dân chủ Hà Vận Thi (Denise Ho) diễn thuyết trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva vào hôm 08/07/2019. (Ảnh: Fabrice Cofferini/AFP/Getty Images)

Hồi tháng 07/2019, phái đoàn của Bắc Kinh đã hai lần làm gián đoạn bài diễn văn của cô Hà Vận Thi (Denise Ho), một ca sĩ Hồng Kông và là nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng bị cấm tại Trung Quốc đại lục, khi cô thúc giục hội đồng này lên tiếng về quyền tự trị của lãnh thổ Hồng Kông.

Thông báo về nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm quay trở lại cơ quan này vào tháng Hai, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thừa nhận những sai sót của hội đồng, nhưng lập luận rằng “việc cải thiện Hội đồng và thúc đẩy công việc trọng yếu của hội đồng này tốt nhất nên được thực hiện với việc có một vị trí trong hội đồng đó.”

U.N. Watch, một tổ chức bất vụ lợi được Liên Hiệp Quốc công nhận, cho rằng chỉ có 5 trong số 18 quốc gia thành viên mới phù hợp để tham gia hội đồng này. Với kết quả bầu cử của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm (14/10), cuộc họp kín của các nền dân chủ đã giảm xuống chỉ còn dưới một phần ba tổng số thành viên, tổ chức này cho biết.

“Hoa Kỳ đã hứa sẽ làm việc để cải cách tư cách hội viên, các phương pháp và nghị trình của hội đồng — đây sẽ là một trật tự cao,” ông Hillel Neuer, giám đốc điều hành của nhóm này, cho biết trong một tuyên bố trước cuộc bầu chọn. “Khi cơ quan nhân quyền cao nhất của Liên Hiệp Quốc biến thành một tình huống mà trong đó những con cáo lại được canh giữ chuồng gà, các nạn nhân toàn thế giới sẽ phải chịu đựng.”

Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ tham gia lại hội đồng này là một “sự ô nhục.”

Vị thượng nghị sĩ này nói trong một tuyên bố, “Hoa Kỳ không nên để một cơ quan bao gồm những thủ phạm vi phạm nhân quyền như Trung Quốc, Venezuela và Cuba hợp pháp hóa. Chính phủ Tổng thống Biden sẽ dương dương tự đắc vì đã quay lại cơ quan đầy sai lầm này. Tuy nhiên, họ sẽ làm như vậy mà không bảo đảm bất kỳ cải cách cần thiết nào, đồng thời không hỗ trợ nhân quyền trên toàn thế giới.”

Được hỏi về kế hoạch cải cách của Hoa Thịnh Đốn tại hội đồng nhân quyền này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói rằng Hoa Kỳ sẽ “gây áp lực lên việc bầu chọn các quốc gia có lý lịch vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”

“Tất nhiên, việc các quốc gia như vậy đại diện trong Hội đồng Nhân quyền là điều hoàn toàn không phù hợp,” ông nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (14/10) mà không đề cập đến bất kỳ tên cụ thể nào.

Ông Price nói thêm rằng “hôm nay chúng tôi rất vui vì chúng tôi sẽ trở thành một thành viên của hội đồng này.” Ông nói với các phóng viên, “Chúng ta sẽ không gây được ảnh hưởng gì nếu chúng ta đứng ngoài cuộc.”

Động đất mạnh nhất kể từ khi núi lửa phun trào làm rung chuyển đảo La Palma của Tây Ban Nha

Hình ảnh núi lửa Cumbre Vieja. (Ảnh: DESIREE MARTIN / AFP / Getty Images)

Hôm thứ năm (ngày 14/10), quan chức địa phương cho biết, đã xảy ra một trận động đất được xem là mạnh nhất kể từ khi núi lửa phun trào cách đây 26 ngày, trận động đất 4,5 độ richter này đã làm rung chuyển đảo La Palma ở Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.

Viện Địa lý Quốc gia Tây Ban Nha cho biết trận động đất lớn này là một trong số khoảng 60 trận được ghi lại chỉ qua một đêm, khi núi lửa Cumbre Vieja tiếp tục phun ra những dòng dung nham rực lửa.

Những dòng dung nham này đã phá hủy mọi thứ trên đường di chuyển của chúng ra Đại Tây Dương.

