Vũ Hiến
Kể từ tháng 5 tới nay, giá dầu, than và khí đốt trên thế giới cộng lại đã tăng 95%, hay gần gấp đôi. Nước Anh đã buộc lòng phải cho tái khởi động lại các nhà máy phát điện chạy bằng than của họ vì thiếu khí đốt. Giá xăng trung bình tại Mỹ cho đến cuối tuần qua đã đụng mức $3.30 một gallon, tình trạng cúp điện xảy ra tại nhiều nơi ở Trung Quốc và Ấn Độ, và ông Vladimir Putin cũng vừa mới nhắc nhở Âu châu rằng nguồn cung cấp nhiên liệu của họ là tuỳ thuộc vào thiện chí của nước Nga.
Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu là điều ít ai có thể nghĩ tới trong năm 2020 khi nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sụt giảm 5%, mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai, dẫn đến việc cắt giảm chi phí (nhân viên, đầu tư) trong ngành năng lượng. Nhưng khi kinh tế thế giới khởi động trở lại, nhu cầu cho nhiên liệu tăng mạnh ngay cả khi các kho dự trữ nhiên liệu đã giảm xuống thấp ở mức nguy hiểm. Lượng dầu tồn kho chỉ ở mức 94% so với mức thông thường, dự trữ khí đốt của châu Âu là 86%, và số lượng than hiện có sẵn để sử dụng của Ấn Ðộ và Trung Quốc là dưới 50%.
Trong khi đó thì nguồn cung cấp điện tái tạo lại không được liên tục. Tình trạng gián đoạn nói trên có nhiều nguyên do, trong đó phải kể đến việc bảo trì định kỳ, tai nạn xảy ra không đoán được trước, quá ít gió ở châu Âu khiến cho hệ thống quạt không thể hoạt động tối đa, hạn hán đã cắt giảm sản lượng thủy điện ở châu Mỹ Latinh, và cũng cần kể thêm là tình trạng lũ lụt ở châu Á đã cản trở việc cung cấp than. Thế giới vẫn có thể thoát khỏi một cuộc suy trầm năng lượng nghiêm trọng nếu như các trục trặc kể trên có thể được giải quyết và Nga và OPEC (tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu) có thể miễn cưỡng gia tăng mức sản xuất dầu và khí đốt của họ. Hậu quả ở mức tối thiểu là khi chi phí năng lượng tăng sẽ khiến lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Tuy nhiên, nếu nhu cầu năng lượng để cho bị lệ thuộc quá nhiều vào OPEC, và đặc biệt là Nga, thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều vì sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc phòng.
Một điều thực tế hiện nay là loại nhiên liệu hóa thạch cung ứng 83% nhu cầu năng lượng căn bản của thế giới. Theo các nhà phân tích năng lượng, nếu tình hình năng lượng thế giới vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay, sản lượng dầu từ OPEC cộng với Nga có thể tăng từ 46% vào thời điểm hiện tại lên 50% hoặc hơn vào năm 2030. Nga là nguồn cung cấp 41% lượng khí đốt nhập cho châu Âu và sẽ là thứ vũ khí mang lại nhiều lợi thế cho Nga trên chính trường quốc tế một khi họ kích hoạt đường ống dẫn nhiên liệu Nord Stream 2 và phát triển thị trường ở châu Á. Sự đe doạ về an ninh sẽ luôn hiện hữu vì Nga có thể cắt đứt nguồn cung cấp bất cứ lúc nào.
