Tuấn Thảo
Thắng thì sống, thua thì chết. Khai thác một phương châm đơn giản mà tàn nhẫn, 9 tập ”Squid Game” của Hàn Quốc trở thành bộ phim ăn khách nhất trên Netflix. ”Trò chơi con mực” xoay quanh những kẻ lâm vào đường cùng, tham gia một cuộc thi đấu với giải nhất hàng triệu đô la. Đổi mạng lấy tiền, đợt tranh tài đẫm máu có một luật chơi chung : người thắng bước vào vòng sau, kẻ thua bị xử tử ngay tại chỗ.
Theo thông báo chính thức hôm 12/10/2021 của nền tảng trực tuyến Netflix, sau khi được phát hành cách đây khoảng một tháng, ”Squid Game” đã thu hút hơn 110 triệu lượt người có tài khoản xem phim trên Netflix. Trong vòng chưa đầy 4 tuần lễ, bộ phim ”Squid Game” (Trò chơi con mực) gồm 9 tập, đã lập kỷ lục về số lượng người xem có đăng ký mở tài khoản trên Netflix, về đầu danh sách các phim gốc được xem nhiều nhất tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện tượng Squid Game chinh phục toàn cầu kể cả Hoa lục
Nhờ vào các tình tiết hấp dẫn gay cấn, độ hồi hộp leo thang, tăng dần theo từng tập, các trò thi đấu thoạt nhìn rất trẻ con nhưng lại thường kết thúc một cách tàn khốc dã man, ”Trò chơi con mực” thực sự đã chinh phục một lượng khán giả quan trọng trên toàn thế giới, nhanh chóng ngự trị trên bảng xếp hạng của mạng Netflix tại nhiều nước. Kỷ lục này trước đây được nắm giữ bởi loạt phim gia tộc “Bridgerton”, nói về xã hội thượng lưu tại vương quốc Anh vào thời kỳ tiền Victoria, đầu thế kỷ XIX. Mùa phim Bridgerton đã thu hút 82 triệu người xem trong 4 tuần lễ phát hành, vào cuối tháng 12/2019. Đứng hạng thứ ba là loạt phim băng cướp Tây Ban Nha ”La Casa de Papel” (Phi vụ triệu đô) và cuối cùng là loạt phim trinh thám của Pháp “Lupin” (Tên trộm hào hoa) do Pháp hợp tác sản xuất với Netflix, với diễn viên Pháp Omar Sy trong vai chính.
Hiện tượng ”Squid Game” thậm chí đã lan đến tận Trung Quốc, cho dù khán giả Hoa lục không được quyền truy cập vào mạng Netflix. Thế nhưng, các nội dung gốc hay các bộ phim truyện ăn khách của nền tảng Netflix thường bị sao chép lại, để rồi phổ biến lén qua hình thức streaming trên các mạng phim trực tuyến của Hoa lục. Theo tạp chí Vanity Fair, ”Trò chơi con mực” được phân phối trên 60 trang web tư nhân tại Trung Quốc mà không hề trả tiền bản quyền. Khán giả Hoa lục chẳng được xem phim lậu, mà còn có thể mua trên mạng kinh doanh trực tuyến Taobao nguyên cả một dòng sản phẩm khai thác từ thế giới của ”Squid Game”, trong đó có trang phục, đồ chơi, đồ thể thao, vật dụng trang trí, ảnh chụp các diễn viên trong phim …..
Hiện tượng ”Squid Game” cho thấy ảnh hưởng của Hàn Quốc ngày càng tăng trong làng văn hóa giải trí. Sau phong trào nhạc K-Pop vói ban nhạc , BTS, sau khi phim ”Parasite” (Ký sinh trùng) đoạt nhiều giải điện ảnh cao quý trong đó có Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes và giải Oscar dành cho phim hay nhất, dù tác phẩm này được quay bằng tiếng Hàn chứ không phải bằng tiếng Anh. Vào đầu năm nay, Netflix đã công bố kế hoạch đầu tư 500 triệu đô la trong một năm để phát triển dòng phim được sản xuất tại Hàn Quốc. Điều đó giúp Hàn Quốc có thêm cơ hội xuất khẩu các nội dung gốc bằng tiếng Hàn sang nước ngoài.
Thắng thua sinh tử khi chẳng còn gì để mất
Mức độ nổi tiếng của ”Squid game” càng tăng lên khi trở thành loạt phim đầu tiên của Hàn Quốc giành lấy vị trí quán quân trên Netflix tại hai thị trường quan trọng là Bắc Mỹ và châu Ấu. Bộ phim vì thế có từ khóa được tìm nhiều nhất trên internet, cũng như là đề tài được thảo luận nhiều trên các mạng xã hội, nhất là ngoài nam tài tử Lee Jung Jae, bộ phim còn có sự góp mặt của hai gương mặt sáng giá Hàn Quốc là Gong Yoo và Lee Byung Hun. Bản thân đạo diễn Hwang Do Hyuk cũng khá bất ngờ trước đà thành công vượt bực của tác phẩm đầu tay của mình.
