J.M. Phelps
Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mối đe dọa đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) từ Trung Quốc cộng sản là một trong những vấn đề thương mại quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt.
Nhưng gốc rễ của tình trạng này nằm ở một vấn đề lớn hơn, một vấn đề hiếm khi được thảo luận công khai, theo ông Evan Anderson, Giám đốc Điều hành của INVNT/IP, một sáng kiến Dịch vụ Tin tức Chiến lược.
Ông Anderson nói với The Epoch Times: “Vấn đề không được thảo luận nhiều nhất này dẫn đến một bài toán nan giải hơn mà mọi người vờ như không tồn tại là — theo luật pháp Trung Quốc – các công ty không thể từ chối làm việc cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Ông nói, chính nhờ những luật này mà chính quyền Trung Quốc có thể huy động toàn xã hội trong nỗ lực đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ ngoại quốc.
Ông Anderson, người mà cuốn sách tóm tắt năm 2016 có nhan đề “Theft Nation” (“Quốc gia Kẻ cắp”) của ông được giới thiệu trên một trong những phóng sự điều tra được xem nhiều nhất của chương trình “60 Minutes”, nói rằng “5 năm trước, mọi người không hoàn toàn tin rằng tình trạng đánh cắp IP thực sự tệ như nó vốn dĩ”.
“Hôm nay, tình trạng này không được cải thiện theo bất kỳ cách thức có hiệu quả nào”.
Tuân thủ ở trong và ngoài nước
Theo ông Anderson, Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc được ban hành vào năm 2017 là một trong những lý do bị bỏ qua nhiều nhất cho việc tiếp tục đánh cắp IP của nước này. Ngôn từ của luật này thể hiện các luật lệ và quy định mang tính ảnh hưởng sâu rộng liên quan đến an ninh quốc gia, không gian mạng, và việc thực thi pháp luật dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình.
Ông nói, “Các luật an ninh quốc gia được thông qua ở Trung Quốc trên thực tế, bằng văn bản, có nghĩa là bất kỳ công dân Trung Quốc nào, hoặc bất kỳ ai là người gốc Hoa ở ngoại quốc, đều phải tuân theo chính phủ của họ theo đúng nghĩa đen”.
Ông cho hay, theo cách những luật lệ này được viết, “các công dân Trung Quốc làm việc ở hải ngoại không nhất định có thể làm gì nếu [ĐCSTQ] yêu cầu họ đánh cắp IP”. Ông nói thêm, ép buộc là một chiến thuật quan trọng để buộc người khác thực hiện một hành động như vậy, vì tính mạng của cá nhân hoặc tính mạng của các thành viên trong gia đình của người đó có thể bị đe dọa.
“Điều Bảy chỉ ra rằng không công dân hoặc tổ chức nào có thể né tránh việc giúp đỡ MSS [Bộ An ninh Quốc gia] theo bất cứ cách nào cơ quan này muốn, [và] Điều Mười làm cho [điều khoản] đó áp dụng cho lãnh thổ ngoại quốc, vì vậy không quan trọng công dân hoặc tổ chức ở đâu trên thế giới, họ vẫn phải làm những gì họ được yêu cầu”.
Ông cho biết thêm, “Những luật lệ này viết ra thành văn bản điều mà mọi người đều biết là đã thành sự thực rồi, về căn bản quy định rằng không một cá nhân hoặc công ty nào có thể nói không với chính quyền Trung Quốc – và đó là một điều tệ hại vì chính quyền Trung Quốc đang sử dụng luật này để lấy được quyền truy cập vào dữ liệu trên khắp thế giới mà họ muốn”.
Các tác nhân trộm cắp của MSS
Ông Anderson cũng nói rằng người bình thường không nhận ra rằng một số quốc gia có “các chương trình mạnh mẽ” được thiết kế để đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ông nói, “Bỏ xa [các nước khác], Trung Quốc có chương trình lớn nhất và mạnh mẽ nhất được xây dựng riêng để đánh cắp IP. Họ chọn đánh cắp hơn là cách tân sản phẩm.”
Ông Anderson cho biết thêm, “Ví dụ, chỉ với ít tiền, thời gian, hay nỗ lực, ai đó có thể xâm nhập vào hệ thống máy điện toán của một công ty và đánh cắp mọi thứ công ty ấy biết về cách tạo ra các thiết bị y tế tốt nhất”.