Các quan chức cho biết dung nham đã phá hủy một phần hoặc toàn bộ của hơn 1.600 tòa nhà, khoảng một nửa trong số đó là nhà ở. Nhờ thực hiện việc sơ tán nhanh chóng, cho đến nay chưa có bất kỳ trường hợp tử vong hay thương vong nào.

Khoảng 7.000 người đã được sơ tán, họ phải rời bỏ nhà của mình để di chuyển vào khu vực an toàn, 300 người trong số họ là được sơ tán vào thứ Năm.

Chủ tịch Quần đảo Canary, ông Ángel Víctor Torres cho biết, “Đây chắc chắn là vụ phun trào nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong vòng 100 năm qua”.

Ông nói, “Tin tốt duy nhất là… cho đến nay, không có ai bị thương”.

Chính quyền của đảo La Palma cho biết, ba dòng đá nóng chảy đã mở rộng đến gần 1,8 km (khoảng hơn một dặm), nhưng tốc độ di chuyển của chúng đã chậm lại.

Các nhà chức trách cho biết, dung nham đen cứng hiện đang bao phủ khoảng 6,7 km vuông (khoảng 674 ha) ở phía tây của hòn đảo. Đảo La Palma có diện tích khoảng 706 km vuông.

Các nhà chức trách khuyến cáo người dân địa phương không nên đi ô tô vì tro núi lửa ở một số nơi cao đến mắt cá chân.

Đảo La Palma là một phần của Quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Nó là một hòn đảo ở Đại Tây Dương, nằm ở phía Tây Bắc Châu Phi có nền kinh tế phụ thuộc vào việc trồng trọt và du lịch.

Hỏa hoạn ở Đài Loan khiến ít nhất 46 người thiệt mạng và 41 người bị thương

Thứ 5 ngày 14/10, giới chức Đài Loan cho biết, một vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm tại một tòa chung cư ở miền nam Đài Loan đã khiến 46 người thiệt mạng và 41 người bị thương.

The Epoch Times đưa tin, ngọn lửa bùng phát tại tòa nhà hỗn hợp 40 năm tuổi ở quận Yancheng, thành phố Cao Hùng lúc 3 giờ sáng Thứ Năm ngày 14/10. Nhân viên cứu hỏa đã mấy 4 giờ đồng hồ để  dập tắt đám cháy.

Nguyên nhân chính xác của vụ hỏa hoạn vẫn chưa rõ ràng. Cảnh sát địa phương cho biết tại cuộc họp báo rằng, họ đang xem xét các cảnh quay giám sát và không loại trừ bất kỳ yếu tố con người nào.

Các hình ảnh do hãng truyền thông chính thức của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) công bố cho thấy, ngọn lửa và khói bốc lên từ các tầng dưới của tòa nhà 13 tầng khi các nhân viên cứu hỏa cố gắng dập tắt ngọn lửa.

Một tuyên bố của sở cứu hỏa mô tả đám cháy là “cực kỳ khốc liệt” và cho biết một số tầng đã bị phá hủy.

Hầu hết cư dân của tòa nhà là người cao tuổi và hàng đống rác thải xung quanh tòa nhà đã chặn đường tiếp cận của nhân viên cứu hỏa tới nhiều khu vực, cản trở các nỗ lực cứu hộ, Cảnh sát trưởng Phòng cháy chữa cháy Li Ching-hsiu nói với CNA.

Ông Li nói rằng đám cháy có thể bắt đầu từ tầng trệt. Sáu tầng đầu tiên của tòa nhà trước đây được chỉ định sử dụng cho mục đích thương mại nhưng hiện đang bỏ trống. Ảnh: Epoch Times

Trong hình ảnh này được EBC của Đài Loan lấy từ video, các nhân viên cứu hỏa bắn nước vào một tòa nhà bốc cháy ở Cao Hùng, miền nam Đài Loan vào ngày 14/10/2021. 

Số người thiệt mạng tăng đều đặn trong ngày hôm thứ Năm khi các nhân viên cứu hộ khám xét tòa nhà. Đến chiều muộn, cơ quan cứu hỏa Cao Hùng cho biết ít nhất 32 người đã được đưa thẳng đến nhà xác. 14 người khác trong số 55 người được đưa đến bệnh nhưng qua đời ngay sau đó, theo xác nhận chính thức tại bệnh viện.

