Tình hình COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 19/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 379.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.564 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 231.223.806 ca, trong đó có khoảng 4.652.258 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 54.876 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh (43.738) và Nga (33.740 ca). Nga liên tiếp đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.015 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Romani (561 ca tử vong); và Ukraine (538 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 45.967.190 người, trong đó có 748.223 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.108.323 ca nhiễm, bao gồm 452.684 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.664.879 ca bệnh và 603.855 ca tử vong.
Mỹ: Bộ trưởng An ninh Nội địa mắc COVID-19
Ngày 19/10 (theo giờ địa phương), Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo người đứng đầu của cơ quan này, ông Alejandro Mayorkas, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Bộ trưởng Mayorkas được xác định mắc COVID-19 sau khi xét nghiệm theo quy trình trước khi đi công tác.
Ông Mayorkas đã tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19. Hiện ông chỉ bị các triệu chứng nhẹ và phải cách ly và làm việc tại nhà. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Mayorkas sẽ có chuyến công du tới Colombia cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Mayorkas, 61 tuổi, là quan chức mới nhất trong chính quyền Mỹ thông báo nhiễm COVID-19 mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ. Trước đó, ngày 18/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell đã qua đời do biến chứng của COVID-19 dù đã tiêm vắc-xin đầy đủ.
Nga sẽ nghỉ làm việc toàn liên bang để khống chế dịch
Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova đã đề nghị 1 tuần không làm việc từ ngày 30/10-7/11, để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Bà Golikova đưa ra đề xuất trên tại cuộc họp của Hội đồng điều phối chính phủ phòng chống COVID-19. Bà cho hay đã đề xuất áp dụng biện pháp trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga và cũng thừa nhận đây là biện pháp khó khăn, song hy vọng chính phủ và người dân ủng hộ để nhanh chóng dập dịch.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết Tổng thống Putin sẽ công bố nghỉ làm việc trên toàn quốc từ ngày 30/10 đến 7/11.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Moskva cũng ban hành loạt biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch. Theo đó, từ ngày 25/10, những người từ 60 tuổi trở lên chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ phải làm việc tại nhà; các doanh nghiệp, công sở buộc phải duy trì 30% số nhân viên làm việc từ xa.
Dự kiến, các biện pháp cứng rắn trên sẽ kéo dài đến ngày 25/2/2022. Những biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh nước Nga liên tiếp ghi nhận mức cao mới về số ca mắc và ca tử vong.
Hàn Quốc dự kiến áp dụng “thẻ vắc-xin”
Kế hoạch “Sống chung với COVID-19” được thúc đẩy sau khi chiến dịch tiêm chủng quốc gia ở Hàn Quốc được đẩy mạnh trong vài tháng qua. Tính đến ngày 18/10, 64,6% trong số 52 triệu người Hàn Quốc đã được tiêm đủ 2 mũi và 78,7% đã được tiêm mũi đầu tiên. Các nhà hàng vẫn mở cửa đón khách, song theo quy định hiện hành, quán ăn chỉ phục vụ tối đa 4 khách/bàn nếu khách đã tiêm đủ 2 mũi.
Kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường mới đang được Hàn Quốc triển khai một cách thận trọng và chính phủ dự kiến áp dụng “Thẻ vắc-xin”. Quy định này sẽ cho phép những người tiêm chủng đầy đủ được tiếp cận không hạn chế các dịch vụ, trước tiên là các sự kiện thể thao.
Việc “Sống chung với COVID-19” được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch kéo dài, ảnh hưởng tới tình trạng bất ổn tâm lý ở một bộ phận người dân, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại tài chính mà dịch bệnh gây ra cho các doanh nghiệp nhỏ và giới thương nhân.
Theo các chuyên gia, miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi hơn 85% dân số Hàn Quốc được tiêm đủ liều vào đầu năm tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng quốc gia này nên chuẩn bị cho khả năng số ca mắc mới hằng ngày có thể tăng trở lại.
Singapore: Số bệnh nhân tăng gây áp lực lên các bệnh viện
Theo Straits Times, Bộ Y tế Singapore ngày 19/10 cho biết, số lượng bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tiếp tục tăng, khiến các bệnh viện chịu áp lực và căng thẳng đáng kể.
Bộ trên kêu gọi mọi người, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền, rủi ro cao, cần hạn chế các hoạt động xã hội và chỉ ra ngoài vì các hoạt động thiết yếu.
Cùng ngày 19/10, 7 người Singapore, từ 57 đến 90 tuổi, đã tử vong vì các biến chứng liên quan đến COVID-19, nâng số người thiệt mạng lên 246.
Anh ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất sau “Ngày Tự do”
Giới chức trách Anh đang cảnh báo về những tháng “đầy thử thách” sắp tới, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mỗi ngày đều gia tăng và đạt mức cao nhất vào hôm 18/10 kể từ “Ngày Tự do (19/7)”, thời điểm nước này gỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Số ca mắc COVID-19 ở Anh tăng liên tục trong suốt tháng 10. Hôm 18/10 vừa qua, nước này ghi nhận 49.156 trường hợp mắc mới, mức cao nhất được báo cáo kể từ “Ngày Tự do”.