Trước hết cần phải nói rõ là tới một ngày nào đó nguồn nhiên liệu của thế giới sẽ phải lấy từ năng lượng sạch: thứ nhất, để giảm bớt lượng khí thải nhà kính; thứ hai, nguồn nhiên liệu hoá thạch tới một lúc nào đó sẽ cạn kiệt. Nhưng từ đây cho tới ngày đó, chính sách năng lượng của các chính phủ cần phải làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế – nghĩa là hiện nay thế giới vẫn cần tới nguồn nhiên liệu hoá thạch trong sản xuất cũng như trong mọi sinh hoạt thường ngày. Thúc đẩy quá nhanh để chuyển sang nguồn năng lượng sạch mà không nhìn thấy nhu cầu năng lượng hiện tại sẽ là một chính sách sai lầm và chính quyền Hoa Kỳ đang phải đối diện với điều sai lầm thực tế đó.Xem thêm: Bảo vệ Đài Loan
Mấy năm qua, khi Hoa Kỳ trở thành quốc gia sản xuất năng lượng (dầu thô, khí đốt, than) đứng đầu thế giới và kết quả là nguồn cung ứng lúc nào cũng đầy đủ và giá xăng dầu luôn được duy trì ở mức thấp. Nhưng trong 9 tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, ông đã theo đuổi các chính sách năng lượng nhằm tạo áp lực buộc các công ty sản xuất dầu và khí đốt phải hạn chế mức sản xuất với mục tiêu cuối cùng là ngưng hẳn việc sản xuất. Và chuyện gì đến đã đến, giá xăng tại các trạm xăng trên toàn nước Mỹ tăng đều đặn trong nhiều tháng qua đến mức ông Biden đã phải lên tiếng yêu cầu OPEC tăng lượng sản xuất dầu của họ nhưng thất bại. Nay ông Biden lại phải hạ mình quay qua yêu cầu ngành kỹ nghệ trong nội địa nước Mỹ mà ông từng nhiều lần phỉ báng là đang góp phần phá hoại trái đất là hãy tìm cách giúp làm giảm bớt giá xăng hiện nay. Chưa biết các công ty sản xuất năng lượng phản ứng ra sao với lời yêu cầu của ông Biden, nhưng một điều chắc chắn là nếu chính quyền Biden không thay đổi chính sách và các công ty sản xuất không thấy sự đầu tư có lợi cho họ thì không đời nào họ làm.
Tại một cuộc tranh luận ứng cử viên tổng thống hồi năm ngoái, ông Biden cho biết là ông sẽ “chuyển đổi ra khỏi ngành kỹ nghệ dầu hoả.” Ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh thu hồi giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, là đường ống dự tính được dùng để đưa dầu thô từ Canada và mỏ Bakken Shale (nằm ở biên giới hai tiểu bang Montana và North Dakota) tới các cơ sở lọc dầu nằm dọc theo vùng vịnh Mễ Tây Cơ. Một tuần sau đó ông ký sắc lệnh tạm hoãn các hợp đồng thuê dầu khí mới trên các vùng đất và vùng biển của liên bang.
Một phán quyết của toà án ngăn cản sắc lệnh tạm hoãn này, nhưng Bộ Nội vụ hiểu rõ thông điệp của tổng thống. Bộ chỉ cấp tổng cộng 171 giấy phép khoan dầu trên đất thuộc liên bang trong tháng 8, sụt giảm 76% kể từ tháng 4. Chính quyền Hoa Kỳ cũng đã quyết định đình chỉ các hợp đồng thuê hiện có tại khu vực bảo tồn động vật hoang dã vùng Bắc Cực thuộc tiểu bang Alaska.
Mặc dù tất cả các khoản trợ cấp của chính phủ là dồn hết cho năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch cung cấp khoảng 80% nhu cầu năng lượng của nước Mỹ và khi giá cả năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng lên cuộc sống của người dân và đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Nói cách khác, đây chính là một cuộc khủng hoảng năng lượng một phần do chính TT. Biden tạo ra nhưng có thể tránh được. Nếu TT. Biden nghiêm chỉnh về việc muốn các công ty sản xuất năng lượng trong nước giúp giảm giá tại các trạm xăng và tại nhà, ông sẽ phải thay đổi các chính sách về năng lượng của ông. Khi giá cả sinh hoạt ảnh hưởng đến túi tiền của cử tri thì điều đó cũng ảnh hưởng tới quyết định bỏ phiếu của họ. Ông Biden hiểu rõ vấn đề đó nhưng có đủ sáng suốt để thay đổi quan điểm của chính ông hay không lại là câu hỏi khác.