Số người chết chỉ đứng sau vụ hỏa hoạn năm 1995 khiến 64 người thiệt mạng tại một hộp đêm ở Đài Trung, thành phố lớn thứ ba của Đài Loan.

Các nhà chức trách cho biết hàng trăm người sống sót đã được chuyển đến các khách sạn.

BBC cho hay, một số người dân sống gần đó nói với truyền thông địa phương rằng họ nghe thấy một âm thanh lớn, giống như âm thanh một vụ nổ, trước khi xảy ra hỏa hoạn.

“Các đường dây điện có thể là đã chạy bên ngoài tòa nhà… Mấy ngày vừa qua đã có những âm thanh ‘bùm bùm’ phát ra từ các đường dây điện”, một người dân địa phương được hãng tin Reuters dẫn lời nói.

Trong một bài đăng trên Facebook,Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” tới những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.

So với thời TT Trump, người Mỹ hiện phải trả thêm 144 triệu USD tiền xăng dầu mỗi ngày

Dưới thời Tổng thống Joe Biden hiện nay, người Mỹ đang phải chi thêm khoảng 144 triệu USD tiền xăng dầu mỗi ngày so với thời của cựu Tổng thống Donald Trump.

A man pumps petrol at a service station in Melbourne, Monday, Aug. 27, 2012. (AAP Image/Julian Smith) NO ARCHIVING

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy, thừ tháng 2/2021 đến tháng 7/2021, giá xăng dầu trung trình tại Mỹ vào khoảng 3 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,79 lít). Trong cùng thời gian đó, người dân Mỹ tiêu thụ khoảng 370 triệu gallon mỗi ngày, khiến tổng số tiền chi tiêu cho xăng dầu lên đến mức 1,12 tỷ USD/ngày. 

Ngược lại, từ năm 2017 đến năm 2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump, giá xăng dầu trung bình rơi vào khoảng 2,57 USD/gallon. Mức tiêu thụ hằng ngày của người Mỹ khoảng 378 triệu gallon. Từ đó tính được tổng số tiền dành cho xăng dầu là 972 triệu USD, ít hơn 144 triệu USD so với mức trung bình hiện nay. 

Sự chênh lệch còn đáng kinh ngạc hơn nếu so sánh với cùng khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm ngoái. Giá xăng dầu trung bình lúc đó vào khoảng 2,2 USD/gallon, và số lượng tiêu thụ thấp hơn đáng kể ở mức 328 triệu gallon, do đó, tổng số tiền chi cho xăng dầu là 722 triệu USD. Như vậy, so với cùng khoảng thời gian này vào năm  ngoái, người Mỹ phải trả nhiều hơn 394 triệu USD.

Theo EIA, trong khi nhu cầu xăng dầu vào năm ngoái giảm do hạn chế đi lại vì dịch COVID-19, nhu cầu nhiên liệu cho ô-tô và máy bay lại tăng khi việc di chuyển bằng các phương tiện này tăng vọt. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại cùng với lượng dầu khoan giảm đi khiến sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm 1% vào năm ngoái.

Khi thời tiết giá lạnh đang đến gần, nhu cầu năng lượng của các hộ gia đình ở Mỹ sẽ tăng lên cho các hoạt động chiếu sáng và sưởi ấm. Châu Âu đã bắt đầu cảm nhận được sức nặng của hiện tượng này khi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt trên toàn lục địa. Khu vực này đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi việc tăng giá đến nỗi một số nơi hiện đang cân nhắc biện pháp đốt than mặc dù đã cam kết không làm như vậy.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – tập hợp các quốc gia với nỗ lực bình ổn thị trường dầu mỏ, đã bị chỉ trích vì không cân bằng được thị trường. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã phản pháo lại các quốc gia đang nhanh chóng chuyển đổi năng lượng xanh, nói rằng chính sách của họ đang làm tổn hại đến các khoản đầu tư vào nguồn cung dầu.

“Quá trình chuyển đổi năng lượng không được xử lý đúng cách”. Ông Barkindo phát biểu tại Diễn đàn Tình báo Năng lượng vào ngày 6/10: “Và do đó chúng ta bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm.”

