Trung Quốc bị “luận tội” tại Tổ chức Thương mại Thế giới

Thụy My

Logo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, 28/09/2021. REUTERS – DENIS BALIBOUSE

Les Echos ghi nhận «Trung Quốc trên ghế bị cáo tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)». Bắc Kinh đối mặt với vô số cáo buộc từ các quốc gia thành viên : phân biệt đối xử, không minh bạch, cưỡng bức, những cách thức không hề phù hợp với quy định quốc tế.

Nhật báo kinh tế Pháp ví von, bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) phải chịu đựng cả một bản luận tội. Bắc Kinh nhận được trên 1.600 câu hỏi từ khoảng 40 nước thành viên WTO, và làn sóng giận dữ không chỉ từ các quốc gia phát triển. Ông Vương không thuyết phục được ai khi khẳng định luôn tôn trọng các cam kết lúc gia nhập, không làm hại đến lợi ích của nước khác.

Bắt chẹt, trợ giá ngầm, lấy cớ virus để chận hàng nhập…

Nước láng giềng Úc tố cáo trong 18 tháng qua, Trung Quốc liên tục phá rối thương mại với các xét nghiệm bắt buộc, thanh tra tùy tiện tại biên giới, cố ý trì hoãn thủ tục, chậm cấp giấy phép nhập khẩu và áp đặt thuế chống phá giá phi lý. Đại sứ Úc tại Tổ chức Thương mại Thế giới khẳng định có trong tay các báo cáo khả tín cho thấy chính quyền Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu không mua một số mặt hàng của Úc.

Hoa Kỳ tất nhiên là đả kích phương pháp của Trung Quốc. Đại diện Mỹ David Bisbee cáo buộc Bắc Kinh đã trở thành «sức mạnh lớn nhất ở WTO, nhưng vẫn áp dụng cách thức quốc doanh trong thương mại». Đối với Washington, khi Trung Quốc được gia nhập WTO cách đây 20 năm, các quốc gia thành viên chờ đợi có Bắc Kinh những thay đổi căn cơ để thích ứng với cơ chế thị trường, nhưng rốt cuộc đã hoài công.

Bắc Kinh hạn chế các nước ngoài xâm nhập thị trường Hoa lục và tài trợ ồ ạt cho doanh nghiệp Trung Quốc, dẫn đến nạn sản xuất thừa kéo dài. Bên cạnh đó là việc ưu tiên cho khối quốc doanh, đặt ra những quy định mang tính phân biệt, hạn chế chuyển giao dữ liệu, không áp dụng đúng đắn quyền sở hữu trí tuệ. Chưa kể đến nạn cưỡng ép, dùng sức mạnh kinh tế để gây áp lực buộc một nước khác phải sửa đổi chính sách, mà Úc là ví dụ cụ thể.

Về phía Ấn Độ tố cáo những đòi hỏi về thủ tục nghiêm ngặt và thường là không rõ ràng. Phái đoàn Ấn lo ngại về việc vận dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc «tăng lên với nhịp độ đáng báo động không mang tính khoa học về việc nhiễm Covid-19, như một cái cớ để phong tỏa nhiều chuyến hàng xuất khẩu của Ấn Độ, đặc biệt là hải sản».

Vẫn xưng là quốc gia đang phát triển để được hưởng ưu đãi

Liên Hiệp Châu Âu (EU) thì nhận định mức độ cải cách và mở cửa của Trung Quốc không phù hợp với trọng lượng của nước này trong nền kinh tế thế giới, và không tương ứng với việc Trung Quốc được thoải mái vào thị trường các quốc gia thành viên khác của WTO. Nói đơn giản là không «có đi có lại». Đối với châu Âu, Bắc Kinh nếu muốn chứng tỏ vị trí lãnh đạo, thì không nên kêu đòi những ưu tiên chỉ dành cho các nước đang phát triển, trong những cuộc đàm phán hiện nay.

Tại Tổ chức Thương mại Thế giới, các thành viên tự mình loan báo là quốc gia «phát triển» hay «đang phát triển» – như Trung Quốc đang tự nhận – để có những đối xử đặc biệt. Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc chỉ nói là Bắc Kinh «sẵn sàng đề cập đến» các đối xử đặc biệt này với sự thực dụng.

