Du Uyên
Xã hội luôn có những con người mang suy nghĩ khác biệt. Khác biệt là tốt khi bạn mang nó vào công việc sáng tạo, nhưng không hề tốt khi bạn muốn khác biệt đến mức không giống đồng loại nữa!
Có những người phải bán luôn những phân vàng cuối cùng để làm lộ phí, phải ký giấy nợ ở các khu cách ly vì hết tiền chi trả… Vậy mà trong dư luận, sẽ luôn có một số đông khác đưa ra những câu cảm thán: Trời ơi, sao lại mang dịch về quê? Sao nhịn đói nửa năm được mà không ráng chút nữa để đi làm lại? Tại họ mà dịch không hết v.v.
Tôi đã âm thầm nghỉ chơi với vài người, vì họ đưa tay gõ những dòng chỉ trích đồng bào đang tháo chạy về quê. Tôi đã đặt ra câu hỏi, có bao giờ họ đưa tay ra giúp những người xung quanh mình? Thậm chí khi người ta chỉ vấp cục đá? Họ có biết, suốt hai năm nay, có bao nhiêu người ở Sài Gòn, Ðồng Nai, Bình Dương… đã xuống đường giúp đỡ những người nhập cư khốn cùng. Trong đó có những người bị nhiễm bệnh, khiến cho người giúp họ cũng bị nhiễm bệnh và qua đời. Nhưng khi những tình nguyện viên nhiễm bệnh hay qua đời, chưa từng có ai trong gia đình tình nguyện viên oán trách người lây bệnh. Ai cũng biết rằng, chẳng ai muốn mình bị bệnh, nhất là những người nghèo khổ thì sẽ càng sợ bệnh. Tôi biết khá nhiều người sợ vào bệnh viện khám mỗi khi cơ thể họ không khỏe, vì họ sợ khám xong “lòi” ra bệnh, mà “biết bệnh rồi thì tiền đâu mà chữa?”
Hôm nay bạn ở trong “vùng xanh” (vùng không có dịch), bạn cười ha hả và gõ phím chỉ trích, nhạo báng người khác vì bạn tưởng mình đã an toàn? Nhưng bạn có biết, chính cha mẹ bạn, người thân bạn, người phải ra ngoài kiếm tiền nuôi bạn hoặc chính bạn là những người có thể bị nhiễm bệnh dịch, biến thành F0, F1 trên báo, bị những người như bạn mang ra làm trò cười và mạt sát.
Hãy dừng lại để cứu nhân phẩm của chính mình.
Tôi cảm thấy sợ những con người có thể ngụy biện theo cách như trên. Họ đang đánh lạc hướng câu chuyện và tự bao biện cho sự kém hiểu biết của bản thân. Như tôi đã nói ở trên, đây không phải chỉ là chuyện về những chú chó hay là việc ăn thịt chó hay không, mà nó là vấn đề về quyền tài sản của công dân và sự tuân thủ các quy định pháp luật của công chức. Ðây là chuyện cách con người đối xử với con người, chính phủ đối xử với dân.
Sau tất cả, con chó có nên xem là thức ăn không? Khi ở Việt Nam, đa số thịt chó làm nên từ các vụ trộm cắp và bệnh hoạn chết. Khi đa số người Việt Nam đang cố gắng học tiếng Anh để hòa nhập vào thế giới văn minh. Khi đa số con cháu cán bộ/đại gia chọn Mỹ/Châu Âu… làm nơi đi học/định cư, những nước luôn là thước đo về văn minh và sự phát triển xã hội, những nước có luật lệ gắt gao về quyền của chó. Ở những nơi này, bạn có thể bị kiện khi hàng xóm “rình” thấy bạn hành hạ vật nuôi. Ngoài ra, có lý thuyết rất hay, tôi không biết tác giả, nhưng xin trích lại:
“Cây trồng có 3 nhóm: cây cảnh trồng trong vườn cho đẹp, cây quý hiếm trong sách đỏ và cây trồng đại trà làm rau hay lương thực. Ðộng vật cũng chia làm 3 loại: thú nuôi như chó mèo, động vật hoang dã trong tự nhiên và động vật làm thực phẩm để nuôi đại trà. Chúng ta chỉ được ăn cái thứ ba. Ðó là văn minh nhân loại. Còn bạn nào cây cảnh cũng nhổ lên ăn, chó mèo cũng đập chết ăn, nói không nghe mà cãi nhem nhẻm, thì kệ. Họ thuộc về văn hóa ít tình, ít nghĩa!”
