Chuyên gia: ‘Chính trị luân hồi’ của Trung Quốc có liên quan đến các cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ

Venus Upadhayaya

Một nhà sư Phật giáo người Ấn Độ lại gần chùa Thupten Gatsal Ling Gunpa, một nhánh của Tu viện Tawang, ở Itanagar, thủ phủ của Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ vào hôm 11/10/2009. (Ảnh: Diptendu Dutta/AFP/Getty Images) Đông Dương

NEW DELHI – Các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã có một cuộc chạm trán nhỏ tại huyện Tawang ở tiểu bang Arunachal Pradesh hơn một tuần trước, sau khi 100 binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) xâm phạm vào lãnh thổ Ấn Độ mà Trung Quốc coi là vùng tranh chấp và đã đưa khu vực này vào bản đồ chính trị của họ như một địa điểm nằm trong Khu Tự trị Tây Tạng.

Cuộc đụng độ nhỏ này không gây ra bất kỳ thiệt hại nào và xảy ra gần khu vực Yangtse ở huyện Tawang, nơi biên giới không được phân định và nhận thức về lãnh thổ của cả hai bên là khác nhau. Vụ việc này đã được giải quyết sau một vài giờ khi các chỉ huy địa phương của cả hai bên nói chuyện, và cả hai bên cùng rút lui theo các giao thức và cơ chế đã thiết lập.

Vụ việc xảy ra tại Tawang chỉ vài tuần sau khi 100 binh sĩ và 55 con ngựa của PLA Trung Quốc xâm nhập ba dặm vào lãnh thổ Ấn Độ, trong khu vực Barahoti của tiểu bang Uttarakhand thuộc dãy Himalaya, và phá hủy cơ sở hạ tầng, trong đó có một cây cầu vào hôm 30/08.

Với huyện Tawang ở biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc, sự xâm phạm của Trung Quốc không phải là điều mới. Một nhà Hán học nói với The Epoch Times rằng sự quan tâm của Trung Quốc đối với khu vực này cũng như đối với các vùng của dãy Himalaya khác giáp với Ấn Độ nói chung đều có liên quan đến các chính sách Hán hóa rộng rãi hơn nhắm vào Phật giáo Tây Tạng và đặc biệt là chính sách “chính trị luân hồi” nhằm kiểm soát các địa điểm của Phật giáo Tây Tạng tại biên giới có thể trở thành nơi hóa thân tái sinh của các Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai.

Trong chuỗi sự kiện nhạy cảm này giữa Ấn Độ và Trung Quốc, vòng đàm phán thứ 13 giữa các Tư lệnh Quân đoàn của cả hai bên được tổ chức vào ngày 10/10 cũng đã thất bại do PLA chung quy là từ chối giảm leo thang và đặc biệt từ chối rút quân khỏi ba khu vực Hot Springs, Đồng bằng Depsang và Demchok ở Lãnh thổ Ladkah của Ấn Độ ở biên giới phía tây bắc của Trung Quốc.

Con trỏ màu đỏ hiển thị huyện Tawang ở vùng biên giới nằm giữa Ấn Độ (Arunachal Pradesh), Bhutan và Trung Quốc. (Ảnh: Google maps)

Tại sao Tawang lại quan trọng như vậy?

Huyện Tawang là nơi có tu viện Tawang 340 năm tuổi và là nơi sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ Sáu, ngài Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso, 1683-1706). Ông Frank Lehberger, thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn Usanas Foundation có trụ sở tại Ấn Độ, cho biết người Tây Tạng ngày nay vẫn tin rằng không có sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nơi đây một lần nữa có thể là nơi sinh của một vị Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai, khiến nhà cầm quyền Trung Quốc muốn kiểm soát và xóa sổ tu viện này.

“Một mục tiêu khả dĩ của Trung Quốc trong một ‘cuộc chiến luân hồi’ như vậy có thể là phá hủy hoặc chiếm lấy tu viện quan trọng này ở Tawang, để ngăn chặn việc một vị Đạt Lai Lạt Ma tương lai sẽ được xác định hoặc được giáo dục ở vùng thánh địa này,” ông Lehberger viết trong một bài báo được đăng trên trang web của Usanas hôm 15/07.