Mỹ triển khai căn cứ nổi cho trực thăng và thủy phi cơ tới Okinawa

Hải quân Hoa Kỳ đang tăng cường khả năng phòng thủ ở châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc đang diễn ra bằng cách triển khai căn cứ nổi khổng lồ mới nhất của mình tới Okinawa, tờ SCMP đưa tin.

Hải quân Mỹ cho biết, tàu USS Miguel Keith, một căn cứ viễn chinh được thiết kế để vận chuyển số lượng lớn thiết bị và làm căn cứ nổi cho máy bay trực thăng và thủy phi cơ, đã được triển khai đến căn cứ hải quân White Beach trên đảo Okinawa ở Nhật Bản hôm thứ Sáu (8/10).

Nó sẽ tham gia Nhóm tấn công viễn chinh của Hạm đội thứ bảy và Lực lượng viễn chinh trên biển, tuyên bố cho biết thêm.

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong có tại Ma Cao cho biết sự hiện diện mới nhất này sẽ củng cố thêm khả năng phòng thủ của Mỹ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, một tuyến các đảo ở Thái Bình Dương kéo dài từ Nhật Bản đến Bán đảo Mã Lai, bao gồm cả Đài Loan.

Chuỗi này đóng một vai trò quan trọng trong tư duy chiến lược của Mỹ đối với khu vực và các lực lượng Trung Quốc sẽ phải đi qua nó để tiếp cận khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

“Tàu USS Miguel Keith đặt tại Okinawa sẽ được sử dụng làm nền tảng hàng không mẫu hạm trên thực tế cho các lực lượng đổ bộ của Mỹ, điều này sẽ giúp Mỹ ngăn chặn Quân Giải phóng Nhân dân tìm cách chiếm quần đảo Senkaku”, ông Wong nói, đề cập đến quần đảo do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư.

Việc triển khai mới được đưa ra khi lực lượng hải quân của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ bắt đầu cuộc tập trận chung trong khuôn khổ Bộ Tứ vào thứ Ba (12/10).

Cuộc tập trận Malabar kéo dài ba ngày từ thứ Ba đến thứ Năm ở Vịnh Bengal có sự tham gia của tàu sân bay Hoa Kỳ Carl Vinson, hai tàu hộ tống của Nhật Bản, một tàu khu trục nhỏ của Australia và một tàu khu trục của Ấn Độ, theo lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản.

Tuần trước, tàu Carl Vinson đã cùng với hai tàu sân bay khác, USS Ronald Reagan và HMS Queen Elizabeth của Anh, cùng với các tàu của bốn quốc gia khác tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông.

Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết việc triển khai tàu Miguel Keith và các cuộc tập trận hải quân chung gần đây nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ có thể tập hợp lực lượng mạnh hơn.

“PLA dự kiến sẽ đưa hàng không mẫu hạm thứ ba của mình … vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2030”, ông Lu nói.

“Nhưng Mỹ cho thấy họ có thể huy động ít nhất ba nhóm tấn công hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác trong một cuộc tập trận, một thông điệp rõ ràng cho PLA rằng ‘Tôi có thể đánh bại các ngươi ngay bây giờ’.”

Để đối phó với việc ngày càng có nhiều tàu chiến nước ngoài tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, PLA gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận, thực hành các cuộc ném bom tấn công không-đối-hạm, ném bom tấn công và đặt mìn tấn công, theo đài truyền hình Trung ương Trung Quốc.

IMF: Nguy cơ giá nhà giảm mạnh và bán tháo cổ phiếu quy mô lớn

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ giảm mạnh và đột ngột của giá cổ phiếu cũng như giá trị nhà ở trên toàn cầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương (NHTW) khác không còn cung cấp các gói hỗ trợ trong đại dịch.

Hôm thứ Ba (12/10), trong Báo cáo Ổn định Tài chính bán niên năm 2021, IMF cho biết: Chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng “thị trường thừa tiền và đòn bẩy tài chính gia tăng”.

“Cú sốc có thể đến từ chính các NHTW vì họ đang thắt chặt các loại chính sách hỗ trợ với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những dự đoán trước đây”, ông Tobias Adrian – Giám đốc Vụ Thị trường vốn và tiền tệ tại IMF – cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi lo lắng rằng sẽ có một đợt bán tháo ở mức độ tương đối lớn”.

