Phụng Minh
Cựu ngoại giao Ấn Độ Deepak Vohra đã viết trên FirstPost hôm thứ Sáu (ngày 15/10) rằng tình hình ở Trung Quốc không lạc quan, và họ đã nhận thấy mình đang ở trong tình trạng chia rẽ nội bộ và cô lập toàn cầu.
Ông viết: “Về mặt kinh tế, chiến lược và thậm chí cả về chính trị, Trung Quốc đang ở trong tình thế khó khăn. Nếu không bù đắp được, thì giấc mơ siêu cường của họ sẽ sớm tan thành mây khói”.
Ông đã tóm tắt các cuộc khủng hoảng khác nhau mà Trung Quốc phải đối mặt từ các khía cạnh trong và ngoài nước. Theo ông Vohra, chiến lược ĐCSTQ mà sử dụng thường là gây hấn bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý trong nước. Bài viết này giới thiệu các vấn đề trong nước của Trung Quốc.
Chính phủ đầu tư không kiểm soát tạo ra “trái đắng kinh tế“
Ông nêu ví dụ, vào tháng 5/2020, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ lần đầu tiên trong lịch sử không đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nợ của Trung Quốc được ước tính là gấp ba lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra khoản vay mới trị giá 2 nghìn tỷ USD cho hệ thống tài chính.
Đầu tư của các hộ gia đình Trung Quốc vào bất động sản chiếm khoảng 40% tổng tài sản trung bình của hộ gia đình. Trong vòng chưa đầy mười năm, Trung Quốc được biết đến là nước có tỷ lệ nợ cao nhất trong các nước đang phát triển.
Ông Vohra nói rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự đầu tư không kiểm soát của chính phủ, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp kim loại, xi măng và các ngành công nghiệp khác, các tòa nhà chung cư bỏ trống và sử dụng ít cơ sở hạ tầng như tàu điện ngầm, đường ống dẫn dầu và cảng.
Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng hầu hết chính quyền địa phương và các công ty quốc doanh của Trung Quốc đều có những khoản nợ khổng lồ. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tuyên bố trong đánh giá tháng 9/2021 rằng nợ chính quyền địa phương ẩn của Trung Quốc là hơn một nửa GDP của nước này.
Tập đoàn Hằng Đại, công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng nợ khổng lồ với số nợ vượt quá 305 tỷ USD. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc có thể bắt nguồn từ cuộc cải cách thuế năm 1994. Kể từ đó, bất động sản đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của kho bạc trung ương. Một số nhà phát triển bất động sản lớn như Hằng Đại cũng đã trở thành con bò sữa cho chính quyền địa phương.
Bởi vì điều này, ngay cả một bài báo gần đây được xuất bản trên tạp chí Cầu Thị (Qiu Shi), cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, đã kêu gọi “tăng trưởng thực tế” chất lượng cao, và cơ sở kinh tế nên là tiêu dùng (được thúc đẩy bởi sự gia tăng thu nhập hộ gia đình hơn là sự gia tăng nợ của hộ gia đình), xuất khẩu và đầu tư kinh doanh.
Cơ cấu dân số sụt giảm
Dân số là một yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng dài hạn của một quốc gia hay khu vực.
Lịch sử phát triển kinh tế hiện đại ở Châu Âu và Nhật Bản cho thấy khi độ tuổi trung bình tăng lên, áp lực kinh tế và chính trị gia tăng. Tăng trưởng GDP tiềm năng của bất kỳ quốc gia nào là một hàm của tăng trưởng dân số và năng suất.
Do chính sách một con liều lĩnh của ĐCSTQ (từ 1979 đến 2015), Trung Quốc hiện đang già đi nhanh chóng. Đến năm 2050, tỷ trọng dân số trên 65 tuổi sẽ tăng từ 15% vào năm 2020 lên 33% trong 30 năm và con số tương ứng ở Ấn Độ sẽ tăng từ 5,6% (2020) lên 14,2% (2050), Hoa Kỳ sẽ tăng từ 14,6% (năm 2020) lên 23,2% (năm 2050).