“Cái gọi là địa chính trị luân hồi thực sự là lý do chính khiến Trung Quốc kể từ năm 2008 dần dần tăng cường tuyên bố mang tính gây tranh cãi đối với thị trấn và tu viện cổ Tawang này.”

Truyền thống độc đáo của Tây Tạng – thiết lập hệ thống luân hồi của các bậc thầy tâm linh hoặc nhà cầm quyền tôn giáo lỗi lạc – được gọi là Tulku.

“Các Tulku chủ yếu được công nhận ở độ tuổi sơ sinh và sau đó được giáo dục và nuôi nấng trong môi trường tu viện, để sau này nắm giữ vai trò của những người trông coi tôn giáo, những người được giao phó việc duy trì sự truyền thừa không gián đoạn của các dòng giáo lý Phật Giáo cụ thể,” ông Lehberger viết, cho biết thêm rằng câu chuyện dựa vào dấu hiệu phép màu để nhận diện các Tulku đã biến họ thành kẻ thù của ĐCSTQ.

Ông Lehberger nói, “Những phẩm chất hiếm có này thường biến họ trở thành kẻ thù của những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin và Mao vô thần, những người chỉ coi hệ thống Tulku là mê tín, phản động, theo chủ nghĩa tinh hoa, và phong kiến về bản chất.”

“Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Stalin và các đồng minh địa phương của ông ta trong Đảng Cộng sản Mông Cổ là những người đầu tiên bức hại, bỏ tù và sát hại nhiều vị Tulku Mông Cổ trong các cuộc chiến chống Phật giáo những năm 1930 tại Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ lúc mới thành lập.”

Quân nhân Ấn Độ thắp nến tưởng nhớ những người lính đã hy sinh trong chiến tranh Ấn–Trung năm 1962 tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Tawang ở Arunachal Pradesh vào hôm 20/10/2012. (Ảnh: Biju Boro/AFP/Getty Images)

Địa chính trị đằng sau quá trình Hán hóa

Dự án Một Vành đai Một Con đường (OBOR) của Trung Quốc gắn với giấc mộng của lãnh đạo Tập Cận Bình rằng CHND Trung Hoa sẽ trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vào giữa thế kỷ này, khi CHND Trung Hoa kỷ niệm 100 năm [chính quyền] cộng sản lên nắm quyền. Theo ông Lehberger, “công cụ địa chính trị” này nhằm mục đích liên kết vùng nội địa phía tây của Trung Quốc, nơi có dân cư chủ yếu không phải là người Hán, với Pakistan và các quốc gia Trung Á khác.

Ông Lehberger cho biết, “Người Tây Tạng và các nhóm dân tộc lớn không phải người Hán khác đã sống trong nhiều thế kỷ trên những vùng núi và sa mạc giàu tài nguyên thiên nhiên – trông ra và sát hai bên sườn các tuyến đường thương mại cổ xưa – giờ đây đã bắt đầu đan xen với OBOR ngày nay, nối Trung Quốc với Trung Á và Ấn Độ Dương.” Ông cho biết kể từ năm 2015, ông Tập đã bắt đầu coi các nhóm dân tộc này như một loại rủi ro an ninh địa chính trị.

Ông Lehberger nói, ông Tập muốn giải quyết nguy cơ này bằng cách Hán hóa hoặc đồng hóa các nhóm dân tộc khác nhau vào văn hóa và xã hội chủ lưu của người Trung Quốc gốc Hán. Bất kỳ ai phản đối điều này đều sẽ phải đối mặt với sự loại bỏ hoặc trục xuất bằng vũ lực quân sự.

“Đây thực sự là một hình thức diệt chủng, làm gợi nhớ đến các chính sách trục xuất của chủ nghĩa Stalin ở Liên Xô trong những năm 1930 và 1940,” ông nói và giải thích rằng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc (UFWD) đã trở thành một công cụ được ĐCSTQ lựa chọn để đạt được quá trình Hán hóa các nhóm dân tộc khác nhau bao gồm cả người Tây Tạng.

