Thượng đỉnh Khí hậu COP 26 thất bại, nếu nước nghèo không tin nước giàu

Trọng Thành

Các nước nghèo yêu cầu các nước giàu thực hiện cam kết tài trợ hàng năm 100 tỉ đô la để thích ứng với các hậu quả của biến đổi khí hậu (bão lũ, nước biển dâng cao, khô hạn…) và cắt giảm khí thải. Ảnh minh họa. KAREL PRINSLOO UNCDF/AFP/File

Một tuần lễ trước thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland (Anh Quốc), khai mạc ngày 31/10/2021, vấn đề niềm tin của các nước đang phát triển đối với khối nước giàu đang đặt ra khẩn thiết. Cho đến nay, các nước giàu đã không thực hiện được cam kết, tài trợ cho các nước phát triển hàng năm 100 tỉ đô la cho cuộc chiến khí hậu, kể từ năm 2020.

Mất niềm tin vào các nước giàu, các nền kinh tế đang trỗi dậy – chiếm đến 80% tổng lượng khí thải gia tăng trong những thập niên tới – ắt hẳn sẽ không nỗ lực đóng góp cho cuộc chiến cắt giảm khí thải. Báo Le Monde có bài phân tích « Sự rạn vỡ của quan hệ Bắc-Nam đe dọa cuộc chiến vì khí hậu ».  Cùng với vấn đề tài trợ 100 tỉ đô la, bài phân tích của Le Monde cũng lưu ý một số khía cạnh căn bản khác trong hồ sơ tài chính khí hậu.

***

1/ Tại sao lại nói quan hệ tồi tệ đi giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển đe dọa « cuộc chiến khí hậu » ?

Nhật báo Le Monde có loạt bài 5 kỳ về “Chuyển đổi sinh thái – các thách thức kinh tế”. Bài cuối cùng, trong loạt bài nói trên có tựa đề “Sự rạn vỡ của quan hệ Bắc-Nam đe dọa cuộc chiến vì khí hậu” của Le Monde ra ngày 23/10/2021, nhấn mạnh trước hết đến phương diện “niềm tin” trong quan hệ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trước thềm thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow (Scotland). Hội nghị thượng đỉnh COP26 diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11 được coi như cơ hội hiếm hoi, thậm chí nhiều người coi là cơ hội cuối cùng, để cộng đồng quốc tế có thể đạt được đồng thuận về các cam kết cắt giảm khí thải, cho phép giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, bởi quá mức tăng này, môi trường trên Trái đất sẽ vô cùng khắc nghiệt vượt quá khả năng đối phó của nhân loại. Cho đến nay, tổng số các cam kết cắt giảm khí thải chỉ cho phép thế giới hướng đến mức tăng 2,7°C. Theo Le Monde, “các nước đang phát triển sẽ khó có thể tin tưởng vào các hứa hẹn mới, nếu những lời hứa trước đây không được thực hiện”.

Hứa hẹn mà Le Monde nhắc đến cụ thể là gì ? Tại thượng đỉnh Khí hậu Paris năm 2015 (COP 15), các nước phát triển đã chính thức cam kết huy động 100 tỉ đô la hàng năm kể từ năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo các số liệu mới nhất của OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), công bố hồi tháng 9, tổng số các cam kết mới chỉ đạt có gần 80 tỉ đô la.

Cam kết 100 tỉ đô la nói trên được coi là một trong những điều kiện căn bản giúp Thượng đỉnh COP 26 thành công. Hãng tin Pháp AFP ngày 11/10/2021 có bài “COP26: 100 tỉ đô la, những biểu tượng của sự bất công”. Ông Sonam P. Wangdi, chủ tịch nhóm các nước kém phát triển nhất (phụ trách Ủy Ban Môi Trường của chính quyền Bhutan), nhấn mạnh: “Thực hiện các cam kết … sẽ là điều hệ trọng để thiết lập niềm tin” (*).

Cho đến nay, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu tập trung khoảng một nửa lượng khí thải toàn cầu, tuy nhiên một phần quan trọng của cuộc chiến vì khí hậu sẽ được quyết định tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), “các nền kinh tế đang phát triển chỉ nhận được một phần năm trong tổng số đầu tư toản cầu vào năng lượng sạch, trong lúc các nước đang phát triển đại diện cho khoảng 80% lượng khí thải tăng lên trong những thập niên tới” (trong một cuộc trả lời Le Monde tháng 10/2021). Hay nói cách khác, nếu không có sự tham gia tích cực của các nước đang phát triển, cuộc chiến vì khí hậu sẽ thất bại.

Hôm qua, 6 ngày trước khai mạc thượng đỉnh khí hậu, chủ tịch COP26 ra báo cáo dự kiến các nước phát triển sẽ thực hiện lời hứa 100 tỉ đô la kể từ năm 2023, và số tiền tài trợ sẽ gia tăng sau đó, để đạt mức trung bình 100 tỉ đô la/năm (từ 2021 đến 2025). Chủ tịch COP26 bày tỏ: “Tôi tin rằng báo cáo này sẽ tái lập lòng tin và tạo ra một không khí phấn chấn”.

Tuy nhiên, khoản trợ giúp 100 tỉ đô la/năm mà các nước giàu cam kết cũng được đánh giá là hoàn toàn không đủ. Trong một cuộc họp trực tuyến hôm 30/09, ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, nêu nhận xét : khoản tiền 100 tỉ đô la không bằng ngân sách dành cho quyền truyền lại các trận đấu của Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Mỹ (NFL). Theo giám đốc truyền thông Quỹ Xanh vì Khí hậu, Simon Wilson, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần đến “hàng nghìn tỉ đô la”.

2/ Nhu cầu về tài chính cho việc “chuyển đổi sang nền kinh tế xanh” cụ thể ra sao tại các nước đang phát triển? Và tìm đâu để có được đủ tiền cho nhu cầu khổng lồ này?

Cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh rất tốn kém. Cụ thể là phải xây dựng các trại điện mặt trời hay điện gió, các cơ sở hạ tầng đô thị và giao thông mới tại các quốc gia mà vốn đầu tư là « đắt đỏ » hơn những nơi khác. Ngân hàng Thế giới ước tính cần đến khoảng từ 1.000 đến 2.000 tỉ đô la/năm chỉ riêng với các nước đang phát triển. Trong một báo cáo nhan đề “COP26: Delivering the Paris Agreement” (công bố hồi tháng 7), nhiều tổ chức thuộc các nước đang phát triển cho biết, vì thiếu tiền, người ta “bị đặt trước sự lựa chọn nghiệt ngã : hoặc mang nợ nhiều hơn nữa nỗ lực chống lại việc hâm nóng khí hậu, hoặc buộc phải xét lại các tham vọng, do thiếu nguồn lực”. Đại dịch Covid-19 cũng khiến hàng chục quốc gia đang sắp lâm vào cảnh “khủng hoảng nợ”.

Theo Le Monde, cần phải hướng sang khu vực tư nhân để tìm kiếm đầu tư. Trong một báo cáo công bố tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đầu tư thuộc loại « bền vững » đã tăng gấp đôi trong bốn năm trở lại đây, với tổng số 3.600 tỉ đô la trên toàn cầu. Tuy nhiên, số tiền đầu tư cho khí hậu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó, với 130 tỉ đô la. Theo Le Monde, hiện nay vấn đề là làm thế nào để hướng một phần trong số hàng nghìn tỉ đô la tiền gửi ngân hàng được trả lãi rất thấp, và đôi khi là lãi âm, tại châu Âu và Hoa Kỳ sang các nền kinh tế đang trỗi dậy, lại rất cần tiền cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, đầu tư cho khí hậu tại các nước đang phát triển vấp phải nhiều cản trở. Theo ông Tobias Adrian, phụ trách các thị trường tiền tệ và vốn của IMF, đầu tư “xanh” nói chung chỉ có hiệu quả xét về dài hạn. Bên cạnh đó là hàng loạt thách thức như “môi trường chính trị hay pháp lý không ổn định”, “thiếu vắng thông tin về lượng khí thải của doanh nghiệp”. Việc đầu tư cắt giảm khí thải tại nhiều nước đang phát triển chỉ tập trung trong một số lĩnh vực như năng lượng, và rất khó đầu tư sang các lĩnh vực khác như xây dựng chẳng hạn, theo ông Gagan, thành viên của CEEW, một nhóm tư vấn về chính sách năng lượng, môi trường, có trụ sở ở Delhi.

