TẮM KHÔNG CÓ QUẦN THAY

Nguyễn Thơ Sinh

- Ảnh 2.
Quần áo được vẽ lên bằng màu.

Muốn ăn phải lăn vào bếp. Đó là câu nói chúng ta từng nghe nhiều lần trong ngữ cảnh cuộc sống phải có những hành động thiết thực chứ không thể ngồi không chờ mãi những cơ hội tốt lành. Hoặc một câu nói khác: Đói đầu gối phải bò. Một lần nữa, hàm ý ở đây người ta nhắc nhở nhau phải lao động mới tồn tại được trong xã hội. Một câu khác nữa: Tay làm, hàm nhai; mục tiêu cũng khá rõ ràng, kẻ không chịu khó làm việc sẽ không có cái bỏ vào miệng.

Trong một thời gian khá dài những ai đến Mỹ cách đây 3-4 thập niên sẽ nhận ra một bức tranh công ăn việc làm khác hẳn. Những ngày đó dân Mỹ cần cù chịu khó. Việc làm sẵn. Xã hội phát triển khá nhịp nhàng. Không ngoa, nếu tằn tiện, chịu cày, một gia đình hai ba người sau vài năm sẽ có tiền down nhà, rồi vài năm sau trả dứt. Nhưng nhìn lại, những năm gần đây tình hình khác hẳn. Với đồng lương bấm thẻ hiện nay (xem ra) nếu chỉ trông vào khoản dành dụm tiện tặn sẽ khó mua được một căn nhà đàng hoàng tử tế.

Khi tiến trình toàn cầu hóa quăng mạnh tay dùi, hãng xưởng Mỹ lần lượt rủ nhau vượt Thái Bình Dương đến Trung Quốc và các nước Châu Á. Ví dụ, một dạo hòn đảo Puerto Rico hãng xưởng nhiều lắm, song vì giá nhân công và những qui định nghiêm ngặt liên quan đến các đạo luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lao động, các qui định an toàn, phúc lợi… quá phiền toái nên giới chủ hãng xưởng rủ nhau đem cơ sở máy móc của họ sang Trung Quốc và Châu Á nơi giá nhân công rẻ mạt và họ tha hồ bức bách chèn ép người lao động.

Thế là kinh tế Trung Quốc như con rồng khổng lồ được chắp cánh. Nó sải những cái vây to đùng. Miệng hét ra lửa. Những khu chế xuất mọc lên (chỉ qua đêm) hứa hẹn một sức bật như có cây đũa thần, muốn gì cũng được. Lập tức đội ngũ các nhà thiết kế sản phẩm ráo riết hoạt động, ôi thôi đủ loại cả, từ con dao thép không rỉ cho đến quả bóng rổ, bàn chải đánh răng, những viên thuốc Aspirin hay Tylenol, quần áo, giày dép, hoa giấy, đĩa nhựa, ly cốc, dao cạo râu, bút chì, bút mực… Gần như không thứ gì người Mỹ cần các nhà máy Trung Quốc không sản xuất được.

Điểm đáng nói ở đây là giá thành. Vâng. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc thời gian đầu giá thành cực thấp (vì giá nhân công rẻ) không nơi nào địch lại. Thế là các thị trường ngoại tệ mạnh như Bắc Mỹ và khối EU bỗng trở thành cái hầu bao khổng lồ của Trung Quốc. Sau đó hạ tầng cơ sở và hệ thống hậu cần tại những nước này bị bỏ bê. Họ quen xài hàng made in China vô tình khiến nền công nghiệp nhẹ trở nên què cụt, mất hẳn đi khả năng cạnh tranh. Chỉ những công ty không có khả năng di chuyển ra nước ngoài sống sót được vì có thể tiếp cận với nguồn nhân công rẻ, thậm chí là di dân lậu. Một số vì yếu tố đặc trưng như cơ sở giết mổ, đóng gói thực phẩm không tiện lắm cho việc di chuyển ra nước ngoài đành ở lại.

Cuối cùng thị trường lao động phổ thông tại Mỹ chẳng còn gì ngoài những công việc mức lương kém hấp dẫn hoặc những công việc bán-thời-gian (part-time) dành cho người kiếm thêm. Nhiều công việc thơm trước đây đã bị tự động hóa. Người lao động nghèo càng lúc càng bị đẩy vào ngõ cụt. Không fast-food thì cũng các văn phòng temp (giới thiệu việc làm ăn tiền đầu, vốn bấp bênh và không có bất cứ phúc lợi nào). Họ phải cố gắng. Sếp bảo sao nghe vậy, áp lực bám chặt công ăn việc làm bảo vệ chén cơm trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Tóm lại, so sánh với thời hoàng kim (cách đây nửa thế kỷ) người ta không ngạc nhiên nữa. Ngày đó việc thừa, người thiếu. Nay khác hẳn. Trầy truột lắm giới lao động phổ thông mới có thể sống được. Nhiều người thở dài thị trường lao động bây giờ toàn công việc đồng lương rẻ mạt, một phần vì mọi thứ lạm phát. Thậm chí để sống được nhiều người phải cần đến hỗ trợ của foodstamp từ chính phủ.

Lay lắt mãi. Không muốn quen cũng phải quen. Đồng lương chết đói, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đẩy nhiều người vào cảnh khổ, túng thiếu, sống chen chúc tại những khu nhà lụp xụp đầy gián chuột, xe hơi cũ chỉ chực nằm đường. Quả thật nhiều sắc dân nghèo kém may mắn hơn người Việt (do chúng ta có nghề nails, có chợ Việt, có những doanh nghiệp dịch vụ người Việt, hoặc giả nếu đi làm hãng các đồng hương thường chỉ dẫn giới thiệu cho nhau những chỗ tử tế). Còn nhiều sắc dân khác, trong đó có cả Mỹ đen và Mễ, do tinh thần đùm bọc không cao như người Việt nên họ ít chia sẻ về những chỗ có công việc tốt. Thậm chí, tuy làm những job không thơm, nhưng do tiện tặn chịu khó, liệu cơm gắp mắm, người Việt mình nhìn chung vẫn sống… okay!

Đùng một cái, Covid-19 xảy ra. Bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Nguy cơ kinh tế phá sản bao trùm khắp nơi. Để cứu vãn tình thế, chính phủ nhiều nước nhanh chóng tung ra những gói cứu trợ kinh tế nhiều ngàn tỷ đô-la khẩn cấp. Hiệu ứng “đĩa giảm sốc” của những gói cứu trợ kinh tế đã chứng minh đó là hướng đi đúng, bởi thiếu chúng ổn định kinh tế chính trị xã hội nhất định sẽ rối tung lên.

Thế là chỉ cần đi làm cho các hãng tạm đóng cửa do Covid-19, hoặc các hãng thất bại thua lỗ nặng, thậm chí nhiều cá nhân khai báo ẩu, vay mượn lung tung, tiền từ các gói cứu trợ kinh tế tha hồ rót vào xã hội. Giới giàu tự nhiên vớ bở từ những khoản lợi kếch sù thông qua các gói cho vay không hoàn trả hoặc không lãi suất.

Không chỉ người giàu vớ mẫm, người nghèo cũng được hưởng sái. Không ngoa, hai khoản hỗ trợ của liên bang và tiểu bang bỗng nhiều hơn khoản lương họ cày mửa mật trước đây. Rõ ràng các gói cứu trợ đã hoàn thành mục tiêu được giao: Kinh tế Mỹ không bị rơi xuống vực sâu bể nát tan tành.

Đầu tháng 10 tờ USA Today cho chạy bài báo có cái tít khá ấn tượng: With unemployment benefits cut off in many states, Americans returned to work. Right? – Chẳng có gì là to tát ầm ĩ ở đây. Theo đó khi các khoản trợ giúp bị cắt tại nhiều tiểu bang của Mỹ, người dân sẽ quay trở lại làm việc? Tựa bài báo bản thân nó tưởng đã là một giả định khá thuyết phục, song đối chiếu phân tích chi ly, cuối cùng thực tế lại hoàn toàn khác hẳn.