Ông Lehberger viết, “Người đứng đầu UFWD, ông Vưu Quyền đã tuyên bố hôm 15/09/2020, rằng tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc đều phải ‘theo định hướng của Trung Quốc’ và Phật giáo Tây Tạng cũng cần phải được ‘hướng dẫn trong việc thích nghi với môi trường xã hội chủ nghĩa.’ Lãnh đạo của cơ quan tương đương với Thượng viện của một quốc gia, ông Uông Dương, cũng đã thực hiện một chuyến thị sát tại một khu vực TAC [Quận tự trị Tây Tạng] xa xôi ở tỉnh Thanh Hải, nơi mà ông này đã ca ngợi về ‘những ưu điểm và lợi thế’ mà quá trình Hán hóa sẽ cung cấp cho người Tây Tạng.” 

Cờ trang trí Tu viện Phật giáo Ấn Độ Tawang ở góc tây bắc của tiểu bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ vào hôm 06/11/2009, trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma. (Ảnh: Diptendu Dutta/AFP/Getty Images)

Các vị Tulku và biên giới với Ấn Độ

Mối quan tâm của Trung Quốc, trong đó có việc xâm lược quân sự vào Tawang và các vùng khác của Himalaya chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng, đều có liên quan đến nỗ lực thao túng dòng dõi kế vị của các vị Tulku lớn vì mục tiêu chính trị, ông Lehberger cho biết trong bài báo của mình.

Ông cho biết dòng dõi của các Đạt Lai Lạt Ma đã nắm quyền chính trị và tôn giáo ở Tây Tạng trong suốt 379 năm và hiện giờ ông Tập lại muốn đánh cắp truyền thống lâu đời này để bảo đảm sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với Phật giáo Tây Tạng — Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc (SARA) và UFWD đang có một kế hoạch lâu dài nhằm làm gián đoạn bất kỳ quá trình tìm kiếm và nhận diện Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo nào trong tương lai.

“Để phòng trước một hành động như vậy của Trung Quốc, Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn đã từng tiên tri rằng ‘chuyển thế thân của ngài sẽ xuất hiện ở một đất nước tự do.’ Điều này có thể đồng nghĩa với việc tại một thời điểm nào đó sau này, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ mười lăm tương lai rất có thể sẽ được tìm thấy trong các cộng đồng dân tộc Tây Tạng của Ấn Độ ở Ladakh, Himachal Pradesh, Sikkim và Arunachal Pradesh trên dãy Himalaya,” ông Lehberger nói, cho biết thêm rằng các tiểu bang Ấn Độ này là nơi sinh sống của các nhóm dân cư nói tiếng Tây Tạng bản địa.

Dọc theo dãy Himalaya, tại các tiểu bang Ấn Độ này, có “rất nhiều tu viện cổ, [nơi] các dòng tu của các đại sư uyên bác được lưu giữ tồn tại mà đều đang nằm ngoài sự kiểm soát của ĐCSTQ và bộ máy hành chính tôn giáo của họ.”

Huyện Tawang, ở tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, trên thực tế chỉ cách biên giới giữa hai quốc gia vài dặm, là quan trọng trong bối cảnh này vì đây là một trong những vị trí quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng không nằm trong sự kiểm soát của ĐCSTQ mà là của Ấn Độ, theo ông Lehberger.

Ông nói, sự ra đời của Đạt Lai Lạt Ma tương lai ở Ấn Độ sẽ trở nên liên quan nhất về mặt địa chính trị với những hệ quả lâu dài.

Ông Lehberger nói rằng, “Với những người ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc ở Bắc Kinh, những hành động này sẽ không được hiểu như là một số chú thuật nhỏ bí truyền, mà là cuối cùng có thể trở thành những lý do hợp lệ để bắt đầu một cuộc chiến tranh biên giới hạn chế với Ấn Độ, giống như các cuộc đụng độ đang diễn ra ở thung lũng Galwan của Ladakh.” 

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và sự lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts