Việt Nam: Mưa lớn, hàng loạt thủy điện xả lũ khiến nhiều nơi bị chia cắt; có ít nhất 9 người chết và mất tích

Hoàng Minh

Ít nhất 9 người ở Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hòa Bình chết và mất tích do mưa lũ. Nhiều thủy điện ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đồng loạt xả lũ khiến nhiều nơi bị cô lập.

Người dân phải di chuyển bằng thuyền vì nước lũ dâng cao. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trong 6h qua (từ 7h-13h ngày 17/10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Kim Sơn 104,8mm, Kỳ Thịnh 62,6mm (Hà Tĩnh); Trường Sơn 100,6mm, Lâm Thủy 81,0mm, Sơn Trạch 59,6mm (Quảng Bình); Tà Rụt 103,2mm, Tà Long 87,6mm, Hướng Sơn 80,2mm (Quảng Trị); Hương Nguyên (A Lưới) 165,8mm, Nam Đông 162,2mm, Đập thủy điện Thượng Nhật 151,8mm, Rào Trăng 483 mm (Thừa Thiên Huế); Đăk Pring 97,6mm, Phước thành 88,8mm, Trà Leng 84 mm(Quảng Nam); Sơn Tây 100,8mm, Đầu mối HCN Liệt Sơn 82,6mm (Quảng Ngãi); Vĩnh Hảo 72,7mm (Bình Định); Đắk Choong 132,6mm, Đắk Lây 78,2mm (Kon Tum); Chư Prông 70,2mm, Thủy điện Sê San 3A 58,4mm (Gia Lai)…

Dự báo trong 6h tới, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa ở tỉnh Hà Tĩnh từ 30-60mm, có nơi trên 80mm; Thừa Thiên Huế từ 50-70mm, có nơi trên 100mm; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị từ 60-80mm, có nơi trên 120mm; các tỉnh khác từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Nhiều thủy điện đồng loạt xả lũ

Tại Quảng Nam: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết lúc 10h sáng 17/10, thủy điện A Vương ghi nhận lượng nước đổ về lòng hồ là 2001 m3/s nên đã vận hành điều tiết hồ chứa xả qua tràn 655 m3/s và chạy máy 77 m3/s.

Thủy điện Sông Bung 4 (xã Tà Pơ, huyện Nam Giang) lượng nước đổ về lòng hồ 2172 m3/s nên vận hành xả lũ 1005 m3/s, chạy máy 162 m3/s.

Thủy điện Đắk Mi 4 (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) lượng nước về lòng hồ 4.512 m3/s, nhà máy vận hành xả qua tràn 2907 m3/s, chạy máy 109 m3/s. Tổng lượng nước về Vu Gia là 4.807m3/s.

Thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) lượng nước về lòng hồ 4.578 m3/s, xả lũ gần 6 m3/s. Lượng nước về sông Thu Bồn là 115m3/s

Như vậy tại Quảng Nam, hiện 4 thủy điện đang vận hành điều xả nước qua tràn để hạ mực nước trong lòng hồ.

Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh. Dự báo lũ trong 24h tới, lũ trên sông Vu Gia tiếp tục lên đạt đỉnh ở mức báo động báo động III sau đó xuống chậm.

Trong 6-12h tới lũ trên sông Thu Bồn có khả năng lên ở mức xấp xỉ báo động II. IV.

Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét các sông suối miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các xã thuộc huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn; Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các xã thuộc huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn, một số xã vùng núi huyện Đại Lộc và Núi Thành. Nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại các đô thị và ngập lụt tại các vùng trũng thấp ở hạ lưu các sông như huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ.

Tại Thừa Thiên Huế: Mực nước hồ Hương Điền lúc 12h ngày 17/10 ở mức +55,39m, lưu lượng đến hồ 2.658m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 988m3/s; mực nước trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc ở mức +3,15m.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 1.300-1.600m3/s; đồng thời điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng vào lúc 13h ngày 17/10.

Còn tại mực nước hồ Tả Trạch lúc 10h ngày 17/10 ở mức +33,93m, lưu lượng đến hồ 2.980m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 80m3/s; mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long ở mức +1,25m.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch (Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5) vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 300-400m3/s; đồng thời điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng vào lúc 15h ngày 17/10.

Xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nhiều nơi ngập sâu

Tại tỉnh Quảng Nam: Giới chức huyện Nam Trà My ghi nhận hàng loạt tuyến đường liên huyện, liên xã bị sạt lở nặng tại nhiều điểm; một số cầu ngầm bị nước lũ ngập sâu.

