Ngọc Mai
Trong nhiều năm qua, rất nhiều cư dân của Kalachi đã rơi vào tình trạng buồn ngủ và thiếp đi bất cứ lúc nào một cách kỳ lạ dù họ không muốn vậy. Đôi khi giấc ngủ kéo dài hàng tuần mới tỉnh dậy, điều đó khiến các nhà khoa học phải bối rối.
Viktor Kazachenko, một cư dân của ngôi làng ru ngủ này khởi hành trên thảo nguyên từ ngôi làng của anh ở miền bắc Kazakhstan (Vùng Trung Á thuộc Liên Bang So Viết cũ). Anh ta đang lái xe đến thị trấn gần nhất để làm một số việc lặt vặt, nhưng anh đã không thể đến nơi được.
Anh nói: “Bộ não của tôi ngừng hoạt động, tôi không nhớ gì cả”, Kazachenko đã bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “bệnh ngủ” đang hoành hành ở Kalachi, một ngôi làng hẻo lánh cách thủ đô Astana của đất nước Kazakhstan khoảng 482km về phía Tây.
Căn bệnh bí ẩn đã khiến cư dân rơi vào trạng thái hôn mê, đôi khi kéo dài nhiều ngày không tỉnh. “Tôi sẽ đến thị trấn vào ngày 28 tháng 8”, Kazachenko nói với EurasiaNet.org, trong tình trạng vẫn còn hoang mang mất phương hướng vì căn bệnh: “Tôi dự kiến đến vào ngày 2 tháng Chín. Tôi hiểu khi thức dậy trong bệnh viện rằng tôi đã ngủ quên”.
Sự cố xe máy là chuyến hành trình thứ hai của anh ấy đến xứ sở của những giấc ngủ gật “lần đầu tiên tôi ngủ trong ba ngày”, Kazachenko cười nói. Anh vẫn duy trì được khiếu hài hước về tình cảnh khó khăn của mình, tuy rằng nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Kazachenko giải thích: “Sau giấc ngủ này, huyết áp của tôi bắt đầu tăng mà không có lý do, kèm theo đau đầu. Trong sáu tuần, tôi không biết phải đặt mình vào đâu. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý. Tôi đang rất cố gắng lạc quan hơn”.
Nhiều năm qua, các cư dân đã rơi vào trạng thái hôn mê và khiến họ có các triệu chứng như suy nhược cơ thể, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu chói mắt và mất trí nhớ. Đôi khi họ đang đi bộ trên đường, hoặc đang đi làm thì đồng loạt buồn ngủ và thiếp đi. Có người ngủ tới 6 ngày, người nhẹ hơn thì ngủ 3-4 ngày. Họ chỉ tỉnh lại khi thấy mình đang ở trong bệnh viện. Các bác sĩ cho hay những người này không phải bị bất tỉnh vì một căn bệnh nào đó mà cơ thể họ hoàn toàn khoẻ mạnh bình thường.
Căn bệnh này xảy ra lần đầu tiên tại ngôi làng vào mùa xuân năm 2013 và đã ảnh hưởng đến hơn 120 cư dân, khoảng 1/4 dân số Kalachi. Trong số họ, số người gặp trường hợp như Kazachenko đã không chỉ một lần .
Khoa học nghiên cứu xác định nguyên nhân
Chứng ‘bệnh ngủ’ đang làm các bác sĩ và các nhà khoa học bối rối, những người đã thử nghiệm mức độ bức xạ tăng lên, cacbon monoxit, radon và sự tạo thành các muối kim loại nặng có thể gây độc.
Các nhà khoa học cho biết, bức xạ nằm trong mức cho phép, nồng độ muối kim loại nặng cũng vậy. Mức độ cao của radon và carbon monoxide đã được phát hiện nhưng sau đó được loại trừ là một nguyên nhân.
Vào tháng Giêng, Sergey Lukashenko, Giám đốc Viện An ninh bức xạ của Trung tâm Hạt nhân Quốc gia, thừa nhận rằng một số ngôi nhà của những người dân bị ảnh hưởng có mức carbon monoxide cao hơn 10 lần so với khuyến cáo. Ông nói, điều này có thể gây ra các triệu chứng tương tự như “bệnh ngủ”.
Chính phủ Kazakhstan cho biết ngôi làng nằm trong “tầm ngắm cá nhân” của tổng thống Nursultan Nazarbayev, và thủ tướng Karim Masimov đã thành lập một ủy ban điều phối nghiên cứu: vào cuối năm ngoái, hơn 20.000 cuộc thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành – vào không khí, đất, nước, thực phẩm, động vật, vật liệu xây dựng và chính cư dân. Các cuộc kiểm tra vẫn đang diễn ra.
