Tin thế giới sáng thứ Bảy

Đài Loan và cuộc khủng hoảng chíp bán dẫn toàn cầu

Ngành sản xuất vật liệu bán dẫn Đài Loan nằm ở tâm điểm thời sự quốc tế, trong bối cảnh khan hiếm chíp điện tử toàn cầu. Bài “TSMC, lược sử về toàn cầu hóa… và những giới hạn của nó” trên tờ Le Monde của Pháp nhận xét: “Ngành sản xuất xe hơi, lĩnh vực công nghiệp hàng đầu của kinh tế thế giới “rơi vào khủng hoảng”. Hàng loạt hãng xe hơi lớn phải giảm mạnh số lượng xe sản xuất. Nguyên do không phải là “đại dịch hay sóng thần”, mà là do một “mẩu kính nhỏ 1 centimet vuông, chứa hàng triệu đường nét mảnh nhỏ, mảnh hơn 10 triệu lần một sợi tóc người”. Những mẩu “kính siêu nhỏ” mà chúng ta có thể tìm thấy ở mọi nơi, trong nhà bếp, trong điện thoại, đồng hồ hay xe hơi. Chính vi mạch này lại đang “nắm giữ (vận mạng) một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu”. Các chíp điện tử đời mới nhất gần như đều do công ty TSMC sản xuất. Ngay cả đến với tập đoàn Mỹ Apple, tất cả bộ vi xử lý của điện thoại iphone đều được sản xuất bởi TSMC. Doanh nghiệp này đã cho xây dựng nguyên một nhà máy « chỉ dành để cung ứng sản phẩm cho Apple””.

Về Trung Quốc, khủng hoảng Mỹ – Trung đã khiến Washington “cấm TSMC bán chíp điện tử cho Trung quốc”. Le Monde nhấn rằng nếu không có bộ vi xử lý được thiết kế từ Mỹ, và sản xuất ở Đài Loan, “cả (hai tập đoàn Trung Quốc) Alibaba và Huawei sẽ không bao giờ trở thành những ông lớn trong ngành điện tử”. Trung Quốc dù có sản xuất 36 % các sản phẩm điện tử toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ cung cấp được 7,6 % chất bán dẫn, chất cần thiết để sản xuất “bộ vi xử lý”.

Theo Le Monde, trong lúc này Mỹ “hoan hỉ” mong Trung Quốc “tiếp tục tụt hậu 10 đến 15 năm so với các nước lớn khác trong ngành sản xuất chất bán dẫn”. Lượng chíp điện tử mà Trung Quốc nhập khẩu trị giá lên tới 370 tỷ đô la mỗi năm, “giá trị còn lớn hơn cả chi phí nhập khẩu dầu khí của nước này” (trên thực tế, bất chấp các khẩu chiến dữ dội hai bên bờ Thái Bình Dương, Le Monde cũng lưu ý, Mỹ – Trung vẫn duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án hợp tác phát triển về công nghệ).

Về phía Bắc Kinh, “tiền không phải là vấn đề”, Le Monde nhấn mạnh vấn đề nằm ở « nhân lực ». Le Monde đưa ra con số “300.000 kỹ sư” mà Trung Quốc đang thiếu để phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn. Con số này « khó có thể giải quyết được ở một đất nước dân số đang trên đà suy giảm, nhất là khi những người trẻ có năng lực lại  bị thu hút bởi hai hãng Xiaomi và Tencent hơn SMIC (công ty Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn) ».

Trong bài “Bắc Kinh muốn giảm phụ thuộc vào chíp điện tử nước ngoài bằng mọi giá”, Le Monde đặt ra câu hỏi: Liệu Trung Quốc có sẵn sàng xâm lược Đài Loan để chiếm lấy TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn và bộ vi xử lý (CPU) mạnh nhất thế giới ? Câu trả lời là điều này khó có thể xảy ra, “vì không ai có thể nói trước được hậu quả, tổn thất của xung đột vũ trang với Đài Loan”.