Khi đó, Trung Quốc sẽ cần phải chi nhiều tiền cho y tế, phúc lợi xã hội và lương hưu; đồng thời, nước này sẽ phải đối mặt với một thách thức khác là tỷ lệ tiết kiệm ngày càng giảm.
Ông Vohra cho rằng, nói cách khác, Trung Quốc sẽ già đi trước khi đạt đến mức độ giàu có ở các nước như Hoa Kỳ, Singapore và Nhật Bản.
Hoạt động công nghiệp chậm lại và cắt giảm điện
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính rằng một nửa các hoạt động công nghiệp của Trung Quốc có thể đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Nhà máy bị đóng cửa và hàng triệu gia đình phải sống trong bóng tối do mất điện, thậm chí có người phải leo bộ lên cao hơn 10 tầng vì không có điện chạy thang máy.
Đồng thời, chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Giá cả tăng và sản lượng giảm có thể mang lại nhiều rắc rối hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã chịu áp lực rất lớn.
“Giá các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc tăng, cùng với sự chậm trễ quy mô lớn trong vận chuyển toàn cầu, cũng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, bởi vì các nước này cũng đang đối phó với vấn đề giá dầu và khí đốt tăng vọt”, The Wall Street Journal hôm thứ Năm (ngày 14/10) cho biết.
Nông nghiệp sụp đổ, giá lương thực tăng cao
Vào tháng 8/2021, ĐCSTQ đã kêu gọi chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm. Theo một cuộc khảo sát, người tiêu dùng Trung Quốc lãng phí khoảng 17-18 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, đủ để nuôi sống 50 triệu người mỗi năm.
Ông Vohra nói rằng phong trào của ĐCSTQ cho thấy Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng lương thực.
Bắc Kinh đã và đang đối mặt với một nhiệm vụ gian nan là nuôi sống 20% dân số thế giới với 7% diện tích đất canh tác trên thế giới. Họ đã xem xét việc cho thuê đất nông nghiệp ở châu Phi, nhưng do vẫn còn quá ám ảnh về việc chiếm đoạt thuộc địa, không quốc gia châu Phi nào sẵn sàng chấp nhận cách tiếp cận này.
Giá lương thực của Trung Quốc đã tăng vọt trong năm qua và lúa mạch, ngô, lúa miến và lúa mì nhập khẩu đã tăng gấp đôi trong 12 tháng.
Vừa thiếu nước, vừa thường xuyên lũ lụt
Năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng tình trạng thiếu nước đe dọa sự tồn vong của đất nước Trung Quốc. Mức tiêu thụ nước bình quân đầu người của Trung Quốc đã bằng 1/4 mức trung bình toàn cầu. Cùng với việc quản lý nước kém hiệu quả và ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng, Trung Quốc là nơi sử dụng phân bón hóa học trên mỗi ha nhiều nhất trên thế giới.
Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, kể từ năm 2000 đến nay, hơn một nửa số con sông của Trung Quốc đã biến mất. Tuy nhiên, các quan chức cáo buộc rằng điều này là do sai sót thống kê và biến đổi khí hậu, và họ không bao giờ tự kiểm điểm! Đợt hạn hán kéo dài 4 tháng trong năm 2018 là chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc.
Một nghiên cứu gần đây của Greenpeace cho thấy rằng vào năm 2030, khi Trung Quốc đạt đến “đỉnh cao về sử dụng nước”, lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc sẽ vượt quá lượng nước cung cấp.
Đồng thời, hàng năm Trung Quốc cũng phải đối mặt với lũ lụt quy mô lớn. Lũ lụt gặp phải ở Trịnh Châu trong năm nay và việc xả lũ không báo trước của các hồ chứa ở nhiều nơi khác nhau đã khiến người dân phải chọn cách tự cứu mình và không thể mong đợi sự giải cứu kịp thời của chính phủ.