Du Uyên
Sài Gòn đang từng bước ngồi dậy, sau chuỗi thời gian dài nằm nhìn lãnh đạo đánh nhau với con virus bằng hàng rào kẽm gai và những phát biểu “đanh thép”…
Nạn kẹt xe chưa trở lại, nhưng Sài Gòn đã rất ồn ào, bừng tỉnh cái rụp sau những đêm dài u ám. Gần nửa năm rồi thị dân mới nghe lại được những tiếng rao thân yêu, hứa hẹn đầy… mỡ bụng: “bò pía đây”, “ hột vịt lộn, bắp xào đây”, “bánh mì nóng đây”, “ve chai mủ bể đồ bán hông”… Những người bán vé số dạo chưa được buôn bán lại, nhưng hy vọng sẽ sớm thôi. Cũng thiệt lâu rồi, sáng sáng người Sài Gòn mới được đánh thức bằng mùi cà phê rang xay thơm ngào ngạt, mùi cơm tấm/phở bay lượn lờ muôn nơi không thèm gõ cửa… Nền kinh tế vỉa hè, hẻm hóc bắt đầu xôm tụ.
Cầm ly cà phê nhựa 20 ngàn VND mà rớt nước mắt cảm động, vì chú chủ quán vẫn còn mạnh khỏe. Làm tôi nhớ nhiều người quen như hai vợ chồng chủ quán bún riêu nổi tiếng, cô chủ tiệm chè tôi ăn hơn 10 năm qua, chị bán chuối chiên ở trước cổng trường cũ… đã cùng nhau đi về đất vì cúm Vũ Hán và nhiều người bạn thân, sơ khác nữa…
Rồi đi ngang mấy khu khách sạn cho thuê theo giờ, thấy người ta bày bảng hiệu 60k/giờ chớp chớp trở lại rồi, chứ không im lìm tăm tối, trống trơn như trước. Ðọc báo, nghe nói có vụ đánh ghen ở đâu đó, thấy cũng vui vui.
Mấy ngày đầu mở cửa, đông nhất có lẽ là tiệm vàng và tiệm cầm đồ, người dân ra bán vàng/cầm đồ để lấy tiền sinh hoạt/về quê/trả nợ… ta nói rần rần. Ðông nhì có lẽ là ngân hàng, các cơ quan thuế và trạm đăng kiểm xe; người ta đi bán vàng/cầm đồ xong thì ra đó trả lãi ngân hàng, đóng thuế, kiểm tra xe và đóng phí thường niên nếu không muốn bị phạt. Ðông thứ ba, chắc là những nơi cho “vay nóng”, bà con buôn bán nhỏ lẻ coi như đã “đứt vốn” sau bao ngày ở nhà, vì vậy, họ phải đi vay. Mà buôn bán nhỏ, có gì thế chấp cho ngân hàng đâu mà được nhà nước cho mượn nợ, vì vậy phải tìm đến những nơi cho vay lãi cao để gầy dựng lại cuộc sống… Ðông thứ 4, là bệnh viện, người dân không chỉ bị cúm Vũ Hán mà còn những bệnh nặng mãn tính như: tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm ruột thừa… Hay viêm gan siêu vi B/C, ung thư, suy thận, suy gan, suy tim, suy dinh dưỡng… Theo các bác sĩ, trong thời gian giãn cách do dịch, lượng người chết tăng cao có hai loại: do dịch và do các bệnh nặng khác nhưng không được đến bệnh viện kịp, hoặc kịp nhưng bệnh viện quá tải hoặc không được thăm khám chu đáo. Chưa kể là đã có rất nhiều bác sĩ/nhân viên y tế cảm thấy muốn bỏ nghề vì những bất công từ cấp trên và Bộ y tế VN trong đại dịch. Túm lại, ở Việt Nam, ngành y lúc nào cũng “đắt” khách.
- Nhân viên cô cũng ở trong hàng trăm ngàn người đang bị kẹt tại cửa ngõ các tỉnh, chờ được về quê, xa chốn đô thành hoa ít lệ nhiều. Theo nhà báo trong nước nói là họ đã bị «đối tượng xấu» lên mạng «kích động» về quê. Còn theo cô chủ quán phở kiêm người từng thuê những người dân nhập cư thì: «Khổ quá mà, về chứ ở đây chi nữa? Thơi thơi ít bữa, nhà nước cho thì tao cũng về. Già rồi, ngồi xe máy cả trăm cây số thì cột sống nào chịu cho nổi”. Cô thì giỏi đếm tiền chứ không rành chữ nghĩa, nên chắc chắn không lên mạng, không “đối tượng xấu” nào “kích động” được.
- Trong cái rủi có cái may, vì người nhập cư kéo nhau về kha khá, khiến cho người buôn gánh bán bưng cũng ít hơn. Sẽ có ít tiệm phở cạnh tranh với cô trong thời gian ngắn. (Vì Sài Gòn là đất lành, thế nào chim cũng lại đậu. Vì vậy chừng qua Tết, tôi nghĩ Sài Gòn sẽ tiếp tục đông). Nhưng từ “tin vui” trên, lòi ra cái tin buồn khác: Trong dòng người lũ lượt ra đi kia, có khách hàng của cô và những người buôn bán khác. Vì vậy thị trường càng thu hẹp, càng cạnh tranh hơn. Chưa kể, bị nhốt mấy tháng, hầu như ai cũng biết nấu ăn, vì vậy mà khách hàng càng kén chọn hơn… Trước đây, quán phở của cô chưa bao giờ ế, cô nấu nhiều quen rồi, nên sợ bán lại ế, cô buồn.