3/ Trong lĩnh vực tài chính khí hậu, cộng đồng quốc tế còn đối mặt với những thách thức lớn nào khác ?

Ngoài vấn đề 100 tỉ đô la hàng năm tài trợ cho cuộc chiến khí hậu nói chung của các nước đang phát triển, có sự khác biệt rất lớn giữa các nước nghèo và các nước giàu về lĩnh vực cần ưu tiên. Trong các tài trợ, các nước giàu dành đến 2/3 tổng số tiền cho việc giảm khí thải, và 1/3 cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong lúc nhu cầu chính của các nước đang phát triển lại là thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển muốn sử dụng một phần đáng kể tiền được tài trợ cho việc thích ứng, đơn cử như xây dựng đê điều, đầu tư cho nông nghiệp thích ứng được tốt hơn với thời tiết khô hạn….

Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 dự kiến cân bằng hai lĩnh vực : cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2016, Liên Hiệp Quốc ước tính tiền từ nay đến 2030 cần từ 140 tỉ đến 300 tỉ đô la hàng năm, chỉ riêng tại các nước đang phát triển. Một vấn đề quan trọng khác là, hai phần ba tài trợ của các nước giàu cho các nước nghèo là dưới hình thức cho vay, trong lúc các nước đang phát triển coi các nước phát triển mắc nợ họ, bởi trách nhiệm lịch sử trong việc gây ra biến đổi khí hậu.

Ngoài vấn đề đầu tư để cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, giờ đây đang xuất hiện thêm một đòi hỏi tài chính hệ trọng thứ ba: đền bù cho các tổn hại do biến đổi khí hậu. Một ví dụ mới đây là các trận lụt lớn tại miền nam Ấn Độ năm 2018, gây thiệt hại 3,5 tỉ đô la. Tổn thất gấp khoảng 30 lần ngân sách đền bù thiệt hại do thiên tai của Ấn Độ. Nhiều tổ chức phi chính phủ các bang miền nam Ấn Độ đã yêu cầu lập ra một quỹ thế giới phụ trách bồi hoàn thiệt hại cho các nạn nhân.

Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ). Tổng lượng khí thải của Ấn Độ ngang với Liên Hiệp Châu Âu). Tiếng nói của New Delhi được coi là hệ trọng trong cuộc chiến khí hậu hiện nay. Cho đến nay, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ chưa công bố cam kết cắt giảm khí thải (**).

Ghi chú

(*) Về chuyện thất hứa liên quan đến khoản tài trợ 100 tỉ đô, bà Patricia Espinosa, phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hiệp Quốc (thư ký của Công ước Khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc – CCNUCC), bên lề một hội nghị tiền thượng đỉnh COP26 tại Milan, đầu tháng 10, cũng khẳng định: “Đưa ra một triển vọng (về việc thực hiện cam kết 100 tỉ đô la) sẽ có thể khôi phục được niềm tin và cho phép chúng ta đạt được những tiến bộ về các vấn đề khác”. Bà Andreas Sieber, mạng lưới Climate Action Network, tập hợp hơn 1.500 tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực khí hậu, cũng cùng một quan điểm. Thủ tướng Anh Boris Johnson, quốc gia chủ nhà COP26, mới đây cũng thừa nhận trách nhiệm của các nước phát triển, trong đó có Anh, quốc gia từng đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp dựa trên các loại năng lượng hóa thạch.

(**) Ấn Độ vừa là quốc gia đang phát triển, nhưng cũng là thành viên của nhóm G20, bao gồm 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới. Ấn Độ chưa công bố cam kết cắt giảm khí thải, trong lúc 143 nước đã đệ nạp cam kết cắt giảm mới trước ngày 12/10 (hạn chót chính thức), và hàng chục nước đệ nạp cam kết sau hạn này. Hôm 24/10, New Delhi cho biết thủ tướng Narendra Modi sẽ tới thượng đỉnh khí hậu tại Glasgow.

Related posts