Các bác sĩ cũng hoang mang không kém. Các bệnh nhân buồn ngủ đã được gửi đến các bệnh viện ở thủ đô Astana để kiểm tra nhưng không có kết quả, và cơ quan Tengrinews của Kazakhstan đưa tin rằng phó thủ tướng Berdibek Saparbaev đã nhờ đến cộng đồng y tế quốc tế để được hỗ trợ.
Các báo cáo địa phương khác suy đoán rằng các nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở Mỹ đã cử các chuyên gia đến khu vực này. Trung tâm đã không trả lời yêu cầu xác nhận xem có đúng như vậy không.
Nghi ngờ liên quan đến mỏ uranium
Trong bối cảnh thiếu các dữ kiện khoa học, nhiều cư dân tin rằng họ biết nguồn gốc của vấn đề: mỏ uranium từ thời Liên Xô không được sử dụng ngay trước cửa làng.
Tatyana Shumilina nói: “Chúng tôi đã nghĩ rằng đó là bức xạ. Chúng tôi ở gần một mỏ quặng uranium ở đây, mặc dù nó đã là “một đống đổ nát trong nhiều năm”.
Mỏ Krasnogorskiy, gắn liền với làng Kalachi, từng là nơi sinh sống của các thợ mỏ được phái đến từ Nga và khắp Liên Xô (cũ) để khai thác uranium – được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy năng lượng và vũ khí hạt nhân của Liên Xô (cũ).
Krasnogorskiy hiện là một địa điểm ma quái, dần bị bỏ hoang sau khi mỏ đóng cửa vào những năm 1990. Ngày nay chỉ còn vài chục gia đình, nhà cửa còn nguyên vẹn nhưng nằm xen kẽ giữa những khu chung cư hoang tàn đổ sập xuống đất. Nhưng không ai trong số những gia đình này được cho là đã bị bệnh tật, và không có báo cáo nào về những người thợ mỏ chịu số phận tương tự dưới thời Liên Xô.
Asel Sadvokasova, thị trưởng Kalachi, thừa nhận: “Về chứng bệnh ngủ này, chúng tôi chưa có kết quả nghiên cứu trong tay”. Bà cho biết, ngay sau khi có kết quả chính xác, cư dân sẽ được thông báo.
Trong khi đó, “tất cả chúng tôi đều lo sợ về giấc ngủ”, người dân làng Tatyana Pavlenko nói.
Các nhà chức trách ở các khu vực hiện đang lựa chọn một giải pháp triệt để và gây tranh cãi: di chuyển dân làng ra khỏi Kalachi để ngăn chặn tiếp tục phơi nhiễm. Vào tháng Giêng, thống đốc khu vực Sergey Kulagin cho biết ông hy vọng việc di dời sẽ hoàn tất vào tháng Năm.
Thị trưởng, người đã từng trải qua cơn bạo bệnh, nói: “Một số biện pháp phải được thực hiện. Đây là một cơ hội tốt cho những người dân trong làng chúng tôi để tìm một ngôi nhà mới và một công việc mới”.
Làm việc với chính quyền địa phương và người sử dụng lao động, các nhà chức trách đã tái định cư cho khoảng 100 cư dân trên khắp Vùng Akmola, một khu vực hành chính rộng của miền bắc Kazakhstan. Nhưng có 425 cư dân vẫn ở lại sống trong làng.
Đó là “tái định cư tự nguyện” Sadvokasova nhấn mạnh, nhưng một số dân làng phản đối.
Kazachenko nói: “Tôi sẽ không đi đâu cả. Tại sao tôi phải đi? Tôi đã ở đây 40 năm. Tôi sắp chết ở đây”.
Vợ anh, Raisa, người đã chăm sóc anh qua hai cơn bệnh ngủ cũng bất chấp: “Tôi đã sống trong ngôi nhà này 20 năm. Tôi đã sống trên con phố này 60 năm, tôi làm công việc chở nước qua những con phố băng giá bằng một chiếc xe trượt tuyết. Họ sẽ gửi tôi đi đâu? Điều gì đang chờ tôi ở đó”?
Thị trưởng Sadvokasova thừa nhận rằng một số gia đình không muốn chuyển đi: “Hiện tại chúng tôi đang làm việc với những gia đình muốn tái định cư. Tất cả đều trên cơ sở tự nguyện”.
Các nhà chức trách “cởi mở để đối thoại”, bà nói thêm. Vào tháng 12, các quan chức đã đến từng nhà để nói chuyện với cư dân về nhu cầu của họ. Họ đã hứa rằng tất cả các dịch vụ từ trường học đến bệnh viện vẫn sẽ hoạt động cho đến khi người dân cuối cùng đồng ý rời đi.
Một số dân làng bày tỏ mong muốn được đền bù nhưng nhiều người vẫn phản đối việc rời khỏi nơi họ lớn lên.
Ngọc Mai