Anders Corr
Các khoa học gia đang ngày càng cảnh giác hơn với hoạt động thu thập dữ liệu DNA của Trung Quốc. Nhà di truyền học David Curtis lập luận rằng, bộ sưu tập hàng loạt DNA của Trung Quốc có thể được sử dụng như một cơ sở dữ liệu cho ngân hàng nội tạng. Các nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức đề nghị tẩy chay các tổ chức y tế và khoa học của Trung Quốc.
Một trong những bài diễn văn mạnh mẽ nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh, diễn ra từ ngày 17/09 đến ngày 26/09, gợi ý rằng Trung Quốc có thể đang phát triển một ngân hàng gene hữu dụng cho việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, thông qua việc xét nghiệm gene hàng loạt. Người trình bày bài diễn văn này, giáo sư David Curtis, là một nhà di truyền học tại Đại học College London (UCL). Ông còn lập luận rằng một số tạp chí khoa học nên từ chối các bài báo gửi từ Trung Quốc trong khả năng của mình, do lý lịch vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của quốc gia này.
Các chuyên gia khác cũng ngày càng cảnh giác khi giao thiệp với các nhà khoa học đến từ Trung Quốc.
“Đã có các trường hợp [phản đối] khác liên quan đến việc phân tích dữ liệu di truyền, đặc biệt là trong bối cảnh giám sát và/hoặc nhận dạng”, theo giáo sư Margaret Kosal, người nắm giữ nhiều chức vụ, bao gồm cả tại Viện Công nghệ Georgia và Viện Kỹ thuật và Khoa Học Sinh Học Parker H. Petit.
“Do công việc của tôi có liên quan đến các tác động bảo mật của các công nghệ đột phá mới nổi, những nghiên cứu này là một vài trong số các ví dụ cụ thể nhất, dựa trên cơ sở khoa học, được lập thành văn bản nguồn mở của việc sử dụng các thuật toán di truyền và công nghệ Machine Learning [ML] của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và các chỉ số về năng lực. Tôi đang chiến đấu chống lại về mặt đạo đức với các nghi ngại về việc trong bối cảnh nào, hay thậm chí là liệu tôi có nên sử dụng [cho việc đưa ví dụ, trích dẫn và tham khảo] chúng trong bài viết và bài diễn văn nghiên cứu của riêng mình hay không”.
Giáo sư Curtis cho biết: “Chúng ta biết rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang diễn ra [ở Trung Quốc]. Chúng ta biết rằng mọi người có thể bị bắt giữ một cách tùy tiện, bị giam cầm, đôi khi là làm cho biến mất – đôi khi không thông qua quá trình xét xử nào cả. Điều thứ ba mà chúng ta biết, và đây là điều xảy ra gần đây hơn, đó là… việc xét nghiệm gene hàng loạt trên toàn bộ các nhóm dân số, các dân tộc thiểu số, và các khu vực cụ thể”.
Ông cho hay “đôi khi mọi người bị kiểm tra y tế, họ cung cấp mẫu máu, và một trong những điều được thực hiện với các mẫu máu này là người ta có thể phân tích DNA từ chúng”.
Kể từ năm 2017, theo nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Úc, chính quyền Trung Quốc đang thu thập DNA của toàn bộ 700 triệu nam giới của nước này để theo dõi họ vì lý do thực thi pháp luật. Công ty Thermo Fisher của Hoa Kỳ được cho là đang cung cấp cho chính quyền Trung Quốc các bộ dụng cụ xét nghiệm DNA đáp ứng các thông số kỹ thuật của họ.
Nhưng việc thu thập DNA của Trung Quốc trước đây chỉ tập trung vào các nhóm người thiểu số, và theo giáo sư Curtis, việc này cho phép chính quyền Trung Quốc duy trì một ngân hàng dữ liệu về những người hiến tạng tiềm năng mà có thể bị ép buộc để hiến tạng.
