Venus Upadhayaya
NEW DELHI – Bộ trưởng ngoại giao của Bhutan và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để đẩy mạnh các cuộc đàm phán biên giới giữa đôi bên hôm 14/10. Các nhà phân tích chính sách ngoại giao của Trung Quốc cho rằng Bhutan nên thận trọng vì bất kỳ thỏa thuận thuyết phục nào cũng chỉ có ý nghĩa về mặt giấy tờ, trong khi Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục với các chiến thuật cắt lát salami.
Các cuộc đàm phán biên giới này cũng có khả năng là một nỗ lực nhằm tạo ra sự bất hòa giữa Ấn Độ và Bhutan, vốn là các đồng minh và đối tác quốc phòng truyền thống. Các chuyên gia cho biết họ cũng là hai quốc gia duy nhất mà Trung Quốc đã không thể ký được bất kỳ hiệp định biên giới lãnh thổ nào.
Bản Ghi nhớ về lộ trình ba bước thúc đẩy đàm phán biên giới đã được ký kết giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bhutan, ông Lyonpo Tandi Dorji, và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao), trong một cuộc họp trực tuyến. Cuộc họp này cũng có sự tham gia của đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, ông Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) và đặc phái viên của Bhutan tại Ấn Độ, Thiếu tướng Vetsop Namgyel.
“Việc thực hiện Lộ trình này là trên tinh thần thiện chí, thấu hiểu, và sắp xếp thỏa đáng sẽ đưa các cuộc đàm phán về ranh giới này đi đến một kết thúc thành công và được cả hai bên chấp nhận”, dẫn lời từ Bộ Ngoại giao, thuộc Chính phủ Hoàng gia Bhutan trong một thông cáo với báo chí hôm thứ Năm (14/10).
Bhutan và Trung Quốc có chung đường biên giới dài khoảng 250 dặm (khoảng 402 km). Các cuộc đàm phán về ranh giới bắt đầu vào năm 1984 và được dẫn dắt bởi các Nguyên tắc Hướng dẫn năm 1988 và Thỏa thuận năm 1998 về Duy trì Hòa bình, Bình yên, và Nguyên trạng tại Khu vực Biên giới Bhutan-Trung Quốc.
Kể từ đó, hai nước này đã có 24 vòng đàm phán về ranh giới và mười vòng họp ở cấp nhóm chuyên gia. Mặc dù vậy, cuộc chiến tại khu vực Doklam kéo dài 73 ngày – một cuộc đối đầu quân sự – đã xảy ra giữa Trung Quốc, Bhutan, và Ấn Độ tại ngã ba chiến lược ở phía tây của Bhutan vào năm 2017.
Ông Ngô sau đó đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí vào thứ Sáu (15/10) rằng Bhutan và Trung Quốc là những bằng hữu “truyền thống”, và mối liên hệ này có từ thời xa xưa.
Ông Ngô cũng nói rằng, “Trung Quốc sẽ tuân theo Tư tưởng của ông Tập Cận Bình về Ngoại giao, thực hành triết lý ngoại giao láng giềng mang tính chất hữu nghị, chân thành, cùng có lợi, và hòa nhập, đồng thời là một nước láng giềng, bằng hữu và đối tác tốt của Bhutan trên các nguyên tắc bình đẳng, chung sống hòa bình, và kết quả đôi bên cùng có lợi”.
Bhutan có nên tin tưởng Trung Quốc hay không?
Tiến sĩ Satoru Nagao, một thành viên tại Viện Hudson có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nói với The Epoch Times rằng Bhutan phải “nhận ra rằng Trung Quốc không hề đáng tin cậy”. Ông nói nếu có một thỏa thuận thuyết phục nào đó xảy ra thì rất có thể nó sẽ chỉ nằm trên giấy mà thôi.
“Trung Quốc đang mở rộng lãnh thổ của họ ngay cả khi không có tranh chấp lãnh thổ nào. Thỏa thuận này sẽ chỉ nằm trên giấy như mong muốn của Trung Quốc”, theo lời của ông Nagao ở Tokyo, người chuyên về chiến lược quốc phòng, đặc biệt là các vấn đề quân sự tại dãy Himalaya.
Ông Frank Lehberger, một thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Usanas Foundation có trụ sở tại Ấn Độ nói với The Epoch Times trong một email rằng ĐCSTQ sử dụng các cuộc đàm phán và thỏa thuận như vậy như một chiến thuật để trì hoãn hòng có thêm thì giờ cũng như gây xáo trộn và làm suy yếu các nước láng giềng.
