Tin thế giới tối thứ Năm

Báo cáo mới của Úc: Trung Quốc áp bức có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ

Lê Xuân

Một nghiên cứu mới về “Cuộc chiến chống lại người Duy Ngô Nhĩ” đang diễn ra ở Trung Quốc đã làm sáng tỏ cơ chế chính trị rộng lớn đằng sau 7 năm chế độ cộng sản bị cáo buộc áp bức đối với cư dân bản địa tại khu vực Tân Cương, nơi Bắc Kinh đã thiết lập một mô hình “quản trị cơ sở” có thể được xuất khẩu sang phần còn lại của đất nước.

Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố báo cáo mới của Trung tâm Chính sách Mạng Quốc tế (ICPC) vào hôm thứ Ba (20/10), trong bối cảnh các chính phủ lớn (bao gồm Hoa Kỳ) vẫn chưa công bố phản ứng đối với những gì được coi là hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 chuẩn bị diễn ra.

Các nhà nghiên cứu của ASPI gồm Vicky Xu, James Leibold và Daria Impiombato đã biên soạn bản báo cáo dài 60 trang với các trích dẫn nguồn đầy đủ, bao gồm hàng nghìn trang hồ sơ cảnh sát bị rò rỉ.

Vài giờ sau khi báo cáo xuất bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liền cáo buộc tổ chức tư vấn đã tung tin “bịa đặt”, nhưng không đề cập đến các nội dung nào cụ thể.

Theo nghiên cứu, ĐCSTQ đã tạo ra một chiến dịch “chống khủng bố” toàn khu vực vào năm 2014 và một chiến dịch cải tạo hàng loạt vào năm 2017 để chống lại người Duy Ngô Nhĩ.

Báo cáo cho thấy gần 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ hoặc bị chính phủ bắt ép tham gia lao động để “giải trừ sự cực đoan.” Hiện hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ khác vẫn tiếp tục sống dưới cái mà ASPI đã xác định là “cơ chế kiểm soát dựa vào cộng đồng,” trong đó ĐCSTQ huy động tai mắt quần chúng “để giúp dập tắt bất đồng chính kiến ​​và bất ổn, đồng thời gia tăng sự thống trị của đảng ở những tầng lớp thấp nhất của xã hội.”

Cuộc điều tra mới nhất này cho thấy khoảng 170 thực thể hành chính đã tham gia vào việc quản trị Tân Cương trong bảy năm qua.

Trình bày chi tiết về cách thức và những tác nhân thực thi chiến dịch áp bức tập trung của Bắc Kinh chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở vùng tây bắc Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã xác định ra Zhu Hailun – kiến ​​trúc sư của hệ thống trại cải tạo Tân Cương – cũng như người được đào tạo ở Harvard Yao Ning, người giám sát 9 trung tâm giam giữ mới ở một quận trong vùng.

Báo cáo của ASPI cho biết: “Cuộc đàn áp chống lại người Duy Ngô Nhĩ có điểm tương đồng nổi bật với các chiến dịch chính trị thời Mao”.

Ngoài việc bị cưỡng bức lao động, người dân Tân Cương còn bị buộc phải tham gia vào sân khấu chính trị, “chẳng hạn như các phiên tòa xét xử hàng loạt, các buổi tố cáo công khai, cam kết trung thành, các bài giảng kiểu ‘tuyên truyền’, và các bài hát chúc sức khỏe tốt cho Tập Cận Bình,” các tác giả viết.

Họ nói thêm, kiểu quản trị này giống như thời Cách mạng Văn hóa, “là một đặc điểm nội tại của hệ thống chính trị Trung Quốc mà thường bị bỏ qua trong các tài liệu tiếng Anh hiện nay.”

Báo cáo cho biết kiến trúc chính trị, bao gồm các chiến dịch toàn xã hội nhằm “tạo dựng lòng trung thành, sự tuân thủ và ổn định” hiện đang tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày ở Tân Cương.

Các tác giả Xu, Leibold và Impiombato cho biết báo cáo này sẽ cung cấp cơ sở bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách trên thế giới để cân nhắc về các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Hoa Kỳ và các nước khác đã trừng phạt một số quan chức cấp cao của Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm về những gì mà chính quyền Trump và Biden đều tuyên bố là “tội ác chống lại loài người” và “diệt chủng”.