Việc hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc là tương đối thiếu và việc thu thập DNA hàng loạt cũng bị phản đối tại nước này. Các tổ chức nhân quyền cho rằng không có sự đồng ý thực sự nào đối với việc thu thập DNA trong một hệ thống [chính quyền] độc tài cao độ, nơi mà việc thu thập DNA là khó mà từ chối. Họ cũng lo ngại rằng việc xét nghiệm DNA trên diện rộng có thể được sử dụng để trừng phạt các thành viên gia đình của những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động.
Theo The New York Times, các sĩ quan cảnh sát ở Trung Quốc đã yêu cầu lấy mẫu máu trong quá trình xét nghiệm DNA hàng loạt cho các bé trai trong trường học. Tờ báo dẫn chứng một trường hợp khác, trong đó một nam thanh niên 31 tuổi bị cưỡng ép cho lấy mẫu máu sau khi bị đe dọa. Anh Giang Hạo Lâm (Jiang Haolin), một kỹ sư máy điện toán đến từ miền Bắc Trung Quốc, tiết lộ với tờ Times trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 rằng chính quyền đã cảnh báo anh, “Nếu không cho thu thập mẫu máu, chúng tôi sẽ bị liệt vào ‘gia đình thuộc giai cấp đen’”. Nếu anh không tuân theo, chính quyền sẽ “tước quyền lợi của anh và gia đình anh, chẳng hạn như quyền đi lại và quyền được điều trị tại bệnh viện”, báo cáo nêu rõ.
Với bản chất của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh, giáo sư Curtis nói rằng: “Rất khó thấy lý do nào để việc [thu hoạch nội tạng cưỡng bức dựa trên thu thập DNA hàng loạt] đó sẽ không xảy ra. Ở đây quý vị đang có một chế độ đang thu thập mẫu [máu]… từ đó họ có thể phân tích DNA từ tất cả những người này. Chúng ta biết rằng họ không có quyền bắt giữ và giam cầm người dân. Chúng ta biết rằng họ không có bất kỳ sự hối cải nào trong việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Điều đó mang lại một khía cạnh mới khủng khiếp chưa từng có cho quá trình này”.
Giáo sư Curtis lập luận rằng nhóm hiến tạng tiềm năng cho việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được mở rộng ở Trung Quốc, từ các tù nhân bị hành quyết, tù nhân bị kết án, cho đến những người bị giam giữ nói chung. Và hiện “các quan chức Trung Quốc có thể xem xét các ngân hàng DNA mà họ sở hữu. Họ có thể xác định một người hiến tạng phù hợp. … Người đó không nhất thiết phải là một người đang bị giam giữ, bởi vì có thể là một người nào đó chỉ đang đi bộ trên phố, đi làm, đi học, hay ở nhà. Có thể có tiếng gõ cửa, và người đó có thể bị giam giữ, đưa đi khỏi nhà, khỏi nơi làm việc – [người ta] không bao giờ gặp lại họ nữa, vì họ tương thích với những người cần cấy ghép tạng”, ông nói.
Điều này tạo ra nguy cơ cho tất cả công dân Trung Quốc để trở thành “trang trại người hiến tạng tiềm năng”, theo giáo sư Curtis, người nhấn mạnh rằng hiện không có bằng chứng cho điều này. Nhưng ông nói: “Chúng ta có bằng chứng cho thấy hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang diễn ra. Chúng ta có bằng chứng về việc giam giữ tùy tiện và về việc người người bị biến mất. Và chúng ta có bằng chứng cho thấy việc thu thập DNA hàng loạt đang được tiến hành”.
Ông đặt ra một câu hỏi: “Hà cớ gì mà chính quyền Trung Quốc lại không tham gia vào việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và các tù nhân, chẳng hạn như, những người mà DNA của họ được lưu trữ trong một ngân hàng, nếu một quan chức quyền lực nào đó của ĐCSTQ cần ghép thận, và do vậy họ cần tìm một người hiến tạng tương thích chứ?”
Giáo sư Curtis nói rằng nếu các ngân hàng gene được dùng trong các ca cấy ghép có sử dụng [nguồn tạng] từ việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, thì “điều này không chỉ liên quan đến các dịch vụ an ninh”. Ông nói tiếp, “Để hoạt động này diễn ra, phải có sự tham gia của các bác sĩ, các nhà di truyền học và nhiều người khác” trong một mạng lưới khoa học và y tế chuyên biệt.