Đồng thời, áp lực lạm phát trong thời gian sắp tới sẽ “không giống như bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây”, ông nói thêm.

Mặc dù IMF đồng ý với Fed và các NHTW khác rằng sự bùng nổ lạm phát có thể chỉ là tạm thời, nhưng có khá nhiều điều không chắc chắn xung quanh dự báo đó. Điều đó đặt ra một số câu hỏi về cách thức mà các nhà hoạch định chính sách sẽ phản ứng trước một cuộc suy thoái của thị trường tài chính.

Dưới đây là một số rủi ro về ổn định tài chính được nêu trong báo cáo của IMF:

Thị trường chứng khoán

Cổ phiếu đã liên tục tăng giá trong 18 tháng qua, khiến giá cổ phiếu không còn tương ứng với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.

Giá cổ phiếu có thể giảm đáng kể trong trường hợp xuất hiện “những đánh giá lại về triển vọng phát triển kinh tế”, hoặc có “những thay đổi chính sách bất ngờ”.

Thị trường nhà ở

“Giá nhà dường như sẽ giảm đáng kể. Trong trường hợp xấu nhất, mức giảm giá nhà ở trong vòng 3 năm tới được ước tính là khoảng 14% ở các nền kinh tế phát triển và 22% ở các thị trường mới nổi”.

Tuy nhiên, theo IMF, trong khi diễn biến giá nhà có vẻ giống như thực trạng của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008 thì hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại tốt hơn nhiều so với hồi đó. 

Tiền điện tử

Mặc dù thị trường tài sản gắn với tiền điện tử đã phát triển nhanh chóng với giá trị lên đến hơn 2 nghìn tỷ USD, thì nó vẫn là một con số nhỏ khi so sánh với thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu, đồng thời chưa gây ra rủi ro nào cho sự ổn định chung của hệ thống tài chính thế giới.

Tuy vậy, các nhà chức trách cần nhanh chóng ban hành các quy định, đặc biệt đối với stablecoin, để giảm thiểu rủi ro trong tương lai. IMF cho biết: “Nếu không được giám sát đầy đủ, hệ sinh thái tiền điện tử có thể gặp các vấn đề liên quan đến lừa đảo người dùng và các rủi ro về tính toàn vẹn của thị trường”.

Boeing yêu cầu nhân viên phải tiêm vắc xin COVID-19


Công ty Boeing đã thông báo với các nhân viên rằng họ sẽ phải tiêm chủng COVID-19 hoặc có thể bị sa thải.

Thời báo Seattle đưa tin, thời hạn cuối cùng dành cho nhân viên làm việc tại hãng hàng không vũ trụ này là ngày 8/12. Boeing cũng nhấn mạnh “tuân thủ yêu cầu này là một điều kiện tuyển dụng”, và “Những nhân viên không thể đáp ứng những yêu cầu này… có thể bị công ty cho nghỉ việc.”

Các nhân viên cũng có thể yêu cầu ngoại lệ nếu nằm trong trường hợp “khuyết tật hoặc có niềm tin tôn giáo thực thụ”. Bất kỳ nhân viên nào được miễn trừ như vậy sẽ phải “thường xuyên xét nghiệm COVID-19” và sẵn sàng “xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính khi được yêu cầu”.

Chính sách này sẽ áp dụng cho khoảng toàn bộ 125.000 nhân viên của tập đoàn trên khắp Hoa Kỳ, trong đó có khoảng 57.000 nhân viên ở bang Washington.

Trong thông điệp gửi tới các thành viên trên tờ báo công đoàn nội bộ số ra tháng 10, ông Jon Holden, Chủ tịch Hiệp hội Thợ máy Quốc tế (IAM) Quận 751 đã viết “thực tế là các thành viên của chúng ta có sự phân cực về vấn đề này”.

Ông nói thêm: “Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và bênh vực cho tất cả các thành viên của mình.” Ông còn lưu ý, cho dù bản thân ông cùng gia đình mình đã tiêm chủng, nhưng công đoàn cũng phải bảo vệ “những người không thể hoặc sẽ không chấp nhận tiêm vắc-xin”.

Hiệp hội Nhân viên Kỹ thuật Chuyên nghiệp trong Hàng không Vũ trụ (SPEEA) cũng nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm thứ 12/10 rằng họ đang hợp tác với Boeing “để đảm bảo việc triển khai [tiêm vắc-xin] có cân nhắc đúng mức đến sự quan ngại của các thành viên”.

