Ông Lưu Bình Nhưỡng: ‘Cần cách chức lãnh đạo làm trái Nghị quyết 128’
“Lãnh đạo không đảm bảo hòa cùng nhịp đập, vì cá nhân, vì địa phương mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác thì không thể chấp nhận được”, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nói trong buổi tọa đàm về Nghị quyết 128 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào sáng 18/10, theo Zing.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh nguyên tắc của Nghị quyết 128 là thống nhất toàn quốc, các địa phương không được cục bộ, cát cứ, ban hành quy định vượt mức cần thiết.
Ông nhấn mạnh và cho rằng Nghị quyết 128 cho địa phương quyền linh hoạt để thích ứng, nhưng nếu địa phương không thực hiện theo quy định của Trung ương, cần có chế tài như đình chỉ, loại trừ, thậm chí có thể cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ để tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe.
Ông đề nghị từ nghị quyết này ta phải có sự theo dõi, có đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương để xác định trách nhiệm. Nếu cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý ngay chứ không chờ kết thúc chiến dịch mới làm. “Anh ra trận mà không chỉ huy được thì rút ra cho người khác làm, nếu không chúng ta sẽ thua”, ông Nhưỡng ví von.
Quy định về thích ứng an toàn COVID-19 (Nghị quyết 128) do Chính phủ ban hành ngày 11/10, phân loại bốn cấp độ nguy cơ gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Hiện nhiều địa phương đã phân loại cấp độ dịch. Cụ thể, các tỉnh, thành cấp 1 (bình thường mới), gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Ninh, Bình Thuận, Nam Định… Các tỉnh, thành cấp 2 (nguy cơ trung bình), gồm: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đà Nẵng, Long An, Bình Phước… TP HCM ở cấp 3 (nguy cơ cao).
Tuy nhiên, còn nhiều tỉnh, thành chưa công bố cấp độ nguy cơ và các biện pháp tương ứng.
Thêm 3.168 ca COVID-19, Số ca tử vong tại TP.HCM tăng
Tính từ 17h ngày 17/10 đến 17h ngày 18/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.168 người nhiễm mới. Trong đó, 9 ca nhập cảnh và 3.159 trường hợp ghi nhận trong nước.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 418.692 ca, Bình Dương 225.853, Đồng Nai 59.015, Long An 33.806, Tiền Giang 15.105 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 867.221 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày ghi nhận 75 ca tử vong tại: TP.HCM 51, Bình Dương 14, Đồng Nai 3, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Cà Mau, Đà Nẵng, Tây Ninh, Tiền Giang và An Giang mỗi nơi một. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 21.269 ca.
Bắt một cán bộ Cục Hải quan vụ buôn lậu 100 tấn đường cát
Dân Việt – Chiều 18/10, thông tin từ Công an An Giang cho biết, liên quan đến vụ vận chuyển 100 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam 12/10/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang vừa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bị can Bùi Quốc Việt cán bộ Cục Hải quan tỉnh An Giang để tiếp tục điều tra về hành vi “buôn lậu”.
Ngày 21/10/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Toàn Trung (SN 1986) cùng vợ Nguyễn Thúy Oanh (SN 1989, cùng trú tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) về hành vi buôn lậu.
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 14/6/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam thêm 2 đối tượng Trần Văn Sỉ (SN 1972, trú tại ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang) và Nguyễn Hồng Cường (SN 1981, trú tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).
Kè biển 26 tỷ ở Quảng Bình chưa bàn giao đã bị sóng đánh tan hoang
Vietnamnet – Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới, Quảng Bình hôm nay (18/10) cho biết, đã mời các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường tuyến kè Nhật Lệ ở xã Quang Phú bị sóng đánh sập.
Tuyến kè này có chiều dài hơn 860m, đây là công trình quan trọng được được đầu tư xây dựng nhằm gia cố, bảo vệ tuyến đường du lịch ven biển Nhật Lệ.
Trong những ngày qua, tỉnh Quảng Bình chịu ảnh hưởng của mưa lũ với cấp gió vừa phải nhưng đã đánh sập nhiều đoạn trên tuyến kè vừa thi công xong chưa kịp bàn giao.
Trước đó, vào tháng 10/2020, khi công trình này đang xây dựng cũng đã bị sóng biển đánh sập, hư hỏng hoàn toàn.
Sau sự việc này, nhà thầu phải thi công lại, đến nay vừa hoàn thành và đang đề nghị chủ đầu tư nghiệm thu thì bị sóng đánh sập lần 2.