“Squid game” là bộ phim đầu tay của đạo diễn Hwang Do Hyuk, xoay quanh 456 người đang cần tiền nên nhận lời tham gia một trò chơi, hầu giành lấy một phần thưởng hấp dẫn trị giá gần 40 triệu đô la, dành cho kẻ sống sót cuối cùng. Tất cả những người chơi đều có cơ hội chuộc tội, thậm chí đổi đời. Phải chăng do chẳng còn gì để mất (kể cả việc chối bỏ nhân cách) cho nên các nhân vật mới liều lĩnh đánh một ván bài cực kỳ nguy hiểm, bởi vì mạng sống của họ chính là cái giá phải trả. Điểm đáng ghi nhận là mỗi vòng thi đấu đều là những trò chơi dân gian quen thuộc của trẻ em Hàn Quốc như đèn xanh đèn đỏ, vẽ kẹo dalgona, kéo co, vượt cầu và cuối cùng là trò chơi câu mực.
Đạo diễn Hwang Do Hyuk dùng hình tượng “Squid game” như một ẩn dụ về sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội Hàn Quốc cũng như thế giới con người đầy bạo lực : mạnh thì sống “lâu”, yếu thì chết “sớm”. Bộ phim cho thấy những cảnh quay trực diện để đưa ra một góc nhìn táo bạo, phản ánh ”thực tế” trong một tương lai không xa của loài người. Bộ phim này có thể là dấu gạch nối giữa loạt phim ”Hunger Games” (Đấu trường sinh tử) của Mỹ và ”Battle Royale” của Nhật Bản (Kinji Fukasahu).
Sáng tạo về hình thức nhưng chưa độc đáo về nội dung
Bên cạnh đó, phim còn lấy cảm hứng ít nhiều từ một số tác phẩm khác, kể cả chủ đề chênh lệch giàu nghèo, phân biệt giai cấp xã hội, từng được thấy trong các phim như ”Snowpiercer” hay ”The Housemaid”. Trong ”Squid Game”, có cả những nhân vật bên lề xã hội như một người lính Bắc Triều Tiên đào ngũ, hoặc một di dân đến từ Pakistan. Tiêu biểu cho thành phần nhập cư, dễ sai khiến và dễ bóc lột hơn trong một xã hội còn nhiều thành kiến với kiều dân nước ngoài. Thanh niên Pakistan cứu mạng nhân vật chính trong tập đầu, để rồi trong những tập sau bị đồng đội phản bội, do luật chơi chỉ chấp nhận tha mạng cho một kẻ sống sót duy nhất mà thôi.
Trên các mạng xã hội, chủ đề ”Squid Game” được bàn luận sôi nổi và bên cạnh nhiều lời khen thưởng, cũng có một số ý kiến trái chiều. Một số fan ghiền xem phim châu Á, hơi thất vọng về tác phẩm, cho rằng cốt truyện có nhiều điểm giống như ”Battle Royale” cũng như ”As the Gods Will” (hiểu theo nghĩa Đúng theo ý Trời của Nhật Bản), thiếu nét độc đáo cho nên hơi nhàm chán và dễ đoán. Cách xây dựng tâm lý của một số nhân vật điển hình là vai nam chính Seong Gi Hun hay là vai cảnh sát viên Hwang Jun Ho cũng có nhiều điểm bất cập nếu không nói là vô duyên. Hồi kết với tình huống bất ngờ vào phút chót, nói lên được những khía cạnh tiêu cực của một xã hội với những con người ”dã man”, tuy hình thức có nhiều điểm sáng tạo nhưng nội dung vẫn còn thiếu sự thấu đáo, triệt để như trong tác phẩm điện ảnh ”A Clockwork Orange” của đạo diễn bậc thầy người Anh Stanley Kubrick.
Dù gì đi nữa, phần cuối của ”Squid Game’‘ dự báo là sẽ có thêm mùa phim kế tiếp. Trong mùa đầu tiên, 9 tập phim ”Trò chơi con mực” vẫn hấp dẫn lôi cuốn nhờ độ giải trí cao, nhờ thông điệp ngụ ngôn mà chinh phục được cảm tình của nhiều thành phần khán giả trên khắp thế giới, cho dù phim có quá nhiều yếu tố vay mượn, kịch bản cũng chưa thực sự được gói ghém chặt chẽ, để giúp cho ”Squid Game” trở thành một kiệt tác.