Căng thẳng Mỹ – Trung tại Hội Đồng Bảo An về việc duy trì hỗ trợ chính phủ Haiti

Minh Anh

Mỹ-Trung ngày14/10/2021 đã tranh cãi gay gắt trong cuộc họp tại Hội Đồng Bảo An về việc triển hạn sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc tại Haiti. © AP – Mary Altaffer

Bắc Kinh và Washington, hôm 14/10/2021, trong cuộc họp tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đã có những tranh cãi gay gắt. Đôi bên đã không đạt được một đồng thuận về việc triển hạn nhiệm kỳ cho Văn Phòng phối hợp của Liên Hiệp Quốc tại Haiti. Văn phòng có nhiệm vụ hỗ trợ chính trị cho chính phủ Haiti và nhiệm kỳ hết hạn ngày15/10/2021.  

Văn Phòng phối hợp của Liên Hiệp Quốc tại Haiti do cựu đại sứ Mỹ, bà Helen La Lime, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo.

Theo AFP, trong khuôn khổ triển hạn nhiệm kỳ của Văn Phòng, Hội Đồng Bảo An đã đề xuất thông qua một nghị quyết vào sáng thứ Năm 14/10 nhưng không thành. Nguyên nhân là vì Trung Quốc và Mỹ đã không đạt được đồng thuận về thời gian triển hạn: Hoa Kỳ muốn kéo dài thêm một năm nhưng Trung Quốc chỉ muốn 6 tháng.  

Vì sao Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ như vậy? Thông tín viên RFI tại New York, Carrie Nooten giải thích:  

Trung Quốc ra sức chống lại Haiti – đây là một trong số các bí mật mà ai cũng biết tại Liên Hiệp Quốc. Kể từ khi chính quyền Port-au-Prince chính thức công nhận Đài Loan, Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình tại Hội Đồng Bảo An để thọc gậy bánh xe. Hồi tháng Sáu vừa qua, Trung Quốc đã bác một dự án tuyên bố của Hội Đồng để nói về tình hình xuống cấp ở Haiti, ngay trước khi xảy ra vụ ám sát tổng thống Haiti Jovenel Moise.  

Nhưng giờ sự việc còn đi xa hơn. Trong cuộc họp kín, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích gay gắt kết quả đạt được của Liên Hiệp Quốc tại Haiti và lấy làm tiếc cho “những khoản đầu tư thua lỗ” trong tất cả những năm qua. Trung Quốc lên án chính quyền địa phương đã không nghe theo các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc.  

Kết quả là Trung Quốc đề nghị một dự thảo nghị quyết khác chỉ dự trù triển hạn nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc trong 6 tháng mà thôi. Điều đó ngụ ý rằng Trung Quốc còn có thể đi đến việc phủ quyết đề xuất triển hạn một năm của Mỹ. Để tránh một cuộc đối đầu trực diện, Hội Đồng Bảo An rất có thể sẽ chỉ tính đến việc triển hạn về mặt kỹ thuật cho vài tháng – một giải pháp tối thiểu”

Mỹ trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Thanh Hà

Một khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ. REUTERS/Denis Balibouse

Liên Hiệp Quốc ngày 14/10/2021 biểu quyết cho phép Hoa Kỳ trở lại với Hội Đồng Nhân Quyền (HRC). Tháng 6/2018, Washington dưới chính quyền Trump đã ra khỏi tổ chức này với lý do HRC « che chở cho các quốc gia vi phạm nhân quyền » và có khuynh hướng bài Do Thái.

Trong phiên họp hôm qua tại New York, 168 trên tổng số 193 quốc gia bỏ phiếu thuận để Mỹ hội nhập trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này bao gồm 47 thành viên bắt đầu hoạt động từ năm 2006, trụ sở đặt tại Genève, Thụy Sĩ. Các thành viên được bầu lại 3 năm một lần. Washington sẽ chính thức trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 01/01/2022 cùng với 17 nước khác, trong đó Ấn Độ, Malaysia hay Qatar, Achentina … Giới quan sát dự báo với việc Washington hội nhập lại định chế đa quốc gia này, « nhiều cuộc tranh cãi gay go sẽ diễn ra, giữa Mỹ và Trung Quốc hay Nga ».

Dưới chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã rút lui khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Hãng tin Reuters lưu ý, trong thời gian Mỹ vắng mặt, Trung Quốc và nhiều đối tác của Bắc Kinh, như là Venezuela hay Belarus, đã tận dụng thời cơ thông qua những tuyên bố chung ủng hộ Bắc Kinh trên các vấn đề từ Hồng Kông đến Tây Tạng hay Tân Cương.