Đợt bùng phát dịch mới của Trung Quốc lan tới 10 tỉnh thành

Đông Phương

Đợt bùng phát dịch mới của Trung Quốc lan tới 10 tỉnh thành
Các khu du lịch (từ trái qua) gồm tháp Đại Nhạn, chùa Đại Từ Ân, Bảo tàng Nghệ thuật Tây An… ở thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây, nơi đoàn khách du lịch Thượng Hải đã đặt chân qua. (Ảnh tổng hợp từ Vision Times)

Kể từ đầu tuần này, Trung Quốc lại xuất hiện một làn sóng dịch bệnh mới bắt nguồn từ các đoàn khách du lịch đến từ Thượng Hải và Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Truyền thông nước này cho biết, đã phát hiện các ca nhiễm liên quan ở ít nhất 10 tỉnh, thành, trong đó có cả Bắc Kinh.

Theo thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, từ hôm 18 đến 20/10, nước này có thêm lần lượt 9, 17, 13 ca nhiễm cộng đồng, bao gồm ở Nội Mông (12), Cam Túc (9), Ninh Hạ (6), Thiểm Tây (6), Hồ Bắc (2), Hồ Nam (1), Bắc Kinh (1), Quý Châu (1), Vân Nam (1).

Đoàn du lịch Thượng Hải

Vision Times dẫn nguồn từ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho biết, đoàn khách du lịch gồm 8 người là bạn bè, trong đó 7 người xuất phát từ Thượng Hải, 1 người xuất phát từ thành phố Ngân Xuyên – thủ phủ của khu tự trị Ninh Hạ.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Thời báo Sức khỏe – ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, dịch bệnh liên quan đến nhiều danh lam thắng cảnh, bao gồm tháp Đại Nhạn, chùa Đại Từ Ân, Vườn triển lãm Văn hóa Quốc tế Tây An, Bảo tàng Nghệ thuật Tây An… ở thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây và nhiều khu danh thắng khác ở Cam Túc, Trùng Khánh, Nội Mông Cổ, v.v.

Thông báo chính thức cho biết, hai người đầu tiên trong đoàn bị phát hiện nhiễm bệnh hôm 17/10 ở Tây An là một người phụ nữ 62 tuổi họ Diêm và người chồng 65 tuổi. Sau đó, 5 người khác trong nhóm cũng lần lượt có kết quả xét nghiệm dương tính vào đêm muộn cùng ngày.

Đến 8 giờ sáng ngày 18/10, Tây An đã truy vết được ít nhất 1.553 người tiếp xúc gần, với hơn 30.000 người bị ảnh hưởng; thành phố Gia Cốc Quan ở Cam Túc đã xét nghiệm axit nucleic (PCR) cho tất cả cư dân; Kỳ Ejin (hoặc Ejina) ở Nội Mông cũng quản lý khép kín và làm xét nghiệm quy mô lớn.

(Xếp hàng chờ xét nghiệm ở Kỳ Ejin, Nội Mông)

Tính đến 5h50 tối ngày 19/10, Trung Quốc có 5 vùng nguy cơ trung bình, phân bố ở Cam Túc và Nội Mông. Tính đến 12 giờ trưa ngày 19/10, sân bay Hàm Dương ở Tây An buộc phải hủy 239 chuyến bay; sân bay Lan Châu ở thủ phủ tỉnh Cam Túc buộc phải hủy 61 chuyến bay; sân bay Hà Đông ở Ngân Xuyên cũng phải hủy 55 chuyến.

Dịch bệnh thậm chí lan sang cả thủ đô Bắc Kinh. Các quan chức Bắc Kinh xác nhận vào ngày 19/10 rằng, trường hợp mới được phát hiện ở quận Phong Đài của Bắc Kinh đến từ Cam Túc.

(Một khu dân cư ở quận Phong Đài, Bắc Kinh bị quản lý khép kín và xét nghiệm PCR)

Đoàn du lịch Hồ Châu

Ngoài đoàn khách du lịch Thượng Hải, còn một đoàn khác gồm 10 người đến từ thành phố Hồ Châu của tỉnh Chiết Giang, theo The Epoch Times.

Tờ Tin tức Bắc Kinh (The Beijing News) đưa tin, hôm 12/10, đoàn khách này bay từ sân bay Hàng Châu đến Ngân Xuyên rồi thuê xe đến nhiều khu danh thắng ở Ninh Hạ, Nội Mông…

Vào ngày 19/10, thành phố Ngô Trung thuộc Ninh Hạ thông báo, phát hiện một người dương tính họ Hứa thuộc đoàn du lịch trên, sau đó người này được xác nhận là một ca nhiễm cộng đồng. Vào sáng sớm ngày 20/10, hai người trong đoàn cũng được chẩn đoán nhiễm bệnh.

Tài xế lái xe người địa phương phụ trách đưa đón đoàn cho biết, đoàn khách này là đồng nghiệp của nhau, đều trên 50 tuổi, thuê xe từ ngày 12 đến ngày 19/10. Tài xế nói rằng, sau khi chú ý đến vụ bùng phát ở Kỳ Ejin, anh quyết định tất cả những người trên xe đến bệnh viện để xét nghiệm axit nucleic vào chiều ngày 18/10.

Nhóm người này đều từng dùng bữa tại Nhà hàng Đồng Nam Các ở Nội Mông. Hiện tại, nhà hàng có tổng cộng 5 nhân viên đã nhiễm bệnh và 14 thực khách dương tính.

Nhà hàng Đồng Nam Các

Theo lịch trình di chuyển do chính quyền thông báo, hầu hết các trường hợp dương tính trong đợt dịch lần này đều liên quan đến Nhà hàng Đồng Nam Các ở thị trấn Đạt Lai Hô Bố thuộc Kỳ Ejin, Nội Mông.

Theo thông tin trên nền tảng Dianping – trang web đánh giá về các khu vui chơi giải trí, nhà hàng khách sạn của Trung Quốc, Nhà hàng Đồng Nam Các đứng thứ 7 trong danh sách xếp hạng các nhà hàng được yêu thích ở Kỳ Ejin. Nhà hàng này chỉ cách Khu du lịch Hồ Dương Lâm (Populus Euphratica Forest) khoảng 3 km.

Hiện tại đang là mùa du lịch cao điểm của Khu du lịch Hồ Dương Lâm, rất nhiều du khách từ khắp nơi đổ về đây, sau khi lưu trú vài ngày thì bắt các phương tiện di chuyển khác nhau để tản đi các hướng.

Theo chuyên gia virus học Thường Vinh Sơn (Chang Rongshan) của Đại học Sán Đầu, từ tình trạng hiện tại có thể thấy, “chỉ cần các trường hợp dương tính được tìm thấy ở các tỉnh có liên quan đến nhau và trùng khớp về thời gian và không gian, thì quy mô của đợt dịch lần này nhiều nhất là khoảng 50 người”.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Đông Phương (t/h)

TQ: Nổ khí gas ở Thẩm Dương, 3 người chết, hơn 30 người bị thương

Mai Hạ

TQ: Nổ khí gas ở Thẩm Dương, 3 người chết, hơn 30 người bị thương
Hiện trường vụ nổ khí gas ở Thẩm Dương sáng ngày 21/10. (Ảnh tổng hợp)

Vào lúc 8 giờ 20 phút sáng ngày 21/10, tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã xảy một vụ nổ khí gas lớn, khiến nhiều tòa nhà và phương tiện tại hiện trường bị hư hỏng nặng. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, sự cố đã khiến 3 người chết và hơn 30 người bị thương.

Chính quyền thành phố Thẩm Dương cho biết, vào lúc 8 giờ 20 phút ngày 10/10, trên đường Nam Thất Mã, phố Thái Nguyên Nam, thành phố Thẩm Dương, đã xảy một vụ nổ khí gas, khiến một tòa nhà ba tầng bị phá hủy hoàn toàn, trong khi mặt tiền các tòa nhà lân cận cũng chịu ảnh hưởng, tạo ra đống đổ nát hỗn độn trên đường phố. Những chiếc ô tô đậu gần nhà hàng cũng bị hư hại.

Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy, một đám khói khổng lồ bốc ra từ cửa sổ, sau đó nhiều mảnh mảnh vỡ liên tục bay ra ngoài, đám đông người hoảng loạn bỏ chạy.

“Lúc 8h25, trạm cứu hỏa và cứu nạn phố Thái Nguyên Nam đã cử ba phương tiện và 10 người đến hiện trường để cứu hộ”, lực lượng cứu hỏa cho biết trên mạng xã hội Weibo.

Lực lượng cứu hỏa sau đó triển khai thêm lực lượng, tổng cộng 25 xe cứu hỏa và 110 lính cứu hỏa được điều đến hiện trường.

Một chủ cửa hàng gần hiện trường nói với Beijing Youth Daily rằng, cửa hàng của bà cách nơi xảy ra vụ nổ chỉ khoảng 20 mét. Khi vụ nổ xảy ra đã phát ra tiếng động rất lớn, chấn động mạnh khiến toàn bộ cửa ra vào, cửa sổ của cửa hàng bà đổ vỡ, lúc xảy ra sự cố vẫn còn khách đang ăn uống, rất may không có ai bị thương.

Một chủ cửa hàng khác gần hiện trường nói với The Paper rằng, do ảnh hưởng của vụ nổ, toàn bộ cửa kính trong nhà của ông đã bị vỡ nát và không thể kinh doanh trong hôm nay.

Một số cư dân mạng địa phương cho biết: “Tôi nghe thấy một tiếng động lớn khi đi làm vào buổi sáng. Cảnh tượng thực sự thê thảm”.

“Tôi sống ở gần đây. Phải nói đây là một trong những vụ nổ nghiêm trọng nhất từ trước tới nay”.

“Thương vong có thể không hề ít như vậy, xem video có thể thấy vụ nổ rất mạnh”.

“Làm sao chỉ có 3 người chết nếu cả một tòa nhà 3 tầng và nhiều nhà xung quanh bị ảnh hưởng như vậy, có phải chính quyền che giấu không?”. 

Trước đó, vào sáng ngày 13/6, tại huyện Trương Loan, thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, đã xảy ra một vụ nổ đường ống dẫn khí gas, khiến ít nhất 12 người chết, 138 người bị thương, trong đó 37 người bị thương nặng. 8 người, gồm tổng giám đốc công ty sở hữu đường ống khí đốt, bị bắt sau khi giới chức phát hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đường ống không được thực hiện đầy đủ.

Tiền NHTW Trung Quốc bơm ròng để cứu thanh khoản tương đương ⅔ tổng nợ của Evergrande

Trà Nguyễn

Tiền NHTW Trung Quốc bơm ròng để cứu thanh khoản tương đương ⅔ tổng nợ của Evergrande
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 1.251 tỷ CNY vào hệ thống tài chính để giải cứu thanh khoản khi thị trường BĐS đang chìm trong bóng tối, các cuộc khủng hoảng điện năng và lương thực đang đe doạ ổn định hệ thống (Ảnh: Getty Images)

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), ngày thứ hai liên tiếp, đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ (CNY), khoảng 15,65 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thương mại thông qua nghiệp vụ repo đảo ngược. Tổng số tiền mà PBOC đã bơm ròng từ đầu năm 2021 cho tới nay cho các NHTM đã tương đương với ⅔ khối nợ của Evergrande.

Theo Tân Hoa xã, ngày 21 tháng 10, ngày thứ hai liên tiếp, Ngân hàng trung ương Trung Quốc  (PBOC) đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ  (CNY), khoảng 15,65 tỷ đô la Mỹ, vào hệ thống tài chính thông qua nghiệp vụ repo ngược.

Theo PBOC, lãi suất cho kỳ hạn 7 ngày đảo ngược được ấn định ở mức 2,2%. Đây là mức lãi suất thấp hơn 15 điểm phần trăm so với lãi suất qua Repo đảo ngược của các đợt bơm tiền trước đó. Điều này cho thấy, PBOC đang tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ của họ để cứu trợ thanh khoản của hệ thống NHTM, không chỉ bằng khối lượng tiền bơm ra rất lớn mà còn ở mức lãi suất vốn rẻ hơn. 

Theo PBOC, động thái này nhằm mục đích bù đắp các tác động của kỳ tính thuế và phát hành trái phiếu chính phủ, đồng thời giữ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở mức đủ hợp lý. 

Nghiệp vụ Repo đảo ngược là một quá trình trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai. 

Ngay từ tháng 1/2021, PBOC đã liên tiếp bơm tiền cho hệ thống, nhưng khối lượng tiền bơm ra khá nhỏ, từ 2 – 10 tỷ CNY. Nhưng sau đó, hồi tháng 2 và tháng 3/2021, khi quả bom nợ Evergrande bắt đầu nóng lên, PBOC đã phải bơm tới 530 tỷ CNY để cứu trợ thanh khoản. Tình trạng tương tự cũng diễn ra hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi Evergrande không thể trả được lãi đợt 1, 2 cho các trái phiếu phát hành trên thị trường trái phiếu quốc tế, PBOC thời điểm này đã phải bơm ra 730 tỷ CNY. 

PBOC liên tục khẳng định bom nợ Evergrande không ảnh hưởng tới hệ thống tài chính của nền kinh tế này. Điều này là có thể. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt với thời kỳ đen tối của thị trường bất động sản và giờ là khủng hoảng điện năng, lương thực… Có lẽ, vấn đề thiếu hụt thanh khoản mà các ngân hàng thương mại nước này phải đối mặt không chỉ từ Evergrande mà còn rất nhiều các bom nợ từ các mô hình kinh doanh tương tự Evergrande. 

Theo số liệu theo dõi của NTDVN, từ đầu năm tới nay, chỉ thông qua nghiệp vụ Repo đảo ngược, PBOC đã bơm ròng 1.251 tỷ CNY vào hệ thống ngân hàng thương mại, tương đương với 195,6 tỷ USD, bằng khoảng ⅔ tổng khối nợ 300 tỷ USD của Evergrande. 

Trà Nguyễn

Mỹ nói quyết định loại quân đội Myanmar khỏi cuộc họp của ASEAN là quan trọng nhưng chưa đủ

Phụng Minh

Ông Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao về Đông Á và Châu Đại Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc (ảnh: Youtube/Sakal Times).

Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm thứ Tư (ngày 20/10) cho biết, Hoa Kỳ coi quyết định loại nhà lãnh đạo quân sự Myanmar khỏi hội nghị cấp cao ASEAN là rất quan trọng nhưng ASEAN cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết những thách thức mà Myanmar đang phải đối mặt sau cuộc đảo chính quân sự ở đó.

Tuần trước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã quyết định mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh từ ngày 26-28 tháng 10, thay cho Thống tướng Min Aung Hlaing.

Bình luận về quyết định này của ASEAN, ông Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao về Đông Á và Châu Đại Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cho rằng: “Điều này phản ánh một bước tiến rất quan trọng. Rõ ràng, chúng tôi tin rằng điều đó là chưa đủ, và việc giải quyết những thách thức do cuộc đảo chính ở Myanmar đặt ra, cũng như những khó khăn bất thường mà người dân Myanmar đang phải đối mặt do hậu quả của cuộc đảo chính, nó đòi hỏi phải có tầm nhìn rộng hơn và tôi nghĩ rằng cần nỗ lực hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên, ông Kagan không nêu chi tiết các bước cần thiết.

Ông Kagan cho biết giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở Myanmar sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước ASEAN, cũng như các đối tác bên ngoài. Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với ASEAN về vấn đề này.

Tham tán Bộ Ngoại giao Derek Chollet, người đang có chuyến thăm ASEAN để thảo luận về Myanmar trước thềm hội nghị cấp cao, cho biết trong một tweet rằng ông đã có một cuộc họp “hiệu quả” với Phó Giám đốc điều hành Ho Hern Shin của Cơ quan tiền tệ Singapore.

Ông Chollet, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Antony Blinken, cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về các cách để hạn chế chế độ quân sự Miến Điện tiếp cận các tài sản tài chính ở nước ngoài”.

Related posts