Canada phải xem xét lại chiến lược chống Trung Quốc và học hỏi Úc?

Thùy Dương

Tàu ngầm hạt nhân USS Illinois (SSN 786) của Hải quân Hoa Kỳ tại căn cứ Trân Châu Cảng ngày 13/09/2021. Đây sẽ loại tàu ngầm Úc mua của Mỹ. AP – Petty Officer 1st Class Michael B Zingaro © AP / Petty Officer 1st Class Michael B. Zingaro

Trong 2 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã trừng phạt Canada và Úc vì những hành động mà Bắc Kinh xem là đáng trách, bằng cách giam giữ bất công một số công dân của Ottawa và Canberra, bất ngờ lập các rào cản thương mại nghiêm ngặt. Canada và Úc đều là thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, cùng với Anh, Mỹ và New Zealand, nhưng Ottawa và Canberra lại có cách phản ứng khác nhau trước Trung Quốc.  

Tại sao Canada không tham gia vào thỏa thuận AUKUS, tại sao Canberra lại có hướng đi khác với Ottawa để đối phó với những trường hợp tương tự như Úc gặp phải ? Đâu là những lĩnh vực Úc và Canada có thể có cùng cách tiếp cận để đối phó với Trung Quốc? Trên đây là những câu hỏi hai chuyên gia Margaret McCuaig-Johnston, Đại học Ottawa của Canada và John Garrick, Đại học Charles Darwin của Úc, đặt ra trong bài viết “Canada phải xem xét lại chiến lược với Trung Quốc và học hỏi Úc”, bài viết đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 24/09/2021.  

Phương pháp thô bạo của Bắc Kinh  

Trung Quốc đã bắt giữ công dân của cả hai nước sau khi Úc yêu cầu điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19 còn Canada bắt giữ giám đốc tài chính Hoa Vi Mạnh Vãn Châu thể theo yêu cầu của Washington. Các công dân Canada, Michael Spavor, Michael Kovrig và công dân Úc Cheng Lei được coi là nạn nhân “ngoại giao con tin” của Bắc Kinh.  

Tại thủ đô Canberra, Úc, đại sứ quán Trung Quốc đã đưa ra tối hậu thư gồm 14 điểm yêu cầu Úc thay đổi chính sách, trách móc Canberra vì những bình luận liên quan đến thủ tục pháp lý mà Bắc Kinh tiến hành nhắm vào Michael Spavor và Robert Schellenberg, một công dân Canada bị kết tội buôn bán ma túy và bị kết án tử hình ở Trung Quốc.  

Bắc Kinh đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt về thuế quan nhắm vào một số lĩnh vực của Úc và Canada. Vào tháng 06/2021, Trung Quốc còn kiện Úc lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về thuế quan áp đặt đối với sản phẩm thép. Sau khi Canada khởi kiện Trung Quốc lên WTO về cải trồng để ép dầu, Bắc Kinh đã tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra liên quan tới đơn kiện của Canada. Các hành động kiểu như vậy gây ra những tác động đối với tất cả các cường quốc tầm trung và trong quan hệ của họ đối với Trung Quốc.

Giết gà dọa khỉ  

Nói một cách đơn giản, thì thời kỳ “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc đã qua. Trên trường quốc tế, Trung Quốc nay là một cường quốc tích cực quảng bá hệ thống kinh tế và chính trị của mình như một giải pháp thay thế hợp pháp cho một trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo và tuân theo các quy tắc, bao gồm cả việc phát triển sức mạnh hàng hải và hàng không vũ trụ một cách mạnh mẽ nhất và nhanh nhất.  

Các phản ứng thù địch từ Trung Quốc có thể xảy ra nếu Bắc Kinh thấy các bên có quyết định không có lợi cho mình. Thực vậy, Trung Quốc đã nhắm vào các cường quốc bậc trung như Úc và Canada để buộc họ phải phục tùng và lấy đó làm bài học cho những quốc gia khác. Đó là chiêu  “giết gà, dọa khỉ”, theo cách nói của người Trung Quốc. Bắc Kinh đã cho Ottawa biết rằng Canada không phải là một cường quốc bậc trung, mà chỉ là một cường quốc nhỏ và Ottawa phải ngưng dựa dẫm vào nước Mỹ.  

Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa coi Úc và Canada là « các mục tiêu chủ yếu » bởi hai nước này có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Hoa Kỳ, lại vừa coi họ như « các mục tiêu dễ hạ » vì Canberra và Ottawa đều lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Do đó, Trung Quốc có thể « trút giận » lên Ottawa và Canberra mà không sợ phải hứng chịu nhiều rủi ro, và qua đó chứng tỏ cho nhiều nước khác thấy tầm quan trọng của việc không làm mất lòng Bắc Kinh. Về phía Canada và Úc, cả hai đều là nguồn cung quan trọng nhiều loại tài nguyên thiên nhiên rất cần thiết cho Trung Quốc và không bên nào muốn mạo hiểm đánh mất các mối quan hệ thương mại quý giá này.  