Con số này chỉ thấp hơn so với thời kỳ đỉnh dịch nghiêm trọng nhất mùa đông vừa qua, với hơn 68.000 ca ghi nhận trong ngày 8/1.
Số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong cũng tăng trong tuần qua. Cụ thể, có 5.561 ca mắc COVID-19 nhập viện, tăng 6,9% so với tuần trước đó; 869 người thiệt mạng trong vòng 28 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, tăng 11,4%.
Theo phát ngôn viên của Thủ tướng Boris Johnson, Anh sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng số ca mắc mới trong mùa đông năm nay. “Chúng tôi biết rằng những tháng sắp tới sẽ đầy thách thức”.
Làn sóng dịch mới phần lớn xuất phát từ các ca lây nhiễm ở trẻ em trung học và cả ở các bậc phụ huynh có con đang đi học.
Giáo sư Andrew Hayward, người tư vấn cho chính phủ về COVID-19, chia sẻ rằng Anh đang có tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn nhiều nước châu Âu.
Tính đến nay, Anh đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19 cho 67,5% dân số, tương đương với khoảng 45,4 triệu dân.
Phan Anh tổng hợp
Nam Phi không chấp thuận vắc-xin COVID của Nga
Thanh Hải
Cơ quan thẩm quyền dược phẩm ở Nam Phi ngày 18/10 cho biết, họ chưa thể chấp thuận đơn xin sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sputnik của Nga, viện dẫn quan ngại về tính an toàn cho những người có nguy cơ nhiễm HIV, hãng tin Reuters cho hay.
Nam Phi là một trong những nước chịu gánh nặng HIV cao nhất thế giới. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy, việc tiêm vắc-xin sử dụng véc-tơ Adenovirus Loại 5 (Ad5) như vắc-xin Sputnik V có thể đưa đến khả năng lây nhiễm HIV cao nơi nam giới.
Cơ quan ban hành quy định thuốc men của Nam Phi, SAHPRA, cho hay, đã yêu cầu dữ liệu chứng tỏ Sputnik V an toàn trong môi trường có HIV phổ biến, nhưng chưa nhận đủ dữ liệu.
Viện Gamaleya, nơi bào chế Sputnik V, nói: “Những quan ngại về tính an toàn của vắc-xin theo cơ chế véc-tơ Ad5 trong dân số có nguy cơ cao bị nhiễm HIV, hoàn toàn không có cơ sở”, và cho biết sẽ cung cấp mọi thông tin mà cơ quan này yêu cầu.
SAHPRA cho hay, đã tham khảo với các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước để đi tới quyết định trên, và rằng sẽ tiếp tục nhận dữ liệu đệ trình trong lúc việc duyệt xét vắc-xin vẫn còn rộng mở.
Nam Phi, có những thỏa thuận song phương với vắc-xin hai liều của Pfizer và vắc-xin một liều của Johnson & Johnson, hiện đã tiêm chủng hơn 20 triệu liều.
Khoảng 14 triệu người tại Nam Phi đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID, chiếm 35% dân số trưởng thành.
Không phong tỏa, hạn chế vaccine nhưng số ca nhiễm COVID-19 mới của Nhật đang giảm mạnh
Du Miên
Sau đợt bùng phát dịch COVID-19 trong kỳ Olympics 2020 vừa qua, đời sống hầu như đã sôi động trở lại ở Nhật Bản với số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm đáng kể. Song, các chuyên gia chưa thể lý giải hiện tượng này.
Khoảng đầu tháng Tám, mỗi ngày Tokyo phải ghi nhận thêm 6.000 ca nhiễm COVID-19 mới và trên toàn Nhật Bản con số này là khoảng 20.000 ca. Cho đến hôm 17/10, Tokyo đã ghi nhận 9 ngày liên tiếp với số ca nhiễm mới dưới 100, khi chỉ có 40 ca dương tính với virus; còn trên toàn nước Nhật thì có 429 ca, theo số liệu từ Associated Press.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia được dỡ bỏ, người dân Nhật Bản tiếp tục tấp nập trên những chuyến tàu đi làm buổi sáng và đến quán rượu để ăn mừng vào buổi tối. Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn áp dụng tình trạng khẩn cấp, Nhật Bản cũng chưa từng ở trong tình trạng phong tỏa, đối lập với các nước khác trên thế giới. Lệnh khẩn cấp này hầu như tập trung vào việc giới hạn các hoạt động vui chơi giải trí về đêm.
Có một số yếu tố tạo nên thành công bất ngờ của Nhật Bản trong nỗ lực dập dịch COVID-19 lần này. Các chuyên gia liệt kê bao gồm: chiến dịch tiêm chủng vaccine khởi đầu muộn nhưng tiến hành nhanh, hạn chế toàn bộ các khu vực hoạt động giải trí về đêm, áp dụng việc đeo khẩu trang từ trước đó, và một yếu tố khách quan là thời tiết xấu cuối tháng Tám khiến người dân Nhật hạn chế ra đường.