Khi các gói cứu trợ kinh tế được tung ra, nhiều người cho rằng nó là con dao hai lưỡi. Theo họ, hậu quả của các gói cứu trợ ấy sẽ khiến người Mỹ lười biếng. Thực ra, nói một cách chính xác hơn, các gói này chỉ khiến thành phần lao động Mỹ đang làm những công việc chẳng mấy béo bở gì trở nên lười biếng. Còn người có công việc lý tưởng, job thơm, họ sẽ chẳng ngu dại vuột mất những khoản lợi lộc may mắn có được.

Tất nhiên mối lo ngại các gói cứu trợ sẽ khiến dân Mỹ làm biếng quả nhiên có những lý do khá chính đáng. Với đồng lương chết đói (vốn dân nghèo từng quen thuộc) nhờ hỗ trợ từ liên bang và tiểu bang đời sống của họ bỗng nhẹ thở hơn. Thậm chí nhờ vào số tiền hỗ trợ từ tiểu bang và liên bang nhiều hộ nghèo có thể mua xe hơi, một phương tiện di chuyển cần thiết. Đó là lý do tại sao thị trường xe hơi cũ gần đây khởi sắc. Giá xe hơi cũ đột nhiên tăng vọt lên.

Sau nhiều tháng liền nhận những khoản tiền ấy, nhiều người được nghỉ xả hơi. Xã hội đóng cửa vì Covid-19, nếu đi làm sẽ bị cắt những khoản hỗ trợ này. Một số nhờ các chính sách hỗ trợ nên có chút tiền dằn lưng, chuyện họ đi làm trở lại càng trở nên bất khả. Nói khác đi, thị trường lao động phổ thông hiện nay rất nhạy cảm. Thiên hạ không hẳn quá ỷ lại, quá lười biếng, song đây là lần đầu tiên họ có dịp đánh giá lại các mục tiêu chiến lược cá nhân cũng như cảm thấy họ có quyền lựa chọn nên quay lại với những công việc mang tính ngược đãi hay không. Và họ chọn cứ ì ra.

Hệ quả tất yếu sẽ ra sao? Những tưởng khi bị cắt nguồn hỗ trợ, không ít sẽ rơi vào cảnh muốn ăn phải lăn vào bếp, đói đầu gối phải bò, đặc biệt là thành phần tay làm, hàm nhai, làm bữa nào xào bữa nấy. Họ sẽ ngoan ngoãn đi làm trở lại song điều ấy không diễn ra như mong đợi.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được các tờ báo khai thác triệt để, tóm lại toàn tin xấu. Nhìn kỹ bức tranh thực tế khiến người ta quan ngại. Liệu (a) vì sợ Covid-19 và (b) bản tánh lười biếng sau khi ở nhà quá lâu, hưởng tiền từ các gói cứu trợ nên nhiều dân Mỹ không quay trở lại công việc cũ? Hiện nay đi đâu cũng thấy bảng hiring, help, hay needed nhưng người điền đơn tuyệt nhiên không thấy có. Tại sao? Vì họ muốn ở nhà chơi không?

Trên lý thuyết sau khi cắt hỗ trợ dân Mỹ sẽ nô nức đi làm. Nhưng không. Họ vẫn ở nhà. Một nửa các tiểu bang tại Mỹ cắt hỗ trợ liên bang song số người không chịu đi làm vẫn nhiều so với các tiểu bang không cắt hỗ trợ liên bang. Hỏi kỹ ra mới biết dân Mỹ hiện giờ đang sống trong tâm trạng chủ nghĩa xét lại. Một số thẩm định các cơ hội giúp họ tiến thân khá hơn. Họ băn khoăn liệu có nên đoạn tuyệt với những năm tháng gắn bó với công việc mang tính ngược đãi, bị chèn ép, đồng lương còm, giá trị nhân phẩm bị chà đạp.

