Các chính phủ với tham vọng kiểm soát ngày càng nhiều các khía cạnh của nền kinh tế, cũng như muốn kiếm lợi từ thâm hụt tăng cao, chắc chắn sẽ không hành động để kiềm chế giá cả leo thang, mặc dù họ luôn tuyên bố ngược lại.
Một trong những điều khiến người dân Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ ngạc nhiên là chính phủ dân túy (chính phủ cam kết hoạt động vì nhân dân và chống lại giới tinh hoa) của họ luôn nói về việc bảo vệ tầng lớp trung lưu và giúp đỡ người nghèo; tuy nhiên, lạm phát ở 2 quốc gia này lại tăng vọt khiến đa số người dân trở nên nghèo hơn.
Lạm phát là sự xói mòn sức mua của đồng tiền, tức là làm giảm giá trị đồng tiền. Các chính phủ sẽ luôn sử dụng những lý do khác nhau để biện minh cho lạm phát như: Nguồn cầu tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng, hay lòng tham của các tập đoàn… Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, đó chỉ là những lời bào chữa. Trên thực tế, lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ. Giá cả nguyên vật liệu và hàng hóa tăng cao là bởi cung tiền tăng ồ ạt và không tương ứng với sản lượng thực và cầu tiền thực.
Làm thế nào mà những “nút thắt cổ chai trong vận chuyển” lại khiến giá cước vận chuyển tăng 100% khi ngành vận tải biển phải đương đầu với tình trạng dư thừa lớn công suất vào năm 2019? Làm thế nào mà ai đó có thể nói rằng giá khí đốt tự nhiên và dầu đã tăng vọt do sự gián đoạn chuỗi cung ứng khi mà nguồn cung hoàn toàn theo sát nguồn cầu? Thực tế là một số yếu tố vừa nêu chỉ có thể giải thích một phần nhỏ của việc giá cả tăng cao, và Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu cũng như Chỉ số Hàng hóa Bloomberg không bởi những vấn đề này mà ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Điều đã xảy ra vào năm 2020 là một lượng tiền khổng lồ đã được tạo ra giữa lúc đóng cửa nền kinh tế, từ đó tạo ra lạm phát tiền tệ đối với những loại hàng hóa và dịch vụ không thể tái tạo và tương đối khan hiếm. Tại sao điều này không xảy ra trước đây?
Thật ra, điều đó đã từng xảy ra. Trước đây, chúng ta đã thấy giá tài sản tăng mạnh. Lạm phát xuất hiện ở những nơi có lượng tiền dư thừa, ví dụ như nơi mà cổ phiếu và trái phiếu có lợi suất cao tăng vọt, hay nơi mà định giá nhà ở và quỹ đầu tư tư nhân cao nhất mọi thời đại. Điều đó có nghĩa là thị trường có nhiều tiền hơn, trong khi số lượng hàng hóa không đổi. Lạm phát cũng tăng cao đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Giá nhà ở, chăm sóc sức khỏe, và giáo dục đã tăng đáng kể so với chỉ số giá tiêu dùng.
Vậy tại sao bây giờ lạm phát lại bùng phát mạnh mẽ như vậy? Đầu tiên, việc in tiền ồ ạt hồi giữa giai đoạn phong tỏa đã tạo ra dòng vốn mạnh mẽ chảy đến các ngành công nghiệp ‘khan hiếm’ (hay còn gọi là các ngành công nghiệp ‘giá trị cao’). Đó là những lĩnh vực đã bị dư thừa công suất và gặp tình trạng tăng trưởng cầu yếu trong một thập kỷ qua. Nhiều tiền hơn đã đổ vào dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, thậm chí là than đá hoặc nhôm.
Lạm phát không ngay lập tức xảy ra khi quý vị in tiền. Đó là một quá trình xói mòn dần dần sức mua của đồng tiền, đã bắt đầu từ nhiều năm trước và lên đến đỉnh điểm với việc thực hiện các chính sách trọng cầu (demand-side) ‘điên rồ’ (chi tiêu chính phủ lớn và in nhiều tiền) vào giữa giai đoạn phong tỏa.
Nhưng tại sao các chính phủ lại phớt lờ điều đó? Tại sao họ không hành động? Đáng lẽ họ phải giữ cho giá cả hàng hóa ở mức thấp, từ đó khiến người tiêu dùng, hay chính là những người bỏ phiếu, cảm thấy hạnh phúc. Câu trả lời rất đơn giản: Các chính phủ là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ lạm phát. Họ thu được nhiều tiền hơn từ thuế gián thu, và các khoản nợ đang tăng vọt của họ thì dần dần được lạm phát làm mòn đi.