Giáo sư virus học tại Đại học Toho là Tiến sĩ Kazuhiro Tateda nhận định: “Việc tiêm phòng nhanh chóng và liên tục ở Nhật Bản cho những người dưới 64 tuổi có thể đã tạo ra một trạng thái tạm thời tương tự như miễn dịch đám đông”. Tuy nhiên, ông cũng thận trọng cảnh báo rằng, tỷ lệ số ca nhiễm đột phá tại các nước đã tiến hành tiêm vaccine đại trà trước Nhật Bản, như Anh và Mỹ, cho thấy rằng chỉ phụ thuộc vào vaccine là không đủ để ngăn chặn COVID-19, khi hiệu quả của biện pháp này suy giảm theo thời gian.
Nhật Bản khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào giữa tháng Hai, ưu tiên cho các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi. Tuy nhiên, chính phủ nước này không yêu cầu bắt buộc toàn dân tiêm vaccine. Trong tháng Bảy, tỷ lệ người dân tiêm vaccine tại Nhật Bản là 15% và đến đầu tháng 10 là 65%.
Hiện tại việc không tìm ra được nguyên nhân giúp giảm lượng ca nhiễm COVID-19 mới khiến các chuyên gia Nhật Bản lo ngại, khi tác dụng của vaccine giảm dần theo thời gian và mùa đông đang đến gần. Hôm 15/10, tân Thủ tướng Nhật Bản là ông Fumio Kishida cho biết đã yêu cầu soạn thảo một kể hoạch chuẩn bị vào đầu tháng 11 để đối phó với “kịch bản xấu nhất” khi số ca nhiễm mới bùng phát trở lại, theo Associated Press. Bản kế hoạch sẽ đặt ra các giới hạn khắt khe hơn đối với các hoạt động xã hội, đồng thời yêu cầu các bệnh viện tăng cường số lượng giường bệnh cùng nhân viên y tế để điều trị COVID-19.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell qua đời do biến chứng COVID-19
Zachary Stieber
Cựu Ngoại trưởng và Tướng về hưu Colin Powell đã qua đời ở tuổi 84, theo thông báo của gia đình ông hôm 18/10.
Ông Powell “đã qua đời vào sáng nay do biến chứng của COVID-19”, gia đình ông cho biết trong một tuyên bố.
Mặc dù ông Powell đã được chích ngừa đầy đủ chống lại virus Trung Cộng, mầm bệnh gây ra COVID-19, nhưng ông đã qua đời.
Ông Powell đã được chăm sóc tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở Bethesda, tiểu bang Maryland.
“Chúng tôi muốn cảm ơn các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Quốc gia Walter Reed đã tận tình điều trị. Chúng tôi đã mất đi một người chồng, người cha, người ông đáng kính và giàu tình yêu thương cũng như một người Mỹ tuyệt vời”, gia đình ông nói.
Đại diện của bệnh viện này đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bài báo.
Ông Powell, sinh ngày 05/04/1937, tại khu phố Harlem của tiểu bang New York, đã phục vụ trong Quân đội 35 năm, trong đó có hai chuyến công du tại Việt Nam.
Ông từng là một phần trong chính phủ của các cựu Tổng thống Hoa Kỳ như ông Ronald Reagan, ông George H.W. Bush, và ông George W. Bush, với các chức vụ của ông bao gồm cố vấn an ninh quốc gia, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và ngoại trưởng.
Ông Powell là một thành viên Đảng Cộng Hòa, nhưng lại ngày càng mất thiện cảm với đảng này, sau đó xuất hiện tại Đại hội Quốc gia của Đảng Dân Chủ vào năm 2020 và ủng hộ cho ứng cử viên tổng thống khi đó là ông Joe Biden thay vì ủng hộ cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Hôm 18/10, sau khi tin ông Powell qua đời được lan truyền rộng rãi, người ta đã gửi đến gia đình ông những lời chia buồn tiếc thương.
“Ông ấy là một công bộc xuất sắc, khởi sự từ khi ông là quân nhân chiến đấu tại Việt Nam. Nhiều vị Tổng thống đã tin tưởng vào sự cố vấn và kinh nghiệm của Tướng Powell”, cựu Tổng thống George W. Bush viết trên Twitter.
“Thế giới đã mất đi một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mà chúng ta từng chứng kiến,” Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói với các phóng viên tại Hoa Thịnh Đốn. “Bà Alma đã mất một người chồng tuyệt vời, và gia đình này đã mất đi một người cha vĩ đại. Và tôi đã mất đi một người bạn tâm giao và một người cố vấn rất tài ba. Chúng ta chắc chắn sẽ nhớ ông ấy.”
Tổng thống Biden nói trong một tuyên bố rằng ông Powell “tin tưởng vào lời hứa của Hoa Kỳ bởi vì ông đã sống cùng điều đó và ông cũng đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình để biến lời hứa đó trở thành hiện thực cho rất nhiều người khác.”
Thanh Tâm biên dịch