Được biết, tuyến kè này có vốn xây lắp 26 tỷ đồng, do công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Nội – Quảng Bình thiết kế. Công ty Hải Thành và công ty Tiến Thành (đều có địa chỉ tại TP. Đồng Hới) là đơn vị thi công.
Gia đình người bị cây đè tử vong phản ánh nạn nhân bị lấy mất 30 triệu đồng khi gặp nạn
Dân Việt – Chiều 18/10, ông Đoàn Văn Sỹ – Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) cho biết, nam thanh niên ở xã bị cây xanh gãy đổ đè trúng khi lưu thông trên địa bàn TP. Huế đã tử vong.
Nạn nhân là anh Trần Nhân Lợi Em (SN 1993, trú tổ dân phố Đức Nam Trung, thị trấn Phú Đa).
Theo ông Đoàn Văn Sỹ, anh Trần Nhân Lợi Em làm nghề lái xe múc. Sáng 17/10, anh Lợi Em chạy xe máy từ nhà ra huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Khi đang lưu thông qua đường Lê Duẩn, TP. Huế thì bị một cây xanh bên đường gãy đổ đè trúng người và bất tỉnh nhưng tử vong sau đó trong bệnh viện.
Theo phản ánh của gia đình anh Lợi Em, trước khi rời nhà đi ra huyện Phong Điền, anh này có mang theo hơn 30 triệu đồng để giải quyết công chuyện và bỏ tiền trong cốp xe máy. Khi tai nạn xảy ra, cốp xe máy bị hư hỏng và số tiền hơn 30 triệu đồng đã bị người khác lấy mất.
Kon Tum: Cầu trôi, đường sạt lở, dân nhiều xã bị cô lập
Dân Việt – Tại huyện Đăk Glei, mưa lớn đã khiến nước sông Pô Kô dâng cao, cầu treo bắc qua sông nối thị trấn Đăk Glei với các thôn Đông Sông, Đông Thượng đã bị nước lũ cuốn trôi mố cầu. Hiện, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo không để người dân đi qua các vị trí bị sạt lở, ngập lụt; bên cạnh đó, huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di dời tài sản lên cao, di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt ra khỏi nơi nguy hiểm.
Tại huyện Đăk Hà, mưa lớn đã khiến nước sông Đăk Pxi dâng cao, gây ngập úng ở một số nơi. Đặc biệt, cầu tràn bắc qua sông nối vào trung tâm xã Đăk Pxi đã bị ngập, không thể đi lại; tuyến đường Tỉnh lộ 677 nối xã Đăk Hring, Đăk Pxi đến xã Đăk Côi, huyện Kon Rẫy bị sạt lở ta luy dương. Chính quyền địa phương cũng đã cắm biển cảnh báo không để người dân và phương tiện lưu thông qua các vị trí nguy hiểm.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, nguy cơ từ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện như Sa Thầy, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà.
Nghệ An: Ăn chặn tiền hỗ trợ thiên tai, chủ tịch xã và thuộc cấp bị khởi tố
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an đã khởi tố và bắt tạm giam 2 nữ cán bộ xã vì nghi ăn chặn tiền cứu trợ thiên tai cho người dân lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã có quyết định khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1981) – Chủ tịch UBND xã Khai Sơn và bà Phan Thị Hoài cán bộ địa chính nông nghiệp xã Khai Sơn vì nghi ăn chặn tiền cứu trợ thiên tai cho người dân.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bà Phan Thị Hoài bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Được biết, số tiền sai phạm liên quan đến chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2020 lên đến cả trăm triệu đồng.
Theo Tuổi Trẻ, trước đó, UBND huyện Anh Sơn nhận được thông tin từ người dân về những dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất sau mưa bão cho người dân ở xã Khai Sơn.
Theo hồ sơ vụ việc, giữa năm 2020, xã Khai Sơn bị ảnh hưởng bởi thiên tai hạn hán, nắng nóng và mưa lớn, ngập lụt (do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9) khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Trong tờ trình UBND xã Khai Sơn đề nghị hỗ trợ gần 1 tỉ đồng để khắc phục thiên tai.
Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện chủ trương trên của UBND xã Khai Sơn đã không được thực hiện theo đúng quy định từ công tác lập hồ sơ, trình tự thủ tục hỗ trợ và đặc biệt trong quá trình chi trả đã tự ý điều chỉnh, cắt giảm tiền mà Nhà nước hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại.
Trong danh sách nhận tiền hỗ trợ thiên tai có một người nhưng nhận ở hai xóm khác nhau.