Tháng Giêng 2021, khi lên cầm quyền, tổng thống Joe Biden tuyên bố Nhà Trắng xem nhân quyền sẽ là « trung tâm » trong chính sách đối ngoại. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas Greenfiels, trong thông cáo hôm qua nhấn mạnh trong giai đoạn đầu, Washington có thể sẽ xem xét trên các hồ sơ liên quan đến Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Ethiopia, Syria và Yemen. Đại diện của Hoa Kỳ cho biết thêm là sẽ đặc biệt chú ý đến trường hợp của Israel, không để các tuyên bố « quá đáng » bất lợi cho quốc gia này.

Một cuộc điều tra do Reuters thực hiện hồi tháng 9/2021 cho thấy ngay cả chính quyền Biden đôi khi cũng đã gạt vấn đề nhân quyền sang một bên vì những ưu tiên như là « an ninh quốc gia hay nhu cầu cần nối lại đối thoại với một số nước lớn ».

Tổ chức quan sát nhân quyền UN Watch chỉ trích Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, xem cơ quan này là một « trò hề » khi kết nạp các những quốc gia chà đạp nhân quyền, như Syria, Kazakhstan …

ASEAN cân nhắc khả năng không cho lãnh đạo quân sự Miến Điện dự Thượng Đỉnh thường niên

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng 10 nước ASEAN họp khẩn hôm 15/10/2021 để thảo luận về việc có cho lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện tham dự thượng đỉnh hay không, vì Naypyidaw không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi. © Sai Aung Main AFP/File

Ngoại trưởng các nước trong khối Đông Nam Á ASEAN họp khẩn qua mạng vào hôm nay, 15/10/2021 để thảo luận về việc có nên cho phép lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên mở ra vào hạ tuần tháng 10. Lý do là chính quyền thành viên này đã cấm không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo Miến Điện bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gần đây đã bổ nhiệm Ngoại trưởng thứ hai của Brunei là ông Erywan Yusof làm đặc phái viên của ASEAN với nhiệm vụ làm trung gian hòa giải để chấm dứt cuộc khủng hoảng Miến Điện. Mới đây, nhân vật này đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Naypyidaw sau khi được thông báo rằng ông sẽ không thể gặp bà Suu Kyi và một số người khác như mong muốn. Theo Miến Điện, ông Erywan không thể gặp bà Suu Kyi vì các cáo buộc hình sự nhắm vào bà.

Theo AP, tuy nhiên, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah vào hôm nay cho biết ông đã được thông báo rằng ông Erywan có thể đi Miến Điện vào thứ Hai 18/10, hơn một tuần lễ trước Thượng Đỉnh ASEAN dự trù từ ngày 26 đến ngày 28/10.

Theo ngoại trưởng Malaysia, nhân cuộc họp hôm nay, khối ASEAN sẽ “xem xét các chi tiết của chuyến thăm được đề xuất. Nếu không có tiến triển thực sự, thì lập trường của Malaysia vẫn là không cho lãnh đạo quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh. Không thể có thỏa hiệp về điều đó”.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã ủng hộ lập trường của đồng nhiệm Malaysia và cảnh báo : “Nếu chúng ta (tức là ASEAN) giảm nhẹ yêu cầu bằng bất kỳ cách nào, uy tín của chúng ta với tư cách là một tổ chức khu vực thực thụ sẽ biến mất”.

ASEAN đã phải chịu áp lực quốc tế dữ dội trong việc có những hành động dứt khoát để buộc thành viên Miến Điện trả tự do cho nhiều nhân vật chính trị, bao gồm cả cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh quân sự ngày 01/02/2021, và đưa quốc gia này trở lại con đường dân chủ.

Việc cho phép tướng Min Aung Hlaing – lên cầm quyền tại Miến Điện sau cuộc đảo chánh – tham dự thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra qua video, có thể bị coi là hành động công nhận cuộc đảo chánh vốn đã ngăn chặn một trong những cuộc chuyển đổi dân chủ ngoạn mục nhất của châu Á trong lịch sử gần đây sau nhiều thập kỷ cai trị của quân đội.

Trong số các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN có tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã lên án cuộc đảo chánh tại Miến Điện và đã bật đèn xanh cho các biện pháp trừng phạt giới tướng lĩnh Miến Điện cung với gia đình và cộng sự viên của họ.