Một quan ngại khác của nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc cạnh tranh không lành mạnh của các công ty quốc doanh, vốn được kín đáo tài trợ, được Nhà nước ưu ái, và thường là nguyên nhân gây ra sản xuất thừa, giá thấp một cách giả tạo. Anh quốc phát hiện Trung Quốc có 325.000 công ty vừa và nhỏ quốc doanh. Les Echos kết luận, trước bản luận tội này, Bắc Kinh sẽ phải cố gắng nhiều nếu muốn thuyết phục cộng đồng quốc tế, mà trước tiên là trong cuộc họp các bộ trưởng thương mại tại Genève cuối tháng 11.

Litva đương đầu với Trung Quốc, từ bỏ Con đường tơ lụa

Cũng về người khổng lồ châu Á, Le Monde ghi nhận «Litva đương đầu với Trung Quốc và tránh xa khỏi Con đường tơ lụa». Từ «17+1» nay chỉ còn «16+1»  Hồi tháng Năm, Vilnius đã rời khỏi nhóm do Bắc Kinh xúc tiến năm 2012 gồm 17 nước Trung Âu và Balkan, trong đó có 11 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Hai tháng trước đó, ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis nói rằng công thức này – nằm trong khuôn khổ Con đường tơ lụa – «không có lợi cho châu Âu» và chỉ nhằm «chia rẽ».

Từ đó đến nay Litva liên tục đưa ra những quan điểm mà Bắc Kinh cho là «khiêu khích». Quốc Hội Litva lên án «diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ» ở Tân Cương, sau đó đến việc cho mở văn phòng đại diện Đài Loan tại thủ đô Vilnius, khiến Bắc Kinh tức tối triệu hồi đại sứ. Hiện nay cả Estonia lẫn Latvia vẫn không đi theo hướng của Litva, tuy hai nước này cũng coi nhẹ thượng đỉnh «17+1» có sự tham dự của Tập Cận Bình hôm 09/02, chỉ gởi đại diện cấp bộ.

Le Monde dẫn lời nhà nghiên cứu Una Aleksandra Berzina-Cerenkova, Viện Đối ngoại Latvia nhận định, đó là do ba nước Baltic thất vọng trước những lời hứa hão của Bắc Kinh về đầu tư và ưu tiên cho vào thị trường Hoa lục.

Đối với nhà nghiên cứu Frank Juris của Viện Quốc phòng An ninh Quốc tế ở Tallinn (Estonia), «Củ cà rốt vẫn mãi trong tưởng tượng, chúng tôi chỉ nhìn thấy cây gậy». Trung Quốc đã thành công trong việc làm lung lay tình đoàn kết trong EU. Tuy nhiên do các nước Baltic ít lệ thuộc kinh tế, các trừng phạt sau vụ mở văn phòng đại diện Đài Loan không ảnh hưởng đến kinh tế Litva.

Xu hướng chống Trung Quốc mạnh mẽ trong công luận Litva

Theo bà Berzina-Cerenkova, cần đặt phản ứng của Vilnius trong tình hình «tình cảm chống Trung Quốc mạnh mẽ trỗi dậy» sau một loạt sự cố gây phẫn nộ cho công luận. Tháng 8/2019, các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc bị nhận dạng trong vụ phá rối cuộc biểu tình ủng hộ Hồng Kông. Vài tháng sau, một video trên internet cho thấy một du khách Trung Quốc tấn công một nhà đấu tranh đòi dân chủ Hồng Kông.

Trong bối cảnh đó, phe đối lập trung hữu đã chiến thắng cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 10/2020. Trong thỏa thuận, liên minh mới cam kết «bảo vệ những ai tranh đấu cho tự do, từ Belarus đến Đài Loan». Đương kim ngoại trưởng vốn và cháu nội của một trong những nhà lãnh đạo phong trào độc lập Litva, có chính sách «dựa trên các giá trị» và chính phủ với sự ủng hộ ngầm của Hoa Kỳ có thể khẳng định trên trường quốc tế với tư cách kẻ thù của cộng sản và toàn trị.