Các chính khách Đảng Cộng hòa cho rằng “tiền chùa” từ những gói cứu trợ vô tình là mầm mống khiến dân Mỹ lười biếng. Nhưng tại những tiểu bang cắt hỗ trợ liên bang, tình hình vẫn không khả quan hơn. Các chỉ số thất nghiệp (unemployment) và chỉ số không có việc làm (jobless) được đối chiếu so sánh kỹ lưỡng vẫn không đưa ra những giải đáp rành mạch khả dĩ thuyết phục được.

Chuyện gì đã xảy ra?

Phải chăng Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp? Vẫn biết chủng ngừa và kiến thức phòng chống đại dịch đã góp phần nâng cao nhận thức dân chúng, song Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh không nhỏ. Nếu cố đi làm, những công việc dễ lây bệnh, lại không được đánh giá cao, liệu thái độ của họ sẽ khác, tiêu cực hơn, đặc biệt với cảm giác mình trong số các nấc thang xã hội thấp kém? Nhất là các thế hệ biến thể của Covid-19 vẫn đang hoành hành, cứ ở nhà cho an toàn hơn?

Hay còn có một nguyên nhân nào khác nữa? Phải chăng do hiệu ứng ăn vụng quen tay, ngủ ngày quen mắt, ở nhà chơi không lâu ngày nay đi làm bỗng thấy lười. Hơn nữa cả xã hội đều thế. Tại sao mọi người biếng nhác mình lại phải siêng năng cần mẫn. Tại sao họ phải đi làm chứ? Ở nhà không sướng hơn sao!

Hoặc sẽ là một lý do khác thực tế hơn, tỷ như làm mãi vẫn chẳng có dư. Nếu cố đấm ăn xôi bám vào những cái nghề bạc bẽo với đồng lương chết đói ấy, liệu có là thức thời? Hay họ đã từng khổ. Từng nai lưng, từng lấm lưỡi. Nhìn lại. Quần quật vẫn hoàn quần quật. Túng thiếu trường kỳ. Làm cho lắm tắm không có quần thay. Khổ nhiều rồi. Nay được ở nhà, khó khăn đấy nhưng vẫn không chết. Đã thế tại sao không ở nhà, đâu nhất thiết cứ phải lăn như mõ!

Hay họ nấn ná, cứ ở nhà, cứ án binh bất động, biết đâu sẽ có những gói cứu trợ khác? Hoặc họ cứ gàn bướng, trời không chịu đất, đất phải chịu trời, xã hội và các nhà làm luật phải có những hướng giải quyết nào đó. Thậm chí một số tin rằng cứ thi gan là thượng sách.

Hay đây là cách họ trả đũa những ông chủ từng quen thói lấy thịt đè người, quen thói bắt họ chịu đựng cảnh nắm dao đàng lưỡi. Họ đã chịu nhiều ức hiếp. Đấy. Giờ các vị đã sáng mắt ra chưa? Bao năm qua chúng tôi bị ức hiếp. Để coi xem các vị có thấy các vị không thể ép chúng tôi mãi. Không có chúng tôi các tập đoàn của các vị sẽ phải xoay xở ra sao? Nhất định các vị sẽ phải đối xử tốt với chúng tôi. Lương tối thiểu phải tăng lên. Bắt giới giàu phải thòi thêm bạc khi họ muốn cái này, muốn cái nọ…

Vâng. Đói đầu gối phải bò. Muốn ăn phải lăn vào bếp. Nhưng khi người ta cảm thấy làm lắm tắm không có quần thay họ sẽ suy nghĩ lại. Và như thế, chuyện những khoản hỗ trợ từ các gói cứu trợ bị cắt (hoặc vẫn được duy trì) xem ra không ăn nhập trực tiếp đến hành động của tầng lớp lao động phổ thông Mỹ hiện nay (vì đang được chống lưng bởi đại dịch Covid-19?)

Tạm thời vẫn cứ phải đợi thêm xem sao.

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts