ĐCSTQ đề bạt quan chức cao cấp bị phương Tây trừng phạt

Eva Fu

Một hàng rào quân sự được xây dựng xung quanh nơi chính thức được gọi là trung tâm giáo dục kỹ năng nghề ở quận Đạt Phản Thành (Dabancheng) thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, vào ngày 04/09/2018. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters) Trung Quốc

Bắc Kinh đã thăng chức cho một quan chức cao cấp ở khu vực viễn tây Tân Cương  của Trung Quốc, người có tên đã xuất hiện trong nhiều danh sách trừng phạt của phương Tây vì vai trò của ông trong việc đàn áp các cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, mà một số quốc gia đã gán nhãn là hành vi diệt chủng.

Ông Vương Quân Chính (Wang Junzheng), 58 tuổi, đã được điều chuyển vào vị trí cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tây Tạng sau khi giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một tổ chức bán quân sự ở Tân Cương bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Việc thăng chức của ông đã được công bố trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 19/10, cùng với sự điều chỉnh sáu vị trí lãnh đạo khác của khu tự trị này. Hành động đề bạt này xảy ra vào thời điểm ĐCSTQ chuẩn bị cho Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 vào năm tới, sẽ đánh dấu việc cải tổ giới lãnh đạo lớn nhất trong 5 năm tới đây.

Ông Vương là một trong bốn quan chức Trung Quốc bị Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc và EU trừng phạt hồi đầu năm 2021, khiến ông trở thành một trong những nhân vật cao cấp nhất của nhà cầm quyền này phải chịu các biện pháp trừng phạt như vậy.

Vào thời điểm đó, ông nói với truyền thông nhà nước rằng các lệnh trừng phạt này là “một tờ giấy vứt đi”, nói rằng ông không quan tâm đến việc đi du lịch đến các quốc gia đó và ông “không có một xu” trong các ngân hàng của họ.

quan chức cao cấp ở Tân Cương
Công nhân đi bộ bên tường rào dây thép gai của một trại lao động ở Tân Cương, Trung Quốc, vào ngày 04/09/2018. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Năm 2019, ông Vương trở thành Bí thư Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp lý Khu tự trị Tân Cương, một cơ quan chính trị quyền lực chịu trách nhiệm thực thi pháp luật và an ninh công cộng. Ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Khu tự trị Tân Cương vào năm 2020 và trở thành Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một tổ chức bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Ông Vương sẽ tiếp quản vị trí của quan chức nghỉ hưu Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie). Trong một bài diễn văn hôm 19/10, ông Ngô đã mô tả những thay đổi về nhân sự như  sự “khẳng định hoàn toàn” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đối với việc giải quyết Tây Tạng của họ. Cũng tại hội nghị này, với sự tham dự của tất cả các quan chức lớn ở Tây Tạng, ông Vương cam kết sẽ cống hiến hết mình cho Đảng và xây dựng một đội ngũ cán bộ “trung thành, trong sạch và có trách nhiệm”.

Bắc Kinh đã tiếp quản Tây Tạng vào năm 1951 sau khi hứa cho người dân trong khu vực này quyền thực hiện quyền tự trị. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhà cầm quyền này tiếp tục tăng cường kiểm soát người dân địa phương, buộc các tăng ni phải tiếp tục cuộc sống thế tục và thúc đẩy tiếng Quan Thoại hơn là tiếng Tây Tạng.

Hồi tháng 08/2021, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương bảo người Tây Tạng hãy chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng, tuyên bố đó là cách duy nhất để Tây Tạng thịnh vượng.

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times, chuyên đưa tin về Mỹ-Trung, tự do tôn giáo, và nhân quyền.

An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo
bản gốc từ The Epoch Times

Related posts