Tin Việt Nam sáng Chủ Nhật

Đại Học Đông Đô lên tiếng vụ Viện trưởng Viện quy hoạch nghi dùng bằng giả

Hiểu Minh

Ảnh chụp màn hình báo Lao Động.

Liên quan vụ việc ông Phùng Văn Chiến – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình bị tạm đình chỉ công tác vì nghi dùng bằng giả, Trường Đại học Đông Đô đã chính thức lên tiếng.

Báo Lao Động đưa tin, ngày 22/10, PGS.TS Lê Ngọc Tòng – Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô (trước đây là Trường Đại học Dân lập Đông Đô) đã có công văn về việc cung cấp thông tin liên quan đến nghi vấn ông Phùng Văn Chiến – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng Thái Bình sử dụng văn bằng được cấp bởi nhà trường.

Theo đó, sau khi nhận được văn bản của Sở Xây dựng Thái Bình về việc kiểm tra, xác minh thông tin đối với người được cấp bằng tốt nghiệp đại học của ông Phùng Văn Chiến (sinh ngày 4/2/1979, quê quán TT.Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), Trường Đại học Đông Đô đã có văn bản về việc trả lời xác minh bằng tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Đông Đô.

Kết quả, sau khi kiểm tra thông tin, Trường Đại học Đông Đô xác định ông Phùng Văn Chiến nguyên là sinh viên của Trường Đại học Đông Đô nhưng chưa hoàn thành chương trình đào tạo nên chưa được cấp bằng theo đúng quy định. 

Nhà trường không công nhận danh hiệu Kiến trúc sư và chưa từng cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông Phùng Văn Chiến.

Như Vietnamnet đưa tin, ngày 22/10, ông Nguyễn Quang Anh (Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình) ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phùng Văn Chiến (Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thuộc Sở Xây dựng Thái Bình) để làm rõ những vi phạm trong việc bị phản ảnh sử dụng văn bằng giả.

Kết quả xác minh cho thấy, văn bằng tốt nghiệp đại học mà ông Chiến nộp khi được tuyển dụng, bổ nhiệm là bằng tốt nghiệp hệ chính quy Trường ĐH dân lập Đông Đô năm 2002, ngành Kiến trúc, hạng Trung bình.

Cũng trong văn bằng này, ông Chiến được công nhận danh hiệu kiến trúc sư. Bằng tốt nghiệp năm 2002 của ông Chiến do PGS Nguyễn Niên ký với chức danh là hiệu trưởng. Thực tế, năm 2003, PGS Nguyễn Niên mới chỉ là quyền hiệu trưởng.

Nhiều hồ, đập thủy điện miền Trung xả lũ

Hiểu Minh

Thủy điện Đăk Mi 4 (trái) xả lũ (ảnh: VnExpress/Dân Trí).

Nhiều hồ, đập miền Trung xả lũ, hơn 1.850 hồ thủy lợi đầy nước

VnExpress – Nhiều hồ, đập thủy lợi, thủy điện ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đầy nước do mưa lớn nên vận hành xả qua tràn.

Tại Quảng Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam, chủ hồ thủy lợi Phú Ninh cho biết, lúc 10h ngày 23/10 mực nước ở cao trình 30,2 m; ở hạ du sông Tam Kỳ báo động 1 nên điều tiết qua tràn với lưu lượng 400-1000 m3/s lúc 16h cùng ngày. Đây là đợt xả nước qua tràn đầu tiên trong năm nay của hồ Phú Ninh.

Mưa lớn cộng với hồ Phú Ninh xả lũ sẽ khiến nước trên sông Tam Kỳ báo động 2, nhiều hộ dân sống vùng thấp trũng ven sông bị ngập. Hiện, hàng trăm hộ dân vùng thấp trũng huyện Phú Ninh, Thăng Bình và TP. Tam Kỳ ngập từ 20 đến 50cm.

Tương tự, lúc 14h ngày 23/10 bốn thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn vận hành điều tiết hồ chứa xả lũ với tổng lưu lượng hơn 3.000 m3/s. Thủy điện Đắk Mi 4, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, có lượng nước về lòng hồ 937 m3/s. Nhà máy vận hành xả qua tràn 458 m3/s, chạy máy 112 m3/s.

Thủy điện A Vương, xã Macooih, huyện Đông Giang, ghi nhận lượng nước đổ về lòng hồ là 110 m3/s nên điều tiết hồ chứa xả qua tràn 442 m3/s và chạy máy 77 m3/s. Thủy điện Sông Bung 4, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, lượng nước đổ về lòng hồ 235 m3/s, xả lũ 558 m3/s, chạy máy 160 m3/s.

Tổng lượng nước xả và phát điện của ba nhà máy nói trên về sông Vu Gia là trên 1.695 m3/s.

Riêng thủy điện Sông Tranh 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, lượng nước về lòng hồ 1243 m3/s, xả lũ 1.026 m3/s. Nếu mưa lớn, các nhà máy thủy điện tiếp tục xả lũ, nước có khả năng dâng lên gây ngập.

Tại Thừa Thiên Huế, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hồ thủy điện Bình Điền, thủy điện Hương Điền và hồ Tả Trạch đang điều tiết nước về hạ du, chủ yếu qua tuabin. Trong đó, hồ thủy điện Hương Điền có lưu lượng nước về hạ du lớn nhất với lưu lượng hơn 600 m3/s.