- Gần đây, vận chuyển khó khăn, hàng hóa tăng giá cao ngất, giá giao hàng/giao thức ăn cũng tăng, khó khăn trong việc “book shipper” nữa… Mà cô cũng chưa bao giờ bán giá rẻ, giờ phải tăng thêm chút chút vì lý do trên, cô ngồi thở dài, nói: “Biết khách còn tiền để ăn không? Ở nhà miết, ăn núi cũng lở.”
- Bên cạnh những người giỏi nấu ăn hơn, bắt đầu kén chọn hơn. Thì nhiều người cũng có những vấn đề tâm lý khác sau đại dịch, như bắt đầu đề phòng nhau hơn, thấy chỗ nào đông người là không muốn ghé nữa, quen tay nên mua cái gì cũng xịt cồn nồng nặc nên… không mua nữa. Con người giờ càng sợ nhau hơn, vì dịch chưa qua mà nạn lừa đảo, cướp giật đã tăng cao… Thậm chí là rất nhiều người không muốn ra ngoài nữa, có thể đã ở quá lâu trong nhà cũng quen, hoặc cảm thấy bất an với mọi thứ xung quanh. Như tôi, hôm rồi đi bộ ra đường mà phải đi theo đuôi người ta qua đường vì xe đông quá, sau đó còn đi lạc một hồi vì mấy cái tiệm quen đóng cửa hết trơn, mất phương hướng về nhà.
Theo khảo sát mới đây từ trang Business Week, hơn 52% người làm việc văn phòng tại Sài Gòn sẵn sàng chịu giảm lương để duy trì làm việc tại nhà sau dịch Covid-19. Cũng theo đó, 49% trong tổng số nhân viên khi được hỏi cho biết mình sẽ nghỉ việc nếu không có được môi trường làm việc hiệu quả. Những lý do họ đưa ra là: Chưa được chích vaccine, nhà từng có người nhiễm bệnh, ở nhà có thể hoàn thành công việc mà còn có thể học thêm/làm thêm công việc khác, môi trường công sở không an toàn/quá nhiều thị phi hoặc đơn giản là họ không muốn/dám ra đường nữa…
Ðọc các bình luận của cư dân mạng VN về vấn đề này thì đa số là phê phán, nói người ta làm biếng, người ta thích tự do làm biếng mà không bị sếp rình… Chứ bên các nước phát triển, người ta đã có hẳn một nghiên cứu về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng đây là “hội chứng hang động” (cave syndrome). Một cú sốc tâm lý sau thời gian dài người ta phải ở nhà. Ở các nước phương Tây thì tôi không biết sao chứ ở Việt Nam, hội chứng này chắc chỉ dành cho người có tiền, những người có thể làm việc online, không dành cho tất cả người dân Việt, nhất là những người phải chạy ăn từng bữa, đang mong chờ được ra đường «bán mặt cho đất, bán lưng cho trời».
Ngay cả cô bán phở cũng không dám mắc chứng này, dầu cô lo sợ đủ thứ, không biết nên mở cửa hàng liền hay không.
Ðừng lo, thế giới luôn không công bằng, khi người giàu sướng thì người nghèo khổ đã đành. Khi người giàu khổ thì người nghèo cũng chẳng sướng hơn. Người nghèo cũng có hội chứng khác, của riêng họ. Hội chứng “khủng hoảng niềm tin”, “khủng hoảng nhân đạo” đã xảy ra. Qua những hình ảnh trẻ nhỏ bị ngất xỉu, thai phụ bị sẩy thai, thanh niên đột quỵ vì chạy xe kiệt sức, người người đi bộ/đi xe đạp/xe máy, chở hết gia tài lẫn thú cưng… cùng sốt ruột hồi hương khắp các trang mạng xã hội. Hoặc hình ảnh họ hùng hổ phá “chốt”, đánh nhau để được vượt hàng rào… dầu chịu đe dọa từ người của chính quyền. Tất cả tưởng như trong các bộ phim về ngày tận thế của Hollywood, nhưng nó là thật, nó vẫn đang xảy ra khi con người trên thế giới này bị “hội chứng hang động”, bị căng thẳng, bị trầm cảm, bị mất người thân hoặc không bị gì sau đại dịch…
– Năm 1558: Chúa Nguyễn Hoàng mang theo gia đình, quân lính, cùng những đồng hương vào Ðàng Trong lập nghiệp
– Năm 1698: Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cùng con dân miền Trung băng rừng vượt núi vào miền Nam khai khẩn đất đai.
– Năm 1954: Hơn 1 triệu đồng bào di cư vào Nam sau ngày chia đôi đất nước.
– Năm 1975: và trải dài đến những năm gần đây, hàng triệu người “đi Nam” tìm kiếm cơ hội đổi đời.
…
– Năm 2021: Hàng vạn người dân rời bỏ miền Nam, vượt vạn dặm thiên lý trên xe máy, trên từng bước chân trần nhọc nhằn trong mùa mưa bão để về quê hương tìm đường sống.
Vì vậy, tôi cảm thấy, Sài Gòn lần mở cửa này, cũng chính là dịp cho rất nhiều người mở mắt…
Mở mắt để nhìn vào sự thật.
Du Uyên