Đối phó Trung Quốc: «Con đường thứ ba» không đơn giản cho Pháp

Về phía Paris, Le Monde cũng phân tích sự khó khăn khi chọn «con đường thứ ba» để đối phó với Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng tàu ngầm với Úc đã bộc lộ những hạn chế khi Pháp muốn đứng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đó là phần còn lại của một trong những vấn đề chính từ cuộc khủng hoảng tàu ngầm, mà Joe Biden và Emmanuel Macron sẽ đề cập đến qua cuộc điện đàm trong những ngày tới. AUKUS là một đòn nặng cho nỗ lực của Paris nhằm có chính sách độc lập với Mỹ trước Bắc Kinh. Đối với Pháp, Trung Quốc cần được coi là đối tác trong những hồ sơ quốc tế như chống biến đổi khí hậu, và như «đối thủ mang tính hệ thống», có thể đối xử cứng rắn khi cần thiết.

Theo Jean-Marie Guéhenno,  cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, giáo sư đại học Columbia, châu Âu không mấy quan tâm đến sự leo thang quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cho dù thân hơn với Hoa Kỳ, châu Âu vẫn không muốn dính vào cuộc cạnh tranh quân sự Mỹ-Trung. Tác giả Michel Duclos nhận định, đa số đối tác khu vực của Pháp không muốn một sự phân cực Hoa Kỳ-Trung Quốc, và Pháp đương nhiên không thể thay thế được sự bảo đảm của Mỹ đối với đồng minh, chỉ là nhân tố giúp trấn an.

Còn Đức không muốn làm mất lòng đối tác thương mại lớn nhất, không phải là tình cờ mà Tập Cận Bình hôm 13/10 trong cuộc điện đàm với thủ tướng Angela Merkel đã ca ngợi «người bạn lâu năm» của Trung Quốc. Bà Merkel thúc giục EU ký thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh, gây ngạc nhiên về sự vội vã này trước khi Joe Biden nhậm chức, tuy nhiên Nghị Viện Châu Âu đã ngăn chặn. Liên minh cầm quyền mới ở Đức cũng sẽ ưu tiên cho đối thoại, tuy phe sinh thái chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh.

Bắc Kinh tìm cách buộc thế giới phải lệ thuộc mình

Khái niệm «Con đường thứ ba» thường được sử dụng ở Mỹ để tố cáo sự trung lập của châu Âu, thậm chí sự yếu nhược. Hơn nữa thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh khiến những người chủ trương cởi mở khó thuyết phục. Hình ảnh Trung Quốc bị xấu đi trong công luận châu Âu, trước hết là ở Đức, qua việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và Hồng Kông, và nhất là từ đại dịch Covid. Trong trò chơi đa phương, Bắc Kinh biết tranh thủ những nước yếu thế hoặc còn lừng khừng để chống lại phương Tây, nhất là tại Liên Hiệp Quốc.

Nhà nghiên cứu Janka Oertel ở Berlin nhận định «Trung Quốc tìm cách bớt lệ thuộc với thế giới trong khi buộc thế giới phải lệ thuộc mình. Đảng cộng sản hung hăng bảo vệ lợi ích của mình và gia tăng kiểm soát kinh tế», trong bối cảnh đó, châu Âu trở thành con mồi. Trong những tháng tới, Hoa Kỳ và EU sẽ còn tiếp tục tranh luận về cách thức đối phó với thách thức Trung Quốc.

Nga bất lực trước đợt dịch Covid dữ dội nhất

Hệ quả từ Brexit, «hoàng hôn» của chiến dịch Barkhane, Covid hoành hành tại Nga là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay. Le Figaro nhận thấy «Nga đối đầu với đợt dịch Covid tệ hại nhất», còn theo La Croix, «Nga bất lực trước đợt dịch Covid thứ ba».

Matxcơva chưa bao giờ phong tỏa nghiêm ngặt như thế kể từ khi khởi đầu đại dịch hồi tháng 3/2020: đô trưởng ra lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng, cửa hàng, công viên… cho đến ngày 07/11, sau khi tổng thống Vladimir Putin tuyên bố một tuần không làm việc trên toàn quốc. Về mặt chính thức, Nga vượt ngưỡng 1.000 người tử vong/ngày kể từ 15/10, nhưng theo nhà phân tích Alexei Rakshane, trên thực tế mỗi ngày có khoảng 3.000 người chết vì con virus corona. Số nạn nhân thiệt mạng do Covid theo số liệu chính thức là 227.000 người, đã đứng đầu châu Âu, nhưng theo ông Rakshane lên đến 750.000 và từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1 triệu.

T.M.

Related posts