Hơn thế nữa, các chính phủ có thể đổ cái lỗi lạm phát cho nhiều lý do, ngoại trừ cho các chính sách của họ. Ngay cả ở Argentina, nơi lạm phát cao hơn 50% và cao hơn 10 lần so với các nước láng giềng, người dân đã dần dần bị thuyết phục rằng ắt hẳn phải có những nguyên nhân khác ngoài việc in nhiều tiền. Ngay cả khi đưa ra bằng chứng về việc một ngân hàng trung ương tăng cung tiền hơn 120% trong 2 năm trong khi nguồn cầu giảm thì báo chí và các chính trị gia vẫn tuyên bố rằng: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Thật là một trò đùa!
Hãy xem những nhận xét gần đây của chính phủ Hoa Kỳ về việc giá cả tăng vọt.
Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Ron Klain cho hay, lạm phát là một “vấn đề của giai tầng cao”, trong khi thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trả lời rằng, việc mọi người mua nhiều hàng hóa hơn bao giờ hết là một nguyên nhân gây ra lạm phát. Tuy nhiên, theo Capital Economics, trong con số thống kê mới nhất, chi tiêu thực của người tiêu dùng trong một năm ở Hoa Kỳ đã giảm 1%.
Vào tháng 9, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese cho biết, nếu quý vị trừ đi sự tăng giá của thịt bò, thịt lợn, và gia cầm, thì mức tăng là bình thường: “Nếu quý vị loại bỏ 3 loại đó thì mức tăng giá là phù hợp với các chuẩn mực trong quá khứ”. Vậy là, nếu quý vị trừ đi mức tăng giá của những thứ quý vị ăn hàng ngày, và loại bỏ giá của những thứ quý vị mua, thì phải chăng là sẽ không có lạm phát?
Tất cả đều đang sử dụng vô số lý do khác nhau. Đổ lỗi cho doanh nghiệp vì giá cao hơn (biến những người chăn nuôi lợn, gà thành những người tồi tệ, biến những người giao hàng và quản lý cảng thành những người tồi tệ), đổ lỗi cho người tiêu dùng (quý vị mua quá nhiều và quá nhanh), và mỉm cười nói rằng chính phủ thực sự quan tâm và đang nỗ lực làm việc. Rồi chính phủ lại in tiền nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Các chính trị gia cũng sử dụng luận điệu lạm phát ‘nhất thời’. Từ các chính phủ, những người không muốn cắt giảm các khoản chi tiêu khổng lồ đến các ngân hàng trung ương, những người bị mắc kẹt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi họ phải in tiền để trả thâm hụt tăng vọt từ các chính phủ mắc nợ cao và đồng thời phải bảo vệ chiến lược “ổn định giá” của họ. Giữa hai mục tiêu đó, hãy đoán xem họ đã chọn gì? Vâng, cứ tiếp tục in tiền và nói rằng một ngày nào đó lạm phát sẽ trôi qua.
Vấn đề của lập luận “lạm phát nhất thời” chính là lạm phát tích lũy. Nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng 5% vào năm 2021 và 3% vào năm 2022, họ sẽ nói rằng lạm phát giảm, nhưng quý vị đều biết tiền lương và các khoản tiết kiệm của chúng ta đã bị xói mòn 8%. Thậm chí tệ hơn, nếu lạm phát tăng trên 6% vào năm 2021 và xuống dưới 2% vào năm 2022, đồng tiền của quý vị cũng sẽ mất khoảng 8% sức mua, nhưng các ngân hàng trung ương sẽ nói rằng họ phải in nhiều tiền hơn để “đối phó với rủi ro giảm phát”.
Các chính phủ theo chủ nghĩa can thiệp không bao giờ sẵn sàng cắt giảm chi tiêu hoặc giảm thâm hụt, vì vậy họ sẽ sử dụng thuế lạm phát, bởi họ biết rằng họ có thể sử dụng các lời bào chữa như: (1) không có lạm phát nếu quý vị loại bỏ phần giá cả tăng lên, (2) đó chỉ là tạm thời, (3) lỗi đến từ các doanh nghiệp, (4) lỗi đến từ người tiêu dùng, (5) tự cho rằng họ chính là giải pháp với “các quy định kiểm soát giá”.
Ông Milton Friedman từng nói: Lạm phát là việc đánh thuế mà không cần luật lệ. Không có cái gọi là lạm phát “đa nguyên nhân”. Lạm phát chính là khi có nhiều tiền hơn cho cùng một số lượng hàng hóa. Và thuế lạm phát đang làm tăng quy mô của chính phủ trong nền kinh tế theo cả 2 cách: (1) thông qua chi tiêu thâm hụt lớn và (2) làm xói mòn sức mua và tiết kiệm của khu vực tư nhân thông qua giảm giá tiền tệ.
Tác giả tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis. Ông đã viết các cuốn sách: Freedom or Equality (tạm dịch: Tự do hoặc Bình đẳng), Escape from the Central Bank Trap (tạm dịch: Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương), và cuốn Life in the Financial Markets (tạm dịch: Cuộc sống trong Thị trường Tài chính).
Lê Minh
Theo The Epoch Times