ĐCSTQ phủ nhận thử nghiệm tên lửa siêu thanh, Mỹ và Nhật quan ngại

Mộc Lan

Phía Trung Quốc đã phủ nhận báo cáo gần đây của Financial Times về vụ bắn thử một tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhấn mạnh rằng đó là thời điểm thử nghiệm tàu vũ trụ định kỳ. Hoa Kỳ và Nhật Bản đang rất chú ý đến sự kiện này.

Tờ Financial Times của Anh trích dẫn độc quyền năm nguồn tin hôm Thứ Bảy (ngày 16/10), cho biết vào tháng Tám năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh để đưa một phương tiện siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân lướt vào quỹ đạo không gian Trái Đất ở quỹ đạo thấp.

Mặc dù đã đi chệch hướng 32 km nhưng cuộc thử nghiệm này vẫn xác minh “tiến bộ đáng kinh ngạc” của ĐCSTQ về vũ khí siêu thanh, vượt quá dự liệu của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Mặc dù ĐCSTQ thường thông báo về các vụ phóng tên lửa, nhưng cuộc thử nghiệm này đã được giữ kín.

ĐCSTQ phủ nhận báo cáo phóng tên lửa siêu thanh hồi tháng Tám

Trong một cuộc họp báo thường kỳ vào thứ Hai, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, trả lời rằng vụ phóng liên quan đến một tàu vũ trụ chứ không phải tên lửa.

Ông nói: “Theo những gì chúng tôi biết, cuộc thử nghiệm này là một cuộc thử nghiệm tàu ​​vũ trụ thông thường để xác minh công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc cắt giảm chi phí của tàu vũ trụ.”

Ông Triệu ban đầu xác nhận rằng ngày thử nghiệm là vào tháng Tám, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã làm rõ rằng vụ phóng mà ông đang đề cập đến diễn ra vào tháng Bảy. Khi được hỏi liệu ông có đang nói về vụ phóng được nêu trên báo Financial Times hay không, ông Triệu trả lời: “Tôi không nói về tên lửa, tôi đang nói về tàu vũ trụ”.

Nhật Bản chỉ trích việc mở rộng quân sự của ĐCSTQ gây ra các mối đe dọa an ninh khu vực

Ngoài chương trình không gian, việc ĐCSTQ mở rộng công nghệ tên lửa siêu thanh và các lĩnh vực tiên tiến khác cũng khiến quốc tế lo ngại, chủ yếu là do Bắc Kinh ngày càng trở nên bá quyền hơn trong các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển và hải đảo ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như biên giới Trung – Ấn đang tranh chấp.

Nhật Bản là một trong những đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực của ĐCSTQ. Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ tăng cường phòng thủ. Nhật Bản tin rằng đây là một vũ khí tấn công mới của ĐCSTQ.

Hãng tin AP đưa tin, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm thứ Hai cho biết đây là một “mối đe dọa mới” mà các thiết bị truyền thống khó đối phó. Ông nói rằng Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phát hiện, theo dõi và bắn hạ “bất kỳ mối đe dọa nào từ đường không”.

Hoa Kỳ: Không bình luận nhưng “lo ngại”

Đáp lại các báo cáo về việc ĐCSTQ thử tên lửa siêu thanh, Nhà Trắng hôm thứ Hai cho biết họ sẽ không bình luận, nhưng “lo ngại”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết hôm thứ Hai (ngày 18/10) rằng Washington đang rất chú ý đến sự phát triển của các hệ thống vũ khí tiên tiến của Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng trước những thông tin cho rằng Bắc Kinh đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh có khả năng mang hạt nhân, ông Austin từ chối bình luận trực tiếp.

Khi được hỏi về báo cáo trên Financial Times trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào thứ Hai (ngày 18/10), Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bình luận về báo cáo cụ thể này”.

Cô nói thêm: “Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh khốc liệt nhưng chúng tôi không muốn sự cạnh tranh này phát triển thành xung đột.”

Vào Chủ nhật (ngày 17/10), khi đề cập đến báo cáo trên Financial Times, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ John Kirby cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi phát triển quân sự. Điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong vấn đề khu vực này và các khu vực khác. Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi coi Trung Quốc (ĐCSTQ) là thách thức chính của chúng tôi.”

Trong những tháng gần đây, các quan chức quân sự Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo về việc ĐCSTQ liên tục mở rộng khả năng hạt nhân, đặc biệt là sau khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy ĐCSTQ đang xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa liên lục địa. Những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng vũ khí của ĐCSTQ về mặt lý thuyết có thể bay đến cực hạn. Điều này sẽ đặt ra một thách thức rất lớn đối với quân đội Hoa Kỳ bởi vì trọng tâm của hệ thống phòng thủ tên lửa của họ là tuyến đường Bắc Cực.

Nhà Trắng đã ban hành hướng dẫn an ninh quốc gia mới vào tháng Ba, trong đó cảnh báo rằng Bắc Kinh “đã nhanh chóng trở nên tự tin hơn” đồng thời cũng cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ “tìm kiếm những lợi thế không công bằng, hành xử hung hăng và cưỡng bức, đồng thời làm suy yếu các quy tắc và giá trị cốt lõi của một hệ thống quốc tế cởi mở và ổn định.”

Mộc Lan (t/h)

Related posts