Không giống như tại Anh Quốc, nơi các nhà khoa học sẽ phải ngồi tù vì tham gia vào các hoạt động y tế phi đạo đức như vậy, ở Trung Quốc không có sự minh bạch và chịu trách nhiệm trong ngành nghề chuyên môn. “Không có cơ chế nào để chống lại nhà nước và ủng hộ việc duy trì một tiêu chuẩn đạo đức nếu điều đó đi ngược lại những gì chính quyền này muốn thực thi”.
Với những điều mà ông biết về xét nghiệm gene cưỡng bức và thu hoạch nội tạng cưỡng bức, giáo sư Curtis ngày càng cảm thấy bứt rứt, với tư cách là biên tập viên của một tạp chí di truyền học, về những bài viết mà ông nhận được từ Trung Quốc. “Tại sao tôi nên tin tưởng rằng các nhà khoa học này đã thực hiện nghiên cứu của họ một cách có đạo đức, khi tôi biết rằng cơ sở khoa học và cơ sở y tế [của Trung Quốc] sẵn sàng dung túng cho những thông lệ [phi đạo đức] như thế này?”
Giáo sư Curtis giải thích rằng, “Điều đó mang lại cho chúng ta một khía cạnh di truyền học mới trong vấn đề này”. Ông nói rằng chúng ta nên làm điều gì đó về vấn đề này. “Tôi nghĩ rằng có một cách mà chúng ta có thể tác động đến hành vi của Trung Quốc”, ông cho biết. “Có những nơi có sự nhạy cảm và những thứ mà họ quan tâm, và một trong những điều này chính là sự công nhận về mặt khoa học cũng như sự nghiệp của những người trong ngành khoa học của họ”.
Giáo sư Curtis đặt vấn đề về việc thường xuyên từ chối các bài báo khoa học có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ông đã làm điều này khi còn là biên tập viên của tạp chí Annals of Human Genetics, tọa lạc tại UCL và được xuất bản bởi Wiley.
Giáo sư Curtis cho biết trong một email: “Tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục làm biên tập viên nếu phải tiếp tục đối phó với các bài [nghiên cứu] đóng góp từ Trung Quốc. Tại cuộc họp thường niên với các nhà xuất bản, sau khi thảo luận với hội đồng quản trị, chúng tôi đồng ý rằng việc tẩy chay là không khả thi. Tại cuộc họp đó, như một sự thỏa hiệp, chúng tôi đồng tình rằng tôi có thể xuất bản một bài xã luận nêu lên những lo ngại của tôi và đề nghị mọi người có thể xem xét tẩy chay. Tôi và Thomas Schulze [tại Đại học Ludwig Maximilian Munich ở Đức và Đại học Y khoa SUNY Upstate ở New York] đã soạn một bài xã luận. (Đây là bài viết ít nhiều có liên kết với bài báo này trên tạp chí Guardian). Khi các nhà xuất bản nhìn thấy bài xã luận đó, họ đã từ chối xuất bản và muốn sửa đổi nó. Tôi từ chối sửa lại bài xã luận vì tôi nghĩ rằng tôi là người phải chịu trách nhiệm về nội dung chứ không phải các nhà xuất bản. Bởi họ không xuất bản bài xã luận mà tôi đã viết nên tôi đã nộp đơn từ chức”.
Các giáo sư Curtis, Schulze, Yves Morerau tại trường Đại học KU Leuven ESAT-STADIUS ở Bỉ, và giáo sư Thomas Wenzel tại Đại học Y khoa Vienna ở Áo, đã cố gắng xuất bản một bức thư có nhan đề “Trung Quốc – đã đến lúc cân nhắc tẩy chay?” ở tòa soạn báo khác.
Đề nghị bác bỏ tất cả các bài báo từ Trung Quốc này mâu thuẫn với các quy tắc thường thấy trong các điều khoản không phân biệt đối xử, chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc quốc gia. Nhưng sự bao gồm này là sai lầm khi một số quốc gia đang phạm tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng, theo như định nghĩa của Liên Hiệp Quốc.