Tổng thư ký LHQ hoãn một hội nghị với ASEAN vì có đại diện Miến Điện

Như để nhấn mạnh đến các áp lực đang đè nặng trên ASEAN, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua 14/10/2021 đã tiết lộ : Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã yêu cầu hoãn một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng Đông Nam Á vào giờ chót để tránh phát ra tín hiệu công nhận chính quyền quân sự Miến Điện.

Cuộc họp giữa tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các ngoại trưởng ASEAN – trong đó có cả ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin – lẽ ra đã được tổ chức hôm 08/10 vừa qua. Thế nhưng một ngày trước đó, ông Guterres đã yêu cầu ASEAN hoãn cuộc họp “cho đến khi cuộc gặp có thể được tổ chức theo thể thức được cả hai bên đồng ý”.

Theo Reuters, các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc – xin giấu tên – cho biết là ông Guterres muốn chờ quyết định của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về việc ai sẽ ngồi vào ghế của Miến Điện tại định chế thế giới này sau khi nổ ra vụ tranh quyền đại điện giữa đương kim đại sứ Kyaw Moe Tun, do chính phủ dân cử Miến Điện bổ nhiệm, và người mới do chính quyền quân sự đề cử.

Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ họp vào tháng tới để xem xét vụ việc. Trong khi chờ đợi ông Kyaw Moe Tun vẫn giữ nguyên vị trí.

Pháp: Tất cả các trường học tưởng niệm nhà giáo Samuel Paty

Trọng Nghĩa

Ảnh thầy giáo Samuel Paty tại trường trung học Rene Cassin, thành phố Bayonne, miền nam Pháp, ngày 15/10/2021. AP – Bob Edme

Một hôm trước kỷ niệm 1 năm ngày nhà giáo Samuel Paty bị một phần tử Hồi Giáo cực đoan sát hại, tất cả các trường học ở Pháp ngày hôm nay 15/10/2021 tưởng niệm giáo viên quá cố với các hình thức khác nhau: giữ một phút im lặng, tranh luận trong lớp, chiếu phim tài liệu về chủ nghĩa thế tục… Đội ngũ giáo dục được quyền quyết định về nội dung buổi tưởng niệm.

Ngay từ hôm qua, 14/10/2021, bộ trưởng Giáo Dục Pháp Jean-Michel Blanquer đã giải thích: “Các trường có quyền tự do tổ chức. Tưởng niệm có thể mang hình thức trao đổi, thảo luận. Đây là cơ hội để nói về vị trí của thầy giáo, về tri thức”.

Bên cạnh đó, ông Blanquer đã cảnh cáo: Nếu các sinh hoạt tưởng niệm này bị “phá rối”, các học sinh dính líu sẽ bị “trừng phạt”. Trên đài RMC, bộ trưởng Pháp nhắc lại rằng các biện pháp trừng phạt lẽ ra phải được áp dụng vào năm ngoái, ngay sau vụ ám sát. Vào hôm thứ Tư 13/10, bộ trưởng Nội Vụ Gerald Darmanin đã kêu gọi “triệt để cảnh giác” trong lễ tưởng niệm này, đặc biệt “bên trong và xung quanh các trường học”.

Cách nay một năm, ngày 16/10/2020, giáo viên sử – địa Samuel Paty, 47 tuổi, đã bị đâm chết và bị chặt đầu gần trường ông dạy học ở Conflans-Sainte-Honorine, một thị xã ngoại ô Paris.

Thủ phạm Abdoullakh Anzorov, một người Nga gốc Tchesnya tị nạn tại Pháp, đã bị lực lượng an ninh hạ sát ngay sau đó. Thanh niên 18 tuổi cực đoan đã ra tay sau khi nghe nói là ông Samuel Paty đã cho học sinh trong lớp xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammad.

Nhân lễ tưởng niệm ngày 16/10, một tấm biển tỏ lòng kính trọng nhà giáo Samuel Paty tại lối vào bộ Giáo Dục Pháp sẽ được chính thủ tướng Pháp khánh thành. Đồng thời, một quảng trường nhỏ, đối diện với đại học Sorbonne Paris cũng sẽ được chính thức đặt tên là Samuel Paty.

Related posts