Cho dù lấy được ý tưởng từ một email hay một thiết kế thực tế, ĐCSTQ có thể sử dụng loại thông tin này để tạo ra một “công ty hoặc sản phẩm bắt chước”, ông nói.
Các sản phẩm này sau đó sẽ được bán trên thị trường toàn cầu.
Ông Anderson cho hay, “Khi ai đó mua sản phẩm từ các công ty tham gia vào loại hoạt động này, nói một cách thực chất, tiền của họ sẽ đi vào két sắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ông Anderson nói, một chiến thuật được chính quyền Trung Quốc khai triển là họ thường xâm nhập vào các email để xem các hợp đồng được thương lượng như thế nào. Theo quan điểm của ông, “cách một hợp đồng được thương lượng cũng được coi là tài sản trí tuệ giống như một bản thiết kế”.
Một chiến thuật khác được sử dụng liên quan đến các mối đe dọa mạng đến từ bên trong nội bộ một công ty.
Ông nói, “Có rất nhiều mối đe dọa nội gián tại các công ty từ những người đã bị chính quyền PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và Bộ An ninh Quốc gia thỏa hiệp, và họ đang đánh cắp từ chính các công ty mà họ đang làm việc”.
Theo ông Anderson, nhiều hoạt động trong số này được “lên kế hoạch cẩn mật” và được điều phối bởi cái mà ông gọi là “các tác nhân trộm cắp IP làm việc cho MSS”. Do đó, những kẻ xâm nhập này được đào tạo để đánh cắp IP khi đang làm việc hợp pháp cho một công ty nhất định.
Những thiệt hại về kinh tế
Các chiến thuật mà ĐCSTQ sử dụng để đánh cắp IP từ Hoa Kỳ đã được các quan chức chấp pháp và tình báo cao cấp của Hoa Kỳ công nhận là một vấn đề nan giải.
Năm 2020, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Christopher Wray đã mô tả quy mô đánh cắp công nghệ và các bí mật thương mại của nhà cầm quyền này là “lớn đến mức nó đại diện cho một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.
Theo một báo cáo năm 2017 của Ủy ban Sở hữu Trí tuệ do Cục Nghiên cứu Á Châu Quốc gia [công bố], tổn thất hàng năm đến từ hoạt động trộm cắp tài sản trí tuệ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ có thể lên tới 600 tỷ USD.
Và Trung Quốc là nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới, chịu trách nhiệm cho từ 50% đến 80% tổng thất thoát do trộm cắp tài sản trí tuệ, theo ước tính của Ủy ban Sở hữu Trí tuệ.
Theo Bộ Tư pháp, khoảng 80% các vụ truy tố gián điệp kinh tế có liên can đến Trung Quốc.
Nhân quyền
Nhưng không chỉ mình chiến dịch đánh cắp IP tràn lan của chính quyền Trung Quốc khiến ông Anderson lo lắng.
Việc Bắc Kinh sử dụng lao động nô lệ Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương có thể khiến các công ty ngoại quốc cân nhắc kỹ lưỡng khi tiến hành kinh doanh tại Trung Quốc.
“Làm sao quý vị biết được rằng quý vị đang không ủng hộ một công ty Trung Quốc sử dụng lao động nô lệ trong các trại tập trung từ Tân Cương mà đã được đào tạo về một số loại thiết bị nhà máy để sản xuất sản phẩm?”
ĐCSTQ đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong một mạng lưới các trại giam giữ, trong một chiến dịch mà các công ty Hoa Kỳ và các công ty phương Tây khác đã nhận định là một cuộc diệt chủng. Hoa Kỳ cũng đã cấm tất cả các sản phẩm cà chua và bông từ khu vực này nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ khỏi lao động cưỡng bức.
Ông Anderson nói, “Các vấn đề về nhân quyền, sự thành công, và sự lành mạnh của hoạt động kinh doanh cải tiến đều là một phần của cùng một vấn đề”. Và chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ những thành công tài chính từ các hoạt động tội phạm của họ, bao gồm cả [sử dụng] lao động nô lệ và trộm cắp tài sản trí tuệ, trong một thời gian quá dài, ông nói thêm.
Tác giả và ký giả điều tra có sách bán chạy nhất, ông James Simpson, cũng đồng ý như vậy.
Ông Simpson chia sẻ, “Các doanh nghiệp trên khắp thế giới về căn bản đã trở nên nghiện lao động nô lệ và chi phí sản xuất hàng hóa thấp mà nó mang lại”. Ông cho biết thêm, khi Trung Quốc sử dụng các mô hình kinh doanh dựa vào lao động cưỡng bức và trộm cắp tài sản trí tuệ, “phần còn lại của thế giới không thể cạnh tranh được”.
Đẩy lùi
Theo ông Anderson, cần phải có thêm áp lực lên chính quyền Trung Quốc để ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản tuệ đồng thời khuyến khích sự cải tiến và trân trọng giá trị sinh mệnh con người. “Cách duy nhất mà chúng ta sẽ thực sự xoay chuyển tình hình về vấn đề này là gây ra nỗi đau về mặt kinh tế, có nghĩa là chúng ta phải ngừng làm ăn với những người này”.
Ông Simpson cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “những hình phạt kinh tế khắc nghiệt nhất” cho hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ.
Vị tác giả này, một cựu chuyên gia kinh tế và giám định ngân sách của Văn phòng Quản lý và Ngân sách Tòa Bạch Ốc, coi việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc về mặt lý thuyết là một ý tưởng hay, nhưng lại là một việc khó thực hiện trên thực tế. Ông lưu ý rằng các kiện hàng từ Trung Quốc trước đây từng được xác định rõ ràng là các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc, nhưng ngày nay điều đó không còn đúng nữa.
Ông Simpson cho biết, “Đáng tiếc là hầu hết mọi người không biết những sản phẩm nào là do Trung Quốc sản xuất, hoặc những sản phẩm nào có thể được lắp ráp tại Hoa Kỳ nhưng vẫn chứa các thành phần của Trung Quốc”. Hơn nữa, ông nói, người tiêu dùng không thể xác định sản phẩm nào được phát triển bằng cách sử dụng “tài sản trí tuệ bị đánh cắp”.
Ông Anderson nhận định, cho dù đó là vấn đề nhân quyền, sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, hay sức khỏe của chuỗi cung ứng toàn cầu, “không vấn đề nào trong số đó sẽ được sửa chữa cho đến khi chúng ta trực tiếp giải quyết từng vấn đề và đưa ra các giải pháp gây đủ thiệt hại về mặt kinh tế cho Đảng Cộng sản, để họ nhận ra rằng thực sự làm điều gì đó tốt hơn những gì họ hiện đang làm là con đường dễ dàng nhất”.
Ông nói, nếu chính quyền này không bị ngăn chặn khỏi sự cướp bóc của chính nó, thì toàn bộ xã hội nhân loại sẽ bị thiệt thòi.
“Thế giới sẽ chứng kiến ngày càng nhiều công ty kém sáng tạo hơn đẩy những công ty từng là nhà cải tiến ra khỏi lĩnh vực kinh doanh — và ở một mức độ nào đó tiềm năng con người sẽ bị mất đi trong xã hội vì điều này”.
Nhưng ông Anderson vẫn nuôi hy vọng rằng tình thế sẽ thay đổi.
Ông Anderson cho rằng, “Các quốc gia đang nhận ra mức độ của mối đe dọa này và mức độ bất ổn đi kèm với việc hợp tác với Trung Quốc với tư cách là một chính phủ, và đó là một điều tốt”.
Ông Anderson cũng nói, “các nhóm lợi ích kinh doanh lớn đã vờ như không có lựa chọn nào khác ngoài kinh doanh với Trung Quốc,” nhưng ông hy vọng rằng “điều đó sẽ thay đổi”.
Mặc dù sự thay đổi này khó có khả năng xảy ra trong vòng năm đến 10 năm tới, nhưng ông Anderson dự đoán rằng “sẽ có một sự khác biệt lớn trong các quan điểm toàn cầu về các hoạt động xấu xa của Đảng Cộng sản này, và những quan điểm đó sẽ tạo ra những thay đổi đối với cách thức tiến hành kinh doanh với Trung Quốc”.
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.
Minh Ngọc biên dịch