“Về ‘đàm phán’ với Trung Quốc nói chung: ĐCSTQ sẽ luôn lạm dụng thủ đoạn thương lượng lâu đời của chủ nghĩa Mao về bất cứ điều gì, nhưng không phải chỉ để đạt được lời ‘đồng ý’ và tiến tới thỏa hiệp, mà là để trì hoãn hòng có thêm thì giờ, gây xáo trộn, làm suy yếu, (về mặt tâm lý) sẽ gây ảnh hưởng và thao túng đối tác đàm phán Bhutan và cả Ấn Độ”, ông Lehberger tại Đức cho hay.
Các cuộc đàm phán đó không vì lợi ích của Bhutan và kết quả sẽ trái ngược với những gì mà Bhutan mong đợi, theo ông Lehberger.
Ông Lehberger cho biết, “Bằng cách đồng ý với các cuộc đàm phán nhanh chóng đó, do Trung Quốc đề nghị, và kỳ vọng rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết ‘một lần và mãi mãi,’ thì Bhutan đã vô tình mời Trung Quốc can thiệp nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ của mình và đồng thời báo hiệu cho Bắc Kinh rằng họ là nước có ý chí yếu nhược”.
“Kết quả là Trung Quốc sẽ đánh cắp nhiều khu vực biên giới hơn nữa trong tương lai và lại sử dụng lặp lại cùng thủ đoạn đàm phán này”.
Tranh chấp biên giới Trung Quốc-Bhutan
Các cuộc thảo luận về ranh giới giữa Trung Quốc và Bhutan kể từ năm 1984 đã tập trung vào hai khu vực – một là ở phía tây của Bhutan bao gồm khu vực Doklam (103 dặm vuông, khoảng 266 km²) và khu còn lại ở phía bắc của Bhutan, trong thung lũng Jakarlung và Pasamlung (191 dặm vuông, khoảng 494 km²). Trung Quốc đã bắt đầu tuyên bố chủ quyền các khu vực này vào những năm 1950.
Kể từ sau cuộc tranh chấp ở khu vực Doklam năm 2017, Trung Quốc cũng đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền ở khu vực Đông Sakteng của Bhutan (1,274 dặm vuông, khoảng 3,299.64 km²) giáp với khu vực huyện Tawang của Ấn Độ ở tiểu bang Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Huyện Tawang là nơi có tu viện Tawang, một trụ xứ quan trọng của Phật giáo Tây Tạng. Trung Quốc đã cố gắng ngăn cản tổ chức môi trường quốc tế, UNDP, tài trợ cho khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng vào năm ngoái (2020), đồng thời tuyên bố rằng khu bảo tồn này nằm trong vùng lãnh thổ tranh chấp.
Ông Lehberger nói rằng Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện quân sự bất đối xứng nhằm vào người Bhutan và đang “sử dụng chiến thuật cắt lát Salami” để giành lấy lãnh thổ. Ông đề cập rằng Tướng Vương Hải Giang của PLA (Wang Haijiang-WHJ), người được bổ nhiệm phụ trách Chiến khu Tây bộ của Trung Quốc vào đầu tháng Tám (08/2021), xuất thân đã từng phục vụ tại khu vực Doklam.
Ông Lehberger cho biết: “Vào tháng 04/2019, WHJ đã được công khai khen ngợi vì đã phối hợp thành công việc xây dựng đường xá và các khu định cư biên giới quân sự nổi tiếng của Tây Tạng ở độ cao lớn (13,000 feet, khoảng 3,962m), trong những tháng mùa đông khắc nghiệt của năm 2017 ở khu vực Doklam”.
Ông WHJ là một chuyên gia trong các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát trên địa hình đồi núi và đã cho phép PLA cắm trại lần đầu tiên trên địa hình khắc nghiệt của khu vực Doklam trong suốt mùa đông khắc nghiệt này, theo lời ông Lehberger.
Ông Lehberger cũng nói rằng, “Trung Quốc không chỉ đánh cắp nhiều phần lãnh thổ ở biên giới Bhutan cho đến lúc đó phần lớn không có người ở vì ý nghĩa tôn giáo đối với các tín đồ Phật giáo, mà còn xây dựng toàn bộ những ngôi làng hiện đại ở đó và cho người Tây Tạng từ các khu vực lân cận đến sinh sống, những người buộc phải chuyển đến những ngôi làng hẻo lánh đó”.
Ông đã đề cập đến các báo cáo vào cuối năm ngoái về việc người Trung Quốc xây dựng ngôi làng Pangda trên lãnh thổ phía đông cao nguyên Doklam mà cả Trung Quốc và Bhutan đều tuyên bố là lãnh thổ của họ. Trung Quốc đặt khu vực này thuộc huyện Á Đông (Yadong) nằm trong Khu tự trị Tây Tạng được chỉ định. Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đã đưa tin những người tự nguyện đã phải chuyển từ làng Shangdui ở cùng huyện tới làng Pangda vào tháng Chín năm ngoái (09/2020).