Việc không cho phép sự phân biệt đối xử như vậy, đặc biệt là để chống lại nhà nước chuyên chế mạnh nhất thế giới này, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển quyền lực của họ. Không thực hiện các biện pháp chống lại tội ác diệt chủng cũng như tội ác chống lại loài người của quốc gia này là không có lập trường chống lại những bất công tồi tệ nhất này. Chúng ta không nên phân biệt đối xử chống lại nạn diệt chủng sao? Không phân biệt đối xử trong trường hợp này chẳng phải là đồng lõa với sự phân biệt đối xử tồi tệ hơn thế theo cấp số nhân hay sao?
Trong số các tạp chí khác từ chối công bố bức thư này có cả Tạp chí Y khoa Lancet, Tạp chí Y khoa Anh Quốc (BMJ), và Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA).
Tuy nhiên, bức thư đã được xuất bản bởi Guardian hồi tháng Sáu (06/2021). Trong khi những tạp chí y khoa trên phủ nhận việc coi trọng Trung Quốc quá mức, thì Guardian đưa tin rằng cả Wiley và Lancet cho rằng việc xuất bản bức thư có thể gây khó khăn cho văn phòng của họ ở Trung Quốc, theo các tác giả của bức thư.
Giáo sư Curtis giải thích trong email rằng: “Theo hợp đồng của tôi, tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về những gì đã được xuất bản và tôi có thể chỉ đơn giản là từ chối mọi đệ trình từ Trung Quốc. Nhưng tôi biết điều này sẽ không phù hợp với những gì [mọi người] mong đợi từ tôi. Nó sẽ không phù hợp với chính sách của nhà xuất bản và đó cũng là điều mà ban biên tập không ủng hộ (đã thảo luận vấn đề này với họ). Tôi nhận ra rằng đó là một lập trường cá nhân mà tôi đang chi trì và vì thế tôi đã quyết định từ chức”.
Vào tháng 09/2020, giáo sư Curtis từ chức chủ biên của tạp chí Annals of Human Genetics (Biên niên sử về Di truyền học Nhân loại) để phản đối, điều này được công khai vào tháng 06/2021. Ông nói với Guardian: “Tôi từ chức vì việc xuất bản bài báo đó đã bị chặn bởi các quản lý cao cấp của Wiley, những người lẽ ra không có tiếng nói trong nội dung của một tạp chí khoa học. Tôi được biết rằng Wiley đã có một văn phòng ở Bắc Kinh, hàm ý sâu xa là việc xuất bản này sẽ gây khó khăn. … Nhà xuất bản không việc gì phải nói với biên tập viên những gì họ có thể và không thể xuất bản vì lợi ích mạnh mẽ ở Trung Quốc”.
Tạp chí Annals of Human Genetics tiền thân được gọi là tạp chí Annals of Eugenics (Biên niên sử về Ưu sinh), một lĩnh vực khoa học bị [người đời] xa lánh, nhằm “cải thiện” nhân loại thông qua việc lai tạo để loại ra những đặc tính được cho là của bệnh tâm thần, tội ác, hay trong tình huống của Đức Quốc Xã là đặc điểm chủng tộc.
Trường hợp của Giáo sư Curtis không may chứng tỏ rằng các khoa học gia có đạo đức nhất, trong một lĩnh vực đôi khi thiếu đạo đức, lại là những người bị buộc rời khỏi những vị trí có tầm ảnh hưởng lớn.
Giáo sư Curtis vẫn tiếp tục công việc của mình trong việc mang lại một cách tiếp cận đạo đức hơn cho lĩnh vực di truyền học, tuy nhiên, còn cả thông qua việc lên tiếng công khai chống lại việc thu thập gene cưỡng bức và thu hoạch nội tạng cưỡng bức, và đặt ra nghi vấn về việc liệu có nên thực hiện một cuộc tẩy chay chính thức việc hợp tác với Trung Quốc trong khoa học y tế hay không.