Hiện địa phương đã tổ chức sơ tán 147 hộ/605 khẩu hộ có nguy cơ sạt lở về vị trí an toàn. Trong đó, xã Trà Cang 15 hộ/65 khẩu; Trà Leng 100 hộ/394 khẩu; Trà Nam 15 hộ/79 khẩu; Trà Tập 14 hộ/55 khẩu; Trà Mai 2 hộ/8 khẩu và Trà Linh 1 hộ/4 khẩu.

Với huyện Tây Giang, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hoàng Linh, ngoài nước lũ tràn qua đường gây ngập nặng tại tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Vương khiến giao thông bị ách tắc cục bộ, 4 xã vùng cao cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nặng nhất là đoạn Km43+300 xã Tr’Hy.

Tại Thừa Thiên Huế: Mưa lớn trong nhiều ngày khiến mực nước các sông dâng cao, một số đoạn của QL1A và nhiều địa phương bị nước dâng chia cắt cục bộ.

Ở huyện Quảng Điện, nhiều đoạn đường các xã Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành… bị ngập sâu khoảng 0,2-0,5m, người dân phải đi lại bằng thuyền.

Tại huyện Phong Điền, mưa lớn cũng đã gây ngập lụt nhiều tuyến đường liên xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Chương, thị trấn Phong Điền…

Nhiều tuyến đường huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) bị chia cắt. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Tại huyện Phú Lộc, nhiều đoạn trên các tuyến đường Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 11B, QL49 đi qua địa phương này cũng bị nước lũ chia cắt, giao thông ách tắc cục bộ.

Đặc biệt, tại một số đoạn đi qua xã Lộc Trì, Lộc Thủy, nước dâng cao nửa mét khiến người dân và các phương tiện lưu thông qua tuyến gặp nhiều khó khăn.

Tại Quảng Ngãi: Khoảng 0h55 ngày 17/10, mưa lớn kết hợp với trận lốc xoáy có cường độ mạnh quét qua các xã ven biển của huyện Bình Sơn đã khiến cho nhiều nhà dân ở thôn Vĩnh Trà (xã Bình Thạnh) và xã Bình Chánh bị tốc mái, hư hỏng nặng.

Nhiều ngôi nhà ở huyện Bình Sơn bị tốc mái. (Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thảo/Facebook)

Trận lốc xoáy xảy ra trong đêm khiến nhiều nhà dân ở địa phương thiệt hại nặng. Thống kê sơ bộ, hiện có 33 nhà dân ở xã Bình Thạnh và 12 nhà dân ở xã Bình Chánh bị tốc mái trên 70%, trong đó có 11 hộ bị tốc mái hoàn toàn; không có thiệt hại về người, ông Ngô Văn Dụng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn nói.
Ít nhất 9 người chết và mất tích do mưa lũ

Tại Quảng Trị: Giới chức huyện Đắkrông đang tìm kiếm anh Hồ Văn Diên (21 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) bị nước lũ cuốn mất tích.

Khoảng 18h30 ngày 16/10, anh Diên từ Hướng Hoá đến thăm người thân ở thôn Ly Tôn. Khi đến ngầm tràn vào thôn, anh đi bộ ra giữa để kiểm tra mực nước, không may bị lũ cuốn.

Tại Thừa Thiên Huế: Sáng 16/10, vợ chồng ông Trần Minh Điện, 65 tuổi và bà Võ Thị Thảo (trú phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) đi đánh cá trên sông Bồ gần cầu vượt trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã bị nước cuốn lật thuyền, mất tích.

Vợ chồng ông gặp nạn khi nước sông Bồ dâng cao do thủy điện Hương Điền đang thực hiện điều tiết nước 220-250 m3/s về hạ lưu.

Tại Nghệ An: Sáng 16/10, ông Lô Văn Luyện (59 tuổi) cùng con trai là Lô Văn Tỵ (34 tuổi) ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong ra suối gần nhà vớt củi trong dòng lũ và đã gặp nạn.

Ông Lô Văn Tùng, Chủ tịch xã Cắm Muộn cho biết, lực lượng cứu hộ sau đó đã phát hiện thi thể hai cha con cách nơi họ để quần áo khoảng 200 m về hạ lưu.

Tại Hòa Bình: Khoảng 2h sáng ngày 17/10, tại xóm Tát (xã Tân Minh, huyện Đà Bắc) đã xảy ra sạt lở đất, vùi lấp và sập hoàn toàn 1 nhà dân xây bán kiên cố, lợp mái tôn làm chết 1 người và 3 người bị thương.

Cụ thể vụ sạt lở đất đã làm ông Lò Văn San (sinh năm 1952) tử vong tại chỗ. Bà Xa Thị Dừn (sinh năm 1955, vợ ông San) và chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1986, con dâu) bị gãy xương, hiện đang được cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Đà Bắc; cháu Lò Thị Lệ (14 tuổi, cháu nội ông San) bị thương nhẹ.

Related posts