Boeing cho biết động thái trên được đưa ra để đáp lại lệnh hành pháp của ông Joe Biden yêu cầu các công ty tư nhân quy mô lớn và nhà thầu liên bang phải tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, hãng hàng không này có thể sẽ vấp phải nhiều phản đối hơn liên quan đến chính sách mới ở các tiểu bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Hôm 11/10, Thống đốc Texas Greg Abbott đã ban hành một lệnh hành pháp cấm các công ty tư nhân hoặc bất kỳ tổ chức nào khác yêu cầu bắt buộc tiêm vắc-xin.

Boeing hiện có hơn 5.000 nhân viên tại Texas, cùng khoảng 32.000 nhân viên tại các cơ sở tại Alabama, Arizona, Missouri, Oklahoma và Nam Carolina.

Khảo sát: Đa số người Mỹ phản đối mạnh mẽ việc chính phủ viện trợ cho Taliban

Một cuộc khảo sát của Trafalgar Group công bố hôm 13/10 cho thấy, phần lớn người Mỹ phản đối việc Mỹ viện trợ cho chính phủ Afghanistan do Taliban kiểm soát.

Cuộc khảo sát hỏi, “Bạn có ủng hộ việc Hoa Kỳ viện trợ nước ngoài cho chính phủ Taliban mới của Afghanistan không?”

Chỉ có 5,9% ủng hộ việc làm như vậy, trong khi 77,4% bày tỏ sự phản đối. Trong số đó, 60% cho biết họ phản đối “mạnh mẽ” việc Mỹ viện trợ nước ngoài cho chính phủ do Taliban kiểm soát ở Afghanistan.

Số liệu khảo sát có khác biệt theo đảng phái. Cụ thể, trong số các thành viên Đảng Dân chủ, 64,5% phản đối việc làm như vậy, so với 8,5% ủng hộ hành động trên. Đáng chú ý, hơn một phần tư thành viên đảng Dân chủ không bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

90,7% thành viên đảng Cộng hòa phản đối việc viện trợ nước ngoài cho chính phủ do Taliban điều hành ở Afghanistan và trong số đó, 79,2% phản đối “mạnh mẽ”.

Các cử tri độc lập cũng phản đối đề xuất trên với tỷ lệ 81,5%.

Cuộc khảo sát, được thực hiện từ ngày 7 đến 10 tháng 10 năm 2021, trong số 1.074 cử tri có khả năng tham gia tổng tuyển cử, với sai số +/- 2,99%

Tháng trước, Taliban đã yêu cầu cộng đồng quốc tế viện trợ nước ngoài nhiều hơn sau khi Liên Hợp Quốc cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD.

Amir Khan Muttaqi, quyền ngoại trưởng của Taliban, cho biết vào tháng 9 sau khi Tổng thống Biden rút quân khỏi nước này: “Nên biết rằng người dân Afghanistan đã quay cuồng trong chiến tranh trong bốn mươi năm. Đó là lý do tại sao chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ giúp đỡ Afghanistan trong nhiều lĩnh vực khác nhau”. Ông cũng hứa rằng số tiền của Liên Hợp Quốc sẽ “đến tay những người xứng đáng.”

Tuần này, các nước thuộc Nhóm 20 (G20) xác nhận rằng Taliban sẽ tham gia phân phối viện trợ nhân đạo cho nước này.

Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra vào 10/10 sau cuộc đàm phán đầu tiên với Hoa Kỳ kể từ khi rút quân, Taliban cho biết: “Các đại diện của Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ nhân đạo cho người Afghanistan và sẽ cung cấp các phương tiện cho các tổ chức nhân đạo khác để cung cấp viện trợ.”

Nhóm này cho biết thêm rằng Taliban sẽ “hợp tác với các nhóm từ thiện để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người xứng đáng một cách minh bạch và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển có nguyên tắc của công dân nước ngoài”.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa chính thức xác nhận tuyên bố trên của Taliban.

Người phát ngôn Ned Price nói rằng hai bên đã thảo luận về việc cung cấp “hỗ trợ nhân đạo mạnh mẽ, trực tiếp cho người dân Afghanistan” mà không cung cấp thêm chi tiết.

Related posts