Tác động đến mối bang giao Ấn Độ-Bhutan
Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) cho biết họ biết về các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Bhutan và Trung Quốc nhưng không đưa ra phản ứng cụ thể nào hơn.
“Chúng tôi đã ghi nhận việc ký kết bản ghi nhớ giữa Bhutan và Trung Quốc, chúng tôi nhận thức được điều đó. Quý vị sẽ biết rằng Bhutan và Trung Quốc vẫn còn đang tổ chức các cuộc đàm phán về ranh giới kể từ năm 1984. Đồng thời, Ấn Độ cũng đang tổ chức các cuộc đàm phán về ranh giới với Trung Quốc”, phát ngôn viên Arindam Bagchi của MEA cho biết trong cuộc tiếp xúc hàng tuần với các nhà báo.
Ông Lehberger đã tuyên bố rằng thỏa thuận hôm 14/10 để đẩy mạnh các cuộc đàm phán biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan là một nỗ lực để tạo ra bất hòa giữa Ấn Độ và Bhutan.
“Về cơ bản, không có gì đáng mừng đối với Bhutan và Ấn Độ cả bởi vì đây là một phần trong trò chơi chiến lược lâu dài của ĐCSTQ nhằm gây bất đồng giữa Bhutan và Ấn Độ, đồng thời liên tục làm suy yếu Bhutan, xâm nhập vào xã hội này (ngay cả khi cả hai không có các mối liên hệ ngoại giao nào)”, ông Lehberger cho biết.
Trong khi đó, phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã đổ lỗi cho Ấn Độ về sự chậm trễ trong việc giải quyết các tranh chấp biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu đã dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bhutan sẵn lòng giải quyết các vấn đề biên giới của mình một cách “độc lập” và bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ về “mối đe dọa từ Trung Quốc” ở biên giới phía đông Ấn Độ-Trung Quốc.
“Họ [các chuyên gia] đã lưu ý rằng tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Bhutan không đáng kể nhưng vẫn chưa được giải quyết bởi vì Ấn Độ cản đường do nước này có ảnh hưởng đặc biệt đến văn hóa, quốc phòng và ngoại giao của Bhutan”, Thời báo Hoàn Cầu cho biết vào hôm 15/10.
Một phương tiện truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc, CGTN, cũng đã đổ lỗi cho Ấn Độ về hành vi xâm lược biên giới và gọi thỏa thuận hôm thứ Năm (14/10) là “một chiến thắng trong việc theo đuổi quyền bá chủ Nam Á của Ấn Độ” và cho biết Thỏa thuận MOU này đã diễn ra trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận căng thẳng về các tranh chấp biên giới của họ.
Vòng đàm phán thứ 13 giữa các chỉ huy quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc hôm 10/10 đã thất bại và cả hai quốc gia này đều đổ lỗi cho nhau.
Ông Nagao cho biết cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những cường quốc so với Bhutan, và Bhutan muốn duy trì sự phối hợp với cả hai nước láng giềng khổng lồ của mình.
Ông Nagao nói rằng: “Đó là lý do tại sao họ lo lắng về tình huống này – khi những con voi đánh nhau, thì cỏ phải gánh chịu hậu quả. Theo “tình huống” đó, ông đã đề cập đến các cuộc xung đột biên giới lớn hơn và sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực này.
“Hiện vẫn còn quân đội Ấn Độ đóng quân ở Bhutan. Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Bhutan là rất lớn. Vì vậy, nếu không có sự cho phép của Ấn Độ, thì cuối cùng Bhutan sẽ không thể ký kết được thỏa thuận này”, ông nói. Ấn Độ phải bảo đảm an ninh cho Bhutan và nếu Ấn Độ cần hỗ trợ thì nên yêu cầu Bộ Tứ (Quad – đối thoại chiến lược giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ) giúp đỡ, ông cho biết.
“Ấn Độ có thể yêu cầu Bộ Tứ công bố một tuyên bố để bảo đảm với Bhutan. Điều này vẫn phụ thuộc vào ý chí của Ấn Độ. Từ lâu này, Ấn Độ đã không muốn nhờ người khác giúp đỡ ở Nam Á ngoài trừ Trung Quốc là nước lớn”, ông Nagao nói.
Nhật Bản là “nhà tài trợ chính” cho Bhutan. Theo ông Nagao, các quốc gia thuộc Nhóm Bộ Tứ sẽ “hành xử cẩn trọng hơn” đối với Bhutan nếu nước này đưa ra quyết định tập trung vào Trung Quốc.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và sự lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Thanh Tâm biên dịch