Ngoại giao kín đáo hay lập trường vững vàng?  

Các cường quốc bậc trung không dễ dàng đối phó với Trung Quốc và Canada, Úc đã phản ứng theo những cách khác nhau.  

Canada đã cố gắng sử dụng phương thức ngoại giao kín đáo, nhưng trong suốt nhiều tháng, Bắc Kinh thậm chí không đáp lại các cuộc gọi từ Ottawa. Canada đã không cho Trung Quốc thấy rằng Bắc Kinh sẽ phải gánh hậu quả vì các hành động mà Trung Quốc nhắm vào công dân và thương mại Canada. Theo hai tác giả, đó là vì truyền thống chính trị của Canada khuyến khích Ottawa không trả đũa một hành động trong một lĩnh vực bằng biện pháp trừng phạt ở một lĩnh vực khác. Nhà chức trách Canada lo ngại là việc trả đũa sẽ vượt tầm kiểm soát của Ottawa.  

Canada cũng né tránh đưa ra các biện pháp có thể khiến Trung Quốc nổi giận, do đó vẫn chưa công bố quyết định, chẳng hạn liên quan đến việc phân phối mạng truyền hình Trung Quốc CGTN. Ottawa cũng kiềm chế trong việc ủng hộ Đài Loan, một nền dân chủ đang đối mặt với sự đe dọa quân sự từ Trung Quốc.  

Trong khi đó, nước Úc đã thể hiện lập trường cứng rắn : không cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi được quyền tiếp cận chương trình phát triển mạng di động 5G của Canada với các lý do an ninh quốc gia, áp dụng luật yêu cầu đăng ký đối với các nhân viên làm việc cho “cơ quan nước ngoài” và cập nhật đạo luật về những biện pháp trừng phạt.  

Năng lực tầu ngầm  

Riêng trong lĩnh vực tàu ngầm, Canada đã soạn thảo một chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương gồm các yếu tố công nghệ và an ninh. Từ cách nay khá lâu, người ta đã ủng hộ việc Canada nên có năng lực tàu ngầm hiện đại để bảo vệ tốt hơn 3 bờ biển của nước này, bao gồm cả Bắc Cực, nơi Trung Quốc đã thông báo ý định xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự. Rõ ràng là Canada sẽ hưởng lợi nếu tham gia liên minh AUKUS.  

Tuy nhiên, AUKUS không chỉ giới hạn ở các tàu ngầm theo công nghệ mũi nhọn mà thỏa thuận còn liên quan đến chia sẻ các thông tin chiến lược, hợp tác về an ninh mạng, tin học lượng tử, trí thông minh nhân tạo và các công nghệ về tàu ngầm. Và đó cũng chính là những lĩnh vực công nghệ thế mạnh của Canada.  

Hai nhà nghiên cứu nhấn mạnh chính phủ Canada mới tái đắc cử phải phát triển một chiến lược vững chắc để đối phó với Bắc Kinh. Các phản ứng thụ động như hiện nay của Canada rõ ràng không ngăn cản được các cuộc tấn công của Trung Quốc.  

Chính phủ Ottawa dự kiến sẽ sử dụng nhiệm kỳ mới để thảo luận với các thành viên liên minh AUKUS về cách Canada có thể hợp tác với đồng minh về các công nghệ mũi nhọn. Với tư cách là một quốc gia thuộc Thái Bình Dương, Ottawa sẽ thảo luận về cách thức nước này có thể đóng góp vào an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hai tác giả kết luận Ottawa cần nghiêm túc tính tới việc gia nhập hiệp ước an ninh mới AUKUS.  

Thế nhưng, có lẽ mọi chuyện sẽ không đơn giản như vậy cho Canada. Ngày 12/10/2021, trong bài viết « Canada một mình đối phó với Trung Quốc sau liên minh AUKUS », báo Pháp Le Figaro nhận định việc Mỹ, Anh, Úc, vốn là ba đồng minh của Canada trong liên minh Ngũ Nhãn/Five Eyes, đã gạt Ottawa ra bên lề, thậm chí không báo trước cho Ottawa ý định ký hiệp ước thành lập liên minh AUKUS, cho thấy Canada đã mất uy tín quốc phòng trong mắt 3 đồng minh. Vụ Ottawa liên tục do dự, chần chừ trong việc cho dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi sang Mỹ cũng cho thấy Canada yếu thế trước Trung Quốc.  

Câu hỏi đặt ra là liệu AUKUS có muốn kết nạp một thành viên « sợ » chọc giận Bắc Kinh như Ottawa? Và liệu Canada có đủ dũng cảm một lần nữa đương đầu với cơn giận của Trung Quốc? Bài học « ngoại giao con tin » chắc chắn chưa dễ rơi vào lãng quên ở quốc gia này. 

Related posts