Theo ông Hùng, hai ngày qua trên địa bàn có mưa to kéo dài nhiều nơi. Lượng nước đổ về hồ thủy điện Bình Điền, thủy điện Hương Điền rất lớn.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, có 87 hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn. Trong đó, Bắc Bộ 22 hồ, Bắc Trung Bộ 8 hồ, Nam Trung Bộ 18 hồ và Tây Nguyên 39 hồ. Hơn 1.850 hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đầy nước.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn về ứng phó mưa lũ tại Trung Bộ

Vietnamnet – sáng 23/10, Thủ tướng có Công điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Định, về việc chủ động ứng phó với mưa lũ ở miền Trung những ngày tới.

Công điện nêu rõ, những ngày vừa qua, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm một số người bị chết, mất tích.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 25/10 có thể sẽ xảy ra đợt mưa lớn, diện rộng tại khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Đồng thời, từ nay đến 27/10 có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực miền Trung. Đây là khu vực vừa qua cũng đã xảy ra mưa lớn, đất bão hòa nước nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cụ thể với tỉnh, thành và các ngành, các cấp.

Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, gia đình chính sách; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét.

Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới theo phương châm “bốn tại chỗ”. 

Thủ tướng lưu ý, các địa phương trên chủ động rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã xảy ra mưa lớn vừa qua và đã xảy ra sạt lở đất năm 2020. Lưu ý bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng “đắp chiếu” gần cả năm

Laodong – Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng đã đạt khoảng 90% khối lượng, nhưng ngừng thi công gần một năm qua. Dù hồi tháng 4 năm nay, Chính phủ đã ra Nghị quyết gỡ vướng để TP tiếp tục triển khai dự án, nhưng đến nay, các công việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Hơn 10 năm sống và kinh doanh quán ăn trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), bà Nguyễn Thị Lành (60 tuổi) gần như không thể quên những ngày triều cường gây ngập. Bà Lành cho biết, năm 2020, bà nhớ như in 12 lần nước dâng lên cao vào đúng giờ cao điểm, khiến cuộc sống gia đình vô cùng khốn khổ.

Bà Lành chia sẻ với phóng viên Lao Động “Năm nay cũng chẳng khá hơn, triều cường đã 4 lần gây ngập đường Trần Xuân Soạn. Giờ tôi không ao ước gì ngoài việc dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng hoàn thành để bản thân tôi và nhiều hộ gia đình khác còn tính toán mở rộng làm ăn, kinh doanh”.

Theo đại diện Trung Nam Group (chủ đầu tư), dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng đã đạt khoảng 90% khối lượng. Dự án phải tạm ngưng thi công từ giữa tháng 11.2020, do TP.HCM chưa ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), gia hạn thời gian thực hiện dự án (do hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6 năm ngoái).

2 tấn cá chết trong hồ nước công viên Hoàng Văn Thụ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khúc Duy Thiện – trưởng ban quản lý công viên Hoàng Văn Thụ – cho biết trước đó, từ sáng 22/10, hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện và nổi lên mặt nước ngày càng nhiều. Tổng cộng lượng cá chết được thu gom tại hồ nước trên ước tính khoảng 2 tấn. 

Theo ông Thiện, hồ nước trên khai thác dịch vụ câu cá giải trí 8 năm nay. Đây là lần đầu tiên nơi đây xuất hiện hiện tượng cá chết như trên. 

Về nguyên nhân, ông Thiện cho rằng có thể do thiếu oxy khiến 2 tấn cá cỡ nhỏ chết. Hơn 4 tháng nay (từ 28/5 đến 1/10), công viên ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, hồ nước trên không được thay nước khiến nước tù đọng. Để khắc phục sự cố, đơn vị đã tiến hành xử lý nước, khử mùi và bơm sục tạo oxy.

Doanh nghiệp tăng lương, thuê nhà giữ chân công nhân

VnExpress – Hosiden thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên), là một trong hai ổ dịch lớn nhất Bắc Giang hồi tháng 5. Toàn công ty có khoảng 1.400 F0 trong tổng số hơn 5.700 ca nhiễm toàn tỉnh. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 lên tới 55%.

Lãnh đạo Hosiden cho biết mức tăng trưởng tốt từ đầu năm song đến tháng 6 bị chững lại do ảnh hưởng dịch. Gần 70% nhân lực phải đi điều trị hoặc cách ly tập trung. Hơn 1.100 công nhân đã khỏi bệnh và quay lại nhà máy làm việc, chiếm 78% tổng số F0 của công ty.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, hiện toàn bộ doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Toàn tỉnh có 385 doanh nghiệp hoạt động tại sáu khu công nghiệp, tăng 23 công ty so với trước dịch. Khoảng 191.000 công nhân làm việc, tăng gần 41.000 người so với trước khi Covid-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp lớn hối hả tăng ca, tăng kíp để kịp đơn hàng cuối năm, bù lại những ngày ngưng trệ do chống dịch.

Để hút lao động trở lại, nhiều công ty hỗ trợ thu nhập 1-2 triệu đồng những tháng đầu tiên; lập đội xe đưa đón công nhân các tỉnh lân cận tới Bắc Giang.

Related posts