Ông nói: “Đối với các tạp chí khoa học, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không xem xét các bài viết được gửi đến từ Trung Quốc, đến từ các bác sĩ và các nhà khoa học Trung Quốc. Chúng tôi sẽ nói rằng, hãy nhìn xem, quý vị biết rằng nghề nghiệp của quý vị đồng lõa với những hoạt động này. Chúng tôi sẽ không xem quý vị như đồng nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không tuyên bố rằng chúng tôi biết là quý vị tuân theo những thông lệ phù hợp với đạo đức giống như chúng tôi vậy”.
Giáo sư Curtis lập luận rằng điều này sẽ nâng cao nhận thức trong cộng đồng y khoa và khoa học của Trung Quốc về các hành vi phi đạo đức. Ông viết trong một email như sau, “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm ra mắt một trang web cho phép các bác sĩ và nhà khoa học được ghi danh tẩy chay [vấn nạn này]”.
Ngay sau bài diễn văn của giáo sư Curtis tại Hội nghị Thượng đỉnh, do liên minh của năm nhóm bất vụ lợi tổ chức, tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) ở Hoa Kỳ, Liên minh các Hiệp hội và Cá nhân vì Tự do Lương tâm (CAP Freedom of Conscience) ở Pháp, Hiệp hội Chăm sóc Quốc tế về Cấy ghép Nội tạng Đài Loan, Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Đạo đức Nam Hàn và Hiệp hội Nghiên cứu Du lịch Ghép tạng Nhật Bản, đã phát hành “Tuyên bố chung về việc Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức”.
Trong số các quy định khác, điều 9 của tuyên bố trực tiếp hỗ trợ cho đề nghị của giáo sư Curtis. Quy định này nêu rõ, “Tất cả các chính phủ phải (1) thúc giục các chuyên gia y tế tích cực ngăn cản bệnh nhân của họ đến Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép; (2) thúc giục các chuyên gia y tế không đào tạo về phẫu thuật cấy ghép nội tạng hoặc không thực hiện các khóa đào tạo tương tự ở quốc gia sở tại cho các bác sĩ hoặc nhân viên y tế Trung Quốc; (3) thúc giục các tạp chí y khoa từ chối các ấn phẩm về ‘kinh nghiệm của Trung Quốc’ trong y học về cấy ghép nội tạng; (4) không cấp thị thực cho các chuyên gia y tế Trung Quốc đang tìm kiếm các khóa đào tạo về cấy ghép nội tạng hoặc mô cơ thể ở nước ngoài; [và] (5) không tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên đề hoặc hội nghị quốc tế của các bác sĩ Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép và phẫu thuật cấy ghép”.
Trên thực tế, chúng ta không chỉ cần một cuộc tẩy chay trong lĩnh vực khoa học và y khoa đối với Trung Quốc, như giáo sư Curtis đã khuyến khích, mà còn cần đưa ra luật cấm các nhà khoa học và chuyên gia y tế hợp tác với các cơ sở y tế và khoa học ngoại quốc có các hoạt động phi đạo đức tồi tệ. Điều này cần được áp dụng cho ĐCSTQ ngày nay nhiều như lẽ ra nó đã phải được áp dụng cho Đức Quốc Xã trong những năm 1930 và 1940.
Với luật như vậy, người ta sẽ nâng cao nhận thức rằng phương Tây nghiêm túc trong cam kết của mình đối với nhân quyền, cũng như sẵn sàng khẳng định những quyền này một cách mạnh mẽ trước sức mạnh áp đảo của các đảng chính trị phi tự do như ĐCSTQ. Nhận thức sẽ ngày càng được nâng cao ở Trung Quốc, nơi mà các tác động hạn chế của luật này sẽ dẫn đến hậu quả đối với sự ủng hộ và lãnh đạo của ĐCSTQ trong các hoạt động y tế và khoa học phi đạo đức, do đó gây áp lực buộc ĐCSTQ ngừng thu thập DNA cưỡng bức và thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Chúng ta phải hết sức coi trọng những vấn đề này tại những quốc gia có đặc quyền được hưởng các quyền tự do của họ, như trong trường hợp của các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, và người Tây Tạng ở Trung Quốc, những tội ác này đã cấu thành tội ác diệt chủng.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Doanh Doanh biên dịch