Trong tuần qua, cái tên Frances Haugen xuất hiện hầu như trong các bản tin và bài báo thời sự nước Mỹ và thế giới. Là một “whistleblower” – người thổi còi, Frances đã trưng ra nhiều tài liệu và ra điều trần trước Quốc Hội khi tố cáo những chính sách của Facebook có thể gây nguy hại cho các thiếu nữ và dung dưỡng cho việc lan truyền các thông tin kích động sự chia rẽ và hận thù. Nhân việc này, mời các bạn cùng tìm hiểu xem “whistleblower” là gì trong hành xử và văn hóa nước Mỹ?
Những thiệt hại tài chính khi cổ phiếu của Facebook rớt giá sẽ không bất lợi và làm mất uy tín của Facebook bằng việc hãng này bị “thổi còi”. Theo điều trần của Frances, Facebook biết và có thể thay đổi để ngăn chận nhưng vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu trước việc ứng dụng Instagram có thể gây hại cho trẻ nhỏ, vẫn để người sử dụng lan truyền tin tức giả mạo, hận thù và làm suy yếu nền dân chủ. Hành động và tính cách như Frances vẫn thường xảy ra trong xã hội Mỹ. Vậy thế nào được xem là “thổi còi” hay “người thổi còi”?
Thông thường thì phần lớn người thổi còi có thể báo cáo lại sự vụ với cấp trên của mình hay lên phòng nhân sự. Tuy nhiên những việc lớn mang tính cách quy mô và hệ thống của hãng hay những cấp lãnh đạo thì việc báo cáo nội bộ này mất tác dụng nên họ có thể tiết lộ cho báo chí hay các cơ quan công quyền giám sát các hoạt động liên quan. Trong một số sự việc mang tầm quốc gia thì người thổi còi có thể liên lạc đến các văn phòng các cấp dân cử địa phương hay liên bang, hoặc thẳng lên Quốc Hội.
Việc tố giác này được xem phụ thuộc vào tính cách và đạo đức của người thổi còi, những người không chọn sự im lặng do đồng lõa hay sợ hãi trước những điều hay hành động mà họ nghĩ hay biết là sai trái. Ðây là một tính cách mà trẻ em Mỹ đã được thọ giáo và thực hành từ nhỏ. Các học sinh luôn được khuyến khích báo lại cho thầy cô những hành động sách nhiễu học đường (bully), không chỉ với mình mà cả khi nó xảy ra với các bạn bè đồng học khác. Lớn hơn, các em có thể chọn báo lên ban giám hiệu hay kể lại cho phụ huynh về những hành vi phản giáo dục hay sai phạm của một số ít giáo viên nào đó. Khi trưởng thành, điều này trở thành một tính cách của không ít các em và mang theo vào công việc của mình.
Tuy nhiên không phải việc “thổi còi” hay báo cáo nào cũng bị xem là bất lợi cho hãng. Có những giải pháp kỹ thuật hiệu quả hơn hay một sản phẩm tốt hơn hoặc tiết kiệm nhiều hơn được ra đời nếu việc thổi còi này liên quan đến các quy tắc sản xuất và người thổi còi thấy có sự yếu kém, cần thay đổi và sẵn sàng báo cáo lên cấp trên.
Văn hóa lên tiếng, nếu chính xác và trung thực thì không chỉ là một thái độ và vấn đề đạo đức cá nhân mà còn là một ý thức nhắm đến một xã hội tốt đẹp hơn. Không phải xã hội hay quốc gia nào cũng có được những con người và một tập quán tốt đẹp như vậy, ngay cả khi tổng thống có những hành động bị xem là có thể gây nguy hại cho quốc gia vẫn có thể bị thuộc cấp “thổi còi”.