Mới đây, lại có câu chuyện một người vợ đem con cá cảnh quý của chồng đi chiên, khi người chồng làm cô phật ý. Với người không nuôi cá hoặc với người vợ, thì đây là chuyện cười. Nhưng với người chồng và những người nuôi cá, quý cá, đó là một hành động độc ác và không tôn trọng. Cuộc hôn nhân đó có thể sẽ không đổ vỡ ngay vì con cá, nhưng đã có vết nứt vì con cá…
Có những mất mát, đau đớn với người này nhưng lại là trò cười với người khác. Khi con người ta không đủ đồng cảm dành cho nhau. Nhưng không ai dạy người khác là chạy dzô đám tang của ai đó ngồi cười, có cười thì cũng chạy vào buồng riêng mà bụm miệng cười.
Chắc gì anh chồng buồn vợ vì chiên con cá cảnh là do anh ta yêu cá chứ không yêu vợ. Không phải người ta tiếc thương đàn chó là yêu chó chứ không yêu con người. Không phải tôi buồn vì vợ chồng chủ quán bún riêu mất mà tôi không thương bà bún riêu còn sống. Không phải tôi không buồn vì vị lãnh tụ nào đó chết mà tôi hết yêu con người, tôi không tôn trọng những người thành tâm phụng sự khác trong chính quyền (dầu tôi chưa tìm ra). Chúng ta là con người mà, chúng ta có thể vừa yêu cá vừa yêu vợ, vừa yêu chó vừa yêu người, vừa yêu người tốt này vừa ghét người xấu kia…
Tôi từng đọc đâu đó: “Suy nghĩ tạo nên hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận.” Những kẻ buông lời độc ác, có những suy nghĩ độc ác sẽ có số phận tồi tệ hơn ư? Không, tôi không tin. Vì bản thân tôi không tin cuộc đời này có nhân quả. Bởi tôi đã thấy có quá nhiều người xấu sống lâu, sống tốt dầu bị nguyền rủa ngập trời. Con cháu của họ cũng sống rất thoải mái trên sự mất mát của nhiều người. Nhưng tôi tin vào sự tiến hóa của nhân loài, con người rồi sẽ tốt lên, cái xấu, cái ác rồi sẽ bị bài trừ. Khi xã hội tiến hóa, nếu bạn không tiến hóa thì bạn sẽ bị tiêu hóa.
Xin kết bài bằng một câu chuyện, tôi không biết có thật không, nhưng nó xoa dịu lòng tôi rất nhiều
“Hải quan Hoa Kỳ có một lô xe đạp bị tịch thu và quyết định bán đấu giá. Trong cuộc đấu giá, mỗi chiếc xe được bán đi, người trả giá đầu tiên luôn là cậu bé 10 tuổi trả với giá là “5 đô la”. Sau đó cậu bé lại lặng lẽ nhìn những chiếc xe bị người khác mua mất với giá họ trả là 30 hoặc 40 đô la.
Cuộc bán đấu giá tạm nghỉ giữa giờ, người bán đấu giá hỏi cậu bé là sao không trả giá cao hơn để mua chiếc xe. Cậu bé nói mình chỉ có 5 đô la.
Người bán đấu giá hỏi: “Ai sẽ trả giá?”
Ở vị trí đầu tiên, cậu bé dường như không còn hy vọng nhưng cậu vẫn quyết định trả giá 5 đô la. Cả sàn đấu giá lúc này bỗng im bặt. Tất cả những cặp mắt hướng về phía cậu bé, không một ai lên tiếng cũng không ai nhấc tay xin trả giá. Mãi cho đến khi người bán đấu giá đếm hết 3 lượt và nói: “Chiếc xe đạp được bán cho cậu bé mặc quần đùi và đi giày thể thao màu trắng”… Thì cả sàn đấu giá mới vang dội lên tiếng vỗ tay nhiệt liệt. Cậu bé cũng vỗ tay, sau đó cậu lấy từ trong túi ra tờ 5 đô la và nhận về chiếc xe đạp với nụ cười tươi vui rạng rỡ.” – Hết truyện.
Trong khi đó, ở đâu đó, những cuộc đấu giá chỉ có một số người biết và nhiều lượt thắng còn thấp hơn giá khởi điểm.